Phúc đức của người ta là do làm việc thiện và chịu thiệt thòi trong cuộc sống, nếu như một người luôn giữ được sự lương thiện và lòng khoan dung thì đó chính là nguồn cội của phúc đức.
Người sống lương thiện và khoan dung chắc chắn được phúc báo, không sớm thì muộn.
Lương thiện và khoan dung không đi đâu mà thiệt, còn mang lại phúc báo cho con người
Những người sống lương thiện và khoan dung nhìn bề ngoài tưởng chừng họ thiệt thòi, nhưng trên thực tế họ lại may mắn vì được phúc báo.
Dân gian Trung Quốc vẫn truyền tụng câu chuyện từ xưa về tấm lòng lương thiện và khoan dung đem lại phúc báo cho con người như sau.
Vào đời nhà Minh có một thư sinh chuyên viết chữ và dạy học kiếm tiền. Gia cảnh bần hàn nên thư sinh dù dùi mài kinh sử học hành tấn tới nhưng lại không có chi phí để lên kinh dự thi vì ở mãi nơi heo hút hẻo lánh.
Một ngày nọ thư sinh lĩnh chút tiền lương dạy học nên mua con gà nhờ gửi về cho vợ làm bữa cải thiện. Người vợ nhận gà mừng lắm vì lâu không có thịt ăn, đang tính vặt lông con gà để làm bữa cỗ nho nhỏ thì gặp hàng xóm sang than thở. Người hàng xóm nói con dâu mới sinh nhưng không có gì tẩm bổ, vì cũng đang túng thiếu. Nghe thấy vậy người vợ thư sinh bèn đem tặng con gà cho hàng xóm và nói đó là quà mừng. Hàng xóm mừng lắm, lạy tạ ơn rối rít rồi mang gà ra về.
Tối thư sinh về nhà thấy cơm canh đạm bạc như ngày nào bèn hỏi vợ, người vợ đáp lời: “Thiếp xin lỗi đã lơ là nên con gà chạy mất rồi. Chàng đừng trách cứ nhé, sau này mình sẽ có gà ăn thôi”.
Thư sinh nghe xong không oán trách mà thấy thương vợ hơn, chàng thở dài: “Kẻ đáng trách là ta, nhẽ ra ta nên kiếm đủ tiền để nàng bớt khổ”.
Hai vợ chồng an ủi và cùng nhau dùng cơm, dù đạm bạc mà vẫn thấy hạnh phúc.
Chẳng mấy chốc năm mới đến, hàng xóm sang mừng năm mới hai vợ chồng và nói: “Tôi thấy sứ giả Triều đình tới thông báo sắp mở khoa thi, thầy giáo giỏi giang vậy nên ứng thí, chắc chắn sẽ đỗ Trạng nguyên vinh dang cả họ và rạng danh cả làng ta”.
Thư sinh lắc đầu buồn bã: “Tôi cũng muốn ứng thí lắm nhưng làm gì có điều kiện lo lộ phí lên kinh chứ, đường xá xa xôi chưa kể đủ thứ phải chi”.
Hàng xóm nghe xong cười vui vẻ: “Tôi sẽ cho thầy giáo vay. Gần đây tôi ăn nên làm ra nên có chút của cải. Nhớ ngày nào vợ chồng thầy giáo có mỗi con gà cải thiện cũng đem cho tôi để bồi bổ con dâu. Ơn nghĩa đó tôi không bao giờ quên. Nay có cơ hội đền đáp vợ chồng thầy giáo tôi thấy rất mãn ý”.
Và quả thật thư sinh khi lên kinh ứng thí đã đỗ đầu bảng, được bổ nhiệm làm quan to, rạng danh cả họ và vinh danh cả làng.
Nếu không có người hàng xóm rộng lượng cho vay tiền làm lộ phí chắc thư sinh dù giỏi đến mấy cũng khó mà thành danh. Nhưng xét sâu xa hơn, thực chất là nhờ vào tấm lòng thương thiện và khoan dung của cả hai vợ chồng thư sinh mới được như vậy. Con người cứ sống lương thiện và độ lượng, chắc chắn sẽ được phúc báo, đó là luật nhân quả của Đất Trời.
Theo minhbao.net