Một ngàn năm trước, thế giới chưa có mạng lưới internet, Trung Quốc và Nhật Bản muốn thông tin cho nhau thì cách đơn giản nhất chính là vượt biển. Thế nhưng, có một câu chuyện trong lịch sử giữa hai quốc gia này, khiến cho hậu nhân không khỏi kinh ngạc.
“Đường đại hòa thượng đông chinh truyện” là tài liệu chân thực nhất kể về chuyến đông chinh của hòa thượng Giám Chân, là tài liệu nguyên thủy nhất trong lịch sử, trong đó ghi lại, hòa thượng Giám Chân tại Đại Minh tự ở Dương Châu đã từng nói một câu: “Ngày xưa, ta nghe nói thiền sư Nam Nhạc Huệ Tư sau khi di hóa, đã chuyển sinh làm con của một vị vua nước Oa, hồng dương Phật Pháp”. Con của vị vua nước Oa (Nhật Bản) đó chính là Thái tử Thánh Đức (Shotoku).
Thánh Đức dung mạo anh tuấn, là người lương thiện, lại rất có tài trị quốc. Thái tử rất ham học tập Phật Pháp, cũng nghiên cứu nhiều kinh điển Nho gia. Công nguyên năm 604, Thái tử Thánh Đức kết hợp giáo lý Phật gia, Đạo gia và Nho gia, ban hành “17 điều hiến pháp”. Nội dung hiến pháp này được coi là cơ sở văn hóa của Nhật Bản ngày nay.
Năm Thái tử Thánh Đức 36 tuổi, ông đã thưa với Thiên Hoàng rằng: “Thần kiếp trước tu hành tại đất người Hán, từng tụng trì một bộ kinh Phật, nay vẫn còn lưu lại tại Hành Sơn. Xin Thiên Hoàng phái sứ giả tới đất Hán để thu hồi lại, lấy nội dung trong đó làm tiêu chuẩn để chỉnh đốn hành vi”.
“Gốc đạo không xa, biển tính rất gần, chỉ tìm ở mình, chớ tìm ở người, tìm tức không được, được cũng chẳng chân”. – Thiền sư Huệ Tư
Thiên Hoàng sau khi nghe xong đã vô cùng ngạc nhiên, liền hỏi vị đại thần nào có thể đảm đương sứ mệnh trọng đại này? Thái tử Thánh Đức lặng lẽ quan sát tướng mạo của hàng trăm vị đại thần, sau đó bẩm báo lại với phụ hoàng: “Tiểu Dã Muội Tử (Ono No Imoko) là thích hợp nhất”.
Tháng 7 cùng năm, nhóm người của Tiểu Dã phụng mệnh đi sứ nhà Tùy. Thái tử nói với Tiểu Dã: “Tại khu vực Giang Nam của nhà Tùy có một ngọn núi tên Hành Sơn, cũng gọi là Nam Nhạc. Trong núi có Bàn Nhược đài, xuôi theo con suối về phía Nam khoảng 3, 4 dặm, sẽ gặp một miệng hang, bên cạnh có một cánh cửa. Những người tu hành cùng ta thời ấy đều đã di hóa, chỉ còn lại ba người. Ngươi mang theo những bộ tăng phục này, dùng danh nghĩa của ta mà đưa cho bọn họ. Trước đây khi ta tu luyện tại Hành Sơn, thường tụng niệm một cuốn kinh Phật, hiện vẫn còn lưu lại ở chỗ đó, ngươi hãy giúp ta thu hồi lại”.
Tiểu Dã Muội Tử sau khi dẫn sứ đoàn đến nhà Tùy, liền dựa theo lộ tuyến mà thái tử đã dặn dò mà tìm kiếm, quả nhiên thấy tại miệng hang có một cánh cửa. Tiểu Dã dùng tiếng Nhật Bản cất cao giọng: “Sứ giả của thiền sư Huệ Tư đã đến”. Lúc này, có 3 vị lão tăng từ trong hang động bước ra, Tiểu Dã nhìn thấy họ thì liên tục thi lễ.
Tuy ngôn ngữ bất đồng, chỉ có thể dùng chữ Hán mà giao tiếp, nhưng cuối cùng ba vị lão tăng cũng đã hiểu được mục đích đến của Tiểu Dã, liền vui mừng chấp nhận quần áo mà thái tử tặng, cũng đem cuốn kinh Phật mà Huệ Tư thiền sư lúc còn sống thường hay đọc, cùng với xá lợi, danh hương, thư tín giao cho Tiểu Dã, để ông ta mang về Nhật Bản.
Trong “Thánh Đức Thái tử truyền lịch” có ghi chép, sau khi Thái tử Thánh Đức làm quan nhiếp chính, đã rất quan tâm tới Phật học, ông cũng chưa từng tới Trung Quốc, nhưng đã thuận lợi mà tìm được cuốn kinh thư. Vì vậy, hậu thế cho rằng, thiền sư Huệ Tư triều Trần, sau khi di hóa, đã chuyển sinh thành Thái tử Thánh Đức của Nhật Bản, vì để hồng truyền Phật Pháp. Giả thuyết này, cũng được cao tăng đại Đường là Giám Chân chứng thực.
Vậy thiền sư Huệ Tư được chúng tăng cả đất Hán và Nhật Bản tôn kính rốt cuộc là ai?
Thiền sư Huệ Tư, tên thế tục họ Lý, khi còn trẻ, là một người khoan dung độ lượng nổi tiếng vùng quê nhà. Năm 15 tuổi, ông ở trong mộng gặp một vị tăng nhân Thiên Trúc khuyên ông xuất gia tu hành. Thế là ông từ biệt cha mẹ để vào cửa Phật. Ông theo đại sư Huệ Văn học tập thiền định.
Một ngày, trong lúc thiền định, thân thể của ông giống như bị mắc bệnh nặng, tứ chi vô lực, thống khổ vô cùng. Huệ Tư tự xét mình, hiểu rằng đây là do kiếp trước từng tạo ác nghiệp. Huệ Tư bỏ mặc những thống khổ trên thân thể, đem suy nghĩ của mình tập trung vào bàn tay, toàn tâm toàn ý nhập định. Sau đó, Huệ Tư cảm nhận được thân thể tựa như mây trắng trên bầu trời, thanh tịnh, nhẹ nhàng phiêu đãng.
Có thể nói, thiện ác trên đời vẫn luôn cùng tồn tại, cũng không phải tất cả mọi người đều cháo đón người tu hành. Có một người vốn chán ghét tăng nhân, trong lúc giận dữ đã đốt đi căn nhà tranh của Huệ Tư. Người này sau đó đột nhiên bị bệnh nặng, chạy chữa thế nào cũng không khỏi. Khi bệnh tình trở nên nguy kịch, ông ta mới tìm đến thiền sư Huệ Tư, chân thành sám hối, rồi cho người dựng lại một căn nhà cỏ khác. Thiền sư Huệ Tư lại tiếp tục tụng kinh lễ Phật trong ngôi nhà cỏ, không lâu sau, bệnh tình của vị thôn dân kia không chữa mà tự hết.
Huệ Tư thiền sư trong mộng thường được một vị cao tăng khai mở trí tuệ, cũng thường mộng thấy Phật Di Lặc và Phật A Di Đà thuyết Pháp. Huệ Tư nghĩ: “Ta có thể ở thời Mạt Pháp này mà được Phật Đà dẫn đạo, quả thật là may mắn ba đời”.
Từ xưa đến nay, ghen tỵ có thể khiến người ta mất đi lý tính, những ví dụ về việc hãm hại người tu hành có rất nhiều. Thiền sư Huệ Tư vốn là người tài đức, đối với việc lĩnh ngộ đạo pháp có chút linh mẫn. Có người oán hận sự thông tuệ của ông, nên đã đầu độc vào cơm của Huệ Tư, nhưng không thành công. Những người ngoại đạo cũng luôn tìm cách mưu hại ông, nhưng cũng đều không thể thực hiện được.
Huệ Tư đối với chuyện này đều không để trong lòng, ông nói: “Ngày xưa khi thánh nhân tại thế, cũng không tránh khỏi chuyện bị vu cáo, đầu độc, huống chi ta vốn là kẻ vô đức? Những chuyện như vậy thật không thể trốn tránh, là vì kiếp trước ta đã làm chuyện sai trái, giờ người ta đến đòi nợ, thì cứ thản nhiên tiếp nhận, dùng việc này để chuộc lại tội lỗi của mình”.
Vào giữa những năm Quang Đại triều Trần, thiền sư Huệ Tư mang theo chúng đồ di chuyển đến vùng Nam Nhạc. Lúc này, danh tiếng của thiền sư Huệ Tư ngày một vang xa, mọi người đều ngưỡng mộ danh tiếng của ông mà đến. Có người vì ganh ghét với tiếng tăm của Huệ Tư, đã mật cáo lên Hoàng đế triều Trần, nói Huệ Tư tập hợp quần chúng tạo phản. Sau khi triều đình xác minh được đó chỉ là lời vu cáo, có người phát hiện, kẻ vu cáo đã bị chết bắc đắc kỳ tử, hai người tham gia cùng việc này trong lúc vô ý đã bị chó điên cắn mất mạng.
Hoàng đế triều Trần khâm phục đạo pháp cao thâm của thiền sư Huệ Tư,đã hạ chỉ để ông tiếp nhận Tê Huyền tự. Đại thần triều Trần cùng tăng tục đại chúng đều tỉnh ngộ trước những lời thuyết giảng của thiền sư Huệ Tư, trong đó đại Đô đốc Ngô Minh Triệt vì kính trọng đức hạnh của Huệ Tư, đã đưa tặng ông một chiếc gối tê giác vô cùng giá trị.
Có một lần, tướng quân Lý Hiếu Uy trong lúc xử lý tạp vụ ở tư phủ, bỗng trong lòng có chút suy tư, muốn nhanh chóng quét dọn sân nhà để đón tiếp thánh giả đi qua. Vậy nên, Lý tướng quân đã sai người quét dọn sạch sẽ nhà cửa, vừa quét xong thì Huệ Tư thiền sư đến. Lý tướng quân vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, từ đó ngưỡng mộ thiền sư mãi không thôi.
Sau này, Huê Tư thiền sư có ý muốn trở lại Nam Nhạc, mọi người không dám giữ lại, cung kính dùng thuyền đưa ông qua bên kia sông. Sau khi Huệ Tư thiền sư rời đi, Hoàng đế triều Trần hàng năm đều phái người truyền đi ba phong thư, bày tỏ sự kính trọng và quan tâm tới thiền sư.
Năm Thái Kiến (557) triều Trần, Huệ Tư thiền sư triệu tập đạo chúng tại một đạo tràng giữa sườn núi, ân cần khuyên bảo tăng chúng, rằng sau khi ông di hóa, cần chăm chỉ tu luyện Phật Pháp, tuy gian nan vất vả nhưng nhất định phải kiên trì. Lúc thiền sư viên tịch, sắc mặt vẫn như người còn sống, cũng xuất hiện hương thơm tràn ngập cả căn phòng.
Thái tử Thánh Đức cùng thiền sư Huệ Tư, dù ở hai quốc gia khác nhau, cũng không cùng thời đại, tuy khó có thể chứng minh Thánh Đức có phải là Huệ Tư thiền sư chuyển sinh hay không, nhưng một điểm có thể nói rõ, văn minh được tạo dựng nên là dựa vào tín ngưỡng, còn văn hóa hưng khởi chính bởi nội hàm trí tuệ. Thánh Đức thái tử dùng văn hóa Trung Thổ để cai trị quốc gia, giáo hóa thứ dân, đây có lẽ là nguyên nhân khiến Nhật Bản ngày nay trở thành quốc gia được cả thế giới ngưỡng mộ.
Tuệ Tâm biên dịch