Trong một động thái thể hiện rõ sự phản đối chính sách trói buộc Tây Tạng của chính quyền Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật Đạo luật Tiếp cận Song hành Tây Tạng (còn gọi là Đạo luật Tây Tạng) bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Đạo luật Tây Tạng có nội dung yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải mở cửa khu vực tự trị này cho du khách, nhà báo và chính trị gia nước Mỹ, đã bị Bắc Kinh chỉ trích là “can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác.” Đạo luật cũng yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cấm cửa các quan chức, nhân viên Trung Quốc tham gia hình thành và thực hiện chính sách đóng cửa Tây Tạng đối với người Mỹ.
Đạt Lai Lạt Ma, vị Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng đang sống lưu vong và không được chính quyền Bắc Kinh công nhận (Ảnh: Wiki)
Hồi tháng 9 Dự luật này thông qua Hạ viện và được Thượng viện chuẩn thuận hồi 11/12.
Tổ chức Vận động Quốc tế vì Tây Tạng (ICT), một nhóm gần gũi với Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã mất 4 năm vận động cho dự luật này dựa trên quan điểm có đi có lại: Người Trung Quốc được phép tới Mỹ thì người Mỹ cũng phải được phép tới Tây Tạng.
“Đây là vấn đề đối ứng và công bằng, và điều rất quan trọng là Hoa Kỳ đang thách thức các chính sách của Trung Quốc, không chỉ về thương mại hay kinh tế mà còn về nhân quyền, chẳng hạn quyền tự do di chuyển, tự do thông tin và thượng tôn pháp luật”, Chủ tịch ICT Matteo Mecacci nói.
“Mục đích của chúng tôi là không phải cấm các quan chức Trung Quốc tới đây mà là mở cửa Tây Tạng với thế giới.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát biểu sau khi Tổng thống Trump ban hành Đạo luật Tây Tạng:
“Hoa Kỳ tìm kiếm sự đối ứng công bằng từ Trung Quốc về vấn đề tiếp cận cởi mở và Trung Quốc và rất nhiều nước khác được hưởng ở Mỹ.”
Bộ Ngoại giao Mỹ có cùng mục tiêu với Quốc hội Mỹ trong vấn đề người Mỹ có thể tiếp cận vùng Tây Tạng.”
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ có 90 ngày kể từ ngày ban luật để xác định những quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm cho việc ngăn cấm người Mỹ, trong đó có những người Mỹ gốc Tây Tạng quay trở về quê hương của họ. Những quan chức này sau đó sẽ bị Bộ Ngoại giao cấm tới Mỹ. Đạo luật cũng yêu cầu Bộ hằng năm đệ trình lên Quốc hội một danh sách các công dân Mỹ bị Bắc Kinh ngăn cản tới Tây Tạng.
Chính quyền Trung Ương Tây Tạng đang lưu vong tại Ấn Độ cũng tỏ ra hoan nghênh quyết định ký Đạo luật Tây Tạng của ông Trump. Tổng thống Lobsang Sangay nói Đạo luật đã “gửi một thông điệp đúng đắn về hy vọng và công lý đối với người Tây Tạng ở Tây Tạng.”
“Luật Tiếp cận Song hành Tây Tạng không chỉ khiến những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm mà còn củng cố ngoại giao và thể chế đối với vấn đề Tây Tạng.
Thay mặt 6 triệu người Tây Tạng, tôi xin tỏ lòng cảm ơn đối với Tổng thống vì đã ký đạo luật này”, Sangay nói.
Trong khi đó, Bắc Kinh tỏ ra phẫn nộ với quyết định của ông Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói ông Trump đã gửi “một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng” ủng hộ cái mà bà gọi là lực lượng tìm cách chia tách Tây Tạng khỏi sự cầm quyền của Bắc Kinh.
“Nếu Mỹ thực thi luật này, nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ Trung-Mỹ và tới việc hợp tác ở những lĩnh vực quan trọng giữa hai nước”, bà Oánh nói.
Một cảnh đàn áp người Tây Tạng.
Tây Tạng từng là một quốc gia độc lập trước khi bị quân đội Trung Quốc xâm chiếm gần 70 năm trước. Sau đó lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng là Đạt Lai Lạt Ma mang theo hàng nghìn người đi theo ông rời khỏi Tây Tạng lưu vong sang Ấn Độ.
Chính quyền Trung Quốc duy trì một chế độ cầm quyền hà khắc đối với khu vực đa số theo Phật giáo này, bao gồm việc lập một chính quyền bù nhìn thân Bắc Kinh, hạn chế các hoạt động tôn giáo và chính trị cũng như quyền thể hiện bản sắc ôn hòa của người dân tộc ở đây, thậm chí phá hủy tu viện Phật giáo, bức hại, tra tấn và tống giam những người bất đồng.
Trọng Đạt
Theo trithucvn