Tân Sinh

Người tiền sử biết dùng lò sưởi từ 300.000 trước, lịch sử cần được viết lại?

Các nhà khảo cổ đã phát hiện tàn tích của một lò sưởi 300.000 năm tuổi tại một di chỉ nổi tiếng gần thành phố Tel Aviv, Israel, mở ra nhận thức mới về thời điểm người tiền sử bắt đầu sử dụng lửa trong cuộc sống hàng ngày.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác thời điểm con người bắt đầu biết sử dụng lửa. Theo thuyết tiến hóa, người hiện đại (Homo sapiens) mới xuất hiện cách đây khoảng 200.000 năm. Tuy nhiên, phát hiện này cho thấy con người đã biết sử dụng lửa từ cách đây ít nhất 300.000 năm và thực tế, người tiền sử đã phát triển một cấu trúc xã hội bậc cao vào thời điểm đó.

Chiếc lò sưởi được tìm thấy ở hang Qesem, một di chỉ khảo cổ gần thành phố Rosh HaAyin, cách thành phố Tel Aviv khoảng 7 dặm về phía Đông. Đây không phải lần đầu tiên dấu hiệu của lửa được tìm thấy ở hang Qesem. Các nhà khảo cổ trước đây đã phát hiện tro xương động vật có niên đại 400.000 năm tuổi tại di chỉ này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ tìm thấy lò sưởi.

Phát hiện được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ, cho thấy lò sưởi có đường kính khoảng 2m ở chỗ rộng nhất và đã được sử dụng nhiều lần theo thời gian. Các nhà khoa học đã phân tích một lượng tro dày trong hang bằng quang phổ hồng ngoại và thấy trong đó chứa một phần xương và đất nung ở nhiệt độ cao.

Xung quanh lò sưởi, nhóm nghiên cứu phát hiện tàn tích của những công cụ bằng đá được sử dụng để cắt thịt. Bên cạnh đó là các viên đá lửa chỉ cách đó vài mét có hình dạng khác nhau, được thiết kế cho các hoạt động khác.

“Những phát hiện này giúp chúng ta xác định một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của văn hoá loài người – thời điểm con người bắt đầu sử dụng lửa thường xuyên cho cả nấu ăn và hội họp. Những phát hiện này cũng cho chúng ta biết đôi điều về mức độ phát triển xã hội và nhận thức của con người cách đây 300.000 năm”, TS. Ruth Shahack-Gross thuộc Trung tâm Khoa học Khảo cổ Kimmel tại Viện Weizmann cho biết.


Một số răng được tìm thấy tại Hang Qesem. (Ảnh: GS. Hershkovitz / Đại học Tel Aviv)

Hang động Oesem trở nên nổi tiếng từ năm 2010, khi các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Tel Aviv phát hiện 8 chiếc răng của người hiện đại (Homo Sapiens) ở hang động Qesem. Kết quả phân tích cho thấy, những chiếc răng này là của con người sống cách đây khoảng 400.000 năm.

Phát hiện này cũng mâu thuẫn với thuyết tiến hóa cho rằng người hiện đại xuất hiện đầu tiên ở Châu Phi cách đây 200.000 năm.

>>> Không thể tìm thấy hóa thạch ‘Người-Vượn’: Con người không phải từ vượn tiến hóa mà thành

Hồng Liên, theo Ancient Origins