Các chuyên gia bày tỏ quan ngại về khả năng điều chế thành công vaccine, đồng thời cảnh báo về một tương lai sống chung với virus…
Theo lời trưởng cố vấn khoa học của chính phủ Anh, ông Sir Patrick Vallance cho biết vào hôm Chủ nhật (19/4) rằng khả năng điều chế thành công vaccine COVID-19 là thấp.
“Mọi nỗ lực chế tạo các vaccine mới đều có tỷ lệ thành công thấp, và chỉ có một số ít thành công… (đối với) virus Corona cũng không phải ngoại lệ và việc này đặt ra những thách thức mới cho việc phát triển vaccine. Nó sẽ cần thời gian”.
Trong khi đó, tuần này các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford đang chuẩn bị cho các thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người. Họ tin rằng sẽ có khoảng một triệu liều vaccine được chuẩn bị sẵn vào tháng Chín tới, trước cả thời điểm các thử nghiệm có thể chứng minh được hiệu quả của những mũi tiêm.
Người bệnh có thể tái nhiễm
Hôm Chủ nhật (19/4), Giáo sư (GS) Sarah Gilbert, người dẫn đầu các nhà khoa học Anh trong nỗ lực chống lại virus Vũ Hán hiện nay, cũng thừa nhận rằng không thể đảm bảo việc phát triển thành công vaccine, và bệnh nhân có thể tái nhiễm virus sau khi đã khỏi bệnh.
“Tôi nghĩ rất có khả năng một người từng nhiễm COVID-19 sẽ tái nhiễm trong tương lai”, bà nói với BBC. “Chúng tôi không biết giữa hai lần nhiễm thì khoảng thời gian sẽ là bao lâu”.
GS Sarah cho rằng khả năng miễn dịch có được sau nhiễm bệnh có thể không bền vững như miễn dịch do vaccine tạo ra.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Mike Ryan, nói với các phóng viên rằng cơ quan này không chắc chắn liệu sự hiện diện của kháng thể trong máu có bảo vệ hoàn toàn người bệnh khỏi tái nhiễm virus Vũ Hán.
Ông Ryan cảnh báo ngay cả nếu kháng thể sinh ra có tác dụng, thì cũng sẽ có ít dấu hiệu cho thấy nhiều người tạo được kháng thể và bắt đầu hình thành miễn dịch cộng đồng.
“Ngay bây giờ, nhiều thông tin sơ bộ mà chúng tôi nắm cho thấy tỷ lệ dân số tạo ra kháng thể khá thấp”, ông nói trong một cuộc họp ngắn vào thứ Sáu. “Người ta kỳ vọng rằng…đa số người trong xã hội có thể đã hình thành các kháng thể, tuy nhiên bằng chứng nói chung đang chỉ ra điều ngược lại, vì vậy nó có thể không giải quyết được vấn đề của các chính phủ”.
Sống chung với virus?
Trong khi thế giới đang có hơn 70 nỗ lực phát triển vaccine, thì vào tuần trước một chuyên gia hàng đầu về căn bệnh đã cảnh báo mối đe dọa từ virus ĐCSTQ sẽ vẫn hiện hữu “trong một tương lai gần”.
“Một số virus rất rất khó phát triển được vaccine phòng ngừa. Vì vậy, trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải tìm cách sống chung với virus này, như một mối đe dọa thường trực”, theo ông David Nabarro, giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Hoàng gia London và là đặc phái viên của WHO về COVID-19.
“Điều đó có nghĩa là cách ly những người có dấu hiệu bệnh và cả những người tiếp xúc”, ông nói với tờ báo của Anh Obs Observer. “Người già sẽ phải được bảo vệ. Ngoài ra, năng lực xử lý các ca bệnh của bệnh viện sẽ phải được đảm bảo. Đây sẽ trở thành điều bình thường mới đối với tất cả chúng ta”.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, trên toàn thế giới có gần 3 triệu người đã nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có gần 20 vạn người đã tử vong. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng dữ liệu trên chưa đủ tin cậy do nó dựa trên số liệu không chính xác từ Trung Quốc.