Những năm tháng bị tra tấn tàn bạo mà ông Lưu Tích Đồng đã trải qua trong nhà tù Trung Quốc là điều mà người bình thường khó tưởng tượng nổi. Đã có lúc cả 2 chân ông đều bị gãy, răng của ông bị đánh đến rụng hết, tai trái ông bị mất thính lực, ông đã gần như hấp hối. Thế nhưng những tổn thương về tinh thần trong ông thậm chí còn khó phục hồi hơn…
Ông Lưu Tích Đồng trước đây vốn là một nhà thư pháp nổi tiếng ở Trung Quốc. Đợt triển lãm kéo dài 6 ngày giới thiệu các tác phẩm của ông cách đây gần 20 năm là một thành công lớn được công chúng đón nhận. Cuộc triển lãm được tổ chức tại Nhà xuất bản Nghệ thuật thuộc Thành phố Thanh Đảo. Hàng ngàn người đã đến tham dự, các phương tiện truyền thông cũng đưa tin rộng rãi về sự kiện này.
Một số tác phẩm thư pháp của Lưu Tích Đồng được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Minghui.org)
Thế nhưng trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, ông Lưu đã quan sát thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại. Hòa lẫn trong đám đông người tham dự là một số cảnh sát mặc thường phục đang lảng vảng, dò xét gì đó. Vài ngày sau khi triển lãm kết thúc, ông Lưu bị bắt. Ngôi nhà ông đang sống cùng vợ cũng bị lục soát, nhiều tác phẩm thư pháp bị tịch thu.
Nhưng đó chỉ là một trong hơn 20 lần trong vòng hơn 16 năm ông Lưu bị bắt và giam cầm chỉ vì tập luyện Pháp Luân Công, một môn khí công tu luyện thuộc trường phái Phật gia dạy con người sống theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Ông Lưu là một trong những nạn nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng năm 1999, đã cướp đi hàng triệu sinh mạng vô tội và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Hình ảnh cho thấy cảnh sát mặc thường phục (khoanh tròn) tại triển lãm của ông Liu, ba người ở dưới và hai người ở tầng trên. (Ảnh: Minghui.org)
Theo báo Minh Huệ, ông Lưu bị kết án 3 năm trong trại lao động cưỡng bức vào năm 2003 và 4 năm tù giam tại nhà tù số 1 tỉnh Sơn Đông vào năm 2008. Những năm tháng địa ngục ông đã trải qua quả thực là điều mà người bình thường khó có thể tưởng tượng nổi.
Nỗi kinh hoàng ở nhà tù Sơn Đông
Trong trại cưỡng bức lao động, ông Lưu đã phải chịu nhiều loại hình tra tấn khắc nghiệt như bị trói trong 80 ngày và không cho ngủ trong hơn 10 ngày. Ông cũng bị đánh và bị sốc điện đến bất tỉnh hơn 50 lần.
Nhưng đó vẫn chưa là gì so với việc người ta đối xử với ông ở nhà tù Sơn Đông. Các lính canh trong nhà tù thường khuyến khích các tù nhân tra tấn người học Pháp Luân Công để buộc họ phải từ bỏ đức tin. Các tù nhân sẽ được giảm thời hạn tù nếu họ ép buộc được các học viên viết bản cam kết không tu luyện nữa.
Theo đơn khởi kiện Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ông Lưu, một tù nhân từng nói với ông rằng: “Bọn tôi là một đội được đào tạo chuyên để ‘chuyển hóa’ học viên Pháp Luân Công các ông. Chúng tôi thậm chí còn có kinh nghiệm hơn cả Phòng 610 và Đội An ninh Nội địa. Tốt hơn là ông nên viết bản cam kết đi, không thì chúng tôi có đủ các phương thức tra tấn để hành hạ ông đến chết. Và chúng tôi hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về việc đó”.
Ngày đầu tiên ông Lưu bị giam ở Nhà tù Sơn Đông, các tù nhân đã dùng chiếc bàn chải cọ giày cạo mạnh vào nách ông, dùng tay không hoặc dép nhựa đánh đập ông, lăng mạ ông, dùng thanh gỗ đánh vào các khớp xương.
Tái hiện cảnh tra tấn: đâm kim vào đầu ngón tay. (Ảnh: Minghui.org)
Các tù nhân tra tấn ông Lưu bằng nhiều phương thức khác nhau chủ yếu là dùng các vật dụng thường ngày, thí dụ như đổ nước muối vào vết thương của ông rồi sau đó chà mạnh vào chúng, nhét một điếu thuốc đang cháy vào mũi ông, dùng bật lửa đốt da ông, dùng kim đâm vào đầu ngón tay và ngón chân của ông, dùng hóa chất xoa vào mắt ông, bức thực ông bằng nước bẩn lấy từ nhà tắm.
Trong đơn kiện ông Lưu cũng viết: “Họ véo da tôi và xoắn lại, tựa như vặn chặt rồi lại nới lỏng một chiếc ốc vít vậy. Họ dốc sức tra tấn tôi như thế. Khi tôi gào thét lên vì đau đớn, họ lớn tiếng cười nhạo tôi và lại tiếp tục tra tấn. Da tôi bị mưng mủ trầm trọng vào ngày hôm sau”.
“Các tù nhân không cho tôi ngủ. Họ bắt tôi phải ngồi xổm nửa người, với hai bàn tay đặt lên hai đầu gối. Tôi quá yếu đến nỗi nhiều lần bị ngất xỉu nhưng các tù nhân đã đánh đập và chửi rủa tôi để làm tôi tỉnh lại”.
Các tù nhân từng trói ông Lưu lại trong tư thế đầu kẹp vào giữa hai chân, hai bàn tay chạm vào bàn chân, máu không lưu thông lên được đầu và tim ông đập mạnh dữ dội. Ông gần như bị mất ý thức.
Tái hiện cảnh tra tấn: Một ví dụ về tra tấn bằng hình thức trói dây. (Ảnh: Minghui.org)
Trong khi trói ông ở tư thế “đại bàng sải cánh”, các tù nhân đặt một chiếc bóng đèn sáng chói trước mặt ông 24/24. Hình thức tra tấn này kéo dài suốt 20 ngày. Cổ tay và mắt cá chân của ông đều bị thương do các dây thừng thắt chặt vào. Toàn thân ông rung lắc mất kiểm soát và chân tay của ông bị tê liệt.
Trong một biến thể khác của hình thức tra tấn buộc chặt này, các tù nhân quấn một sợi dây thừng quanh cổ ông Lưu và siết chặt lại, khiến ông bị khó thở. Đồng thời, họ đặt lên đầu ông một chiếc thùng kim loại và liên tục đập vào nó, tạo ra những tiếng ồn chói tai.
Các tù nhân còn bỏ đói ông và đôi khi hành hạ ông bằng cách treo một chiếc bánh bao trước mặt ông và bắt ông phải dùng miệng để cắn bánh.
Họ xâm hại tình dục ông bằng một chiếc gậy rồi làm nhục ông thêm bằng cách ấn cái gậy đó vào miệng ông.
Cả hai chân của ông đều bị gãy. Tai trái của ông bị mất thính lực. Ông bị rụng hết răng, và bị chấn thương dẫn đến chóng mặt. Có một giai đoạn ông Lưu bị nhiễm trùng phổi. Ông đã gần như hấp hối.
“Tôi bị thương nghiêm trọng. Tổn thương về tinh thần thậm chí còn khó phục hồi hơn. Tù nhân được cho quyền tra tấn tôi theo bất kỳ cách nào mà họ muốn. Người ta khó mà tưởng tượng nổi sự tàn ác của các hình thức tra tấn đó nếu họ không tận mắt chứng kiến”, ông Lưu viết trong đơn.
Không những thế gia đình ông cũng phải chịu liên lụy. Ông Lưu kể: “Khi tôi bị giam cầm trong tù, cảnh sát liên tục đến nhà tôi, sách nhiễu vợ và hai con gái tôi. Sức khỏe vợ tôi xấu đi nghiêm trọng; bà ấy đã hấp hối vào năm ngoái. Em rể tôi bị tổn thương trầm trọng bởi cuộc bức hại đến mức cậu ấy đã qua đời khi tôi đang bị giam giữ năm thứ hai. Người mẹ già của tôi cũng qua đời, bà đã luôn mong ngóng đứa con trai đang bị giam giữ này trở về”.
Tái hiện cảnh tra tấn: Bức thực. (Ảnh: Minghui.org)
Theo trang Minh Huệ, Giang Trạch Dân phải trực tiếp chịu trách nhiệm vì đã khởi xướng và duy trì cuộc bức hại Pháp Luân Công. Từ cuối tháng 5 đến 23/7/2015, hơn 103.000 người đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với cựu lãnh đạo ĐCSTQ này.
Các đơn khiếu nại cáo buộc Giang phạm tội bắt giam phi pháp, tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng, lạm dụng quyền lực và nhiều tội ác khác, đồng thời cũng yêu cầu sớm đưa kẻ cầm đầu cuộc bức hại tàn ác này ra công lý.