Đó là câu chuyện thẫm đấm tình người giữa cô gái trẻ – chủ nhân chiếc xe ô tô bị làm xước bởi cụ ông đạp xích lô nghèo khó.
“Một cụ già 70 tuổi ngày ngày còng lưng đạp xích lô chở sắt thép thuê để kiếm sống qua ngày. Cụ có con cái đấy nhưng đứa nào cũng bận rộn và khó khăn, nên từng này tuổi rồi vẫn phải cố gắng để kiếm miếng ăn cho bản thân và nuôi cụ bà ốm yếu ở nhà.
Một sáng nọ như bao ngày cực nhọc, cụ lại còng lưng đạp xích lô chở khối sắt thép nặng đến oằn cả người lẫn xe trên con đường quen thuộc. Hôm ấy đường đông, người và xe chen lấn nhau nhích từng bước. Đi ngay trước cụ là một chiếc xe hơi bóng loáng màu đỏ thời trang.
Cụ đã cố gồng mình để phanh cho đống sắt thép trên xích lô của mình khỏi chạm phải thứ đồ đắt tiền ở ngay phía trước, khó khăn làm sao trước sức nặng ấy và khoảng cách quá chật hẹp bởi dòng người san sát nhau do tắc đường.
Bỗng có tiếng xoẹt khá lớn, thật không may là cụ đã không thể kiểm soát chiếc xích lô bất kham mình đang lái và hậu quả là chiếc xe hơi màu đỏ sang trọng ấy đã lĩnh trọn vết rạch bên hông!
Mọi người xung quanh đều nghe thấy tiếng xoẹt này, và cả người lái xe hơi màu đỏ. Đám đông giãn ra đôi chút để đôi bên “giải quyết sự cố”. Cụ già biết lỗi hối hận vô cùng, cố lái chiếc xích lô nặng trịch vào lề phải để chờ gặp tài xế xe hơi. Chiếc xe hơi cũng táp vào lề phải, cửa kính mở xuống nhưng người vẫn ngồi trên xe.
Người lái xe là một phụ nữ, bên cạnh là một thanh niên.
Thanh niên xuống xe nhìn vết rạch và nói luôn rằng: “Ông cụ đi đứng thế nào làm hỏng xe tôi rồi. Ông tính sao đây?”. Cụ già lẩy bẩy tay lau mồ hôi nhỏ giọt từ trán xuống dù trời lạnh giá và đáp: “Tôi xin lỗi cô cậu, đường đông quá tôi không làm chủ được chiếc xe quá nặng. Tôi xin đền, cô cậu tính hết bao nhiêu tôi sẽ đền cho cô cậu”.
Người thanh niên lấy điện thoại ra bấm số, gọi cho ai đó hỏi han chớp nhoáng rồi nói: “Do ông cụ đi không cẩn thận thôi nhé, đã gây thiệt hại rồi phải chịu đền bù. Tôi lấy 1.000.000 đồng bằng đúng phí làm lại xe. Ông cụ trả tiền luôn đí!”.
Cụ già nghe xong số tiền mà chân như muốn khuỵa xuống. Lần hết trong túi còn vỏn vẹn 300.000 đồng là tiền công mấy tuần vừa rồi nhọc nhằn chở đồ. Cụ nói như van lơn: “Xin cô cậu thông cảm, cầm trước 300.000 đồng, nhà tôi không xa ở đây, tôi xin chạy về lấy nốt 700.000 còn lại. Cô cậu thông cảm cho tôi”.
Thanh niên nghĩ một lát rồi bảo cụ ông để lại xe thồ đi về nhà lấy nốt số tiền, dường như muốn cầm bằng cho chắc ăn.
Cụ ông cám ơn họ rồi vội vàng xuống xe lẩy bẩy đi bộ về làng. Có người qua đường thương tình thấy cụ tuổi cao lại đang quá bối rối nên đã cho đi nhờ xe về làng. Về làng cụ không vào nhà bởi nhà còn đồng nào đâu, mà chạy sang hàng xóm: “Tôi không may làm hỏng xe người ta, cho tôi vay 700.000 đồng bồi thường họ được không?”. Hàng xóm đáp: “Tôi sửa nhà còn lại có 300.000 đồng cụ cầm tạm đi”.
Cụ cám ơn hàng xóm rồi chạy vạy thêm vài nhà nữa. May mắn thay cuối cùng đã vay đủ 400.000 đồng. Cụ vội nhờ người chở tới hiện trường “vụ việc” để trả nốt số tiền cần bồi thường cho chủ xe.
Hai người trên chiếc xe hơi màu đỏ khá bất ngờ, những tưởng cụ già có khả năng chạy trốn và bỏ lại đống sắt rồi, ai ngờ cụ mang đủ 700.000 đồng tới bồi thường. Người phụ nữ trên xe bước xuống, nhìn ông lão 70 tuổi cầm nắm tiền lẻ tay run run đưa trả mình mà bỗng dưng động lòng trắc ẩn. Cô đoán rằng số tiền này có lẽ là không nhỏ đối với ông.
Trong giây lát, cô quay sang nói gì với cậu thanh niên rồi lại quay sang ông lão và nói: “Thôi cụ cầm lại 700.000 đồng đi, 300.000 đồng đủ sửa xe rồi, cám ơn cụ. Lần sau cụ đi cẩn thận nhé”.
Cụ già nghe xong cảm ơn người phụ nữ nhưng vẫn nhất quyết ấn tiền vào tay cô, cụ nói mình đã gây thiệt hại thì cần phải bồi thường. Rồi cụ lại trèo lên chiếc xe xích lô, còng lưng đạp chầm chậm để nó uể oải tiến từng bước. Người phụ nữ lái chiếc xe đỏ cầm nắm tiền lẻ trong tay nhìn theo không chớp, mắt cô bỗng rơi lệ.
Cụ già không biết rằng có người đã đi theo mình về tận làng. Đó chính là người phụ nữ lái chiếc xe đỏ. Qua hỏi thăm cô biết được cụ đang nuôi cụ bà cùng tuổi, ốm yếu quanh năm. Ngày ngày cụ ông đạp xích lô chở sắt thép kiếm tiền vừa nuôi vợ, lại vừa phải mua thuốc thang điều trị.
Họ sống trong một mái nhà tranh chưa tới 10 m2, tồi tàn, đơn sơ. Cụ bà vừa bị huyết áp, đau cột sống, tim mạch nên thuốc thang liên miên, mọi chi phí đổ dồn lên vai cụ ông. Họ phải tằn tiện chi tiêu cho sinh hoạt để sống qua ngày, còn có tiền khám chữa bệnh cho bà.
Sắp tới cụ bà có thể phải làm phẫu thuật tim vì bệnh tình đang diễn biến xấu đi, chi phí cho ca mổ tim đó lên tới 20 triệu đồng! Cụ ông sức già nhưng vẫn không thể yếu, phải cố gắng chở đồ để gom đủ tiền cứu vợ….
Mỗi chuyến xe như hôm nay, cụ ông bán được 50.000 đồng và vội trở về nhà với cụ bà. Hàng xóm thương cảm nhưng không ai dư giả, họ chỉ có thể động viên hai cụ.
Người phụ nữ nghe xong vô cùng thương cảm, âu cũng là nhân duyên gặp được hai cụ. Cô tới nhà và trả lại 1 triệu đồng cho họ cùng 1 phong bì trong đó có 2 triệu đồng.
Hai cụ ngơ ngác không hiểu và nhất mực không nhận: “Tôi xin lỗi cô không hết, xin cô đừng làm vậy chúng tôi khó nghĩ lắm cô ơi”, cụ ông nói. Người phụ nữ mỉm cười đôn hậu: “Ông ơi số tiền này đối với cháu không mấy quan trọng, nhưng với ông và bà lại là cả tính mạng con người. Chiếc xe bị rạch một hay vài vết đi sơn sửa là xong, cháu lo được, sức khỏe của bà và cả ông mới là điều cấp thiết hơn cả. Ông hãy cứ nhận lấy để lo chữa trị cho bà, sau này có rồi gửi lại cháu sau. Ông hãy nhận lấy số tiền này, vì bà đi ông”.
Hai cụ mắt đẫm lệ tay cầm chiếc phong bì nhỏ ấm áp tình người, còn người phụ nữ cũng nhòa nước mắt, nhưng tất cả đều cảm thấy thanh thản và hạnh phúc.
Một cử chỉ đẹp đẽ và cao thượng với những trái tim vị tha và tấm lòng nhân ái đã giúp con người ta xích lại gần nhau hơn, làm cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Khi mà tình thương giữa con người với nhau đang dần mờ nhạt đi thì những trái tim tràn ngập tình yêu thương và tấm lòng nhân ái này đã biến cuộc sống quanh ta trở nên đẹp đẽ.
Theo Baohoctro