Nhân quả báo ứng từ xưa đến nay chính là quy luật của vũ trụ, nợ người thì phải hoàn trả. Đối với động vật cũng vậy, dù tự tay sát hại hay nhờ người sát hại đều là mắc nợ và nhất định sẽ phải hoàn trả.
Năm Đại Hòa thứ sáu thời Đường (năm 832), tại huyện Đoan Khê, tỉnh Khang Châu (nay là huyện Đức Khánh, Quảng Đông), có một người tên Lý Vực, là cháu của quan tiền nhiệm Đại Lý tự Bình Sự Cảnh đã nghỉ hưu. Lý Vực có một người bạn thân gần nhà tên là Thôi Thiệu, hai người từ sớm đã rất thân thiết với nhau.
Giết mèo quăng xác xuống sông
Nhà Lý Vực có nuôi một con mèo cái, rất hay chạy tới nhà Thôi Thiệu rình bắt chuột, có khi ở luôn bên nhà Thôi Thiệu mấy ngày mới chịu về. Một năm nọ mèo cái ham bắt chuột, rồi làm ổ sinh ra hai chú mèo con trong nhà Thôi Thiệu. Vào thời đó người dân địa phương có một phong tục truyền đời là cấm kỵ mèo nhà khác sinh con trong nhà mình, bởi sẽ mang tới vận rủi cho gia đình.
Khi phát hiện mèo nhà Lý Vực sinh con trong nhà mình, Thôi Thiệu vô cùng tức giận, không nể tình bạn bè, anh sai người hầu dùng dây thừng giết chết ba chú mèo tội nghiệp, rồi bỏ ba con mèo vào trong một cái sọt, lại bỏ thêm đá vào trong đó và quăng xác xuống sông.
Chưa đầy một tháng sau, mẹ của Thôi Thiệu đột nhiên không bệnh tật mà qua đời. Theo quy định khi đó quan lại nếu có cha mẹ qua đời, cần tạm thời về chịu tang 3 năm để làm tròn đạo hiếu.
Cuộc sống của Thôi Thiệu trong thời gian chịu tang trở nên vô cùng khốn khó, không còn cách nào khác đành đi khắp các nơi trong tỉnh Quảng Châu mong được bạn bè thân bằng cố hữu giúp đỡ. Bắt đầu khởi hành từ Khang Châu ngày 08/05 đi qua mấy quận ở Hải Nam, đến ngày 10/09 đến Lôi Châu.
Bất ngờ đột tử nơi đất khách quê người và phải xuống âm gian
Sau khi tới Lôi Châu, Thôi Thiệu sống ở quán trọ, đến ngày 14/09, người bỗng nhiên sốt cao, tới đêm thì tình trạng lại càng trầm trọng và đột tử nơi đất khách quê người.
Trước khi chết, đột nhiên Thôi Thiệu nhìn thấy hai người, một mặc áo vàng, một mặc áo đen, tay cầm một cuốn sổ nói với anh ta: “Chúng tôi phụng mệnh Diêm Vương tới bắt anh”.
Thôi Thiệu ngơ ngác nhìn họ không phục nên phản đối: “Cả đời tôi trong sạch chỉ làm việc tốt chưa bao giờ làm việc xấu, tôi phạm tội gì mà các người lại bắt tôi tới âm gian?”.
Hai quỷ sai giận dữ nói: “Ngươi sát hại ba người vô tội, ba người đó hiện đang tố cáo ngươi dưới âm phủ. Thiên Đế ra chiếu thư yêu cầu Diêm La Vương xét hỏi ngươi, chuẩn bị để ngươi đền mạng cho người bị hại. Sự việc đã tới bước này, ngươi còn cả gan dám kêu oan kháng cự vương lệnh là sao?”. Nói rồi mở cuốn sổ trong tay đưa cho anh ta xem.
Thôi Thiệu nhìn thấy từng chữ từng chữ hiển hiện rõ ràng trên cuốn sổ, nhưng không được xem chi tiết. Mãi cho tới lúc này anh ta mới lập cập run rẩy sợ hãi, mặc dù không nhớ ra được mình đã phạm tội gì.
Thần tới cứu giúp
Khi đang giằng co sắp bị lôi đi, đột nhiên Thôi Thiệu nhìn thấy một vị Thần xuất hiện, hai quỷ sai lập tức phủ phục quỳ xuống dập đầu bái lạy.
Vị Thần nhìn Thôi Thiệu hỏi: “Ngươi có nhận ra ta là ai không?“.
Thôi Thiệu lắc đầu trả lời không. Vị Thần trả lời: “Ta chính là Nhất Tự Thiên Vương, là vị Thần mà đã được gia đình ngươi tôn kính thờ phụng hơn hai thế hệ. Ta vẫn thường muốn tìm cách báo đáp gia đình ngươi, nay biết ngươi gặp nạn nên đặc biệt tới giúp”.
Nghe những lời của vị Thần, Thôi Thiệu vội vàng quỳ xuống dập đầu, cầu xin ông cứu giúp bản thân thoát khỏi án oan. Thiên Vương nói với anh ta: “Ngươi cứ đi theo ta, ta bảo đảm ngươi sẽ không bị tai họa”, nói rồi rời đi.
Thôi Thiệu đi theo Thiên Vương, phía sau có hai tên quỷ sai áp giải, không lâu sau đó họ đi tới một cửa thành. Thiên Vương bảo anh ta đứng ngoài đợi, còn mình đi vào trong. Hai quỷ sai đưa Thôi Thiệu vào ngồi trong đại sảnh của một công đường, bảo ngồi đợi để diện kiến Vương Phán Quan.
Một lát sau Vương Phán Quan mặc áo bào xanh, bước xuống thềm tiến về phía Thôi Thiệu nhiệt tình tiếp đón và ân cần thăm hỏi. Lại hỏi Thôi Thiệu đi đường có vất vả không, rồi mời anh cùng ngồi xuống trò chuyện và sai người pha trà.
Sau ba tuần trà, Vương Phán Quan đưa anh ta tới gặp Diêm Vương, tay cầm một công văn không cần đợi thông báo, đi tiến thẳng vào Diêm Vương đại điện. Vào tới bên trong, anh ta nhìn thấy Diêm Vương đang ngồi đối diện với Nhất Tự Thiên Vương trò chuyện.
Thấy anh ta vào, Nhất Tự Thiên Vương bèn nói với Diêm Vương: “Ta chính là vì người này mà đích thân tới cầu xin Diêm Vương tha thứ”.
Diêm Vương không nhìn Thôi Thiệu mà nói: “Có khổ chủ kháng án, cho dù Thôi Thiệu không tự tay giết người, tuy nhiên anh ta đã đích thân ra lệnh cho người khác sát hại và quăng xác xuống sông”. Thấy vậy Thiên Vương bèn truyền lệnh đưa người bị hại lên công đường.
Người bị hại lên công đường
Lúc đó có mười mấy quỷ sai mặc áo tím lên tiếng và đi ra khỏi công đường, một lát sau có một người mặc áo bào tím nhạt tay cầm một cái “thẻ bài” cùng một bản cáo trạng, dắt một ngời phụ nữ lên công đường. Phía sau người phụ nữ có hai đứa nhỏ, cả ba mẹ con đều có hình dáng đầu mèo thân người.
Người phụ nữ mặc chiếc váy nhàu nát cùng một chiếc áo màu vàng, hai đứa nhỏ một đứa mặc áo giống màu áo của mẹ, cậu con trai còn lại mặc chiếc áo màu đen. Ba mẹ con họ vào tới công đường thì không ngừng khóc lóc sụt sùi, tình cảnh vô cùng thương tâm, tố cáo Thôi Thiệu vô duyên vô cớ sát hại mẹ con họ.
Thiên Vương nghe vậy liền quay sang nói với Thôi Thiệu: “Ngươi hãy mau chóng hứa với mẹ con họ sẽ chép kinh sách để lập công đức giúp họ sớm được siêu độ”.
Trong lúc vừa hoảng vừa sợ, nhất thời Thôi Thiệu không nhớ rõ tên kinh Phật mà con người ở nhân gian thường niệm, chỉ nhớ tới một bộ “Phật đỉnh tôn thắng đà la ni kinh” liền hứa với linh hồn của ba mẹ con nhà mèo rằng sẽ sao chép lại quyển kinh thư này cho mẹ con họ.
Khi vừa hứa sẽ thực hiện việc chép kinh, linh hồn ba mẹ con mèo kia liền biến mất. Diêm Vương và Nhất Tự Thiên Vương cho phép Thôi Thiệu từ dưới bậc thang lên ngồi trên công đường. Thôi Thiệu vội vàng hướng về phía Diêm Vương bái tạ, Diêm Vương cũng thi lễ đáp trả.
Thôi Thiệu cung kính dập đầu nói với Diêm Vương: “Thưa Diêm Vương, tôi là kẻ phàm phu tục tử đã phạm tội lại bị khổ chủ tố cáo, là người không đáng nhận được sự tha thứ, chẳng ngờ lại có thể sống sót trở về. Đây tất cả đều là ân đức của Đại Vương, ngài lại đáp lễ với tôi như vậy làm tôi thực sự hổ thẹn quá”.
Diêm Vương nhìn anh ta và nói: “Việc của anh đã giải quyết xong rồi, anh hãy nhanh chóng trở về nhân gian đi. Trần gian và địa phủ là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, anh là người sống bởi vậy tôi không dám nhận lễ của anh”.
Bảng vàng niêm yết danh sách quan lại ở nhân gian
Thôi Thiệu tiếp lời: “Tôi ngẫu nhiên có cơ hội tới âm phủ cũng không dễ dàng gì, bạo gan muốn xin hỏi Diêm Vương một chuyện. Tôi nghe nói nơi âm phủ có danh sách hồ sơ quan lại, tôi thì không có tài năng gì với lại thân mang bệnh tật, nếu có trở về nhân gian cũng không dám mong cầu thăng quan tiến chức gì. Tuy nhiên tôi còn người thân và bằng hữu tôi muốn biết lộc số của họ ra sao liệu có được chăng?”.
Diêm Vương nói: “Với người khác điều này là tuyệt đối không được phép, tuy nhiên vì là anh, ta có thể đặc biệt chiếu cố xem xét. Tuy nhiên anh hãy nhớ cho kỹ không được phép tiết lộ thiên cơ. Nếu anh chỉ tiết lộ một chút, sẽ bị câm cả đời sẽ không nói được nữa”.
Thôi Thiệu hỏi tiếp: “Xin hỏi Diêm Vương, người cha quá cố của tôi vẫn còn ở âm phủ hay đã đi chuyển sinh rồi?”.
Diêm Vương đáp: “Ông ấy đã nhận chức ở âm ty rồi”.
Thôi Thiệu khóc quỳ xuống cầu xin Diêm Vương: “Tôi muốn gặp lại cha tôi một lần liệu có được hay chăng?”
Diêm Vương đáp: “Ông ấy đã mất nhiều năm nay rồi, theo quy định không thể gặp được nữa”.
Không còn cách nào khác, anh ta chỉ còn cách đứng dậy cáo từ và được Nhất Tự Thiên Vương đưa tới nơi ở của Vương Phán Quan.
Vương Phán Quan đưa Thôi Thiệu tới một căn phòng dưới hành lang ở đó có một lầu gác, Vương Phán Quan đưa anh ta vào một căn phòng tường bằng vàng và bằng bạc phía trên liệt kê danh sách những quan lại và người giàu có ở nhân gian.
Hễ là những người làm tới chức tướng, tên đều được liệt kê danh sách trên bảng vàng, quan lại dưới hàm cấp tướng đều được liệt kê trên bảng bằng bạc. Lại có một tấm bảng dài bằng sắt trên đó liệt kê danh sách quan lại ở châu, phủ, huyện, quận.
Thôi Thiệu nhìn những tên người trên ba tấm bảng đều là những quan lại vẫn còn tại thế, nếu đã qua đời thì không còn tên họ nữa. Vương Phán Quan nói với Thôi Thiệu: “Ngươi chỉ được nhìn, sau khi trở về nhất định không được nói với người khác chức quan của những người trên bảng. Những người đang tại vị ngươi nói không sao, tuy nhiên những người chưa nhận chức, cấm chỉ không được phép tiết lộ, nếu không sẽ bị hình phạt như Diêm Vương vừa cảnh cáo. Những người trên thế gian nếu có thiện tâm, tích đức hành thiện tất sẽ đắc phúc báo. Nếu làm việc ác thì sẽ bị pháp luật ở âm gian nghiêm khắc trừng trị”.
Người cá cầu cứu
Một lát sau Nhất Tự Thiên Vương cùng Thôi Thiệu trở về, được Diêm Vương tiễn ra tận ngoài cửa. Giữa đường trở vền dương gian, Thôi Thiệu gặp bốn người đều có hình dáng đầu cá mình người, mặc áo màu xanh biếc trong tay cầm một thẻ bài, trên quần áo còn dính chút máu đang đứng trên hố sâu, vừa khóc vừa run rẩy nói với Thôi Thiệu: “Tính mệnh của chúng tôi sẽ sớm bị nguy hại, sắp phải nhảy xuống hố sâu này rồi, chỉ có anh mới có thể cứu được tính mạng của chúng tôi”.
Thôi Thiệu nói: “Tôi có năng lực gì mà có thể cứu được mọi người chứ?”.
Bốn người kia đồng thanh đáp: “Anh chỉ cần đồng ý cứu chúng tôi là được rồi. Là coi như chúng tôi được đắc cứu rồi”.
Thôi Thiệu gật đầu nói: “Đương nhiên tôi hứa sẽ cứu mọi người rồi”.
Bốn người vội vàng quỳ xuống cảm ơn anh và nói tiếp: “Tính mệnh của chúng tôi giờ đã được anh cứu rồi, nhưng bây giờ chúng tôi còn một thỉnh cầu thật sự có hơi quá đáng tham lam, nhưng chúng tôi thực sự cầu xin anh giúp đỡ, mong anh đừng trách tội”.
Thôi Thiệu gật gật đầu tỏ vẻ thông cảm: “Chỉ cần khả năng của mình cho phép, tôi nhất định sẽ tận lực làm giúp mọi người”.
Bốn người cá đồng thanh: “Bốn người chúng tôi cùng thỉnh cầu anh hãy giúp chúng tôi, sao chép một bộ “Kim Quang Minh kinh” thì tội nghiệp nơi thân chúng tôi mới được siêu độ”. Thôi Thiệu gật gật đầu nói đồng ý vừa dứt lời thì bốn người cá kia cũng biến mất.
Hiện thân của người cá
Thôi Thiệu trở lại dương gian đi tới quán trọ ở Lôi Châu nhìn thấy thi thể của mình đang nằm trên giường đắp chăn. Thiên Vương quay sang nói với anh ta: “Đừng sợ! đây chính là nhục thân của anh, anh hãy từ từ đi vào thân thể của mình đi“. Thôi Thiệu làm theo lời của Thiên Vương dần dần đi vào nhục thân của mình và sống lại.
Sau khi tỉnh dậy và hỏi mọi người xung quanh, anh mới biết mình đã chết 7 ngày nay rồi chỉ có trái tim, miệng và mũi là còn chút hơi ấm. Sau khi sống lại vài ngày anh rời quán trọ và trở về nhà, vừa về tới nhà anh nhìn thấy trước bậc thềm trong vườn nhà, có một cái chậu bằng gỗ trong có thả bốn con cá chép. Thấy kỳ lạ anh hỏi mọi người sao lại để cá chép ở đây, người nhà bèn trả lời: “Biết anh về nên mua cá chuẩn bị mang xuống bếp làm cơm”.
Thôi Thiệu tự nghĩ: “Đây chẳng phải là bốn con cá mà mình đã cứu ở âm phủ sao?”. Nói rồi lập tức sai người mang cá thả ra hồ nước phía ngoài và thực hiện lời hứa giúp bốn chú cá sao chép một cuốn “Kim Quang Minh Kinh”.
Theo Đại Kỷ Nguyên