Bạn sẽ bất ngờ nếu biết rằng, học sinh tin tưởng vào lời nói của thầy giáo cũng sẽ được gọi là “mê tín”.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng xã hội ngày càng mê tín, khiến nhiều người xa rời văn minh và tiến bộ nhân loại. Nhưng cách dùng từ “mê tín” hiện nay lại không đúng với nghĩa ban đầu, thậm chí còn tô đen, quy chụp một cách không phân biệt giữa đức tin và sự mê muội, vô minh. Hẳn bạn sẽ bất ngờ nếu biết rằng, học sinh tin tưởng vào lời nói của thầy giáo cũng sẽ được gọi là “mê tín” theo đúng nghĩa ban đầu của từ này.
Mê tín trong đời sống hàng ngày
Mê tín là từ gốc Hán, trong đó “mê” (迷) theo Hán văn giải tự có nghĩa là bị cuốn hút, say sưa, ám ảnh bởi một cái gì đó, yêu thích cái gì đó hoặc mất khả năng phân biệt, phán đoán. “Tín” (信) là tin cậy, không nghi ngờ. Thế nên “mê tín” là tin tưởng khi chưa hiểu biết rõ ràng tường tận, là không hoài nghi bởi quá say mê, yêu thích, ngưỡng mộ.
Tương đương với lớp nghĩa “mê tín” như chúng ta đang dùng hiện nay, trong tiếng Anh người ta dùng từ “superstition” để chỉ những tín ngưỡng không phổ biến và những dị giáo không được đa số nhân loại thực hành. Đó là niềm tin bắt nguồn từ sự ngu dốt và sợ hãi những điều mình không biết hoặc từ nhận thức sai lầm vào quan hệ nhân quả, hay thái độ quá khích và mất lý trí đến khốn khổ vào những điều siêu nhiên.
Chữ “superstition” bắt nguồn từ tiếng Latin cổ là “superstāre” (superstō), vốn là từ ghép của super (nghĩa là ‘siêu, quá’) và stāre (nghĩa là đứng gần quan sát rồi bắt chước lại). Bản chất cũng chính là sự thực hành lại những gì mình quan sát mà chưa có quá trình nhận thức và đánh giá, hay chính là dựa trên niềm tin. Vậy nó cũng tương đồng với nghĩa gốc của từ “mê tín” trong tiếng Trung cổ.
Những nghĩa gốc cổ xưa nhất của từ “mê tín” mà chúng ta có thể tra cứu được đều không mang tính đả kích như cách dùng hiện nay.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta vẫn đang thể hiện sự mê tín của mình ở mọi phương diện. Trẻ em không đòi hỏi người lớn phải chứng minh cái gọi là ‘kinh nghiệm sống, đạo đức, phẩm hạnh’ rồi mới tin tưởng và nghe lời. Chưa hiểu rõ ràng tường tận mà tin theo thì đó chẳng phải là mê tín hay sao? Không có cái gọi là mê tín vào cha mẹ, ông bà, anh chị, thì sao chúng ta có thể dạy dỗ con trẻ? Tương tự như vậy, nếu không mê tín vào người thầy, học trò sẽ chẳng thể tin những gì thầy dạy.
Có một đoạn hội thoại được cho là của nhà bác học Einstein khi còn là sinh viên với giáo sư của ông. Dù câu chuyện ấy có thật hay không, thì thông điệp trong đó cũng khiến ta phải suy nghĩ khi nói về sự “mê tín”. Trong đó có đoạn:
Sinh viên: “Ngài có dạy cho sinh viên của ngài rằng họ tiến hóa từ loài khỉ không?”.
Giáo sư: “Nếu như cậu đang đề cập về quá trình tiến hóa tự nhiên thì dĩ nhiên là có”.
Sinh viên: “Đã bao giờ giáo sư quan sát được quá trình tiến hóa bằng mắt thường chưa, thưa giáo sư?”.
Giáo sư lắc đầu và cười.
Sinh viên: “Bởi vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hóa và càng không thể chứng minh rằng quá trình này đang diễn ra. Vì thế thưa giáo sư, có phải ngài không dạy bằng quan điểm cá nhân của mình, đúng không? Giáo sư là một nhà khoa học hay chỉ là một người thuyết giáo suông?”.
Chàng trai tiếp tục: “Có ai trong lớp học này đã từng nhìn thấy được bộ não của giáo sư chưa? Có ai đã từng nghe về bộ não của giáo sư, cảm nhận được bộ não đó, chạm được nó, hoặc ngửi được nó chưa? Không ai có mặt ở đây đã làm điều đó cả. Vì thế, theo như quy luật được thiết lập bởi kinh nghiệm, sự thử nghiệm, các phương pháp chứng minh, khoa học nói rằng giáo sư không có bộ não. Vậy chỉ bằng lòng kính trọng, thì làm sao chúng tôi có thể tin những gì ngài dạy được, thưa giáo sư?”.
Thế đó, chúng ta vẫn tin tưởng những gì thầy cô và người lớn dạy bảo vì có mê tín. Chúng ta tin tưởng giáo trình dạy học của Bộ Giáo Dục là vì có mê tín. Chúng ta tin thuyết tiến hoá đang bị ngày càng nhiều nhà khoa học trên thế giới phản bác cũng bởi sự mê tín.
Nếu không mê tín rằng sự nghiệp sẽ thăng hoa trong tương lai, sao ta có thể nỗ lực mỗi ngày? Không mê tín vào chính quyền, sao quân nhân có thể trung thành và có sức chiến đấu? Không mê tín vào những sản phẩm được quảng cáo trên truyền hình, sao bạn có thể quyết định mua chúng? Mê tín chẳng qua chỉ là việc đặt niềm tin vào một điều chúng ta chưa biết rõ. Nhưng đôi khi đó là việc cần thiết.
Ví như không có đức tin và sự tin tưởng vào các quy phạm đạo đức vốn vô hình, con người sẽ không có gì níu giữ Thiện tâm Thiện niệm của mình. Cái ác, cái xấu sẽ được thả lỏng, buông tuồng khiến nhân tính ngày càng thụt lùi, sa đoạ. Con người không mê tín vào lương tri, phẩm hạnh, thì sẽ để dục vọng làm chủ bản thân, đạo đức xuống dốc, không điều ác nào không làm. Thế thì đó chính là phá hoại nhân tính, huỷ diệt nhân loại.
Thế nên, nghĩa gốc ban đầu của từ “mê tín” không hề nặng nề như chúng ta vẫn hay dùng. Khi chúng ta tin hay say mê một cái gì đó chưa được chứng minh cụ thể tường tận, thì đó chính là mê tín. Điều đó có thể là chân lý, cũng có thể chưa phải là chân lý. Bản thân từ “mê tín” không hề mang ý nghĩa đả kích hay châm biếm.
Điều chúng ta “mê tín” có thể là chân lý, cũng có thể chưa phải. Bản thân từ “mê tín” vốn không mang ý nghĩa đả kích hay châm biếm. (Ảnh minh họa: xuehua.us)
Một tấm áo đen được khoác lên khiến từ ngữ trở thành vũ khí
Bắt đầu từ thời Đại Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc, để quy chụp và dễ bề phá bỏ văn hoá truyền thống mà họ cho là một trong “tứ cựu” (bốn cái cũ: tư tưởng cũ, văn hoá vũ, phong tập cũ, tập quán cũ), vốn bao hàm nhiều nội dung về đức tin câu thúc đạo đức con người, người ta đã khoác lên “mê tín” một lớp ý nghĩa sai lệch. Từ đó “mê tín” trở thành từ ngữ có sức phá huỷ rất lớn. Chỉ bằng đánh giá chủ quan, vô trách nhiệm, hai chữ “mê tín” có thể khiến một người thân bại danh liệt. Nó đã trở thành vũ khí nguy hiểm để người đấu với người, đấu với cả truyền thống văn hoá nghìn năm văn hiến và huỷ diệt đi sợi dây níu giữ đạo đức.
Phần lớn người Trung Quốc ngày nay không còn tin vào “nhân quả báo ứng”, “ác giả ác báo”, nên xã hội Trung Quốc đầy rẫy những tội ác kinh hoàng làm chấn động thế giới: Pha chất độc vào sữa bột dành cho trẻ em, dùng bào thai làm thuốc, mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm đang còn sống… Chính quyền Trung Quốc có cái mũ “mê tín” với sức công phá lớn sẵn sàng chụp lên bất kỳ những ai tin tưởng và thực hành theo những nguyên lý tốt đẹp như Chân Thiện Nhẫn, nên họ ra sức đàn áp tín ngưỡng, bắt giam phi pháp, huỷ diệt thanh danh đối với những nhóm người có đức tin (người theo đạo Công giáo ở Chiết Giang, người theo đạo Phật ở Tây Tạng, người Hồi giáo ở Tân Cương, học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc…).
Khi đạo đức và lương tri cũng bị quy là “mê tín”, thì người dân Trung Quốc sẽ chẳng còn câu thúc đạo đức, tội ác nào họ cũng dám làm. Để bây giờ đất đai, nguồn nước, thực phẩm, không khí ở Trung Quốc đều đã ở vào tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Xã hội phức tạp và căng thẳng, người với người thiếu niềm tin và luôn hằm hè nhau, căng cứng tự vệ và sẵn sàng làm tổn hại người khác để mình được lợi. Sống trong xã hội như vậy, nên con người cũng trở nên dị hợm, khác thường. Khách du lịch, du học sinh, chính khách Trung Quốc ra trường quốc tế để lại khá nhiều hình ảnh xấu xí, đáng chê trách. Đó đều là kết quả của một nền văn hoá không còn niềm tin và cội rễ.</pTrong thời Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc, từ “mê tín” đã bị choàng thêm một tầng ý nghĩa đả kích đấu tranh để hủy hoại Văn hóa truyền thống. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)
Không thể đánh đồng
Quay trở về với cách dùng từ “mê tín” như ngày nay, nếu xét trên cái nghĩa, bất kể thứ gì chúng ta không tin, những gì bên ngoài tri thức, hoặc khoa học thực chứng chưa nhận thức được đều gọi là mê tín. Trong khi kiến thức nhân loại cứ mấy chục ngày lại đổi mới, và cái mới có thể phủ nhận hoàn toàn cái cũ, thì tất cả chúng ta đều là những kẻ mê tín. Và như thế thì khoa học hiện đại cũng chẳng phát triển được. Vì những phát kiến mới và sự phát triển của khoa học đều là cái trước đây người ta chưa nhận thức được. Thế thì hoá ra mấy nhà khoa học đó đều là kẻ mê tín trước khi chứng minh được cho nhân loại thấy kiến thức mới hay sao?
Vậy đừng biến ngôn từ thành chiếc mũ chụp đầu, thành vũ khí để tấn công người khác. Đừng thêm vào hàm nghĩa có tính tranh đấu để làm nhiễu động nhân tâm, kích động những kẻ thiếu suy xét đánh đồng tất cả người tốt và kẻ xấu, đánh đồng chân lý và sự u minh, sự thật và giả tướng. Có thể chúng ta đang nghĩ rằng ý nghĩa thêm vào có thể đả kích được điều ta tin là sai trái, nhưng rất có thể nó sẽ phá huỷ nhân tính của con người như những gì diễn ra tại Trung Quốc sau Đại Cách mạng Văn hoá.
Thay vào đó, chính sự mở lòng và sẵn sàng tiếp thu những điều ta không tin lại có thể giúp tránh những hành động u minh mà ta vẫn hay gọi là mê tín ấy. Ví như, nếu ai ai cũng đều có đức tin vào nhân quả báo ứng, thiện có thiện báo, ác có ác báo, thì họ sẽ hiểu rằng cầu Thần khấn Phật không thể giúp phát tài, sinh con trai, công thành danh toại… Bởi những gì ta có đều là do nghiệp đức tích từ chính hành động của chúng ta mang lại. Đều là niềm tin, nhưng nó không phải tới từ sự vô minh thiếu Pháp lý chỉ đạo, chỉ hoàn toàn dựa trên dục vọng và sự lý giải thiếu gốc rễ.
Sẽ luôn có cách ôn hoà, từ bi và cởi mở để giải quyết những xung đột về hệ tư tưởng. Không nhất thiết cứ phải tranh đấu và đả kích lẫn nhau. Ngôn từ là di sản, là cầu nối văn hoá cho thế hệ sau, làm mất đi sự trong sáng của nó sẽ để lại hậu quả khôn lường như phá hoại đạo đức, huỷ diệt nhân tính.