Theo thông tin độc giả phản ánh, chiều tối ngày 11/4, ở hồ Xương Rồng (đường Hoàng Ngân, TP. Thái Nguyên) đã xảy ra một vụ hành hung nghiêm trọng. Một nhóm người đang tập luyện ngoài công viên thì bị đám đông khoảng 30 người cầm gậy sắt 3 khúc, côn nhị khúc sắt đuổi đánh, gây thương tích. Tuy nhiên câu chuyện bắt nguồn từ một vụ án xử kín có nhiều dấu hiệu oan sai ngay trước đó tại Thái Nguyên…

tn-700x366Hình ảnh của 4 cá nhân bị đưa ra xét xử trong phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên ngày 11/4/2018. Từ trái sang: Vũ Thị Huyền, Trần Thị Ngọc, Trần Kim Chung, Trần Thị Tiến.

Từ vụ hành hung ở hồ Xương Rồng  

Các nhân chứng kể lại rằng, nhóm thanh niên hành hung người “dùng lời lẽ và thái độ rất thô lỗ”. Mặc dù vậy, người dân đang tập luyện ở hồ Xương Rồng đều hành xử rất ôn hòa, “lặng lẽ và trầm tĩnh ra về”, không có bất kỳ hành vi hay lời nói nào khiêu khích nhóm thanh niên nổi giận.

Anh Trần Hữu Tuấn (35 tuổi, Hà Nội, người bị đánh) kể lại: “Chiều ngày 11/4 vừa rồi, tôi đến hồ Xương Rồng, thành phố Thái Nguyên để tham gia luyện tập cùng mọi người. Khi tôi đến điểm luyện tập thì thấy mọi người đang bị một nhóm các bạn thanh niên đến đuổi. Người thanh niên bịt mặt nhìn thẳng vào tôi và gọi người đến ra tay. Nghe vậy, tôi quay lưng ra về vì không muốn va chạm với họ. Sau đó, tôi bị đạp rất mạnh vào lưng và ngã xuống đất. Lập tức có 3, 4 người liên tục đấm đá vào mặt và sau đầu tôi. Tôi cố gắng đứng dậy ra về cùng mọi người, họ lại đuổi theo và tiếp tục đánh ngã tôi lần thứ hai. Một bạn nữ quay lại giúp tôi đứng dậy cũng bị những thanh niên kia đánh rất mạnh vào người và đầu”.

Anh Tuấn Anh (Hà Nội), một nạn nhân khác của vụ hành hung cho hay: “Khi tôi cùng khoảng 30 người nữa đang tập thì có một nhóm người kéo đến. Một thanh niên bịt mặt hô hào ném mắm tôm vào chúng tôi và yêu cầu chúng tôi đứng dậy ra về. Trên đường đi về, tôi bị đạp rất mạnh vào lưng. Khi ngã xuống đất, tôi cảm thấy mình bị đánh rất nhiều vào miệng, tai và gáy”.

Nhóm người luyện tập Pháp Luân Công buổi chiều tối ngày 11/4 ở hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên). Sau đó họ đã bị nhóm thanh niên lạ mặt hành hung. (Ảnh do người dân cung cấp)

Anh Luân (làm kinh doanh ở Hà Nội), người chứng kiến toàn bộ sự việc cho biết thêm: “Hôm 11/4, tôi có mặt tại hồ Xương Rồng và tận mắt chứng kiến 20-30 thanh niên cầm mắm tôm ném vào một nhóm người đang luyện tập Pháp Luân Công ở hồ. Sau đó, các thanh niên này còn dùng lời lẽ thô tục mắng và đuổi nhóm luyện tập này đi ra chỗ khác. Nhóm người không phản kháng gì và từ từ ra về nhưng tiếp tục bị những thanh niên kia đuổi đánh, mắng chửi. Trong số người bị đánh, tôi thấy còn có cả phụ nữ. Một số thanh niên còn ra chặn xe ô tô và yêu cầu những người luyện tập đang ngồi bên trong mở cửa. Những người xuống xe bị đổ mắm tôm từ đầu xuống khắp người, có người bị đánh vào mặt, vào đầu, bị sút vào người rất mạnh”.

Tất cả những người bị hành hung đều khẳng định rằng trước đó họ không hề có bất cứ mâu thuẫn hay va chạm nào với nhóm thanh niên lạ mặt kia. Tuy nhiên, những người hành hung đã không cho họ cơ hội giải thích, liên tục ra tay, ném mắm tôm và quấy nhiễu buổi tập luyện khí công ôn hòa của nhóm người dân này.

Hình ảnh nạn nhân bị hành hung ở hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên) vào chiều ngày 11/4/2018 (Ảnh người dân cung cấp).

Theo lời chị Hương (Hà Nội) là người có mặt tại hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên), cũng là người bị nhóm thanh niên lạ mặt hành hung thì sự việc này dường như có sự chỉ đạo. Chị Hương kể: “Tôi nhìn thấy một người áo đỏ gọi điện và chỉ đạo nhóm du côn đó. Sau khi gọi điện báo cáo thì họ bắt đầu ném mắm tôm vào chỗ mọi người tập luyện khiến mọi người phải tản về. Khi tới trụ sở Công an phường Phan Đình Phùng để trình báo thì tôi bắt gặp người đàn ông áo đỏ tên Hiếu đã chỉ đạo côn đồ đánh mọi người. Nhìn thấy chúng tôi, anh ta bỏ chạy. Tôi và mọi người đã chụp lại ảnh”.

Một nhân chứng khác, là người quen của người đàn ông tên Hiếu này cho biết: “Anh Hiếu làm dân phòng”.

Ảnh chụp người đàn ông tên Hiếu chỉ huy vụ bạo lực nhóm người tập Pháp Luân Công ở hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên) chiều ngày 11/4 (Ảnh do chị Hương cung cấp).

Anh Trần Hữu Tuấn chia sẻ: “Tôi là một người luyện tập Pháp Luân Công và luôn luôn chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để hành xử trong cuộc sống. Tôi luôn cố gắng không gây ra những hiềm khích, mâu thuẫn trong các mối quan hệ công việc và trong gia đình. Những người thanh niên này thực sự là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Thế nên, tôi khẳng định rằng mình không có hiềm khích với bất cứ ai trong số đó cả”.

Đến bản án “cướp tài sản của chính mình” gây xôn xao dư luận

Vụ hành hung đối với những người luyện tập ôn hoà tại công viên khiến nhiều người bất ngờ và hoang mang. Được biết, buổi sáng cùng ngày bị hành hung (11/4), nhóm người này đã di chuyển đến TP. Thái Nguyên để tham dự phiên tòa sơ thẩm công khai của Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên đối với 4 cá nhân về hành vi “cướp và cướp giật tài sản”. Tuy nhiên, không ai trong số họ được vào dự phiên xử án của Hội đồng xét xử sơ thẩm.

Sau khi phiên toà kết thúc, họ đã lặng lẽ rời đi và đến hồ Xương Rồng để luyện 5 bài tập thiền định nhẹ nhàng vào buổi chiều cùng ngày. Tại đây, họ bị một nhóm người lạ mặt mắng chửi và hành hung bằng vũ khí.

Được biết, những người bị đưa ra xét xử trong vụ án “cướp và cướp giật tài sản” tại TP. Thái Nguyên bao gồm: Trần Thị Ngọc (56 tuổi, thường trú tại xã Tân Phú, TX. Phổ Yên), Trần Thị Tiến (57 tuổi, thường trú phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên), Trần Kim Chung (57 tuổi), Vũ Thị Huyền (23 tuổi) đều ở TP. Thái Nguyên.

Bên trong phiên tòa xét xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên đối với 4 cá nhân: Từ trái sang: Trần Thị Ngọc, Trần Thị Tiến (hàng trên), Trần Kim Chung, Vũ Thị Huyền (hàng dưới). (Ảnh: Báo Thái Nguyên điện tử)

Trước đó, khoảng 18h ngày 29/7/2017, một nhóm nhỏ người dân đến quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên) mở nhạc và tập trống lưng. Tuy nhiên, khi họ đang tập trống thì có 2 người lạ mặt đến tắt loa và yêu cầu nhóm người dừng tập. Chị Khoa (Thái Nguyên), nhân chứng tại hiện trường cho biết: “Khi đội trống lưng đang tập thì Trưởng công an phường Trưng Vương và một số đông công an phường đến quay bằng điện thoại. Họ đều mặc thường phục. Trưởng công an phường mặc đồ tập thể dục. Công an tiến đến giằng lấy trống của nhóm người, hai bên giằng co rồi giảng giải. Anh công an giằng trống người sặc mùi rượu. Sau một hồi lâu, Trưởng công an yêu cầu tất cả về phường giải quyết. Tại quảng trường, công an phường không lập biên bản nào cả!”. Theo đó, 2 trống và 1 loa của nhóm người bị tịch thu, đưa lên xe chở về trụ sở công an phường Trưng Vương.

Tuy nhiên, thông tin đăng tải trên báo Công an Nhân dân ngày 11/8/2017 lại cho rằng: “Công an phường và UBND phường Trưng Vương đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ một số vật chứng vì đã vi phạm khoản 2 điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP”.

Theo lời anh Sơn (Thái Nguyên), trước đó các hoạt động tập trống và luyện tập của người dân ở quảng trường Võ Nguyên Giáp đã từng bị công an phường ra giải tán mà không đưa ra lý do cụ thể. Tuy nhiên chưa bao giờ xảy ra chuyện tịch thu tài sản như trên. Vì vậy, sự việc đáng tiếc này xảy ra khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.

Sau khi bị tịch thu trống và loa, nhóm người dân đã đến trụ sở công an phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) để giải thích lý do tập trống và yêu cầu trả lại tài sản nhưng bất thành.

Chị Nguyễn Thị Xìu (Thái Nguyên), một trong những người có mặt tại trụ sở công an phường Trưng Vương khi ấy kể rằng, mình được đưa sang phòng bên cạnh để lấy lời khai và chữ ký vào bản khai nhân thân. Chị Xìu cũng cho biết mình không ký vào biên bản thu giữ nào.

Đến khoảng 21h cùng ngày, khi công an phường vẫn tạm giữ tài sản và không trao trả, một số người dân đã cầm trống và loa ra về. Các nhân chứng kể lại, nữ trực ban Lục Khánh Linh tại trụ sở công an phường Trưng Vương khi ấy giằng co với người dân, một tay giữ trống, một tay bấm điện thoại gọi người đến và tri hô “Cướp! Cướp”, sau đó im lặng để nhóm người mang tài sản ra về.

Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Thái Nguyên viết: “Chị Lục Khánh Linh bị các đối tượng giằng co, xô đẩy dẫn đến bị đau bụng tức thai, đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Thái Nguyên khám và điều trị từ ngày 30/7/2017 đến ngày 02/8/2017”. Cũng trong bản cáo trạng này có viết: “Trong quá trình giằng co, chị Linh bị va đập vào ghế dẫn đến động thai phải vào Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Thái Nguyên điều trị”.

Tuy nhiên, chị Oanh (Thái Nguyên), người trực tiếp đến thăm chị Lục Khánh Linh cho biết: “Tôi và một người nữa lên bệnh viện Đa khoa Trung Ương Thái Nguyên thăm chị Linh nhưng không thấy. Tôi gọi điện hỏi để đến tận nhà thì chị Linh trả lời rằng đang ở bên ngoại. Trưởng Công an phường Bùi Tuấn Long nói với tôi rằng chị Linh không sao cả, để anh ấy chuyển quà cho chị Linh cũng được”. Như vậy, có thể khẳng định, chị Lục Khánh Linh không hề bị động thai, tức thai phải vào bệnh viện điều trị như trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Thái Nguyên viết.

Theo lời kể của chị Khoa (Thái Nguyên), khoảng 12h đêm 29/7/2017, công an TP. Thái Nguyên, công an phường và tổ dân phố đến nhà đọc lệnh bắt chị Nguyễn Thị Xìu. Khoảng 3h sáng, công an tiếp tục đến nhà bắt anh Trịnh Quang Thắng. Sáng hôm sau, anh Trần Kim Chung và chị Trần Thị Tiến cũng nhận được giấy triệu tập và ngay sau đó bị giam giữ.

Sau đó, chỉ trong ít ngày, tổng cộng có 8 người tập trống đã bị tạm giữ tại trụ sở công an TP. Thái Nguyên. Đến ngày 2/8/2017, có 4 người được thả về, 4 người còn lại tiếp tục bị tạm giam suốt hơn 8 tháng cho đến tận ngày xét xử phiên sơ thẩm mới đây 11/4/2018. Trong quá trình bị giam giữ, cả 4 người đều không được tiếp xúc với người nhà và luật sư.

Theo thông tin được biết, vào ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, công an và an ninh lập nhiều rào chắn quanh khu vực trụ sở Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên, ngăn cản người dân đến tham dự phiên tòa. Chị Khoa (Thái Nguyên), người có mặt tại khu vực xử án hôm 11/4 cho biết: “Hôm xử án, công an lập rào chắn. Rất nhiều công an và an ninh mặc thường phục ngồi ở quán hàng lân cận và trà trộn vào nhóm học viên Pháp Luân Công đang đứng trật tự trên vỉa hè. An ninh cho người phát loa công suất lớn, đứng vào giữa đội hình người tập luyện để phát nội dung xuyên tạc Pháp Luân Công. Họ còn nói xấu Pháp Luân Công khi những học viên này giải thích cho người dân. Họ phát loa gần như suốt thời gian xử án, phát đi phát lại đoạn video xuyên tạc, bôi nhọ Pháp Luân Công của an ninh Thái Nguyên”.

Vào ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, công an và an ninh lập nhiều rào chắn quanh khu vực trụ sở Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên, ngăn cản người dân đến tham dự phiên tòa. (Ảnh do người dân cung cấp)

Kết thúc phiên xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt: Trần Thị Ngọc 42 tháng tù giam, Trần Thị Tiến 36 tháng tù giam, Vũ Thị Huyền 15 tháng tù giam, Trần Kim Chung 12 tháng tù giam. Tổng mức hình phạt mà cả 4 người phải nhận lên đến gần 9 năm tù. Tất cả đều là người tập luyện Pháp Luân Công.

Thông tin đăng tải trên báo Công an nhân dân Online ngày 11/8/2017 cho biết 4 người bị tạm giam “là nhóm đối tượng theo Pháp luân công tại Thái Nguyên”. Tuy nhiên trong hồ sơ vụ án và bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Thái Nguyên không hề đề cập đến Pháp Luân Công. Chị Khoa (Thái Nguyên) cho biết, vào buổi sáng ngày 10/4, trước ngày xét xử sơ thẩm, khi đang có mặt tại nhà một học viên Pháp Luân Công thì Công an phường gọi tổ dân phố đến ngăn cấm họ tới dự phiên tòa. Trước đó, ở phiên xét xử bị hoãn vào ngày 22/3, chị Khoa cũng nhận được yêu cầu không đến dự phiên tòa từ tổ dân phố nơi mình ở.

Nhận định của chuyên gia luật về vụ việc 

Về sự việc xảy ra ở Thái Nguyên và bản án mà Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên tuyên phạt 4 cá nhân về hành vi “cướp và cướp giật tài sản”, TS. Nguyễn Duy Hưng, Cựu Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự, khoa Luật hình sự trường ĐH Luật TP. HCM, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy về tố tụng hình sự đã có một số nhận định.

Về việc công an phường Trưng Vương thu giữ loa và trống của nhóm người tập trống lưng tại quảng trường Võ Nguyên Giáp ngày 29/7/2017, TS. Nguyễn Duy Hưng cho biết: “Việc xử phạt hành chính này cần được thực hiện đúng theo trình tự xử lý hành chính như: lập biên bản vi phạm hành chính, lập biên bản tạm giữ tang vật hành chính, ra quyết định xử phạt hành chính và thông báo cho người bị xử phạt thời hạn khiếu nại quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, việc người dân sinh hoạt văn hóa có nhạc, trống nói trên cũng tương tự như các sinh hoạt văn hóa khác vẫn thường diễn ra trong công viên (khiêu vũ, aerobic, cầu lông, đá bóng), khi được thực hiện vào thời điểm công viên không có sự kiện gì cần giữ trật tự thì không phải là việc “cổ động”. Việc sinh hoạt văn hóa đời sống nơi công cộng (múa quạt, khiêu vũ, aerobic, đá bóng, tập trống…) không có yêu cầu phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được thực hiện”.

Đối với sự việc người dân vào trụ sở công an phường lấy trống và loa tối ngày 29/7/2017, TS. Nguyễn Duy Hưng cho rằng: “Hành vi lấy lại đồ vật của mình không cấu thành tội Cướp tài sản và Cướp giật tài sản, không cấu thành tội phạm. Trong Bộ luật Hình sự 2015 không có quy định nào về hành vi lấy lại tài sản của chính mình bị thu giữ trái luật là hành vi cướp hay cướp giật tài sản. Việc xác định tội danh của Cơ quan cảnh sát điều tra TP. Thái nguyên là không đúng thực tế và không có cơ sở pháp lý bởi theo luật định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (khoản 1, Điều 2, Bộ luật Hình sự 2015).

Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015, tội cướp tài sản được cấu thành khi có hành vi: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Rõ ràng việc người dân lấy lại tài sản đang thuộc quyền sở hữu của mình (đang bị thu giữ trái luật) không thể quy là hành vi cướp tài sản và cướp giật tài sản. Trên thực tế không có sự cướp hay cướp giật nào xảy ra tại trụ sở công an phường Trưng vương TP. Thái nguyên vào thời điểm kể từ sau 19h ngày 29/7/2017. Tội danh “cướp tài sản” và “cướp giật tài sản” mà cơ quan và người tiến hành tố tụng của TP. Thái Nguyên đã xác định đối với các bị can, bị cáo là không có cơ sở pháp lý”.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Duy Hưng: “Việc công an phường Trưng Vương đến nhà 4 người đã lấy trống, loa đài ngay trong đêm 29/7 rạng sáng ngày 30/7/2017 để thực hiện việc giữ và bắt giữ người khẩn cấp, theo các Điều 110, 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là không đúng với pháp luật và không có căn cứ thực tế”.

Về việc Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên dựng rào chắn, không cho người dân vào dự phiên tòa, TS. Nguyễn Duy Hưng khẳng định: “Tòa án TP. Thái Nguyên vi phạm một cách nghiêm trọng quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Vụ án này không thuộc về trường hợp xử kín theo quy định tại Điều 25: “tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Từ những người tập luyện ôn hoà bị hành hung trong công viên cho tới những công dân tập trống lưng phải đối mặt với án tù nặng, vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai đối với các công dân vô tội là học viên Pháp Luân Công khiến dư luận quan tâm lên tiếng.

Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là môn khí công Phật gia, tu dưỡng tâm tính theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và rèn luyện thân thể thông qua 5 bài tập nhẹ nhàng. Nhờ những lợi ích về sức khoẻ và đạo đức, tinh thần, Pháp Luân Công nhanh chóng được đón nhận và phổ biến ở 114 quốc gia trên thế giới với hơn 100 triệu người theo tập.

Không phân biệt giai tầng địa vị xã hội, tuổi tác, học viên Pháp Luân Công có đủ mọi tầng lớp xã hội, từ trí thức cho đến học sinh, người lao động, từ người cao tuổi đến thanh thiếu niên. Nền tảng của Pháp Luân Đại Pháp là lấy việc đồng hoá với đặc tính Chân Thiện Nhẫn làm nguyên tắc tối cao chỉ đạo người tu luyện, mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội, khiến đạo đức thăng hoa trở lại khi người người nhân tâm hướng thiện, lấy tiêu chuẩn đạo đức cao để ước thúc bản thân, hành xử thiện lương, làm một người tốt chân chính.

Các tài liệu hướng dẫn luyện tập Pháp Luân Công chỉ rõ rằng, học viên Pháp Luân Công không tham gia chính trị, tuyệt đối không có mục đích chống đối chính quyền, nghiêm khắc tuân thủ luật pháp tại nơi mình sinh sống, và nhấn mạnh nếu không làm như vậy thì không phải là học viên của Pháp Luân Đại Pháp.

Trong hoàn cảnh đạo đức ngày một suy thoái, nhìn một cách khách quan, dù luật pháp có chặt chẽ đến đâu, khi nhân tâm không hướng thiện thì tệ nạn vẫn sẽ xảy ra. Vì thế những người có tâm hướng thiện, coi trọng các giá trị đạo đức, họ sẽ làm cho đạo đức của xã hội thăng hoa trở lại, tốt đẹp trở lại, trăm phần có lợi cho xã hội, không một phần hại.

Tại Việt Nam, Pháp Luân Công đã trở thành môn khí công rèn luyện thân tâm được mọi người yêu thích và thực hành rộng rãi trong các công viên khắp cả nước. Các học viên đều có trải nghiệm tốt về sức khoẻ và tinh thần khi luyện tập. Đặc biệt giới trí thức dành rất nhiều thiện cảm đối với môn tập khí công Trung Hoa cổ đại này.

Nguyễn Thuỳ Trang, Cán bộ Liên Hợp Quốc tại Kenya: “Việc những người tu luyện lên tiếng minh oan và nói rõ về Pháp Luân Công cũng không phải là làm chính trị hay “truyền đạo” như nhiều người lầm tưởng. Bởi ngay ở những quốc gia văn minh và Pháp Luân Công không bị coi là thù địch đối với hệ thống chính trị thì những người tu luyện vẫn dành công sức để giải thích cho người dân nước đó biết về Pháp Luân Công, bởi đó là xuất phát từ tấm lòng thiện chân, thấy mình được nhận nhiều điều tốt từ tu luyện mà mong muốn người khác cũng được thoát bệnh khổ, có thêm hạnh phúc giống như mình. Do vậy Pháp Luân Công là chỉ mang lại điều tốt đẹp cho xã hội và chính quyền chứ không thể là trở ngại cho họ”.

Doanh nhân Phan Hồng Hải, Quản lý vùng Toyota Việt Nam: “Nửa đời làm kinh doanh, giờ tôi mới nhận ra: Lương thiện chính là cách quản trị hiệu quả nhất”.

Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng, Hãng Hàng không Hoàng Gia Trung Đông: “Mỗi ngày sức khỏe của tôi lại tốt hơn, các chỉ số, hệ tim mạch còn tốt hơn thời đầu khi tôi mới vào nghề”.

Bác sỹ Nguyễn Công Hoan, Bệnh viện Hữu Nghị: “Anh rể tôi cũng là một bác sỹ, anh vô cùng kinh ngạc, hễ gặp tôi là lẩm bẩm: “Ô, một Thần thoại của Hy Lạp đã về đây!”. Tức là anh ấy không thể tin, ung thư phổi như tôi thì chắc chắn phải ‘đi’ rồi chứ sao lại hồng hào thế này mà trở về đây?”.

Cô giáo Võ Thu Lan, Trưởng bộ môn Tiếng Anh Trường Tiểu học Hà Nội: “Là giáo viên trưởng bộ môn 20 năm qua, tôi thực sự tin rằng nếu các trường học đều đưa Pháp Luân Công vào giảng dạy như một số nơi trên thế giới thì những giá trị đạo đức sẽ được khôi phục và đề cao mạnh mẽ. Điều tốt đẹp phải xuất phát từ trong nội tâm mỗi giáo viên và học sinh thì mới có thể bền vững. Có như vậy, các thế hệ tương lai biết lấy Chân Thiện Nhẫn để ước thúc hành vi của mình, và gia đình, nhà trường, xã hội sẽ trở nên an định, thái bình”.

Pháp Luân Công nhận được sự tín nhiệm của rất nhiều giới trí thức tại Việt Nam. Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Anh Phan Hồng Hải, chị Võ Thu Lan, anh Nguyễn Tuấn Dũng, chị Nguyễn Thùy Trang, BS. Nguyễn Công Hoan (Ảnh: dkn.tv)

Việc tuyên truyền Pháp Luân Công làm chính trị, chống đối chính quyền là chiêu bài vu khống, bôi nhọ của Giang Trạch Dân, khi đó là Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư ĐCSTQ. Xuất phát từ lòng đố kỵ, lo sợ số người yêu thích môn tập này ngày càng phổ biến trên khắp Trung Quốc, ông Giang đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công từ ngày 20/7/1999, đồng thời tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công là tà giáo để biện minh, hợp thức hóa cho cuộc bức hại và kích động người dân quay lưng lại với môn khí công phổ biến nhất Trung Hoa đương thời.

Bởi sự tàn bạo và phi nhân tính của cuộc đàn áp này mà chính quyền Trung Quốc trong bao nhiêu năm qua đã nhận sự chỉ trích lên án mạnh mẽ của chính phủ các nước, của cộng đồng và các tổ chức nhân quyền quốc tế, đem lại điều tiếng và ấn tượng vô cùng xấu xa về hành động phản nhân quyền, tự do tín ngưỡng. Ngay tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một số tín hiệu cho thấy ông không muốn tiếp tục cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà ông Giang để lại, bãi bỏ hệ thống trại cưỡng bức lao động, cơ sở chính để giam giữ và bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Nhân quả báo ứng: Bức hại người lương thiện, Thiên lý không dung

Chỉ tính đến năm 2015, đã có hàng trăm quan chức tham gia đàn áp Pháp Luân Công bị sa lưới, minh chứng rằng Nhân quả báo ứng là có thật qua việc bức hại người tu luyện Pháp Luân Công. Kể từ khi nhậm chức, ông Tập đã bắt đầu một chiến dịch loại bỏ dần các ảnh hưởng của phe Giang. Hàng loạt các quan chức từng thăng tiến nhờ ủng hộ cuộc đàn áp của ông Giang, nay đã bị thanh trừng dưới chính quyền Tập. Các “hổ lớn” khác tham gia đàn áp Pháp Luân Công như Bạc Hy Lai,  Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu… đều nhận kết cục thảm khốc sau khi bức hại các học viên tu luyện Phật gia vô tội.

Các quan chức Trung Quốc từng đàn áp Pháp Luân Công đều đã ngã ngựa và đối diện với sự trừng trị của pháp luật. Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch, Giang Trạch Dân, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu (Ảnh: dkn.tv)

Doanh nhân Phan Hồng Hải – Quản lý vùng Tập đoàn Toyota: “Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc là do chính sách độc đoán của cá nhân cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Không có nơi nào trên thế giới cấm tập Pháp Luân Công ngoài Trung Quốc, và ngay cả ở Trung Quốc trong hiến pháp của họ cũng không có điều nào nói cấm tập môn này. Việc đàn áp những người tu luyện Phật gia theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn là phi lý. Cả thế giới biết điều đó và đang mạnh mẽ lên án, phơi bày sự thật về cuộc đàn áp vô nhân tính này. Tôi đã đi rất nhiều nước và ở đâu Pháp Luân Công cũng được ủng hộ. Một số nơi ở Việt Nam xảy ra tình trạng sách nhiễu học viên, đó là do hiểu sai hoặc thông tin không đầy đủ. Tôi tin là tất cả mọi người đều sẽ nhận ra vẻ đẹp và sự chân chính của môn tu luyện Phật gia này”. 

Cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công đã kéo dài hơn 18 năm nhưng vẫn không thể dập tắt lòng tin vào Chân – Thiện – Nhẫn của hàng trăm triệu người lương thiện trên thế giới. Khi hàng triệu người trước cuộc bức hại tàn khốc trong lịch sử có thể bước qua sinh tử cất lên tiếng nói của sự thật, cho thấy tuyên truyền giả dối của chính quyền Trung Quốc, thì đó chính là bởi chân lý bất biến của vũ trụ: Thiện sẽ thắng ác. Chính sẽ thắng tà. Hiện nay cả thế giới đều ủng hộ Pháp Luân Công vì đã đưa đạo đức con người thăng hoa trở lại. Chúng ta đã thấy rõ những nhân quả báo ứng tại Trung Quốc, nên chăng xem đó là một việc cảnh tỉnh?

Suốt hơn 18 năm qua, hàng trăm triệu người trên toàn thế giới vẫn kiên định yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại phi nhân tính đối với các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: dkn.tv)

Lời kết

Việt Nam đang đi chung với dòng chảy chính của những quốc gia văn minh khác trên thế giới khi không có chủ trương đàn áp Pháp Luân Công. Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 cũng đã quy định rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng”.

Các học viên Pháp Luân Công luyện tập trống lưng vốn là một hoạt động sinh hoạt văn nghệ bình thường, không phải hành vi gây rối, không trái pháp luật nên cũng không thể bị thu giữ tài sản. Vì vậy, lấy lại tài sản của mình đang bị thu giữ trái luật không phải là hành vi sai trái.

Tội danh “cướp tài sản” và “cướp giật tài sản” cũng là thiếu cơ sở pháp lý theo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia luật học (như phân tích ở phần trên).

Việc giam giữ các học viên trong thời gian quá dài vì hành vi không sai trái và không đủ điều kiện cấu thành tội phạm theo luật định và một bản án quá nặng thể hiện những dấu hiệu oan sai đối với 4 công dân vô tội.

Đàn áp, bức hại những người tốt, những người có mong muốn trở nên tốt hơn, sẽ mang lại hệ luỵ cho xã hội, là điều không nên làm. Một xã hội văn minh là nên coi trọng các giá trị nhân văn, khơi dậy tính thiện trong con người. 

Cổ nhân coi quan là “dân chi phụ mẫu” (như cha mẹ của dân), lại coi luật pháp không phải để nạt nộ mà là để bảo vệ người dân lương thiện. Hy vọng chính quyền địa phương có thể bảo vệ người vô tội, xét xử công minh với sự hiểu biết đầy đủ. Làm được vậy, thì không chỉ các bị cáo mà toàn bộ mọi công dân đều muôn phần cảm kích, muôn phần tin yêu những nhà thi hành công lý tại địa phương mình.

Vụ án cướp tài sản của mình ở Thái Nguyên: Bản án nào dành cho những người vô tội?

Theo Báo Đại Kỷ Nguyên