Tân Sinh

Kiến trúc Tử Cấm Thành và những bí mật phong thủy không phải ai cũng biết

Tử Cấm Thành thuộc trung tâm Bắc Kinh ngày nay là cung điện của hai triều đại phong kiến Trung Quốc cuối cùng là nhà Minh và nhà Thanh. Nơi này thu hút lượng lớn du khách không chỉ nhờ kiến trúc tuyệt đẹp, mà đằng sau nó còn là nghệ thuật phong thủy lâu đời.

Năm 1402, Minh Thành Tổ lên ngôi Hoàng đế sau khi chiếm được Nam Kinh, sau đó dời đô về Bắc Kinh. Việc tấn công Nam Kinh và chuyển kinh thành về Bắc Kinh đều ngược hẳn với luật của tổ tiên. Do đó, khi xây dựng cung điện, ông muốn thêm nhiều yếu tố kiến trúc giúp củng cố ngai vàng.

Điều đó đồng nghĩa với việc cung điện sẽ được thiết kế để Minh Thành Tổ có vị trí như Hoàng đế được Thần linh lựa chọn và thuận theo ý Trời. Vì thế, Hoàng đế đã cử người về phía Nam tuyển chọn các bậc thầy phong thủy và thợ thủ công điêu luyện, đưa về Bắc Kinh để bắt tay xây dựng hoàng thành.

Âm và dương

Người Trung Quốc cổ đại tin rằng khởi đầu thế giới chỉ có hai yếu tố âm và dương. Trời là dương, Đất là âm. Mặt Trời là dương và Mặt Trăng là âm. Hoàng đế Vĩnh Lạc lệnh cho các thầy phong thủy tạo ra thiết kế ba lớp: lớp ngoài tạo thành vòng tròn có 4 đàn tế, lớp giữa là tường thành, và trong cùng là cung điện. Nhìn vào bản đồ Bắc Kinh thời cổ đại, ta có thể thấy phía ngoài tường thành là đền thờ Trời, Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời, tạo thành không gian hình tròn.

Tử Cấm Thành nằm ở trung tâm Bắc Kinh thời xưa, với hình thế núi phía sau (núi Vạn Niên) và sông chảy phía trước (sông Kim Thủy). Sông Kim Thủy là một kênh đào. Núi Vạn Niên cũng là sản phẩm nhân tạo, được làm từ đất đào sông, gạch đá từ cung điện nhà Nguyên cũ. Núi Vạn Niên được xây ở phía bắc cung điện mới, với vai trò ngăn chặn tà ma xâm nhập.

 

Sông Kim Thủy trong Tử Cấm Thành. (Ảnh: Klook)

 
Sông Kim Thủy và núi Vạn Niên đóng vai trò quan trọng trong Tử Cấm Thành, kết nối năng lượng âm dương của núi Thiên Thọ, Diêm Sơn, Thái Hành và Côn Lôn. Do đó, núi Vạn Niên trở thành “tổ rồng” – nơi năng lượng sống tập trung.

Trong khi đó, núi Thiên Thọ là đầu “mạch rồng”, tạo thành dòng chảy thông suốt và mạnh mẽ. Năng lượng từ cung điện có thể truyền qua hệ thống sông và núi này mà không gặp trở ngại gì, cho tới tận núi Côn Lôn và hòa vào năng lượng của trời.

Tử Cấm Thành có một trục chính chạy từ Bắc xuống Nam, chia toàn bộ cung điện thành hai phần: phần phía Đông tượng trưng cho dương, phần phía Tây tượng trưng cho âm. Mọi sảnh dọc trục chính này đều nhìn về phía Nam, bên trái là dương – nơi Mặt Trời mọc, bên phải là âm  – nơi Mặt Trời lặn. “Tổ rồng” nằm ở điện Giao Thái. Từ đây ta có thể thấy núi cuồn cuộn phía xa và dòng sông chảy vào cung điện, đem năng lượng từ trời truyền vào Tử Cấm Thành.

Âm và dương được xem là cội nguồn sự sống, từ thời Tần Thủy Hoàng, mỗi thế hệ Hoàng đế đều mong muốn quốc gia được thịnh vượng. Các hậu điện của Tử Cấm Thành được thiết kế theo tôn chỉ này, gồm cung Càn Thanh, điện Giao Thái và cung Khôn Ninh.

Ba điện này tạo thành một vòng tròn khép kín. Cung Càn Thanh là nơi Hoàng đế ở, còn cung Khôn Ninh dành cho Hoàng hậu, điện Giao Thái ở giữa tượng trưng cho sự bình yên và trường tồn, mối liên hệ giữa Trời và Đất, sự dung hòa của năng lượng âm dương, sự hòa hợp của mọi thứ trên thế giới.

Trên ngai vàng trong điện Giao Thái, chiếc gương Hiên Viên (chòm sao chế ngự mưa dông và sấm chớp) tượng trưng cho giao điểm giữa Trời và Đất, âm và dương.

Ngũ hành

Thuyết Ngũ hành là một trong những học thuyết quan trọng của Trung Quốc thời cổ đại, gồm Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Khắp Tử Cấm Thành, du khách có thể tìm thấy những chi tiết đặc trưng của các hành này.

“Thổ” xuất hiện ở điện trước và sau (được xây trên hai nền lớn tạo thành chữ “thổ” trong tiếng Trung). Ngoài ra, màu tượng trưng cho đất là màu vàng – màu cao quý nhất. Do đó, mái của các công trình ở khu điện trước và sau trong Tử Cấm Thành được lợp ngói vàng – thể hiện tầm quan trọng của chúng, đồng thời đánh dấu đây là trung tâm của cả nước.

 

Ngói màu vàng nổi bật của các cung điện trong Tử Cấm Thành. (Ảnh: Tripsavyy)

Yếu tố “Hỏa” nằm ở phía Nam, với cổng Ngọ Môn có hình năm con phượng hoàng. Cột trên năm cây cầu đá ngoài cổng được tạc họa tiết lửa.

Phía Bắc là “Thủy” kết hợp với truyền thuyết về Huyền Vũ (rùa đen). Cổng Huyền Vũ (sau này được đổi thành Thần Vũ) tượng trưng cho vị thần nước, nắm giữ sự sống và cái chết, cùng khả năng xua tà ma. Do đó, các phòng phía Đông và phía Tây của điện Tần An đều có ngói màu đen.

“Kim” là yếu tố ở phía Tây. Theo ngũ hành tương sinh, Kim sinh Thủy, nên dòng sông chảy quanh cung điện bắt đầu từ phía Bắc (chính vì thế mà có tên sông Kim Thủy).

Cuối cùng, “Mộc” nằm ở phía Đông, thể hiện sự sinh trưởng và thay đổi của vạn vật. Phía Đông rất giàu năng lượng, nơi lý tưởng để làm chỗ ở cho các hoàng tử. Màu của hành Mộc là xanh lục, do đó các khu nhà ở của hoàng tử đều lợp ngói xanh – thể hiện mong mỏi các hoàng tử luôn mạnh khỏe và có tiềm năng không giới hạn.

Trời và Đất

Theo người Trung Quốc cổ đại, một công trình hoàn hảo cần có sự hòa hợp giữa Trời và Đất. Nói cách khác, bản đồ các vì sao sẽ được phản chiếu trên bề mặt Trái Đất, tạo ra một hệ thống mang tính biểu tượng cao. Họ tin rằng sao Bắc Đẩu là trung tâm, các ngôi sao còn lại chia làm ba khu. Thiên đế sống ở trung tâm, quanh đó là các chòm sao Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ và 28 chòm sao khác, tạo thành bản đồ vũ trụ.

Tử Cấm Thành được thiết kế theo bản đồ sao, mô phỏng vị trí của chúng trên bầu trời theo cách thông minh hơn. Trước hết, compa được sử dụng để tìm ra vị trí Bắc Đẩu, từ đó quyết định hướng Nam, sau đó tới trục chính đi qua đó. Tiếp theo, “tổ rồng” được xác định (ở điện Giao Thái sau cung Càn Thanh). Đây là điểm khởi đầu cho việc thiết kế và xây dựng toàn bộ khu thành, và cũng là điểm sao Bắc Đẩu phản chiếu trên mặt đất.

Các khu phòng ở của cung Càn Thanh, điện Giao Thái, cung Khôn Ninh và sáu cung khác tượng trưng cho thiên đường, tam hậu điện tượng trưng cho khu trung tâm nơi dành cho Thiên đế. Điều này tạo ra liên tưởng “Thiên đế sống trên thiên đình, Thiên tử sống ở Tử Cấm Thành”. Sông Kim Thủy còn được coi là hiện thân cho sông Ngân Hà.

Kiến trúc của Tử Cấm Thành chứa đựng bản đồ sao, cũng như các yếu tố âm dương, Ngũ hành. Chúng được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ, từ vị trí hậu điện, tên cổng, hướng cổng, tới các con kênh dẫn nước… Tất cả hòa hợp và kết nối, biến Tử Cấm Thành thành một trong những công trình có phong thủy ấn tượng nhất mọi thời đại.

Theo Tinh Hoa