Thời xưa, các bậc Quân Vương, hiền thần khi lựa chọn vợ đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, hơn là vẻ ngoài rất nhiều. Họ cho rằng, chỉ người phụ nữ có đức hạnh, hiền thục, trí tuệ mới có thể tề gia, dạy bảo con cái trở thành người tốt.
Trong Đạo gia từng có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục”. Có ý là đề cao chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ, khích lệ sự cần kiệm, chăm lo việc nhà, chú trọng tu dưỡng nội tâm, làm phong phú trí tuệ của bản thân, không nên tiêu phí quá nhiều thời gian, tiền bạc vào trang sức, quần áo và trang điểm cho vẻ bề ngoài mà. Người phụ nữ như vậy mới có thể trở thành người phụ nữ thực sự hiền đức.
Ngày nay sắc đẹp người phụ nữ được ca ngợi và hình tượng hóa, nhiều người còn cho rằng “Hồng nhan bạc triệu” nên ra sức chạy theo trào lưu phẫu thuật thẫm mỹ, với ý nghĩ sẽ đổi đời và kiếm được “đại gia”.
Nhưng quay ngược thời gian về với lịch sử xa xưa, những bậc anh hùng cái thế, làm nên việc lớn lưu danh thiên hạ, thì sau lưng họ là bóng dáng của một người vợ đức hạnh, tài trí chứ không phải là nhan sắc, thậm chí nhan sắc còn rất tầm thường có thể nói là “ma chê quỷ hờn”.
Gia Cát Lượng và người vợ xấu xí Hoàng Nguyệt Anh
Gia Cát Lượng từng có bài tản văn như thế này: “Phụ nữ xấu như tách trà. Ngồi trong sân vắng vẻ, tách trà như tâm tình của cô gái. Xuân qua thu lại, thế sự như mây. Người đời hay nói: rượu, thuốc lá, trà là ba báu vật của đàn ông. Tài nữ như thuốc lá, mỹ nữ như rượu nồng, còn phụ nữ xấu chỉ lặng lẽ như trà tỏa hương. So với hương trà man mác, vô luận khói thuốc đắng cay hay men rượu nồng nàn, đều thành dung tục. Song người đời lại say mê sự kích thích của rượu và thuốc lá, ít ai thư thái để tận hưởng vị thanh khiết của trà.
Đúng vậy, phụ nữ xấu thì không lồ lộ vẻ đẹp trời ban, song tâm hồn họ thanh tao như hương trà. Xa lánh thế gian huyên náo mới có thể giữ được sự thuần khiết của tâm hồn, mới có thể hiểu nhã thú của đời người. Phụ nữ xấu, bất kể đi làm hay ở nhà, việc gì họ làm cũng chỉn chu. Phụ nữ xấu cũng lương thiện, biết hy sinh, không cầu báo đáp, không tranh giành, hệt như hương trà u mặc thời ẩn thời hiện.
Song, trong khi người đời tán dương tài nữ, ca ngợi mỹ nữ thì họ lại đối xử với phụ nữ xấu thật bất công. Phụ nữ xấu chan chứa thương yêu mà không một ai nhớ họ, nhưng họ cũng không để ý mà chỉ rút vào im lặng. Trong khi những người đẹp làm bao chuyện ầm ĩ, người phụ nữ nhan sắc tầm thường vẫn thản nhiên giữ gìn mỹ đức.
Có một điều an ủi, nhiều người đẹp khi trút lớp phấn son ra, họ xấu hổ không còn dám đứng trước phụ nữ xấu. Phụ nữ xấu yêu ai, người đó sẽ là người tình trong mộng. Họ khiêm nhường, như tách trà. Một làn gió nhẹ thổi qua, mặt tách trà gợn sóng, chờ đợi người tới thưởng thức. Mà người thưởng trà sẽ có được một đời hạnh phúc“.
Không ngẫu nhiên mà một bậc tài trí hơn người, thận trọng mọi việc, bách chiến bách thắng, tiếng tăm lừng lẫy vang danh bốn bể như Gia Cát Lượng lại viết bài tản văn nghe thâm thúy đến vậy. Bởi lẽ, vợ của ông là một cô gái “xấu xí hơn người” nhưng tài đức không ai bì kịp, Hoàng Nguyệt Anh.
Sử sách ghi lại rằng bà Hoàng Nguyệt Anh vốn là là một cô gái thô kệch, tóc vàng, da đen, thậm chí trên da còn nổi lên chút nhăn nheo như da gà khiến người ngoài nhìn vào không khỏi “phát run”. Nhưng phẩm chất đức hạnh của bà lại nổi tiếng khắp nơi xa gần. Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn ở Hà Nam.
Hoàng Nguyệt Anh tuy là cô gái xấu xí nhưng có kỳ tài, không phải là nữ nhi bình thường trong thiên hạ. Không những có khả năng chế tác siêu phàm, trợ giúp Gia Cát Lượng chuyện chính sự, bà còn là một phụ nữ gia đình khéo léo, giỏi thêu thùa, may vá, vẽ tranh, trồng cây, nấu ăn. Sau khi về làm vợ Gia Cát Lượng thì mọi việc lớn bé trong nhà đều một tay bà chu toàn. Bạn hữu đến nhà đều được bà thết đãi rất nồng hậu nên ai ai cũng không ngớt lời ngợi khen. Con cái sinh ra đều được bà thai giáo từ bé. Chính nhờ người vợ hiền thảo như vậy mà Gia Cát Lượng có thể chuyên tâm lo việc đại sự quốc gia, làm nên việc lớn.
Là một người thông minh như Gia Cát Lượng đương nhiên ông biết rằng người mình cần lấy mà một hiền thê chứ không phải là “Bình hoa”. Và cũng không riêng Hoàng Nguyệt Anh mà trong lịch sử Trung Quốc còn có những người phụ nữ xấu “ma chê, quỷ hờn” lại khiến các bậc trượng phu phải kính nể, xem trọng về tài đức như hoàng hậu Mô Mẫu, hoàng hậu Chung Vô Diệm hay Nguyễn Thị, Mạnh Quang.
Mô Mẫu vợ của Hoàng Đế thời viễn cổ
Thời cổ đại, người phụ nữ nổi tiếng là xấu xí nhất phải nói đến Mô Mẫu. Tương truyền rằng, Mô Mẫu là người có hình dáng như quỷ dạ xoa, xấu xí vô cùng. Vương Tử Uyên đời Hán trong “Tứ tử giảng đức luận”, viết rằng: “Mô mẫu oa khôi, thiện dự giả bất năng yểm kì xú”, tức là Mô Mẫu có vóc người to lùn, người mà giỏi khen cũng không thể giấu được chỗ xấu của bà.
Nhưng Mô mẫu lại là người phụ nữ hiền đức. Thủy tổ của dân tộc Trung Hoa là Hoàng Đế đã cưới bà làm vợ. Truyền thuyết kể rằng, Hoàng Đế đánh bại được Viêm Đế, giết chết Xi Vưu đều là nhờ có công giúp đỡ của Mô Mẫu.
Mô Mẫu có đức hạnh và phẩm chất tốt, hơn nữa còn có trí tuệ hơn người nên được hậu nhân đánh giá là tấm gương của người phụ nữ thời đó. Bởi vì thời ấy, nam nhân chọn vợ đều đặt đức hạnh lên hàng đầu.
Mạnh Quang vợ của Lương Hồng thời Đông Hán
Tương truyền khi Mạnh Quang theo Lương Hồng đến đất Ngô làm mướn, mỗi khi Lương Hồng về nhà, Mạnh Quang đã chuẩn bị sẵn thức ăn, nâng chiếc án (mâm) lên ngang tầm chân mày, thể hiện lòng kính trọng đối với người chồng.
Nhưng vị hiền phụ này lại “thô kệch không ai bằng”, “mập xấu lại đen”. Truyền thuyết có kể, Lương Hồng trước khi cưới vợ, danh tiếng đã vang xa, nhiều nhà muốn gả con gái cho nhưng Lương Hồng không chịu.
Mạnh Quang khi chưa lấy chồng, có người đến làm mai, nhưng Mạnh Quang không đồng ý, nói rằng: “Nếu lấy chồng thì lấy người như Lương Hồng”. Sau khi thành hôn, sang ngày thứ hai, Mạnh Quang thay y phục lụa là gấm vóc, mặc vào loại vải thô, chăm lo việc gia đình. Sau khi theo Lương Hồng đến ẩn cư trong núi Bá Lăng, chồng cày vợ dệt, cùng ngâm thơ đàn hát, vợ chồng xướng hoạ, sống một cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc.
Nguyễn Thị vợ danh sĩ Hứa Doãn thời Đông Tấn
Hứa Doãn thời Đông Tấn cưới con gái của Nguyễn Đức Uý làm vợ. Đêm động phòng hoa chúc, Hứa Doãn phát hiện cô gái nhà họ Nguyễn này dung mạo xấu xí liền vội bỏ chạy ra khỏi phòng, từ đó không chịu vào.
Về sau người bạn của Hứa Doãn là Hoàn Phạm đến thăm, nói với Hứa Doãn rằng: “Nhà họ Nguyễn đã gả cô con gái xấu xí cho anh tất có nguyên nhân, anh nên tìm hiểu thử xem”.
Hứa Doãn nghe theo lời Hoàn Phạm vào phòng. Hứa Doãn vừa nhìn thấy dung mạo xấu xí của vợ định bước ra. Người vợ níu lại. Hứa Doãn vừa vùng vẫy vừa hỏi người vợ rằng: “Đàn bà có ‘tứ đức’, nàng được mấy đức?” (‘Tứ đức’ của phụ nữ là đức, ngôn, dung, công).
Người vợ đáp rằng: “Thiếp chỉ thiếu mỹ dung. Còn những người đọc sách có ‘bách hạnh’, chàng được mấy điều?”
Hứa Doãn đáp rằng: “Ta có đủ bách hạnh”.
Người vợ nói: “Bách hạnh lấy đức làm đầu, chàng háo sắc mà không háo đức, sao lại cho là có đủ?”
Hứa Doãn không trả lời câu nào được, chỉ thấy Nguyễn Nữ có kiến thức sâu rộng và phẩm chất mà người phụ nữ bình thường không có được. Từ đó hai vợ chồng họ tương thân tương ái, tình cảm ngày càng sâu đậm.
Cổ nhân ca ngợi phụ nữ có khí chất bao gồm: Nghi thái (lễ tiết), ngữ thái (giọng điệu lời nói), tình thái (biểu đạt tình cảm), khí thái (tính cách), tâm thái (biểu hiện nội tâm), và thần thái (hàm dưỡng tinh thần), sau đó mới đến tư thái (dáng dấp dung mạo).
Sức hút của người phụ nữ thì 7 phần ở tinh thần 3 phần mới nằm ở dung mạo. Khi khí chất toát ra từ bên trong, thì vẻ đẹp này sẽ lâu dài hơn, lôi cuốn hơn, và sẽ không mất đi theo thời gian mà càng lúc càng được bồi đắp. Người phụ nữ mà từng lời nói cử chỉ hành động đều mang theo một khí chất riêng, thì sẽ khiến người ta yêu thích và trân trọng.
Sắc đẹp có thể phai tàn theo thời gian nhưng phẩm hạnh và tài trí thì sẽ luôn có thể được bồi đắp và mãi trường tồn. Một người đàn ông thông thái, có nội hàm tu dưỡng và cái nhìn sâu sắc thì tất nhiên sẽ chọn cái đẹp vĩnh cửu, một người vợ thông minh khéo léo giúp họ làm nên đại sự chứ không phải là “một bình hoa di động”.
Khi cưới được một người vợ như vậy thì cũng đồng nghĩa họ có một trợ thủ đắc lực trong sự nghiệp, và một tách trà thơm thanh khiết thưởng thức mãi không biết chán.