Tân Sinh

Thầy tu tham tài, lấy tiền từ thiện dùng cho bản thân phải chịu quả báo dưới địa phủ

Từ xưa đến nay, các vị tăng nhân sau khi tu hành đều phải chịu khổ, loại bỏ hết thảy những dục vọng thế gian mà thực tu. Nếu không chẳng khác gì một sự sỉ nhục đối với giới tu hành, sẽ bị luật trời trừng phạt, báo ứng thảm khốc.

Thầy tu tham tài, lấy tiền từ thiện dùng cho bản thân phải chịu quả báo dưới địa phủ. (Ảnh: Internet)

Các triều đại Trung Quốc có rất nhiều cao tăng tu hành không ngại gian khổ, đến mức được thần linh bảo hộ; nhưng cũng có số ít tăng nhân hoặc người tu hành bởi vì tham tài phụ nghĩa, cuối cùng bị thần linh trách phạt. Trong “Canh Tị Biên” và “Di Kiên Chí” có ghi lại những chuyện như vậy.

Như “Canh Tị Biên” kể lại, Duyện Châu phủ thời Minh (ở Tây Nam Sơn Đông) có một ngôi miếu, từ trước đến nay rất linh nghiệm, thường xảy ra chuyện lạ.

Vào thời Minh Hiếu Tông Hoằng Trị (1488 – 1505), tiến sĩ Tô Châu là Cung Nguyên đến Duyện Châu nhận chức tri phủ. Một ngày nọ vào buổi tối, ông nghe được tiếng quất roi, vì vậy bèn hỏi nha dịch chuyện gì xảy ra? Nha dịch có biết chuyện này, nên trả lời: “Đó là chuyện lạ thường xuyên xảy ra ở trong miếu”. Nhưng Cung Nguyên sau khi nghe nói cũng không tin.

Vì muốn tìm hiểu đến tận cùng, lúc vừa rạng sáng Cung Nguyên khởi hành đến ngôi miếu đó, nhưng vào không thấy gì, cho nên quở trách tên nha dịch kia một phen. Nhưng nha dịch vẫn khăng khăng nói: “Chỉ có thành tâm thành ý, đi vào mới có thể nhìn thấy”.

Ngày hôm sau, sau khi Cung Nguyên trai giới tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ, vào buổi tối lại đi vào miếu, hơn nữa tế bái cầu khẩn thật lâu, mới mở cửa đi vào. Lúc này, ông nhìn thấy năm người đội vương miện, giống như là bậc vương giả, bọn họ đi ra đón Cung Nguyên, mời ông ngồi ở chỗ dành cho khách.

Cung Nguyên vốn khiêm tốn muốn từ chối, bọn họ lại nói: “Ngài là quan viên dương gian, chúng tôi là quan viên âm phủ. Về phần công vụ, chúng ta không có liên hệ gì cả, ngài cứ yên tâm ngồi xuống đi”.

Có người dâng nước trà cho Cung Nguyên, nhưng ông không dám uống. Một vị vương giả nói với ông:“Đây là buổi tiệc trà, ngài uống không sao cả!”.

Cung Nguyên nhớ rõ, truyền thuyết địa phủ nhân gian có mười vị Diêm Vương, nhưng ông mới chỉ thấy năm vị, vì vậy hỏi: “Trước kia tôi nghe nói tại Minh Giới có mười vị Diêm Vương, vì sao chỉ có năm vị ở đây?”. Họ trả lời: “Bọn họ đều đi dự tiệc rồi”.

Cung Nguyên muốn nhìn xem cảnh tượng địa ngục. Các vị Diêm Vương nói: “Quy định địa ngục rất nghiêm khắc, không thể tùy tiện dẫn ngài vào. Nhưng có thể để cho ngài xem một chút!”.

Bọn họ liền ra lệnh âm binh đưa vào một tăng nhân, rồi dùng than cháy đỏ thiêu đốt lưng của ông ta, vị vương giả nói với Cung Nguyên: “Đây là một nhà sư ở chùa của vùng này. Bình thường khi hóa duyên được không ít tiền, nhưng hắn đều lấy để đi mua rượu thịt cho chính mình ăn uống, không dùng để tu sửa chùa chiền, cho nên giờ bị phạt ở đây”.

Cung Nguyên hỏi vương giả, làm thế nào mới giải trừ được lỗi lầm của nhà sư? Vương giả nói: “Sau này sửa đổi hướng thiện, còn có thể xóa bỏ”.

Cung Nguyên sau khi rời đi, trở lại quan nha, phái người âm thầm tìm hiểu về tăng nhân kia, biết được tăng nhân kia có mắc bệnh, phần lưng thường đau nhức không chữa được, dường như bệnh sắp chết.

Vì vậy, Cung Nguyên đi gặp ông ta, kể lại chuyện chính mình chứng kiến cho ông ta nghe. Sau khi tăng nhân nghe nói thì hoảng sợ không thôi, hối hận xấu hổ vô cùng, vì vậy đem tất cả tài sản bản thân sở hữu đến quyên góp tu sửa chùa chiền. Sau khi tăng nhân thành tâm sửa đổi, phần lưng đau nhức cũng dần cũng trở nên đỡ đau.

Còn một chuyện nữa, theo “Di Kiên Chí” ghi lại, vào thời Tống triều Gia Hưng, ở thôn Phụng Hiền có một người phụ nữ tên là A Từ, năm đầu tiên Tống Hiếu Tông Càn Đạo (năm 1165), vào một ngày đầu hè bà đột tử, nhưng ngày hôm sau đã sống lại, còn kể lại những chuyện ở địa phủ.

Bác cả của A Từ tên Vương Đại, khi còn sống đến chùa xuất gia làm hành giả, khi hóa duyên thường được rất nhiều tiền. Số tiền này vốn là dùng để tu sửa gác chuông, nhưng Vương Đại lại lấy tiền mà những thí chủ đã hào phóng quyên góp dùng làm của riêng. Ông còn từng đem cơm bố thí về nhà, tự mình ăn hết. Bởi vì những tội lỗi này, Vương Đai sau khi chết, ở âm phủ thường phải chịu cực hình.

Theo “Canh Tị Biên” và “Di Kiên Chí”

 

Tuệ Tâm, theo Epoch Times