Trong lịch sử, những tấm gương anh hùng là những người vì bảo vệ chân lý mà không tiếc hy sinh cả mạng sống của mình. Họ có khí phách hào hùng, tinh thần mã thượng, trung trinh lẫm liệt. Và dù là dân tộc nào đi nữa, trong chiều dài lịch sử cũng từng xuất sinh những anh hùng như thế…
Một buổi luyện công tập thể của các học viên Pháp Luân Công tại Trường Xuân trước khi cuộc đàn áp xảy ra.
Tháng Ba cách đây 14 năm, một sự kiện chấn động và bi hùng đã xảy ra tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. Sự kiện khiến hơn 5.000 người bị bắt bớ khủng bố, tra tấn và có những người đã hy sinh tính mạng của mình để đổi lấy sự thật cho hàng triệu người dân Trung Quốc. Một câu chuyện thật hào hùng, một câu chuyện thật cảm động, câu chuyện của tấm lòng trung nghĩa chiếu rọi sử xanh…
I. Sự kiện chèn sóng chấn động
Ngày 5/3/2002, một sự kiện chấn động đã xảy ra tại thành phố Trường Xuân, sự kiện đã khiến cho chính quyền các cấp ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân lúc bấy giờ phải rúng động, hoảng sợ và cuống cuồng đi giải quyết hậu quả.
Vào lúc 7 giờ 19 phút tối, 8 kênh truyền hình cáp tại thành phố Trường Xuân đều đồng loạt bị chèn sóng, thay vì phát các tiết mục của nhà đài, thì tất cả những kênh này, vào đúng giờ cao điểm nhiều người xem nhất, lại phát 2 đoạn phim tài liệu: Đoạn thứ nhất nói về chủ đề “Tự thiêu hay là trò lừa bịp”, chỉ rõ những sơ hở và chứng cứ cho thấy ĐCSTQ đã dựng lên màn tự thiêu giả tạo ở quảng trường Thiên An Môn và vu khống cho người tu Pháp Luân Công có xu hướng tự tử.
Tình hình diễn biến trước đó tại Trung Quốc rất phức tạp. Pháp Luân Công là môn khí công cổ truyền của Trung Quốc được ông Lý Hồng Chí truyền dạy ra công chúng từ năm 1992. Sau 7 năm đã có hơn một trăm triệu người theo tập luyện. Đây là môn khí công luyện cả Thân và Tâm, ngoài các động tác để luyện thân thể ra, thì phần luyện Tâm chính là phải tuân thủ theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” trong đời sống hàng ngày. Vì những lợi ích sức khỏe và đạo đức thăng hoa mà môn tập này mang lại cho người dân, nên được dân chúng đón nhận nồng nhiệt. Được Hiệp hội khí công Trung Quốc trao giải thưởng “Minh Tinh công phái” cùng nhiều bằng khen từ chính quyền và các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, điều này đã khiến cho người lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân cảm thấy ghen tức, ông ta muốn quyền lực của mình và ĐCSTQ phải là thứ duy nhất ảnh hưởng đến người dân. Vì thế mà ngày 19/7/1999, truyền thông Trung Quốc đang ca ngợi bỗng nhiên quay ngược lại 180 độ tiến hành vu khống và bôi nhọ Pháp Luân Công. ĐCSTQ đã tạo dựng đủ loại lừa dối để tấn công Pháp Luân Công và kích động dân chúng thù hận môn tu luyện này, để lấy lý do đàn áp Pháp Luân Công. Màn tự thiêu tại quảng trường Thiên An Môn chính là một trong số những chứng cứ giả mạo được phát ra rả 7 tiếng/ngày trên các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc vào thời điểm đó.
Trong thời kỳ đầu, ông Giang Trạch Dân đã huy động tới ¼ ngân sách GDP quốc gia, vượt quá ngân sách chi cho quân sự, để đàn áp Pháp Luân Công bao gồm việc dựng lập cơ quan chuyên trách đàn áp “Phòng 610”, nuôi nhân viên điều tra, mật vụ, tuyên truyền, mua chuộc quan chức, cảnh sát, thậm chí là mafia đi khắp nơi để thực hiện, thưởng công cho người chỉ điểm, huy động toàn thể cơ quan truyền thông bôi nhọ, vu khống, đưa tin một chiều, mua chuộc cả cơ quan thông tin nước ngoài để truyền tin giả dối… Số tiền này còn dùng để xây dựng các nhà tù, trại lao động cưỡng bức, trại cải tạo, chuyển hóa, xây dựng tường lửa (firewall) để người dân không thể truy cập tìm hiểu sự thật về Pháp Luân Công và các sự thật trong lịch sử Trung Quốc… Tất cả nhằm mục tiêu thực hiện cuồng vọng ngạo mạn của ông Giang Trạch Dân là muốn “tận diệt Pháp Luân Công trong vòng 3 tháng”.
Quay trở lại với sự kiện chấn động tại Trường Xuân vào tháng 3/2002, đoạn phim thứ hai được chèn sóng là “Pháp Luân Công hồng truyền thế giới”, cho thấy hàng ngàn các công bố và giấy chứng nhận từ chính phủ các nước và các tổ chức trên toàn thế giới trao tặng cho Pháp Luân Công. Chương trình cũng đưa ra bằng chứng chứng minh Pháp Luân Công đã được chào đón ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hơn 3000 giải thưởng và giấy công nhận quốc tế dành cho Pháp Luân Công và ông Lý Hồng Chí
Hai chương trình này được phát trong khoảng 50 phút, thu hút hơn một triệu khán giả. Tin tức truyền ra, người xem ngày càng nhiều, mọi người gọi điện thông báo cho nhau, bảo nhau bật tivi lên ngay lập tức. Quan chức địa phương một số vùng lân cận lúng túng, tuyệt vọng, ra lệnh cắt điện khiến đường phố chìm trong bóng tối.
Sau này, ngày 6/12/2010, tạp chí The Weekly Standard đã xuất bản một bài báo dài thuật lại sự kiện xảy ra vào tối hôm đó như sau:
“Ở những nơi khác, chẳng hạn như gần Quảng trường Văn hóa, người dân tràn xuống đường ăn mừng. Lệnh cấm được gỡ bỏ rồi! Pháp Luân Công được minh oan rồi! Một vài học viên từ các nhà máy và nơi trú ẩn bước ra công khai phát tài liệu. Hàng xóm, trẻ em, người xa lạ, thậm chí cả bà cụ mang băng tay đỏ cũng đến gần bọn họ, mọi người trò chuyện vui vẻ cùng lúc, sôi nổi, cười nói, vỗ vai họ tinh nghịch, và chúc mừng họ.
Một vài người hoài nghi đoạn phim không phải do chính phủ phát sóng, nhưng vẫn vui vẻ cười và nhẹ nhàng hỏi: ‘Sao các bạn làm được vậy? Các bạn Pháp Luân Công thật tuyệt vời!’ Hơn nữa lúc này thoạt nhìn mọi người tựa như rất đời thường. Vui vẻ nói cười đến tận 10 giờ tối không ngớt….”
Người dân ở Trường Xuân khi đã biết được sự thật, họ đứng về phía Pháp Luân Công và chửi mắng chính quyền vì đã đặt điều cho những người tốt. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì đã bỏ lỡ chương trình và không được xem.
Một người dân tại thành phố Trường Xuân, anh Ngụy Lợi Sinh nói: “Sáng sớm ngày 06 tháng 03, ngay khi đến cơ quan, sếp của tôi liền nói: “Pháp Luân Công thật lợi hại. Giờ dân chúng đang bàn luận về vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn. Pháp Luân Công nói trên TV là nó được đảng cộng sản ngụy tạo để hãm hại Pháp Luân Công, rằng Pháp Luân Công đã hồng truyền trên toàn thế giới…’”
Sự kiện này thực sự đã làm kinh động toàn thể quan chức ĐCSTQ lúc bấy giờ, ông Giang Trạch Dân tực giận đến mức ra mật lệnh “giết không tha.” Lưu Kinh, lãnh đạo cao nhất Phòng 610 ngay trong đêm đã đáp máy bay tới Trường Xuân để giám sát các đợt lùng bắt quy mô lớn. Các tiểu đoàn quân sự tiến vào thành phố Trường Xuân đêm đó. Tất cả cảnh sát được lệnh bắt tất cả các học viên Pháp Luân Công trong thành phố, mỗi cảnh sát đều có chỉ tiêu bắt người, nếu không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị cách chức.
Lệnh ban bố từ cơ quan cấp cao hơn đơn giản là: “Bắt giữ học viên Pháp Luân Công không cần bất cứ thủ tục pháp lí nào.” Một cảnh sát nói: “Thượng cấp có lệnh giết người phóng hỏa đều không quản, chỉ tập trung vào bắt các học viên Pháp Luân Công.”
Trong đợt lùng bắt thứ nhất, hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ. Các cuộc thẩm vấn và tra tấn được tiến hành ngay lập tức để lần ra các học viên có liên quan đến việc chèn sóng truyền hình cáp. 15 người đã bị kết án tù. Nhiều người bị đưa vào trại lao động. Trong số đó có 7 người bị khốc hình đến chết. Tuy nhiên, sự trả đũa của chính quyền không chỉ dừng lại tại đây, bức hại vẫn tiếp tục leo thang.
II. Nhân duyên của những người hùng quả cảm
Dự án chèn sóng truyền hình này được dẫn đầu bởi một nhà bất động sản thành công, anh Lương Chấn Hưng. Người đang trong cuộc sống vương giả, chợt nhận ra lẽ sống của đời mình sau khi đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chỉ đạo học thuật của Pháp Luân Công. Nhận ra nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn là mục đích thực sự của cuộc sống, anh đã bỏ rượu và các thói quen xấu khác. Cuộc hôn nhân của anh, vốn sắp tan vỡ đã được hàn gắn lại. Lương Chấn Hưng đã trở thành một người khác sau khi tu luyện.
Lương Chấn Hưng, một doanh nhân bất động sản thành công
Khi môn tập luyện này vô cớ bị cấm đoán, hơn nữa còn bị tuyên truyền vu khống và bôi nhọ, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công đã đến Văn phòng Khiếu nại Quốc gia để làm rõ sự thật. Họ thật ngây thơ khi nghĩ rằng trái tim chân thành, tâm trí thuần khiết và những nỗ lực tỉ mỉ của họ trong việc làm rõ sự thật có thể thay đổi chính sách của ĐCSTQ. Trái lại, cảnh sát đã chờ sẵn ở đó. Họ bị bắt, bị xét xử và bỏ tù hoặc bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức, tất cả đều không theo đúng thủ tục. Lương Chấn Hưng cũng chịu cùng số phận như thế.
Năm 2000, anh bị chuyển tới trại lao động cưỡng bức Vi Tử Câu tại Trường Xuân, nơi anh gặp Lưu Thành Quân và Lưu Hải Ba, mối nhân duyên này sau đó đã giúp họ làm nên kỳ tích. Từ đó, ba người đã cùng nhau hành động vì công lý và tự do.
Bất cứ khi nào trại lao động cưỡng bức vu khống Pháp Luân Công, họ sẽ đứng lên và nói rõ sự thật. Thậm chí cả trong các hội nghị quy mô lớn với sự hiện diện của những người đứng đầu chính quyền địa phương và hệ thống tư pháp, ba người đàn ông đã dũng cảm lên tiếng cho Pháp Luân Công. Mỗi lần như thế, họ đều bị đánh đập tàn nhẫn nhưng họ vẫn làm vậy trong lần tiếp theo.
Khi cuộc đàn áp ngày một leo thang và màn tự thiêu giả tạo ở quảng trường Thiên An Môn được dàn dựng vào ngày 23/1/2001. Ông Giang Trạch Dân ra lệnh: “Giết chết các học viên Pháp Luân Công không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì và cái chết của họ sẽ được coi là tự sát.” Tất cả các loại hình tra tấn đã được áp dụng với các học viên và nhiều trường hợp tử vong .
Cuối năm 2001, Lương Chấn Hưng được thả. Trong một lần xem được bộ phim tài liệu “Lửa giả” – bộ phim đã giành được giải thưởng tại Liên hoan Phim và Video Quốc tế Columbus lần thứ 51, trong đó phơi bày tất cả sơ hở trong vụ tự thiêu với những chứng cứ chắc chắn và phân tích chặt chẽ. Lương Chấn Hưng lập tức nhận ra rằng, người dân Trung Quốc cần phải được xem điều này, và cách giúp họ tiếp cận được hiệu quả nhất, lan rộng nhất chính là chèn sóng đài truyền hình vào giờ cao điểm. Cách làm này giúp đưa sự thật đến với mọi người nhanh hơn là việc giơ biểu ngữ hay đi phát tờ rơi.
Một đội được thành lập ngay sau đó lên đến 18 thành viên. Mỗi người phụ trách một việc, âm thầm chuẩn bị cho ngày hành động. Tuy nhiên, vào tháng 2/2002, khi mọi việc đã được sắp đặt sẵn sàng thì Lương Chấn Hưng bị bắt. Ngày 27/2/2002, một người bạn đã gọi điện yêu cầu anh đến công ty để bàn việc. Đây thực chất là một cái bẫy. Cảnh sát đã đợi sẵn ở đó và bắt anh đi. Chúng tra tấn anh suốt ngày đêm để khai thác thông tin về kế hoạch đã bị rò rỉ. Tuy nhiên, điều chúng nhận được chỉ là sự im lặng. Lương Chấn Hưng một lòng lo nghĩ cho những người khác: “Liệu tất cả họ đều an toàn? Khi nào thì họ hành động? Họ sẽ thành công hay không? Liệu mọi người có biết sự thật không?”
Trong khi những thành viên khác lo lắng cho Lương Chấn Hưng: “Liệu anh ấy sẽ ổn chứ? Anh ấy có thể chịu đựng sự tra tấn không? Liệu cơ sở của chúng ta có thể bị phát hiện không? Họ nên di chuyển hay chỉ đơn giản là hủy kế hoạch”, Lưu Thành Quân, một trong ba người bạn trong tù trước đây đã không nao núng. Anh biết Lương Chấn Hưng rất rõ. Lương Chấn Hưng không bao giờ bán đứng bạn bè. Anh đứng ra thay Lương Chấn Hưng để điều phối công việc và trở thành đội trưởng mới.
Sau khi Lương Chấn Hưng bị bắt, ngày 6/3 sẽ diễn ra buổi xét xử một nhóm các học viên Pháp Luân Công. Vì vậy ngày 3/3, Lưu Thành Quân đã nhóm họp cả đội và giao nhiệm vụ cho mọi người để thực hiện kế hoạch vào ngày 5/3.
Nói về Lưu Thành Quân, năm 2002, anh 31 tuổi, cao lớn và khỏe mạnh, từng là một du côn có tiếng. Nhưng tu luyện Pháp Luân Công đã thay đổi anh từ một kẻ vô lương tâm thành người tin và sống theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Gia đình anh và bạn bè đã chứng kiến uy lực của Pháp Luân Công thông qua sự thay đổi của anh ấy. Để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, anh từng bị bắt và tra tấn tàn bạo. Nhưng dù cho ĐCSTQ có dùng nhục hình thế nào, anh vẫn một lòng kiên định vào niềm tin chân chính của mình.
Sau khi chèn sóng thành công, Lưu Thành Quân một mình đi ra ngoài xem phản ứng của người dân. Sáng hôm sau anh trở về với sự phấn khích. Vừa khóc anh vừa nói với các thành viên trong đội: “Đó là một thành công lớn!! Cảm ơn tất cả mọi người!!”
“Mọi người đang nói về sự thật Pháp Luân Công ở mọi nơi, thậm chí cả chỗ công cộng như trên xe buýt. Chương trình phát sóng đã kéo dài hơn 20 phút ở một nhánh và 30 phút ở một nhánh khác! Các video đã được bật đến hết và mọi người đã biết sự thật. Toàn bộ thành phố đang chấn động.”
III. Sự hy sinh của những người kiến lập tương lai
Cảnh sát nói rằng có 18 người liên quan đến vụ chèn sóng, nhưng danh sách đưa ra xét xử chỉ còn 15 người, 3 người còn lại được cho rằng đã chết trong quá trình giam giữ trước phiên xử. Ngày 18/09/2002, Tòa án Trung cấp Trường Xuân đã xét xử 15 bị cáo và kết án họ mỗi người lên tới 20 năm tù. Vào thời điểm đó, các bản án này là dài nhất dành cho các học viên Pháp Luân Công kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 07 năm 1999. Tuy nhiên đến nay có những người đã vĩnh viễn ra đi bởi sự tra tấn tàn bạo của cai ngục.
1. Lưu Thành Quân – Tấm lòng trung nghĩa chiếu rọi sử xanh:
Tối ngày 23/3, 20 xe cảnh sát bao vây làng Sơn Hậu Truân ở huyện Tiền Quách. Cảnh sát đột nhập vào nhà chú của anh và đưa cô của anh đến đồn cảnh sát gần đó để thẩm vấn. Họ còn đe dọa sẽ bắt người mẹ 84 tuổi của anh đi. Do áp lực quá lớn, cô của anh đã tiết lộ nơi anh đang trốn.
Lúc 1 giờ sáng ngày 24/3, có 7 xe cảnh sát trở lại làng Sơn Hậu Truân và bao vây nhà chú của anh. Cảnh sát đốt hai đống củi lớn để xua anh Lưu đang trốn trong đống cỏ khô. Họ còng tay và bắt đầu đánh đập anh bằng gậy trước mặt người thân và dân làng.
Thấy anh Lưu đang quằn quại trên mặt đất, cảnh sát tà ác Lý Bá Vũ từ Phòng cảnh sát thành phố Tùng Nguyên đã bắn hai phát vào chân anh Lưu rồi hét lên: “Giờ tao xem mày chạy đường nào!” Sau đó họ tống anh Lưu vào cốp xe, bắt luôn cả cô và chú của anh.
Cô, chú cùng em họ của anh bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ huyện Tiền Quách chừng 11 ngày. Người em họ bị đánh đập rất dã man, chú của anh bị đánh đến mức cơ trên bắp đùi lìa khỏi xương.
Lưu Thành Quân bị đưa tới đại đội 1 của Nhà tù số 2 tỉnh Cát. Quản ngục Lý Cường, phó quản ngục Lưu Trường Giang, đại đội trưởng Triệu Kinh và đội phó Vương Kiến Khổng đã xúi giục các phạm nhân tra tấn anh.
Anh Lưu bị kéo vào thủy phòng, bị đánh mạnh đến mức mấy cây gậy và tấm ván gỗ gẫy nát. Mông bị đánh sưng rất lớn, rỉ nước, ngay cả quần lót cũng cởi không được. Lính canh rút thắt lưng quật vào mặt anh, đặc biệt vào mắt, khiến nút cài trên thắt lưng cũng bị đánh vỡ. Một phạm nhân chứng kiến tra tấn đã bội phục nói: “Lưu Thành Quân quả là thiết hán, bị đánh như vậy mà không kêu tiếng nào.”
Cuối tháng 08 năm 2003, anh Lưu bị chuyển tới đại đội 5. Triệu Kinh chuyển công tác đến đây làm đại đội trưởng, cùng đội phó Lâm Chí Bân. Họ và phạm nhân Quách Thụ Thiết hợp tác với nhau để cùng ngược đãi các học viên Pháp Luân Công. Anh Lưu luôn cự tuyệt lao động nô lệ tại bất cứ trung tâm giam giữ, trại lao động hay nhà tù nào, vì vậy mà anh bị bức hại ngày càng nghiêm trọng hơn. Anh đã tiến hành tuyệt thực để phản đối.
Anh đem thẻ mua đồ trong tù của mình cho các học viên Pháp Luân Công khác dùng. Dặn dò họ mua chút thực phẩm dinh dưỡng cho các học viên đang bị biệt giam và những người có nhu cầu dinh dưỡng nhất. Thấy một vị đồng tu y phục bị rách, anh lấy áo của mình giúp vá lại, một mặt cùng mọi người hát ca khúc “Chúc phúc”. Đó là bài hát do các học viên Pháp Luân Công tự soạn, để khích lệ nhau tiếp tục kiên định.
Tuyệt thực 10 ngày, anh trông rất gầy yếu, nói chuyện cũng rất khó khăn. Anh bị đưa tới bệnh viện và được chẩn đoán bị chứng niệu độc. Anh bị chuyển tới bệnh viện quân đội và sau đó là Bệnh viện Trung tâm tỉnh Cát Lâm. Cả hai bệnh viện đều thông báo rằng mạng sống của anh đang rất nguy kịch.
Ngày 21 tháng 10, nhà tù thông báo cho thân nhân của anh Lưu. Khi đó chị của anh Lưu, học viên Pháp Luân Công Lưu Lâm, được thả khỏi trại lao động chỉ mới hai ngày. Mọi người nhanh tới Bệnh viện Trung tâm tỉnh Cát Lâm, lúc đó anh chỉ còn chút hơi tàn: cả người gầy như que củi, toàn thân khắp nơi là vết thương, hốc mắt sâu. Thị lực của anh rất kém, cổ họng bị nhiễm trùng nặng do bị bức thực, suy tim và thận nghiêm trọng.
Lưu Lâm nắm tay anh, khóc nói: “Chị sẽ bảo lãnh cho cậu ra ngoài điều trị. Chúng ta sẽ sớm về nhà thôi.” Anh nhìn chị đang rơi lệ, muốn khích lệ chị liền từng chữ từng chữ đọc bài thơ của Sư phụ Lý Hồng Chí. Ai tại đó nghe được cũng đều bật khóc.
Đây là bức ảnh cuối cùng được công bố của anh Lưu Thành Quân. Trong bức ảnh, tay trái của anh không còn trong ống tay áo. Anh không thể tự ngồi được nữa mà phải dựa vai vào tường.
Nhà tù đồng ý để gia đình anh Lưu bảo lãnh cho anh ra ngoài điều trị y tế. Tuy nhiên, Phòng 610 quận Nông An, quê hương của anh Thành Quân, đã từ chối. Lưu Thành Quân bị đưa trở lại biệt giam trong tù vào đầu tháng 12. Khi đó anh đã không thể tự đứng dậy, đại tiện mất kiểm soát.
Ngày 24 tháng 12 năm 2003, anh Lưu được chuyển tới Bệnh viện Liên kết Trung-Nhật. Khi đó là đêm Giáng Sinh, cả thế giới bên ngoài đang đắm mình trong không khí lễ hội. Chỉ còn một chút hơi tàn, Lưu Thành Quân muốn giấy bút để viết xuống 5 chữ cuối cùng: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”
Ngày 25 tháng 12, khi gia đình anh đến, thấy anh thất khiếu chảy máu, trên người tất cả đều là máu, mạch máu trên đùi như thể bị bung ra, mặt đất toàn là máu. Toàn thân anh đầy thương tích, khí quan suy kiệt, nói chuyện rất khó khăn. Nhưng anh cố gom chút sức lực cuối cùng chỉ tay về phía người tù nhân đã chăm sóc anh trong bệnh viện, nói: “Anh ấy… đã giúp tôi… dọn phân… và nước tiểu… Sau khi… tôi chết…, mọi người… hãy … chăm sóc… anh ấy.” Lúc đó, mọi người không khỏi động lòng rơi lệ.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 26 tháng 12, sau 21 tháng chịu đựng tra tấn, Lưu Thành Quân đã qua đời, lúc đó anh chỉ mới 32 tuổi. Vào hôm đó, nhà tù huy động rất đông cảnh sát, bất chấp thân nhân phản đối, không cần khám nghiệm tử thi, cưỡng chế hỏa táng.
Sau cái chết của anh Lưu, “Phòng 610” địa phương lại tiếp tục đến sách nhiễu và giám sát gia đình họ. Lưu Lâm bị bắt trở lại vào ngày 17 tháng 12 năm 2004, giam tại trung tâm giam giữ khoảng một năm. Ngày 28 tháng 03 năm 2005, cha của anh Lưu qua đời vì quá đau buồn.
2. Lương Chấn Hưng bị tra tấn tại bốn nhà tù trước khi qua đời
Từ khi bị bắt, cảnh sát liên tục tra tấn anh để moi thông tin. Mỗi lần như thế, anh lại quay về buồng giam với những vết thương mới và tấm lòng trung nghĩa kiên định.
Đến ngày xét xử tại tòa, cuối cùng anh cũng đã được nhìn thấy bạn bè của mình. Anh rất vui mừng khi biết nhiệm vụ của mọi người đã được hoàn thành xuất sắc. Họ trao cho nhau ánh mắt khích lệ và cùng dũng cảm trước mặt mọi người vạch trần sự dối trá của chính phủ.
Tháng 11 năm 2002, Lương Chấn Hưng bị kết án 19 năm tù và bị giam tại Nhà tù số 2 tỉnh Cát Lâm. Nhà tù này khét tiếng vì bức hại các học viên Pháp Luân Công, nhằm để các học viên từ bỏ niềm tin vào Chân Thiện Nhẫn. Ít nhất 20 học viên đã bị sát hại trong tù. Hàng chục người bị tàn phế, suy sụp tinh thần. Trưởng ngục Ngụy Hướng Huy ra lệnh: “Đối với học viên Pháp Luân Công quyết không thể nương tay.”
Đánh đập, sốc điện bằng dui cui, căng người trên giường, giường chết, biệt giam, thọc mạng sườn, đánh vào nhãn cầu, véo tinh hoàn, đóng đinh vào ngón tay, đốt bằng thanh sắt nóng đỏ… tất cả các khốc hình đều dùng hết. Khi không còn biện pháp nào khác để ép anh từ bỏ Pháp Luân Công, và khi anh cận kề cái chết, họ chuyển anh tới nhà tù khác để đẩy trách nhiệm.
Ngày 29 tháng 03 năm 2005, anh Lương bị chuyển tới Nhà tù Thiết Bắc của Trường Xuân. Thấy anh bị tra tấn quá tàn bạo, các học viên Pháp Luân Công trong tù đã cùng nhau tuyệt thực để phản đối. Vì vậy mà nhà tù đã nhanh chuyển anh Lương tới một nhà tù khác để đẩy trách nhiệm.
Bất kể ở nơi nào, dù có bị hành hạ ra sao, anh cũng không quên giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công cho mọi người xung quanh. Khiến rất nhiều tù nhân cảm động, kính nể anh. Thấy vậy, nhà tù liền sắp xếp các phạm nhân vô nhân tính nhất đến tra tấn anh.
Tháng 8 năm 2005, Lương Chấn Hưng lần nữa bị chuyển tới Nhà tù Thạch Lĩnh ở Tứ Bình. Quản ngục Doãn Thủ Đông, các quản giáo Dương Thiết Quân, Vũ Thiết, Trương Nghiệp Quân và một số phạm nhân, đã dùng 8 dùi cui điện đồng loạt sốc điện khiến toàn thân anh đầy vết bỏng. Họ thậm chí còn sốc điện cả núm vú và bộ phận sinh dục. Một núm vú của anh bị cháy hoàn toàn. Ngày 05 tháng 06 năm 2006, khi gặp mặt thân nhân, họ thấy anh mặc một chiếc áo khoác độn bông nhưng dường như vẫn cảm thấy lạnh. Có một ống bức thực chèn ở mũi. Anh trai của anh Lương muốn vén áo khoác lên kiểm tra thì lính canh vội vã mang anh đi. Lúc cận kề cái chết, anh lại bị chuyển đi. Trước khi đi, anh Lương dặn dò những phạm nhân từng tra tấn anh: “Hãy nhớ Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chúc các bạn có tương lai hạnh phúc.”
Ảnh trái: Anh Lương Chấn Hưng trước khi bị bức hại. Ảnh phải: Bức ảnh anh Lương Chấn Hưng bị giam được công bố trên các phương tiện truyền thông của chính phủ Trung Quốc
Tết Nguyên Đán năm 2010, anh Lương bị chuyển tới Nhà tù Công Chủ Lĩnh. Khi gia đình tới thăm anh vào ngày 12 tháng 04, họ thấy anh gầy như que củi, bước đi khó khăn, giọng nói khàn khàn. Gia đình được thông báo đến thăm anh ở Bệnh viện Trung tâm thành phố Công Chủ Lĩnh vào ngày 25 tháng 04. Trong phòng cấp cứu, anh trông hốc hác chỉ còn da bọc xương, mắt gần như đã mù rồi. Phổi anh bị tổn thương nghiêm trọng, chân sưng lên giống cái bánh bao. Thống khổ khiến anh phải cắn chặt răng. Vào sáng ngày 01 tháng 05 năm 2010, anh Lương Chấn Hưng , học viên Pháp Luân Công kiên định phi thường, đã qua đời ở tuổi 46.
Các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin: “Người đi tiên phong đặt nền móng cho tự do Internet đã qua đời tại Trung Quốc.” Cũng như các học viên Pháp Luân Công khác, câu chuyện của anh Lương Chấn Hưng là một trang huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc.
Vào những năm cuối đời, Lương Chấn Hưng bị giam giữ tách biệt với thế giới. Thật đáng tiếc, anh đã không biết rằng mình cùng các bạn của anh đã đi tiên phong mở ra kỷ nguyên mới nói rõ sự thật về Pháp Luân Công. Việc chèn tín hiệu vào mạng truyền hình trung ương thành công đã phá vỡ bức tường sắt che đậy những tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ. Ảnh hưởng mạnh mẽ của nó cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời của một phần mềm đột phá phong tỏa Internet, làm thất bại công trình kiểm duyệt và giám sát “Lá chắn vàng” của ĐCSTQ.
3. Lôi Minh qua đời sau khi được tạm tha để điều trị y tế
Lôi Minh, một thành viên trong đội đã bị kết án 17 năm tù. Cũng như Lưu Thành Quân, anh chịu đủ các loại khốc hình ở Nhà tù Cát Lâm, bao gồm: đánh đập tàn bạo, chọc mắt, bóp tinh hoàn, căng người trên giường, và cấm ngủ. Tính mạng của anh nguy kịch sau 2 năm tra tấn liên tục. Năm 2004, anh được bảo lãnh ra ngoài để điều trị y tế.
Trong thời gian được bảo lãnh, anh bị tàn phế và tính mạng đang nghìn cân treo sợi tóc. Trước đây anh nặng 65kg giờ chỉ còn 35kg. Cha mẹ anh không có thu nhập đều đặn. Tiền tích góp của họ cũng không đủ để mua một chút thức ăn dinh dưỡng cho anh. Thế nhưng chính quyền vẫn không buông tha, nhà tù, đồn công an, ủy ban dân phố không ngừng tới gây áp lực đòi bắt người ngay khi anh khỏe lên. Để tránh bị bắt trở lại, anh đã rời nhà ngay khi có thể đi được.
Ngày 06 tháng 08 năm 2006, vì thương tích quá nặng, anh Lôi đã qua đời ở tuổi 30. Cha mẹ của anh rất thống khổ.
Lôi Minh trước và sau khi qua đời
4. Ngụy Tu Sơn mất tích trong tù
Ngụy Tu Sơn, là thành viên của đội tiên phong, anh bị giam giữ bất hợp pháp một năm tại trại lao động vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào năm 1999. Trong trại lao động Vi Tử Câu, anh không chịu nhận tội, không chịu mặc quần áo phạm nhân. Lính canh sốc điện anh bằng dùi cui nhưng anh vẫn không hợp tác. Các tù nhân khác rất khâm phục vì sự kiên định của anh. Ngụy Tu Sơn giảng cho các phạm nhân sự thật về Pháp Luân Công. Sau khi hiểu sự dối trá của ĐCSTQ, mọi người đều biết Pháp Luân Công là tốt. Mấy phạm nhân nói tương lai nhất định sẽ ra ngoài cùng anh học Pháp Luân Công.
Vì quyết tâm kiên định vào đức tin của mình, trại lao động đã tăng hạn giam giữ của anh lên thêm 11 tháng. Lúc được thả, anh Ngụy đã viết: “Tôi sau khi rời khỏi đây sẽ tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công…..”
Tháng 10 năm 2002, anh tham gia sự kiện chèn tín hiệu truyền hình nên bị kết án 12 năm. Trong tù, anh bị tra tấn khiến tính mạng nguy kịch, phải đưa tới bệnh viện vào tháng 10 năm 2003. Sau đó thì anh mất tích.
5. Vụ thảm sát tại Trường Xuân
Trong đợt truy quét bắt 5.000 người của chính quyền lần đó, ít nhất 6 người đã thiệt mạng. Đa số họ đều không liên quan đến chuyện này.
Cô Lý Dung, 35 tuổi, tốt nghiệp Đại học Cát Lâm, làm việc tại Viện nghiên cứu Dược phẩm tỉnh Cát Lâm. Chính quyền nói cô tử vong sau khi nhảy khỏi một cao ốc để tránh lùng bắt, nhưng nguyên nhân thực sự cái chết của cô vẫn đang được điều tra.
Cô Thẩm Kiếm Lợi, 34 tuổi, là giáo sư Khoa Toán học Ứng dụng tại Đại học Cát Lâm. Cô bị bắt vào ngày 06 tháng 03 và đã qua đời sau khi bị khốc hình hành hạ vào cuối tháng 04. Chồng của cô, anh Trịnh Vĩnh Đông, là học viên Pháp Luân Công, cũng bị bắt giam.
Một nam học viên Pháp Luân Công chưa rõ danh tính, khoảng 30 tuổi, đã bị đánh đến chết vào ngày 16 tháng 03 trong khi bị Tổ điều tra tội phạm của Đồn cảnh sát Cẩm Trình thuộc Phòng công an thành phố Trường Xuân giam giữ. Thân thể anh đầy thương tích, nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng.
Lưu Nghĩa, 34 tuổi, bị bắt vào ngày 18 tháng 03 và đã chết trong khi bị Đội cảnh sát hình sự của Đồn cảnh sát Lục Viên giam giữ.
Bà Lý Thục Cần, 54 tuổi, bị Phòng công an đường Trường Cửu bắt giữ và qua đời tại Trung tâm giam giữ số 3 Trường Xuân.
Anh Lưu Hải Ba, người đã gặp Lương Chấn Hưng trong trại lao động cưỡng bức là một bác sĩ X-quang tại Bệnh viện Trường Xuân. Anh Lưu bị bắt vào tối ngày 10 tháng 03 và qua đời lúc 1 giờ sáng hôm sau trong khi bị cảnh sát giam giữ. Dựa trên báo cáo của một cựu quan chức cảnh sát họ Hoắc, hiện đang định cư tại Úc, chính quyền đã nhét dùi cui điện vào trực tràng của anh Lưu để sốc điện nội tạng của anh. Anh Lưu đã chết sau một vài phút, nhưng chính quyền nói anh đã bị đột quỵ. Thi thể của anh đã bị bí mật hỏa táng.
IV. Ánh sáng sự thật bất diệt
1. Lưu Thành Quân được trao tặng giải thưởng nhân quyền
Vào chiều ngày 05 tháng 09 năm 2007, Quỹ Nhân quyền Châu Á Thái Bình Dương tại Úc đã tổ chức Lễ trao giải Nhân Quyền năm 2007 tại Tòa nhà Quốc hội New South Wales. Anh Lưu Thành Quân, một học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ giết hại vì đã chèn sóng vào mạng truyền hình cáp để phát đi sự thật về Pháp Luân Công, là người nhận giải thưởng Fildelity Vindicator.
Tên tiếng Trung của giải thưởng, dịch trực tiếp là: “Đan tâm chiếu hãn thanh” (Tấm lòng trung nghĩa chiếu rọi sử xanh). Câu này bắt nguồn từ bài thơ nổi tiếng của một anh hùng dân tộc thời Nam Tống tên là Văn Thiên Tường. Bài thơ có câu: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” (Đời người ai mà không chết, giữ lấy tấm lòng son chiếu rọi sử xanh)
Quỹ Nhân quyền Châu Á Thái Bình Dương tôn vinh anh Lưu Thành Quân vì đã đưa sự thật tới hàng triệu khán giả xem truyền hình và là một tấm gương điển hình cho phong trào bảo vệ quyền lợi của các tổ phi chính phủ. Anh xứng đáng với giải thưởng Fidelity Vindicator. Hành động bảo vệ nhân quyền của anh đã đi vào lịch sử. Trong bài phát biểu của mình, thành viên của Hội đồng Lập pháp, ông Gordon Moyes đã gọi giải thưởng được trao cho anh Lưu Thành Quân là một minh chứng của lịch sử.
Ông Trương Nhĩ Bình, phát ngôn viên đại diện cho Pháp Luân Công, nói rằng ông rất vinh dự khi được thay mặt cho anh Lưu Thành Quân nhận giải thưởng này. Ông nói anh Lưu cùng các bạn của anh đã làm chấn động lương tâm của toàn thế giới bằng hành động dũng cảm, và bằng sự kiên trì nỗ lực đưa chân tướng tới nhiều người dân Trung Quốc hơn nữa. Ông Trương nói rằng giải thưởng nhắc nhở mọi người về những tội ác kinh khủng chống lại loài người vẫn còn đang xảy ra đằng sau vỏ bọc của nền kinh tế Trung Quốc thịnh vượng. Ông kêu gọi tất cả mọi người hãy sát cánh bên nhau trong việc bảo vệ công lý và kết thúc cuộc đàn áp, vì bản thân chúng ta cũng như cho tương lai tươi sáng của dân tộc.
2. Các sự kiện chèn tín hiệu truyền hình liên tục xảy ra ở Trung Quốc sau đó
Sự kiện chèn sóng ở Trường Xuân là nguồn cảm hứng và đã khích lệ cho hàng loạt các dự án khác diễn ra sau đó.
Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự do (RFA): “Vào ngày 17 tháng 08 năm 2002, các học viên Pháp Luân Công lại can thiệp vào một đài truyền hình địa phương của Trung Quốc để phát sóng nhằm chống lại các báo cáo tiêu cực đến phong trào tinh thần Pháp Luân Công. Khoảng 10 đến 20 phút, theo những người dân thành phố Bạch Ngân, thành phố nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Cam Túc của Trung Quốc, trên Kênh 5 của CCTV đã phát sóng các hình ảnh của Pháp Luân Công tới những khán giả địa phương. Khoảng 1.000 người có thể đã xem chương trình thông qua đài truyền hình cáp Bạch Ngân.”
Vào ngày 19 tháng 10, chương trình Pháp Luân Công kéo dài 2 giờ đồng hồ đã được phát ở một thành phố phía Tây Nam Trung Quốc.
Vào ngày 23 tháng 01 năm 2003, một khu vực dân cư tại một thành phố phía đông bắc Trung Quốc đã phát chương trình tivi về Vụ tự thiêu giả mạo trên Quảng trường Thiên An Môn trong hơn nửa giờ.
Vào tháng 08 năm 2003, hàng trăm nghìn khán giả truyền hình ở phía nam Trung Quốc đã xem được các chương trình về Pháp Luân Công trong khoảng hơn nửa giờ bằng ăng ten.
3. Phần mềm chống phong tỏa internet
Ngày 27/11/2003, một bản tin của tờ The Weekly Standard có tiêu đề “Xâm nhập sóng vi tế” viết: “Tổ chức duy nhất đã thực sự đạt được điều này có tên là Pháp Luân Công.” “Trên thực tế thì Bộ Ngoại giao cũng đọc New York Times, trong đó công nhận Liên minh Tự do Internet Toàn cầu – về cơ bản là một nhóm các kỹ sư máy tính là học viên Pháp Luân Công – bằng việc chế tạo các hệ thống website mang tính cách mạng không chỉ cho phép hàng triệu người dân Trung Quốc vượt tường lửa, mà còn cung cấp nền tảng cho đại đa số các phóng sự của người dân gửi tới phương Tây trong suốt cuộc Cách mạng Xanh ở Iran.”
Ý tưởng đột phá phong tỏa Internet được nảy sinh nhờ Lương Chấn Hưng và các bạn của anh, những người đã chèn tín hiệu vào mạng truyền hình cáp để đột phá phong tỏa thông tin ở Trường Xuân vào ngày 05 tháng 03 năm 2002. Thành công vang dội của nó đã truyền cảm hứng cho các nhóm học viên Pháp Luân Công khác phát triển các phương thức mới để tiếp cận với nhiều người Trung Quốc hơn thông qua mạng Internet.
V. Quyền được biết
Những lời dối trá đã bóp méo lương tâm và ý thức về công lý của những người Trung Quốc, kích động thù hận đối với một nhóm người theo đuổi Chân-Thiện-Nhẫn. Tuy nhiên, sự thật đã phá tan tất cả, đặt quyền được biết trở lại tay người dân. Nhiều người khi biết sự thật đã chọn đứng về phía chính nghĩa. Sau ngày sự thật về Pháp Luân Công được phát sóng tại Trường Xuân, những người dân địa phương đã chủ động tới tòa án để lên án ĐCSTQ và bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công.
Nhờ những người tiên phong và những người theo sau họ, sự thật về Pháp Luân Công đã được lan truyền khắp thế giới. Người dân ở hơn 100 quốc gia đang tu luyện Pháp Luân Công. Hơn 100 triệu người Trung Quốc đã thoái Đảng và các tổ chức liên đới của nó.
Ông Trương Trung Dư, nguyên phó Tổng biên tập tạp chí Lantaineiwai cấp tỉnh tại Cát Lâm, đã rời Trung Quốc vì cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông đã nói với một kí giả rằng:
“Khủng bố và chính sách lạm dụng quyền lực không thể ngăn người dân khát cầu sự thật. Dối trá cùng bạo ngược không thể làm lay chuyển lòng người. 14 năm đàn áp đẫm máu đã bức hại vô số người, làm hàng nghìn vạn gia đình tan vỡ. Nhưng từ xưa đến nay, bức hại đối với đức tin chân chính chưa bao giờ thành công. Trong khi ĐCSTQ đang đối mặt với sự diệt vong thì Pháp Luân Đại Pháp đã hồng truyền hơn 100 quốc gia, mang lại ánh sáng và hy vọng cho thế giới.”
Sự hy sinh dũng cảm của đội tiên phong ở thành phố Trường Xuân đã chiếu sáng đoạn lịch sử tối tăm nhất của Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc và khắp thế giới đã phải trả một cái giá cao cho tự do báo chí, ngôn luận và tín ngưỡng.
Hồng Hoa (Tổng hợp từ nguồn Minh Huệ, Daikynguyenvn)