Tân Sinh

RFA: Càng bị đàn áp, Pháp Luân Công càng được quan tâm tại Bắc Triều Tiên

Một nguồn tin tiết lộ với RFA rằng, Pháp Luân Công – một môn tập phổ biến tại Trung Quốc đầu những năm 1990 – hiện đang lan rộng ở thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên, ngay cả khi chính quyền Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã tiến hành đàn áp hòng xóa bỏ pháp môn này.

RFA: Càng bị đàn áp, Pháp Luân Công càng được quan tâm tại Bắc Triều Tiên

Pháp Luân Công được truyền xuất tại vùng Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1992. Trong vòng bảy năm sau đó, Pháp Luân Công có ảnh hưởng ngày càng lớn, trở thành môn tâm linh phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc cũng như trên thế giới. Năm 1999, chính quyền Trung Quốc, theo lệnh của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bấy giờ là Giang Trạch Dân, đã phát động cuộc đàn áp tàn khốc, đẫm máu đối với pháp môn này, bắt giữ hàng triệu người theo tập vào các trung tâm giam giữ.

Bên ngoài Trung Quốc, môn tập này không ngừng phát triển mạnh mẽ. Người ta thường biết Pháp Luân Công là một tín ngưỡng bị Trung Quốc bức hại. Họ thường thấy những người theo học và các nhà hoạt động vì tự do tín ngưỡng tổ chức kháng nghị tại các thành phố lớn nhằm thu hút sự chú ý đến tình huống của người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Chẳng hạn như ngày 16/5 vừa qua, khoảng 10.000 người từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đã tới New York để tham gia chuỗi hoạt động của Pháp Luân Công nhằm kỷ niệm của môn tập và kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tín ngưỡng tại Trung Quốc. Các hoạt động công khai gồm có: đại lễ diễu hành từ Quảng trường Liên Hợp Quốc qua Quảng trường Thời Đại ở khu Manhattan; tập hợp kháng nghị ôn hòa trước Lãnh sự quán Trung Quốc và xếp hình trên Đảo Governors.

Biểu ngữ kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc trong một hoạt động của người tập Pháp Luân Công tại Mỹ ngày 16/5 vừa qua (Ảnh: theepochtimes.com)


Lễ diễu hành phản đối mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân công tại Mỹ ngày 16/5 vừa qua (Ảnh: theepochtimes.com)

Ngay tại Hàn Quốc, những người tập Pháp Luân Công có thể luyện công, học Pháp, tổ chức các sự kiện công khai và giới thiệu Pháp Luân Công rộng khắp trong cộng đồng.


Lễ diễu hành của người tập Pháp Luân Công tại Seoul, Hàn Quốc hôm 12/5/2019 (Ảnh: Minghui.org)

Theo các nguồn tin ở Bắc Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vì thấy số người theo học ở đây tăng mạnh. “Các cơ quan tư pháp đang lúng túng vì sự phát triển của Pháp Luân Công trong dân chúng Bình Nhưỡng nhanh hơn họ nghĩ”, một nguồn tin từ Bình Nhưỡng trong một cuộc phỏng vấn với RFA tại Triều Tiên hôm 11/5 cho hay.

Nguồn tin này còn cho biết chính quyền đã bắt đầu đàn áp vào tháng trước. “Hồi đầu tháng 4, cảnh sát đã ra một tuyên bố ra lệnh cho công dân phải tự nguyện báo cáo họ có phải là người tập Pháp Luân Công hay không. Họ đe dọa sẽ áp đặt những hình phạt tàn khốc đối với những ai không tự trình báo mà bị phát hiện sau thời gian trình báo.”

Tuy nhiên, hành động của chính quyền đối với Pháp Luân Công trên thực tế lại phản tác dụng. Những công bố tiêu cực về pháp môn thậm chí càng khiến nó trở nên phổ biến hơn. “Sau tuyên bố này và vụ việc sau đó, mọi người đột nhiên rất quan  tâm đến Pháp Luân Công, vốn đã âm thầm lan truyền [tại Bình Nhưỡng] từ trước. Nơi đây biết Pháp Luân Công là một môn tập kết hợp giữa thiền và các bài tập, vì vậy mọi người hiện đang tiếp cận nó vì tò mò”, nguồn tin cho hay.

Trong chiến dịch đầu tiên, chính quyền đã bắt bớ 100 người tập Pháp Luân Công tại quận Song-Gang, Bình Nhưỡng, con số này vượt quá dự tính của họ. “Còn rất nhiều người tập Pháp Luân Công bị bắt bớ tại các khu vực khác của Bình Nhưỡng, họ bị phạt cưỡng bức lao động khổ sai hoặc lao động cải tạo”, người cung cấp thông tin bổ sung thêm.

Cũng theo nguồn tin này, hành động đàn áp làm gia tăng áp lực với ngành công an, vì rất nhiều người tập Pháp Luân Công đã bị bắt giữ ngay trong đợt đầu. “Họ không thể dự đoán được họ sẽ bắt thêm bao nhiêu người tập Pháp Luân Công nữa, bởi vì quan chức chính phủ cấp cao và người nhà của họ cũng đang học và luyện Pháp Luân Công”, nguồn tin cho biết.

Một nguồn tin khác, cũng từ Bình Nhưỡng, cho hay, việc chính quyền Triều Tiên đàn áp Pháp Luân Công không khác gì một cuộc chiến tranh tôn giáo, đồng thời liên hệ tình huống này với những phương thức đàn áp trước đây của chính quyền nước này đối với tín đồ của các tôn giáo khác.

Nguồn tin này cũng nhận định Pháp Luân Công có được rất nhiều đặc điểm khiến người Triều Tiên hiếu kỳ, khiến pháp môn này được nhanh chóng truyền rộng. Điều có thể khiến chính quyền đương thời cảm thấy chấn động, nhưng nguồn tin này cho rằng Pháp Luân Công sẽ không dễ dàng bị tiêu diệt: “Ngay cả chính quyền ĐCSTQ cũng không thể thành công trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, mà hiện nay Pháp Luân Công đang được truyền rộng tại Bình Nhưỡng.”

Hiến pháp Triều Tiên cho phép tự do tín ngưỡng, nhưng trên lãnh thổ quốc gia này vốn dĩ không tồn tại tự do tín ngưỡng thực sự. Toàn bộ hệ thống nhà thờ và chùa chiền đều do quốc gia vận hành.

Trang web Tự do tại Triều Tiên (Liberty in North Korea – LiNK) cho biết, hoạt động tôn giáo có tổ chức bị chính phủ coi như một sự uy hiếp. Ngoài những nhà thờ và ngôi chùa được xây dựng mang tính biểu trưng, nhằm thể hiện sự tự do tôn giáo với thế giới bên ngoài ra, người Triều Tiên phải thực hành tín ngưỡng của mình một cách bí mật, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tống giam, hoặc tệ hơn là bị xử bắn. Trang web này cũng chỉ ra rằng: “Trong lịch sử Triều Tiên, hàng nghìn hàng vạn tín đồ Phật giáo và tín đồ Cơ Đốc giáo đã bị thanh trừng và bức hại.”

Không chỉ tại Bắc Triều Tiên, một số quốc gia bên ngoài Trung Quốc, do chịu áp lực của chính quyền ĐCSTQ cũng có những sự việc nhất định cản trở người tập Pháp Luân Công. Chẳng hạn như ngay trên lãnh thổ Hàn Quốc, không ít người học Pháp Luân Công gốc Trung Quốc đã bị trục xuất về nước, và nhiều người di cư sang Hàn Quốc để tránh bị bức hại tại quê nhà cũng bị từ chối đơn xin tỵ nạn. Hàn Quốc là một nước đã ký cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Tình trạng Người tỵ nạn và Công ước Chống Tra tấn mà không tuân thủ. Trong Công ước có ngăn cấm việc hồi hương người tỵ nạn về những nước mà họ sẽ bị tra tấn hoặc đàn áp vì tín ngưỡng của họ hay là thành viên của một nhóm xã hội đặc biệt.

Tại Singapore, chính phủ cũng bắt tay hợp tác với ĐCSTQ trục xuất một số người đang làm việc và học tập tại quốc gia này, chỉ vì họ tham gia các hoạt động phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công tại các khu vực công cộng.

Năm 2014, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – CEE ở Serbia, 11 người theo học Pháp Luân Công đã bị trục xuất khỏi Belgrade từ sân bay hoặc khách sạn họ lưu trú khi họ đến tham gia kháng nghị và phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Mới đây nhất, hàng loạt cư dân tại Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và Việt Nam đã bị trục xuất khỏi Hồng Kông khi vừa hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Hồng Kông cuối tháng Tư vừa qua. Những người này đến Hồng Kông để tham gia diễu hành phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài suốt 20 năm qua tại Trung Quốc. Họ đã bị trả về nước mà không hề được giải thích xem bản thân họ vi phạm quy định hay điều luật nào của Cục Xuất nhập cảnh Hồng Kông.

Theo Minhhue