Các ngân hàng trung ương thường ra quyết định trì hoãn áp dụng chuẩn mực kế toán tăng cường minh bạch trong hệ thống hoặc nới lỏng tiêu chuẩn an toàn khi các ngân hàng thương mại gặp khó khăn, thường là trong các giai đoạn khủng hoảng. Thực tế, đây không chỉ là dấu hiệu xấu về sức khỏe các ngân hàng thương mại mà còn báo trước một tương lai vô cùng rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu … Việc này chỉ kéo dài thời gian đổ vỡ của ngân hàng chứ không thể ngăn được đổ vỡ.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) khiến hệ thống ngân hàng thế giới lâm vào tình trạng nguy hiểm về khả năng thanh khoản, thậm chí là khả năng thanh toán khi huy động khó khăn hơn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp giảm, nợ xấu tăng cao… Cùng với việc dùng mọi nguồn lực để cung tiền cho nền kinh tế và tăng khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, ngân hàng trung ương (NHTW) các nền kinh tế lớn cũng buộc phải trì hoãn việc áp dụng các chuẩn mực kế toán nâng cao tính minh bạch tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Dỡ bỏ các chuẩn mực an toàn liên quan tới phân loại, hạch toán, đo lường và trích lập dự phòng với các tài sản tài chính của NHTM
Các chuẩn mực về an toàn và minh bạch liên quan tới phân loại, hạch toán, đo lường dự phòng với các tài sản tài chính có rủi ro – vốn hết sức trọng yếu với các NHTM – đã được gỡ bỏ trong đợt đại dịch này, việc này làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tài chính và khả năng chống đỡ của hệ thống NHTM nếu đại dịch lan rộng hơn và rủi ro đổ vỡ hệ thống sau khi đại dịch kết thúc.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ủy ban giám sát ngân hàng Basel, Cơ quan ngân hàng châu Âu và Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế, và các tổ chức liên quan khác, cho phép hoãn lại việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 9 (IFRS 9) và chuẩn Basel 3 tại hệ thống các NHTM của họ.
Chuẩn mực đóng vai trò vô cùng trọng yếu để đảm bảo NHTM hoạt động lành mạnh; thiếu vắng việc thực hiện trụ cột này một cách đúng, đủ và liêm chính là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Lúc đó tài sản tài chính là chứng khoán hóa khoản vay mua nhà không được phân loại, hạch toán, đo lường và dự phòng rủi ro đầy đủ. Bởi vậy, sau khủng hoảng năm 2008, các chuẩn mực này được đưa vào để tăng cường minh bạch và liêm chính cho hệ thống. Tuy nhiên, hiện nó đã bị dỡ bỏ bởi đại dịch virus Corona Vũ Hán.
Giảm tiêu chuẩn về mức đệm vốn, không phải trích lập dự phòng rủi ro ngay lập tức cho nợ xấu…
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), hôm 12/3 vừa qua, cũng cho phép các NHTM của họ giảm mức đệm vốn xuống dưới mức an toàn quy định để có thêm vốn cho vay doanh nghiệp, hộ gia đình trong bối cảnh virus Corona Vũ Hán đang làm thị trường tài chính chao đảo. ECB kêu gọi các bên tham gia thị trường không nên có cái nhìn tiêu cực về “an toàn của hệ thống ngân hàng”.
NHTW các nền kinh tế lớn hiện buộc phải gỡ bỏ các quy tắc được quy định trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các NHTM tại NHTW, sẽ được thi hành vào năm 2020, trước khi thực hiện theo kế hoạch vào năm 2021.
Như vậy bộ đệm tiền mặt để giảm xóc cho rủi ro thanh khoản cho các NHTM – vốn kỳ vọng phải tốt hơn – thì nay không thể thực hiện. Việc gỡ bỏ quy định an toàn này cũng chỉ nhắm vào mục đích giúp các NHTM có nhiều tiền mặt hơn và không rơi vào thế kẹt thanh khoản hoặc thậm chí mất khả năng thanh toán.
Các NHTW các nước cho phép NHTM được gia hạn thời hạn thanh toán cho các doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh. Trong khung thời gian quy định này, các ngân hàng đối mặt với nợ xấu phát sinh từ các khoản vay này nhưng họ chỉ phải trích lập đầy đủ nợ xấu sau 7 năm. Tại thời điểm bình thường khác, các NHTM nếu không thực hiện được cam kết ngoại bảng, nợ xấu sẽ phát sinh trong nội bảng và ngân hàng buộc phải trích lập 100% cho khoản nợ xấu này sau 90 ngày nợ xấu phát sinh. Nhưng hiện tại, do Covid-19, các ngân hàng thương mại không những được gia hạn thời điểm thực hiện cam kết ngoại bảng mà còn kéo dài thời gian phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ tới 7 năm. Tất cả chỉ để đảm bảo NHTM có tiền mặt trong khủng hoảng.
Giảm tiêu chuẩn đối với tỷ lệ vốn cấp 1 (CET1) tại NHTM
Vốn cấp 1, hay còn gọi vốn nòng cốt hoặc vốn cơ bản, là một loại vốn tự có của một tổ chức tín dụng. Vốn cấp 1 là thước đo chủ yếu đánh giá sức mạnh, tiềm lực tài chính của một ngân hàng từ quan điểm của cơ quan quản lý, được định nghĩa trong Basel. Về cơ bản, vốn cấp 1 bao gồm vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức đó cũng như phần lợi nhuận không chia… Tuy nhiên, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, các tiêu chuẩn an toàn của vốn cấp 1 lại được tăng lên; yêu cầu tỷ lệ vốn cấp 1/tổng vốn được yêu cầu tăng từ 4% lên tới 6% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn này đang có nguy cơ bị trì hoãn và buộc phải nới lỏng trong bối cảnh Covid-19, bởi các NHTM khó có thể đảm bảo được tỷ lệ này khi mà nợ xấu gia tăng mạnh, tài sản tài chính mất giá và các khoản đầu tư tài chính thua lỗ nặng như hiện nay.
Nới lỏng chuẩn mực an toàn của ngân hàng chỉ kéo dài thời gian buộc phải đổ vỡ chứ không thể ngăn được sự đổ vỡ
Các NHTM hẳn dễ thở hơn và có nhiều tiền hơn để đảm bảo thanh khoản và cho vay. Tuy nhiên, chỉ riêng việc các NHTM lớn nhất thế giới đang nắm giữ khối tài sản tài chính phái sinh khổng lồ hết sức rủi ro từ trước đại dịch đã đủ để hệ thống này đổ vỡ khi thị trường tài sản cơ sở (giá dầu, tỷ giá, giá vàng, giá lương thực…) bị sốc như hiện nay. Ví dụ, cuối năm 2018, tổng giá trị các sản phẩm phái sinh trong sổ sách của Deutsche Bank lên tới 53,5 nghìn tỷ USD (khoảng 42,8 nghìn tỷ euro), khối tài sản này lớn gấp 14 lần GDP của Đức và gần 3 lần GDP của cộng đồng kinh tế Châu Âu (!) Các ông lớn trong ngành tài chính toàn cầu cũng nắm giữ lượng lớn tài sản tài chính phái sinh giống như Deutsche Bank: JPMorgan Chase, Citigroup và Goldman Sachs lần lượt nắm giữ tương ứng 48 nghìn tỷ USD, 47 nghìn tỷ USD và 42 nghìn tỷ USD.
Khối tài sản tài chính toàn cầu mà các ông lớn ngân hàng nắm giữ thực sự là các quả bom tài chính cực lớn. Khi đại dịch khiến thị trường hàng hóa và tài sản tê liệt, lao dốc, các khối bom này bắt đầu nóng lên, các ông lớn sẽ buộc phải phân loại rủi ro ở mức cao hơn cho khối tài sản này và trích lập dự phòng đủ lớn (!) Điều này có thể đẩy các ông lớn và cả hệ thống tài chính vào tình trạng tê liệt. Cũng có nghĩa, các gói kích thích chính sách không thể qua hệ thống này mà đi tới đúng đích là những người lao động và các doanh nghiệp thực sự cần tiền.
Nếu như nhìn vào cấu trúc tài sản của các ông lớn và mức độ rủi ro khi phân tích cơ bản thì thật khó để không lo lắng. Rủi ro dường như lớn hơn nhiều so với sự hình dung của tất cả chúng ta
Theo : NTD