Tân Sinh

Người chồng tốt theo tiêu chuẩn của người xưa

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có không ít cô gái lấy điều kiện vật chất làm tiêu chuẩn để tìm ý trung nhân mà lại không coi trọng phẩm chất đạo đức của họ. Điều này hoàn toàn khác biệt so với tiêu chuẩn của một người chồng tốt thời xưa.

Cổ nhân cho rằng, địa vị, tiền tài và của cải không thể là thước đo giá trị của một con người. Phẩm đức đối với một người đàn ông là tối quan trọng, tựa như một loại ánh sáng lấp lánh soi sáng con đường tương lai, điều chỉnh hành vi và cách đối nhân xử thế của họ. Cho nên, chỉ những người đàn ông có tu dưỡng và phẩm chất đạo đức cao đẹp thì mới xứng đáng là “bảo vật” quý giá, mang đến cho nữ nhân một cuộc sống thực sự hạnh phúc, tốt đẹp.

Nhẫn nhịn, khiêm nhường

Từ xưa đến nay, “Nhẫn” là đạo đức tốt đẹp của con người. “Nhẫn” không phải là yếu đuối, cũng không phải là thờ ơ, “Nhẫn” là thể hiện của ý chí kiên cường, là thể hiện của sự tu dưỡng.

“Nhẫn” luôn là một đức tính cao quý mà một người khó có thể làm được. Tục ngữ nói: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Cho nên, một người nam giới có đức tính này thì cho dù trong cuộc sống có gặp phải khó khăn thử thách nào đi nữa họ vẫn có thể nhẫn nhịn mà thiện giải được.

Họ luôn lấy “nhẫn” để giải quyết các mâu thuẫn, làm cho các mối quan hệ trong cuộc sống trở nên ôn hòa và thoải mái hơn. Họ cũng nhất định sẽ không lấy lý do khách quan để đem lại sự bất hòa cho gia đình.

Nghiêm khắc với bản thân

Có một câu chuyện xưa như thế này:

Thời nhà Tống, có một vị danh nhân tên là Ngô Hạ. Mẹ của Ngô Hạ là người vô cùng nghiêm khắc đối với con cái mình.

Một hôm, trong lúc trò chuyện với một vài vị khách, Ngô Hạ ngẫu nhiên đàm luận về khuyết điểm của một người khác không có mặt ở đó. Mẹ ông vô cùng tức giận. Đến khi những vị khách đã về hết, bà liền phạt con một trăm roi.

Một người họ hàng đã cố trấn tĩnh bà và nói: “Nói về những điểm mạnh hay những thiếu sót khuyết điểm của người khác là điều bình thường của những người đọc sách. Có gì sai đâu? Sao bà lại đánh con đến như vậy?”

Mẹ của Ngô Hạ thở dài và nói: “Tôi nghe nói rằng nếu cha mẹ thực sự yêu con gái của họ, họ phải cố gả con gái mình cho một học giả thận trọng về những điều mà anh ta nói ra. Tôi chỉ có một mình nó là con trai. Tôi đang cố gắng làm cho nó hiểu về đạo nghĩa làm người. Nếu nó không thận trọng về những điều được nói ra, tức là nó đang quên mẹ của nó. Nó hiện giờ như vậy thì nói gì đến đạo xử thế lâu dài được đây?”

Từ câu chuyện xưa có thể thấy rằng, từ việc nhỏ như ăn nói, tu khẩu đối với một người đàn ông là vô cùng quan trọng. Cho dù đó là người trầm lặng ít lời hay linh hoạt lưu loát, nếu có thể giữ đạo trong tâm, không khoa trương và luôn nghiêm khắc tu dưỡng tâm tính bản thân thì đó chính là người cao thượng.

Những người như vậy sẽ không nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của người khác, chỉ quan tâm tu dưỡng bản thân. Họ cũng không “miệng nói một đường, tâm nghĩ một nẻo”, càng không dùng lời ác để hại người.

Tránh sắc thủ đức

Cổ nhân có câu: “Trong vạn cái ác thì dâm đứng đầu” (Vạn ác dâm vi thủ). Tục ngữ có câu: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Xã hội hiện đại có những thứ gọi là phong trào giải phóng tình dục, nhưng thời xưa thì gọi đó là nam nữ dâm ô trụy lạc. Cho nên, dù cho người đàn ông đó có được người đời tán dương, nhưng chỉ cần phạm phải tội tà dâm, quan hệ bất chính, thì sẽ không còn xứng là chính nhân quân tử nữa, thậm chí còn phải chịu sự trừng phạt của Thiên lý.

Trái lại, một người đàn ông có định lực kiên cường thì gặp sắc không mê, kiên trì “tránh sắc như tránh tên”. Người chồng như vậy, dù ở vào hoàn cảnh nào đi nữa họ cũng cự tuyệt sự hấp dẫn của sắc đẹp, một lòng bảo hộ gia đình mình. Bởi vì họ biết rằng làm như vậy là tích đức và phúc báo cho bản thân mình và con cái.

Khoan dung, lương thiện

“Người tốt với ta, ta sẽ tốt lại với người”, đây là điều mà một người bình thường có thể làm được. Người đối với ta không tốt, ta không oán, không giận, luôn mong người đạt được những thứ tốt thì đó mới thực sự là bậc đại trí giả khoan dung, lương thiện.

Một người chồng có tấm lòng rộng lớn như biển khơi, dung nạp trăm sông thì sẽ lương thiện và nhân từ. Họ có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà tha thứ cho người, không oán không giận, cũng không làm những việc trái với đạo lý làm người.

Người chồng như vậy thì trong cuộc sống hôn nhân sẽ không vì những điều nhỏ nhặt mà nổi giận, làm điều tổn hại người khác. Trái lại, họ còn có thể dùng tâm thái bình thản, tấm lòng khoan dung mà khiến gia đình trở nên vui vẻ, hòa thuận.

 

Giữ chữ tín, coi trọng lời hứa

Khổng Tử giảng: “Nhân vô tín bất lập”, người mà bất tín thì không có chỗ đứng ở đời. Người không có tín thì không có nghĩa khí. Tín không chỉ là sinh mệnh thứ hai của người đàn ông mà còn là nhân tố xây dựng nên mối quan hệ vững chắc giữa người với người, tâm và tâm.

Một người đàn ông giữ chữ tín sẽ không nói lời tùy tiện mà làm đến nơi đến chốn, chân thành đối đãi với mọi người. Họ coi trọng lời hứa, có thể họ không biết nói những lời ngọt ngào, nhưng một lời hứa của họ lại đáng giá ngàn vàng.

Những người đàn ông coi trọng chữ tín một khi nói lời thì tất sẽ làm và làm thì tất sẽ có kết quả. Người như vậy, lòng họ thẳng thắn vô tư, chất phác trang trọng, là một người có trách nhiệm, là đối tượng đáng giá để người khác dựa vào.

Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời trong xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi, tùy thuộc vào hoàn cảnh và quan niệm của mỗi người. Nhưng cho dù là thời nào đi nữa thì một người chồng có đạo đức, có tu dưỡng vẫn luôn là người đáng tin cậy, là điểm tựa vững chắc, là người mà mọi người đều kính trọng.

 

Theo : Tri Thuc.vn