Tân Sinh

Trong u minh đã có định số: Câu chuyện về vị tể tướng Đường triều Lý Tiết

Người ta vẫn thường nói đến từ số mệnh, định số… để ám chỉ rằng hết thảy mọi sự trên đời đều đã có an bài từ trước. Nhiều người nghe thấy từ này cảm thấy khó tin, nhưng rất nhiều chuyện xảy ra khiến chúng ta phải suy nghĩ lại.


Trong u minh đã có định số. (Ảnh từ renminbao)

Lý Tiết (722 – 789) tự Trường Nguyên, người Kinh Triệu (Tây An, Thiểm Tây ngày nay), là học giả Đạo gia, chính trị gia, mưu thần nổi tiếng khoảng giữa thời Đường. Ông là cháu 6 đời của Lý Bật, “Bát Trụ Quốc” thời Tây Ngụy Nam Bắc Triều.

Lý Tiết vốn là người Trường An, khi còn nhỏ đã thông minh, đọc rất nhiều sách. Thừa tướng lúc bấy giờ là Trương Cửu Linh xem thơ ông viết, vô cùng coi trọng, khen ông là “Thần đồng”. Thời Thái tử Túc Tông, Lý Tiết đã lớn, ông có dâng tấu chương lên Huyền Tông, đề xuất ý kiến về việc quốc gia đại sự.

Đường Huyền Tông xem xong vô cùng tán thưởng, triệu kiến ông, muốn ông làm quan. Ông thoái thác, nói mình còn ít tuổi, không muốn làm quan. Huyền Tông bèn cho ông kết bạn với Thái tử. Sau này ông cũng thường đến Đông Cung, Thái tử cũng rất gần gũi Lý Tiết, đối đãi với ông như người thầy.

Ngày 3 tháng 3 năm Thiên Bảo thứ 14, Lý Tiết từ Lạc Dương cưỡi lừa trở về phủ, người hầu đi theo phía sau. Bên đường có một cái cổng lớn, con lừa cứ vậy mà đi vào, Lý Tiết không ngăn lại được.

Đúng lúc này, chủ nhà cũng vừa dắt con ngựa và lừa đi ra. Lý Tiết vì muốn chào hỏi gia chủ, bèn cùng người hầu vào nhà. Chủ nhà mời Lý Tiết vào trong, sau khi Lý Tiết ngồi xuống, người vợ của chủ nhà cũng bước ra chào.

Lý Tiết không biết là chuyện gì, nghi ngờ mình gặp yêu quái, liền hỏi danh tính của chủ nhà, thì được biết gia chủ họ Đậu. Lý Tiết âm thầm phái người hầu đi hỏi những nhà xung quanh thì xác thực đúng là như vậy.

Lý Tiết biết rõ chủ nhân họ Đậu, liền hỏi kỹ càng hơn, chủ nhân trả lời tên là Đậu Đình Phân, rồi mời Lý Tiết dừng chân nghỉ lại để tiếp tục nói chuyện. Bởi vì Đậu Đình Phân có thái độ thành khẩn, Lý Tiết không còn cách nào từ chối, đành ở lại đây, nhưng trong lòng vô cùng lo lắng.

Đậu Đình Phân nói với Lý Tiết: “Ở Trung Kiều có một thầy tướng số tên Hồ Lô Sinh, bởi vì tính toán rất chuẩn cho nên cực kỳ nổi tiếng. Ngày hôm qua sau khi đoán mệnh cho tôi xong ông ta nói, chưa tới ba năm, nhà chúng tôi có họa diệt môn, phải tìm được Hoàng Trung Quân mới có thể may mắn thoát khỏi.

Tôi hỏi làm sao để tìm được Hoàng Trung Quân, ông ta trả lời, đến hỏi Quỷ Cốc Tử, tôi lại hỏi làm thế nào mới có thể tìm được Quỷ Cốc Tử, ông ta lại nói đúng tên họ của ngài! Ông ta còn nói, vào ngày 3 tháng 3, cả nhà tôi phải ra ngoài thành tìm kiếm, nếu như không tìm thấy ngài, cả nhà chúng tôi chắc chắn sẽ phải chết.

Nếu may mắn tìm được ngài, nhất định cả nhà phải ra cầu nguyện chân thành, như vậy thì mới tránh được tai họa. Vừa rồi cả nhà chúng tôi ra ngoài tìm kiếm, rốt cuộc cũng gặp ngài, thật sự là trời xanh cứu giúp tính mạng của cả nhà chúng tôi!”.

Ngày hôm sau, Lý Tiết cáo từ, nói phải về Dĩnh Dương Trang. Đậu Đình Phân kiên trì giữ lại, cũng phái người đi Dĩnh Dương đưa tin cho Lý Tiết. Đồng thời thay ông lấy những đồ vật mà ông muốn. Sau khi Lý Tiết nhận được hồi âm từ thúc phụ, lại ở hơn mười ngày mới cáo từ về nhà. Từ đó về sau, Đậu Đình Phân không ngừng tặng quà cho Lý Tiết.

Về sau An Lộc Sơn phản loạn, Đường Túc Tông chiếm lại Tây Kinh rồi điều quân trở về Trường An, giành lại Thiểm Tây, bắt được Thứ sử Đậu Đình Phân. Đường Túc Tông hạ lệnh tru sát cả nhà bọn họ, gia sản tịch thu vào cung. Túc Tông tức giận nói: “Ngoại tộc của Huyền Tông lại giúp đỡ cho phản tặc, thật đáng chết”.

Lý Tiết bởi vì biết rõ kết cuộc vận mệnh của Đậu Đình Phân, cho nên phái người dâng tấu chương của mình viết lên cho Túc Tông nói rõ tình huống. Túc Tông phái người đi điều tra, kết quả giống với những gì Lý Tiết đã nói.

Túc Tông kinh sợ, lập tức hạ lệnh tha tội chết cho Đậu Đình Phân, cũng hỏi Hoàng Trung Quân và Quỷ Cốc Tử là gì? Nhưng Đậu Đình Phân nói không biết, mà lúc này Hồ Lô Sinh đã chết. Đường Túc Tông trầm ngâm trước chuyện lạ này: “Chuyện trong thiên hạ, đúng là đều có định số từ trước”.

(Trích “Cảm Định Lục”)

 

Tuệ Tâm, theo Kannewyork