Ở Ấn Độ cổ xưa, có một vương quốc tên là Ba Tư Nặc. Ở đó có một vị đại thần tên là Sư Chất, địa vị cao quý, tài phú vô hạn. Ông ta tại sao lại coi nhẹ tài phú, bước trên con đường tu hành?

231-2Nhân quả báo ứng xoay vần, ai làm gì đều phải chịu quả báo tương ứng. (Ảnh: Pinterest)

Một ngày nọ, đệ tử Phật Thích Ca Mâu Ni là Xá Lợi Phất thông qua thiên mục, quan sát cơ duyên được độ của chúng sinh, phát hiện Sư Chất có cơ duyên đã chín muồi. Vì thế ngày hôm sau, Xá Lợi Phất đi đến trước phủ của ông tay cầm theo bát hóa duyên.

Sư Chất nhìn thấy Xá Lợi Phất, cung kính quỳ lạy và ân cần thăm hỏi, mời ông vào trong phủ dùng cơm chay. Dùng bữa cơm xong, Xá Lợi Phất rửa sạch hai tay và súc miệng, rồi giảng giải cho Sư Chất về những kỳ diệu của tu hành.

Sư Chất ngồi nghe say sưa, đồng thời cảm thấy ưu tư về sinh mệnh của mình. Vì muốn tìm kiếm chân lý vĩnh hằng của sinh mệnh, ông giao lại toàn bộ gia nghiệp cho người em trai, từ đó bước vào con đường tu hành.

Sau khi Sư Chất xuất gia, vợ của ông rất nhớ chồng mình, bà nhớ về lòng tốt và những năm tháng sống cùng ông, nên thường thương cảm mãi không thôi. Em trai ông thấy chị dâu mình ngày ngày nhớ tới anh trai, lo lắng anh trai mình một ngày nào đó hoàn tục về nhà, thì mình phải trả hết gia nghiệp, tài sản tiền bạc rồi lại như nước chảy về biển. Vì vậy hắn bỏ 500 tiền vàng, thuê một tên tướng cướp đi giết anh ruột của mình.

Tướng cướp sau khi nhận tiền, liền đi lên núi, vừa tìm thấy Sư Chất, hắn chuẩn bị động thủ giết người. Sư Chất hỏi hắn: “Ta chỉ có y phục đơn sơ, không có tài sản gì, ngươi vì sao lại đến giết ta?”. Tướng cướp nói: “Là em trai ngươi thuê ta giết ngươi”.

Sư Chất rất kinh ngạc, ông vừa mới xuất gia, còn chưa thấy Phật Đà, cũng chưa lĩnh ngộ được Phật Pháp, nếu chết rồi thì tu luyện thế nào? Vì vậy ông nói với đạo tặc: “Ngươi có thể chờ đến khi ta gặp được Phật Đà, lĩnh ngộ được một chút Phật Pháp rồi giết ta cũng chưa muộn?”

Nhưng đạo tặc khăng khăng phải giết ông ngay bây giờ, Sư Chất bèn giờ một tay của mình lên, xin hắn chặt trước một tay, chừa lại cho ông một mạng để còn cúng bái Phật. Đạo tặc đồng ý chặt của ông một cánh tay, đem về để báo với chủ.

Sư Chất mang theo nỗi đau đớn đến lễ bái Phật. Phật Đà từ bi khai sáng: “Ông đã trải qua vô số những vụ cướp từ tiền kiếp, bị người khác chặt mất đầu, chém đứt tay chân, máu chảy xuống còn nhiều hơn nước tứ hải; di cốt sau khi chết chất lên, còn cao hơn núi Tu Di; nước mắt ông chảy xuống nhiều hơn cả biển. Đây là quả báo luân hồi, không phải chỉ có đời này kiếp này mới như vậy”.

Kiếp trước chặt tay của Bích Chi Phật, kiếp sau chịu báo ứng bịt cụt tay. (Ảnh: Goodread)

Được Phật Đà khai nhãn, Sư Chất hiểu ra, thì ra có thân thể sẽ sinh ra các loại cố chấp, rồi sẽ không ngừng tạo nghiệp, tất cả khổ sở là vì ác nghiệp gây nên. Sư Chất thông suốt rồi thì lòng dạ thoải mái, lúc này chứng ngộ La Hán.

Mọi người nghi hoặc hỏi Đức Phật, Sư Chất kiếp trước đã làm việc ác gì, mà kiếp này phải gánh họa cụt tay? Lại bởi vì duyên cớ gì mà kiếp này được nghe Phật Pháp?

Phật Đà giảng giải, trước kia quốc vương của Ba La Nại là Bà La Đạt trong một lần đi săn, bị lạc đường trong rừng rậm, cảm thấy rất hoang mang. Trong lúc tìm kiếm lối ra, ông gặp một vị Bích Chi Phật. Quốc vương hỏi đường vị này, bởi vì trên cánh tay của vị Bích Chi Phật đang bị lở loét nặng, không thể nhấc tay, vì vậy dùng chân mà chỉ đường.

Quốc vương quân lâm thiên hạ chứng kiến cảnh con dân của mình đã không hành lễ, đằng này lại còn dùng chân để chỉ đường. Lúc này ông nổi giận, vung kiếm chém đứt cánh tay của vị Bích Chi Phật kia. Lúc đó, Bích Chi Phật thầm nghĩ: “Quốc vương làm thương tổn người tu hành, nếu như ông ta không phát tâm sám hối, ngày sau nhất định sẽ rơi vào địa ngục vô tận, vĩnh viễn không bao giờ thoát được”.

Vì vậy Bích Chi Phật triển hiện phép thần thông, ở ngay trước mặt quốc vương mà bay lên trời. Quốc vương thấy thế thì kinh hãi, thì ra mình đã làm thương tổn đến bậc chân tu, sau đó ông quỳ rạp xuống đất, hối hận tội lỗi mình mà khóc lớn, khẩn cầu Bích Chi Phật chấp nhận lời sám hối của mình.

Bích chi Phật từ không trung bay xuống, quốc vương dùng trán chạm vào hai chân của Phật, quỳ mọp sụp lạy: “Hy vọng ngài chấp nhận sự sám hối của ta, xin đừng bắt ta phải chịu nỗi đau đớn kéo dài”.

Quốc vương sau khi hứa nguyện, Bích Chi Phật cũng niết bàn. Quốc vương chính tay mình tạo tháp, an trí di cốt của Bích Chi Phật, cũng thường xuyên dâng hoa thơm, quỳ trước tháp ăn năn, khẩn cầu sau này có thể được độ giải thoát.

Vị quốc vương kia sau này chính là Sư Chất, bởi vì kiếp trước chém đứt cánh tay của Bích Chi Phật, cho nên tới 500 đời sau, thường là vì cụt tay mà chết. Cũng bởi vì ông sâu trong lòng tự sám hối, cuối cùng không rơi vào địa ngục, được tiếp duyên Phật Pháp, có thể giải thoát trí tuệ, đạt được thành tựu chánh quả.

Trên thế giới này, núi đá cứng rắn cỡ nào đi nữa, theo thời gian cũng sẽ phong hóa thành một đống cát sỏi; một tòa thành kiên cố đến thế nào, cuối cùng cũng sẽ bị phá hủy theo thời gian; đế quốc lớn mạnh ra sao đi nữa, sớm muộn cũng sẽ có ngày sụp đổ. Con người trong nhân thế dường như rất khó tìm được thứ gì thật sự vĩnh hằng và bất hủ.

Mà ngày đêm thay đổi, bốn mùa luân phiên, nhật nguyệt luân chuyển, ác nhân ngày xưa có thể hướng thiện, biến thành người tốt; cũng có người tiếp tục làm điều ác, không chịu quay đầu. Con người hướng thiện hay theo ác, quả báo tương lai như hình với bóng, không thể nào trốn thoát được.

Tuệ Tâm (Theo NTDTV)