Tân Sinh

Động niệm sắc dục, Trời đất đều thấu, phúc hay hoạ từ đó mà ra

Người xưa có câu: “Hành sự đều phải thuận theo ý Trời” hay “Muốn gặp nhiều phúc báo thì cái tâm phải sáng trong”, ngụ ý rằng con người phải thuận theo thiên ý thì mọi việc mới suôn sẻ. Phúc báo chỉ đến với những ai biết tu dưỡng bản thân. Người xưa tin rằng không sát sinh, không tham sắc dục chính là đang tích đức.

Văn Xương Đế Quân được dân gian lẫn Đạo giáo tôn sùng là thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân. Trong cuốn “Âm chất văn” của mình, ông viết: “Thuận theo ý dâm dục là hành vi của kẻ vô đạo. Sắc dục hủy hoại phẩm tiết, đạo đức và công danh của người ta. Sắc dục là trái với thiên ý và sẽ bị trừng phạt. Thần sẽ điểm hoá cho họ bằng những báo ứng nhãn tiền. Nhưng nếu một người không sợ báo ứng, không ước thúc bản thân và không biết bồi hoàn hành vi sai trái, họ sẽ nhận phải ác báo không ngừng. Chỉ ai giữ được nhục thân trinh tiết, biết thủ đức và giữ gìn thân thể như bạch ngọc thì mới có được phúc báo”.

Xưa nay, phàm những ai biết chế ngự bản thân khỏi sắc dục đều sẽ nhận được phúc báo. Ngược lại, người mải mê đắm chìm trong dục vọng, phóng túng bản thân sẽ liên tục nhận phải báo ứng và tai hoạ. Sắc dục có thể đơn phương hủy hoại công danh và sự nghiệp của một người. Một niệm dâm dục nổi lên, dù chưa được thực hiện, cũng đã là phạm tội.

Còn người thuận theo sắc dục mà làm điều xấu sẽ không chỉ nhận báo ứng cho bản thân họ, mà còn mang lại báo ứng cho đời sau. Phúc báo bị triệt huỷ, gia đình tan nát, có người còn mất đi cả sinh mệnh. Trong đường đời một cá nhân vốn đã an bài được giàu có, địa vị và danh vọng, nhưng nếu phạm phải tội tà dâm, họ sẽ bần cùng và nghèo đói suốt đời. Sinh mệnh một đời vốn có thể sống lâu trăm tuổi và nhận nhiều phúc báo cũng sẽ bị huỷ hoại và cắt giảm thọ mệnh.

Người phạm vào cửa tử này cũng là huỷ hoại đi chính tín bản thân và phản lại Thiên ý. Vì người như vậy, trời không dung, đất không tha. Văn học cổ đại tái hiện nhiều bài học giáo huấn về phúc báo và quả báo liên quan đến sắc dục. Dưới đây là một câu chuyện.

Vào thời Bắc Tống có một vị học giả tên là Lâm Mậu Tiên, người vùng Tân Châu, tỉnh Giang Tây. Vì gia cảnh nghèo khó, ông chuyên tâm học hành, không lãng phí thời gian vào chuyện viển vông. Nhờ vậy, Lâm Mậu Tiên đỗ cử nhân kỳ thi hương. Gần nhà Lâm Mậu Tiên có người hàng xóm tuy là ông chủ giàu có nhưng vô học. Bà vợ vì thế mà không ưa chồng, bấy lâu vẫn luôn ngưỡng mộ tài năng và danh tiếng Lâm Mậu Tiên. Sau khi Mậu Tiên đỗ cử nhân, người phụ nữ nọ lại càng mê đắm ông hơn, hàng ngày tơ tưởng. Một đêm, bà chạy đến trước cửa nhà Lâm Mậu Tiên. Lâm Mậu Tiên thấy vậy nghiêm sắc mặt nói rằng: “Nam nữ thụ thụ bất thân. Hành vi của cô là trái với phép tắc của Trời. Trời, đất, quỷ thần đều đang xem xét. Sao cô dám huỷ hoại thanh danh của ta?”. Người phụ nữ nghe vậy xấu hổ mà tự rời đi.

Năm thứ hai, Lâm Mậu Tiên đỗ tiến sĩ, đứng đầu kì thi khoa cử. Vì tài năng xuất chúng, ông được trao cho một chức vị quan trọng trong triều đình. Ông trở thành thượng thư bộ Lễ, tước nhị phẩm. Về sau, bốn người con của ông cũng đều đỗ tiến sĩ. Dân gian gọi gia đình ông là “nhất môn ngũ tiến sĩ”, tức là một nhà mà có 5 người đỗ tiến sĩ, vô cùng hiển hách. 

Người quân tử biết tu dưỡng bản thân ngay cả khi không ở trước mặt người khác

Sách Trung Dung của Tử Tư mở đầu bằng điều răn rằng, người quân tử biết tu dưỡng bản thân ngay cả khi không ở trước mặt người khác còn kẻ tiểu nhân thì chẳng sợ Trời, không sợ đất. Làm người phải biết tôn kính lễ tắc xã hội và sợ báo ứng thì mới có thể đạt được cảnh giới như Lâm Mậu Tiên vậy.

Người xưa kính Trời, kính Đất. Người quân tử hiểu rằng: “Trên đầu ba thước có thần linh”, biết rằng Thần đang nhìn mà không dám động niệm sắc dục ngay cả đang ở nơi phòng tối. Người quân tử biết ước thúc bản thân, nhờ tu tâm tích đức mà được Trời phù hộ, được Thần và người coi trọng. Kẻ vô đạo không tin vào nhân quả báo ứng mà xấc xược, không điều ác nào không dám làm. Tiêu chuẩn đạo đức thấp kém khiến họ tin rằng họ làm điều xấu cũng không ai hay. Kỳ thực, họ không biết rằng từng ý từng niệm của họ có thể làm mê con người thế gian, nhưng không qua được con mắt của Thần, vì vậy mà họ sẽ tích đầy nghiệp lực, Trời đất không dung.

Theo Đại kỷ nguyên