Những công trình kiến trúc hiện đại vươn thẳng lên đỉnh trời ngày nay dường như đang muốn tuyên bố sự thống trị đối với con người và tuyên chiến với trời xanh hơn là kết nối cùng thiên thượng. Tuy nhiên, những công trình thời xưa như kiến trúc Trung Hoa cổ lại thuận theo tự nhiên và thể hiện được sự hài hòa giữa trời và đất.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người Trung Quốc cổ đại đã hình thành và phát triển được phong cách kiến trúc độc đáo cho riêng mình. Dựa trên các nguyên lý của Đạo giáo và Phật giáo, kiến trúc Trung Hoa cổ đại phản ánh sự hiểu biết của người dân vùng đất Thần Châu rằng giữa thiên đường, mặt đất và con người (thiên-địa-nhân) có một mối liên hệ mật thiết. Nhật Bản, Hàn Quốc và phần lớn các nước châu Á đã học theo phong cách văn hóa độc đáo này của Trung Quốc.

Kim Các Tự, hay còn gọi là chùa Gác Vàng ở Kyoto, Nhật Bản. (Ảnh qua neptun.ru)Nhiều đất nước ở châu Á cũng học theo phong cách kiến trúc Trung Hoa cổ. Trong ảnh là Kim Các Tự, hay còn gọi là chùa Gác Vàng ở Kyoto, Nhật Bản. (Ảnh qua neptun.ru)

Sự hòa hợp giữa thiên đường và mặt đất

Kinh dịch và nhiều ghi chép cổ khác đều nói rằng các bậc tiền nhân cổ đại luôn tuân thủ quy luật của trời, đất, tự nhiên và thời gian trong năm. Triết lý của Đạo gia lấy Đạo làm yếu tố trung tâm, sinh ra thái cực, âm, dương và tam tài: thiên, địa, nhân.

Nho giáo luôn tôn vinh nguyên tắc hài hòa giữa trời và đất. Tự nhiên là vũ trụ rộng lớn và con người là một vũ trụ thu nhỏ. Vì con người là mô hình thu nhỏ của tự nhiên và vũ trụ nên con người cần sinh sống hòa hợp với quy luật của tự nhiên.

Những quan điểm truyền thống này được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực đời sống của người Trung Quốc cổ, bao gồm cả trong kiến trúc. Một ngôi nhà phải thực sự hài hòa với thiên nhiên cả trong lẫn ngoài. Điều này còn quan trọng hơn cả vị trí và công dụng thực tế của nó.

Kiến trúc Trung Hoa cổ thể hiện được nguyên tắc hài hòa giữa trời và đất. (Ảnh: livemtl.ca)

Các kiến trúc sư Trung Hoa xưa đã vận dụng các yếu tố của vũ trụ vào mọi cấu trúc, từ các hang động nguyên thủy, các tòa nhà đơn giản cho đến những công trình phức tạp. Điều đó đã làm cho kiến trúc Trung Hoa luôn gắn liền với các yếu tố của vũ trụ. Thực tế thì kiến trúc cũng chính là mô hình thu nhỏ của vũ trụ.

Những điểm trên la bàn

Tất cả các kiến trúc Trung Hoa cổ đều bắt đầu theo các hướng trên la bàn là đông, tây, nam, bắc. Các kiến trúc sư đã sử dụng những biểu đồ mà các thầy phong thủy chuẩn bị từ trước. Phía nam ở trên, bắc ở dưới, tây bên phải và đông bên trái. Nó hoàn toàn không giống với các hướng trên bản đồ ngày nay.

Điều này là dựa trên việc vị trí lãnh thổ nằm ở Bắc bán cầu, người Trung Quốc tin rằng khí hậu dễ chịu, mùa đông ấm hơn và những cơn gió mùa hè ở các khu vực phía Nam đều đến từ thiên đường. Vì vậy phía nam trở thành điểm tham chiếu cho mọi công trình được xây dựng.

Một khu vườn theo phong cách Trung Hoa cổ. (Ảnh qua The Telegraph)

Thông thường các kiến trúc sư sẽ xây các bức tường ở phía bắc, phía tây và phía đông của ngôi nhà, còn lối vào thì phải đối diện với phía nam. Điều này giúp ngăn các luồng khí xấu như gió bắc hay các điều kiện bất lợi khác làm ảnh hưởng đến nhiệt độ trong nhà.

Để ngôi nhà được bảo vệ và có thể chống chọi với thảm họa thiên nhiên, bốn linh vật thần thoại được đặt ở 4 góc của nóc nhà, làm thành tứ linh trấn giữ bốn phương vị. Huyền Vũ được đặt ở phía Bắc, Chu Tước ở phía Nam, Bạch Hổ ở phía Tây và Thanh Long ở phía Đông.

Tứ linh trấn giữ bốn phương trên mái nhà. (Ảnh qua Fine Art America)

Ngói lợp

Khoảng 3.000 năm trước, những viên ngói đầu tiên được làm từ đất sét đã ra đời. Sau đó người ta trộn cỏ ylang-ylang với hỗn hợp đất sét và đá rồi nung thành ngói lợp. Một số loại ngói cũng đã sớm được tráng men và có nhiều màu sắc khác nhau.

Mái ngói có các gờ móc giúp chúng kết nối chặt với nhau và thường được trang trí bằng các họa tiết động vật hay thực vật, giúp bảo vệ ngôi nhà tránh khỏi thảm họa tự nhiên.

Một số thiết kế đặc thù chỉ được dành riêng cho cung điện của hoàng đế như mái ngói lưu ly vàng thường được thấy trên các nóc nhà trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Còn mái ngói của đền Thiên Đàn thì có màu xanh lam vô cùng đẹp mắt.

Mái ngói lưu ly vàng trên các tòa nhà trong Tử Cấm Thành. (Ảnh qua epochweekly.com)Một trong các công trình tại Thiên Đàn (Đàn thờ Trời) – một quần thể các tòa điện thờ ở nội thành phía Đông Nam của Bắc Kinh. (Ảnh qua Historyplex)

Gỗ: Vật liệu xây dựng chính

Gỗ được các kiến trúc sư Trung Quốc cổ đại sử dụng làm vật liệu xây dựng chính bởi thời đó gỗ có thể được khai thác dễ dàng từ rừng. Gỗ là một loại vật liệu xây dựng tự nhiên và được ưa chuộng bởi mùi thơm mà gỗ tỏa ra tạo cảm giác dễ chịu cho không gian nội thất. Ngoài ra, đường vân và độ bóng của gỗ cũng mang lại một bầu không khí đầy sức sống tự nhiên vào căn nhà. Đối với các kiến trúc sư, gỗ là vật liệu xây dựng sống vì nó giúp hút và đẩy lùi độ ẩm. Nhưng nó cũng có nhược điểm, hầu hết các ngôi nhà gỗ đều dễ dàng bắt lửa.

Gỗ được dùng làm vật liệu chính. (Ảnh qua fashion@me)

Khung sườn

Các kiến trúc sư thời xưa thích xây nhà bằng cách dựng khung trước. Cách này mang lại một số lợi thế cho người xây dựng. Trái ngược với cấu trúc vững chắc (bằng đá), sườn nhà với rường và cột giúp tải được trọng lượng ở những điểm yếu nhất định của ngôi nhà. Ngoài ra, phương pháp xây dựng này cho phép thiết kế được các phòng rộng rãi và thoáng mát.

Ngoài ra, kiến trúc Trung Hoa cổ có một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng với cảnh vật thiên nhiên, thực sự làm cho cuộc sống của con người trở nên hài hòa với tự nhiên cũng như thiên thượng.

Theo Tinh hoa