Vào ngày 25/4/1999, hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công tự phát đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa, thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Nhưng chỉ 3 tháng sau, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một cuộc đàn áp tàn khốc đối với môn tập này.
Tuy nhiên, “sự kiện 25/4” lại trở thành bước ngoặt cho rất nhiều người Đài Loan bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Nhân dịp 25/4 năm nay, chúng ta hãy cùng nhau hồi tưởng lại tình hình lúc đó.
Vào ngày 25/4/1999, hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã đến Văn phòng Quốc Vụ viện tại Trung Nam Hải (Bắc Kinh) để thỉnh nguyện. Lý do là vì 2 ngày trước đó ở Thiên Tân, cảnh sát đã bắt bớ và đánh đập các học viên Pháp Luân Công, hành vi đó được cho là đã vi phạm chính sách quốc gia là không được can thiệp và đàn áp khí công.
Các học viên Pháp Luân Công đã thỉnh nguyện rất ôn hòa và trật tự, lý tính và khiêm tốn. Vì yêu cầu đề ra đã được Thủ tướng Chu Dung Cơ tiếp nhận và xử lý, đến gần tối ngày hôm đó, đoàn người dần dần tản đi, không để lại một mảnh giấy nhỏ nào trên mặt đất. Cuộc “thỉnh nguyện 25/4” được gọi là cuộc khiếu nại “quy mô lớn nhất, lý tính và hòa bình nhất, tốt đẹp nhất” trong lịch sử Trung Quốc.
Sự kiện này đã gây chấn động đến thế giới, Giáo sư Ngải Xương Thụy của trường Đại học Trung Chính tại Đài Loan đã xem được tin tức về cuộc thỉnh nguyện gây chấn động này trên TV vào ngày hôm đó.
Ông Ngải nói: “Đây là một tin tức rất trọng đại. Tôi xem tin tức này là bởi vì cảm thấy có hai điểm đã làm tôi chú ý. Điểm đầu tiên tôi phát hiện ra rằng, nhóm người này đã thỉnh nguyện vì tín ngưỡng, đó là một hành động tương đối dũng cảm. Bởi vì trong một thể chế mà chính quyền kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt, một hành động như vậy, trên cơ bản sẽ bị liệt vào danh sách đen.
Điều thứ hai, là tôi thấy nhóm người này, họ đứng rất yên tĩnh và rất tường hòa bên vệ đường, một số đang đọc sách, một số thì đang luyện công. Có vẻ như nó không giống như những cuộc thỉnh nguyện bình thường khác”.
Nhóm người này rốt cuộc là như thế nào? Tại sao họ biết rõ nguy hiểm nhưng vẫn kiên trì tin vào đức tin của mình? Giáo sư Ngải Xương Thụy quả thực cảm thấy rất tò mò.
Hôm sau, nhiều phương tiện truyền thông Đài Loan đã đưa tin về sự kiện hàng vạn người thỉnh nguyện một cách ôn hòa ngày 25/4 này. Trên đường lái xe đi làm, giáo sư Ngải Xương Thụy đã nghe tin từ người dẫn chương trình Triệu Thiểu Khang phỏng vấn một học viên Pháp Luân Công ở Đài Loan. Ông vừa lái xe vừa cẩn thận lắng nghe, biết được Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện của Phật gia, còn có một cuốn sách chỉ đạo tên là ”Chuyển Pháp Luân”.
Ngải Xương Thụy nói: “Bởi vì tôi nghe đến công pháp Phật gia, liền có một chút tò mò, cho nên sau khi về nhà, tôi đã đặt một cuốn sách từ Nhà sách Đài Bắc, và yêu cầu họ gửi nó đến nhà cho tôi. Sau khi nhận được cuốn sách, tôi đã dành khoảng ba đêm để đọc.
Sau khi đọc xong, tôi liền nói với vợ rằng, tôi đã tìm thấy sư phụ của mình rồi, vì Ngài ấy đã giải quyết được rất nhiều nghi hoặc về nhân sinh của đời tôi. Cho nên tôi đã bắt đầu học từ đó cho đến tận bây giờ”.
Vào thời điểm đó, nhiều người Đài Loan cũng có những trải nghiệm tương tự giống như Giáo sư Ngải. Bởi tò mò về Pháp Luân Công và “sự kiện 25/4”, họ bắt đầu tìm kiếm các điểm luyện công và tham gia vào “Lớp học video 9 ngày” để tìm hiểu rõ về Pháp Luân Công.
Hồng Cát Hoằng, một phụ đạo viên Pháp Luân Công ở Đài Bắc cho biết: “Khi đó người Đài Loan rất tò mò khi xem những báo cáo này. Rất nhiều người đã nói, nếu ĐCSTQ nói không tốt thì nhất định là tốt. Vì vậy, lớp học 9 ngày ở nhà tôi đã đông kín người, toàn bộ sảnh đều không đủ, cho nên đã mở thêm 2 sảnh, lắp thêm 2 cái TV. Tổng cộng 2 phòng có đến hơn 70 người, phòng nào cũng chật kín”.
Hồng Cát Hoằng hồi tưởng lại trước khi diễn ra “sự kiện 25/4”, tại Đài Loan có khoảng 2.000 học viên Pháp Luân Công, nhưng sau khi ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công, trong thời gian hơn nửa năm, tại Đài Loan số người tập Pháp Luân Công đã tăng gấp 3 lần.
Thời bấy giờ cũng có những người mang theo tâm nghi hoặc đến học Pháp Luân Công. Cô Hồng nhớ lại, một thương nhân sống ở Mộc San, thành phố Đài Bắc, thời còn kinh doanh ở Đại lục, đã thấy ĐCSTQ ép người dân đứng trước công chúng lăng mạ và nói những lời xúc phạm đến Pháp Luân Công, còn toàn lực sử dụng các phương tiện truyền thông để nói xấu Pháp Luân Công. Khi đó anh cảm thấy rất khó hiểu, một quốc gia lớn như vậy lại đàn áp một môn khí công nhỏ bé này.
Hồng Cát Hoằng nói: “Mỗi ngày anh ta đều bắt taxi từ Mộc San đến chỗ tôi để tham gia học lớp 9 ngày. Anh ta luôn tập trung từ đầu đến cuối để tìm kiếm chỗ sơ hở xem xem Pháp Luân Công xấu như thế nào”.
Sau khi kết thúc lớp học 9 ngày, vị thương nhân này mới tiết lộ ý định ban đầu của mình cho mọi người nghe. Anh ta muốn xem Pháp Luân Công rốt cuộc là như thế nào, kết quả anh đã nhìn rõ sự lừa dối của ĐCSTQ.
Các học viên Pháp Luân Công luyện công tập thể ở trước đài tưởng niệm quốc gia Tưởng Giới Thạch, Đài Loan. (Ảnh: Minghui)
Hồng Cát Hoằng nói: “Điều đặc biệt là chính bản thân anh ấy, một người vẫn luôn bị mất ngủ suốt 17 năm trời. Anh ấy có một mối quan hệ rất tốt ở Đại lục, nên đã đi khắp nơi tìm các bác sĩ nổi tiếng và uống rất nhiều các loại thuốc đều không có tác dụng. Khi anh đến tham gia lớp 9 ngày (nghe giảng Pháp), cứ chăm chú nghe cho đến ngày thứ mười, kết quả rất kỳ lạ, anh đã không cần uống thuốc ngủ nữa, và anh đã ngủ rất ngon. Anh ta nói, ‘Ồ, Pháp Luân Công quả thực thần kỳ, làm sao ĐCSTQ có thể lừa dối con người như thế?’”.
Những người bị thuyết phục bởi các pháp lý của Pháp Luân Công, hoặc những người được thụ ích từ Pháp Luân Công đã giới thiệu cho người thân và bạn bè của họ. Giáo sư Ngải Xương Thụy đã từng tham gia “Lớp học video 9 ngày” ở Gia Nghĩa, sau đó ông đã tổ chức thêm “Lớp học video 9 ngày” ở Gia Nghĩa và tại các vùng núi cho nhiều người hơn nữa được thọ ích.
Bởi vì đây là môn pháp được truyền dạy miễn phí, nhấn mạnh đến trọng đức tu thiện, hiệu quả trừ bệnh khỏe thân vô cùng lớn, nên Pháp Luân Công đã nhanh chóng lan rộng ra tất cả các quận và thành phố tại Đài Loan.
Trong khi ĐCSTQ đang đàn áp Pháp Luân Công, thì tại Đài Loan số lượng học viên Pháp Luân Công đã đứng thứ 2 trên toàn thế giới chỉ sau Trung Quốc Đại lục. Chỉ riêng tại Phúc Trạch theo ước tính đã có hàng trăm ngàn người.