Trước đây rất lâu rồi, ở trấn Đường Tây, Chiết Giang có cây cầu Đinh Thủy, ở đó có chàng trai tên Mã Nam Châm hàng ngày đều lái đò đi qua đi lại dưới cây cầu này…
Chàng trai lái đò có lòng tốt, được Thần tiên tặng tấm vải bố giúp bay lên trời. (Ảnh từ Laimes Kalēja)
Một đêm nọ, anh chèo đò đi đêm. Trên bờ, có một bà lão dẫn theo đứa con gái, gọi đò vào xin được quá giang. Lúc này trên đò đã có một vài vị khách, và họ đều không muốn cho bà lão đi nhờ
Mã Nam Châm nói: “Vào giữa đêm hôm thế này, đây lại là phụ nữ nữa, không tiện đi đâu tìm chỗ ngủ, mọi người làm ơn cho họ đi, cho họ quá giang cũng xem như là tích chút âm đức vậy”. Rồi anh dừng đò lại bên bờ, gọi hai mẹ con nọ lên đò.
Bà lão dẫn đứa con gái lên tàu xong thì cả hai ngồi yên mà không nói tiếng nào. Lúc đó là đầu mùa thu, trời cao không khí mát mẻ. Bà lão nhìn lên bầu trời phía Bắc, rồi chỉ về phía 7 ngôi sao Bắc Đẩu và mỉm cười nói với đứa con gái rằng: “Trư Lang lại chỉ tay về hướng Tây rồi, sao mà ngài ấy thích đi theo mốt thế nhỉ?”. (Trư Lang mà bào lão nhắc đến chính là sao Bắc Đẩu. Người xưa thường quan sát sự thay đổi hướng của 7 ngôi sao Bắc Đẩu trong đêm, thì có thể đoán biết mùa khí hậu hiện tại).
Con gái nói: “Không phải đâu, Thất Lang quân chỉ là bất đắc dĩ thôi! Nếu như ngài ấy không liên tục đổi hướng theo thời gian, thì e rằng con người trên thế gian này sẽ không biết đến xuân hạ thu đông mất”.
Những vị khách trên đò rất đỗi ngạc nhiên khi nghe thấy những gì hai mẹ con họ đang nói, đến nỗi đều chăm chú nhìn về phía họ, nhưng hai người đều không bận tâm.
Khi chiếc đò đi đến cổng Bắc, trời cũng đã sáng và các hành khách đều rời khỏi đò. Lúc đó, bà lão đổ một ít đậu nành từ trong túi vải của mình ra, rồi cho vào một chiếc túi vải bố ở bên cạnh, xong gói kỹ lại và đưa cho chàng trai để thay lời cảm ơn.
Bà lão nói: “Tôi họ Bạch, sống ở Tây Thiên môn. Sau này nếu có một ngày cậu muốn gặp lại ta, chỉ cần đạp chân lên tấm vải bố này thì có thể bay được lên trời và tìm được nhà của ta”. Nói xong thì hai mẹ con cũng biến mất.
Mã Nam Châm cảm thấy hơi chột dạ, thầm nghĩ rằng họ là yêu quái, nên anh đã rắc những hạt đậu nành mà bà lão đưa cho mình xuống cánh đồng hoang. Khi về đến nhà, trong ống tay áo vẫn còn sót lại một ít hạt đậu nành, khi nhìn kĩ, thì mới thấy đó toàn là vàng.
Anh ta thấy hối hận, lòng thầm nghĩ: “Chẳng lẽ là mình đã gặp được thần tiên rồi sao?”. Nghĩ rồi, anh liền vội vã quay lại con đường nhỏ ở cánh đồng hoang để tìm lại những hạt đậu mình đã vứt đi, thì thấy những hạt đậu đã biến mất, nhưng tấm vải bố thì vẫn còn ở đó.
Anh nhặt tấm vải lên, và khi vừa bước hai chân lên tấm vải thì bỗng cảm thấy toàn thân tự nhiên nhẹ bẫng rồi bay lên. Khi nhìn xuống, thì thấy phía dưới là ngôi làng mình đang sống, nhìn thấy dưới chân mình là cả thôn làng, những người dân và cả những đám mây trắng cứ trôi ngang qua.
Anh càng bay càng cao hơn, và cuối cùng đã đến một tòa nhà bằng ngọc bích, tại đó có một cô gái mặc áo xanh, đang đợi bên ngoài cửa. Cô gái nói: “Anh quả nhiên đã đến rồi”.
Cô gái mặc áo xanh đi vào trong dìu bà lão ra. Bà lão nói: “Ta và cậu có một mối duyên xưa cũ. Ta muốn gả đứa con gái nhỏ này cho cậu”. Mã Nam Châm hổ thẹn từ chối, nói rằng mình không xứng.
Bà lão nói: “Thế nào là xứng hay không xứng, chỉ cần có duyên phận, thì tức là xứng rồi. Khi ta gọi cậu xin quá giang ở bên sông, thì duyên phận này đã xảy ra rồi; cậu chịu cho ta quá giang, tức là cậu đã chấp nhận mối duyên này rồi”.
Lời bà lão vừa dứt thì bỗng nhiên có một bàn rượu được bày sẵn đầy đủ thức ăn cả. Đàn sáo ca hát ngân vang để tổ chức hôn lễ cho cô gái mặc áo xanh và Mã Nam Châm.
Mã Nam Châm sống hơn một tháng ở chốn tiên giới này, tiêu diêu tự tại, phu thê ân ái. Một ngày nọ, anh thấy nhớ quê nhà nên đã thương lượng với vợ. Người vợ dạy anh hãy cứ dậm chân vào tấm vải bố rồi đáp lên những đám mây để đi xuống.
Mã Nam Châm đã dẫm chân lên tấm vải theo cách mà vợ mình nói, cả đoạn đường đi như cưỡi gió vậy, chẳng mấy chốc đã trở lại cây cầu Đinh Thủy. Người dân trong làng tụ tập đến nhà họ Mã để nghe ngóng chuyện, nghe xem trong hơn một tháng Mã Nam Châm biến mất đã xảy ra những chuyện gì. Dân làng lắng nghe Mã Nam Châm tường thuật lại mọi chuyện xong, ai nấy đều không tin là anh đã trở về từ cõi trời.
Kể từ đó, Mã Nam Châm vẫn thường xuyên đi lại giữa trời và đất, và chỉ dùng tấm vải bố nọ làm phương tiện di chuyển. Cha mẹ của anh rất lo lắng về việc làm này của con trai mình, nên đã bí mật đốt mất tấm vải bố. Khi tấm vải bị đốt thành tro, đã để lại một mùi hương kỳ lạ khó tả mãi một tháng mà vẫn không bay đi hết. Tuy nhiên, vì tấm vải không còn nữa, nên con đường lên trời của Mã Nam Châm cũng bị cắt đứt.
*Chú thích: Sách cổ “Hạt Quán Tử” ghi chép rằng: “Sao Bắc Đẩu hướng về phía Đông thì lúc đó trời vào mùa xuân; Sao Bắc Đẩu hướng về phía Nam lúc ấy trời vào mùa hạ; Sao Bắc Đẩu hướng về phía Tây lúc ấy trời vào mùa thu; Sao Bắc Đẩu hướng về phía Bắc lúc ấy trời vào mùa đông”.
(Trích trong “Tử bất ngữ” của Viên Mai thời nhà Thanh)
Tuệ Tâm, theo NTDTV