Nhẫn không phải là chịu đựng đè nén, cũng không phải là kiềm chế bề ngoài, mà cần một trái tim rộng mở, khoan dung.
Một cô gái trẻ phụ trách công việc ở quầy giao dịch. Mặc dù thường xuyên phải tiếp xúc khách hàng, nhưng cô suốt ngày mang vẻ mặt ủ rũ, chán chường…
Cô có một thói quen rất đặc biệt, đó là mỗi khi gặp phải vị khách dữ dằn khó tính, bị mắng chửi, bị hiểu lầm… cô liền viết vào sổ chữ “Nhẫn”, cứ viết đi viết lại như vậy suốt 1 tiếng đồng hồ. Sau hơn 5 năm, cuốn sổ tay của cô đầy những chữ Nhẫn lớn nhỏ đủ loại. Những chữ Nhẫn ấy giống như gánh nặng đè nén trong tim khiến cô ngày càng mệt mỏi, đến mức u uất trầm tư.
Cảm giác như không còn lối thoát nào khác, cô gái bèn đến gặp bác sĩ tâm lý. Vị bác sĩ tâm lý khuyên nhủ rằng: “Cô nên thay quyển sổ ghi chép ấy bằng một cuốn sổ mới, trên mỗi trang lại chia làm hai phần, bên trái viết chữ “người xấu”, bên phải viết chữ “người tốt”. Trong khi làm việc, nếu gặp người xấu thì cô hãy viết một chữ Nhẫn vào bên trái, còn nếu gặp người tốt thì cô hãy vẽ một mặt cười vào bên phải. Cứ mỗi tuần cô hãy thử thống kê một lần, xem xem chữ Nhẫn nhiều hơn hay mặt cười nhiều hơn?”.
Từ đó, trong cuốn sổ mới của cô có cả những chữ Nhẫn và mặt cười. Những hình mặt cười bên phải nhiều hơn số chữ Nhẫn ở bên trái. Trong lòng cô thầm nghĩ: “Thì ra trên thế giới này, người khiến mình vui vẻ vẫn nhiều hơn cả”.
Ý nghĩ ấy đã quét sạch nỗi u uất trong cô, khiến cô phấn chấn tinh thần. Sau đó cô tự nhủ, từ giờ cô sẽ gắng hết sức để không phải viết thêm chữ Nhẫn nào nữa. Mỗi khi gặp vị khách dễ tính cô sẽ vẽ một mặt cười nho nhỏ. Còn mỗi khi gặp vị khách khó trao đổi cô sẽ nhẫn nại giải thích đến khi họ hài lòng, sau đó cô sẽ vẽ một mặt cười lớn để tự thưởng cho mình. Dần dần, cuốn sổ của cô là những bông hoa mặt cười tươi tắn, điều ấy cũng phản ánh lên khuôn mặt và tỏa sáng trong tâm hồn cô, khiến bệnh tật không chữa mà cứ thế tự khỏi. Cô không còn cảm giác mệt nhọc nữa, trái lại công việc khiến cô vui vẻ và có cảm giác thành công.
Nhịp sống hiện đại có rất nhiều áp lực: công việc cần theo kịp tiến độ, gia đình cần chu toàn, chuyện học hành của con cái cũng cần lo toan… muốn cân bằng tất cả thì quả thật không hề dễ dàng. Người không nhẫn được sẽ khiến công việc gặp trắc trở, quan hệ với đồng nghiệp đổ vỡ, không khí gia đình cũng là “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Có người vì không nhẫn được đã phải nghỉ việc, ly hôn, hoặc gây gổ với nhau, thậm chí lúc cả giận mất khôn còn gây ra án mạng, hủy hoại cuộc đời.
Ảnh minh họa
Thế nên, ai ai cũng đều biết tầm quan trọng của nhẫn, tự nhủ mình cần phải nhẫn nhịn, nhẫn nhịn, và nhẫn nhịn nhiều hơn. Nhưng đó chỉ là cái nhẫn hình thức, cái nhẫn trên bề mặt, còn trong tâm thì bực tức khó chịu u uất, cuối cùng cả thân và tâm đều mệt mỏi.
Nhẫn không phải là chịu đựng đè nén, nhẫn không phải là kiềm chế bề ngoài mà trong tâm vẫn uất hận, tủi thân, tấm tức. Nhẫn cần một trái tim rộng mở, khoan dung. Con người giữa bộn bề công việc, nào có ai không mắc lỗi, không nổi giận với người khác? Nếu biết yên lặng lắng nghe, đặt mình vào hoàn cảnh của người ta để hiểu những gì họ đang trải qua và chịu đựng thì chúng ta sẽ sinh lòng cảm thông, bởi người khác cũng đang chịu quá nhiều trong công việc, trong cuộc sống. Khi chúng ta cảm thông và yêu thương thì sức mạnh của tình yêu và lòng nhân ái cũng giống như cơn mưa ngọt ngào tưới mát trái tim đang khô cằn.
Thế nên:
Có khi nhẫn để lắng tai
Khôn khôn, dại dại nào ai tránh vòng
Có khi nhẫn để bao dung
Ta vui người cũng vui cùng có khi.
Nhẫn là khoan dung, là cảm thông, là thương yêu, chứ hoàn toàn không phải là nén nỗi uất hận vào lòng. Khi thực sự nhẫn được thì cuộc sống không còn đau khổ phiền muộn nữa, mà là những niềm vui bất tận.
Nam Phương
Theo ĐKN