Tân Sinh

10 bí quyết dưỡng tâm mà Lão Tử đã truyền lại cho hậu thế

Nhịp sống gấp gáp hối hả, con người hiện đại luôn cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, cũng vì thế quan niệm “dưỡng tâm” ngày càng được mọi người coi trọng.

Trên thực tế, tư tưởng như vậy trong thời cổ đại nơi đâu cũng có thể bắt gặp. Trong đó Lão Tử được con là khởi tổ của Đạo giáo, tư tưởng “dưỡng tâm” của ông ảnh hưởng sâu sắc rộng rãi và đặc biệt rõ nét đến hậu thế.

Trong tư tưởng của ông bao hàm nhiều khái niệm về duy trì và thúc đẩy sức khỏe tâm lý, điều này có ý nghĩa và giá trị thực tiễn quan trọng trong việc giải quyết xung đột tâm lý giữa con người với con người.

Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại trí tuệ mà người xưa gửi gắm cho hậu thế…

1. Bí quyết từ chữ “Đức”

Lão Tử nói: “Thường đức bất ly, phục quy vu anh nhi”, ý rằng giữ đức thường hằng không đánh mất, thì sẽ trở về với trạng thái đơn thuần như đứa trẻ.

Để kéo dài cuộc sống, cải lão hoàn đồng, thì phải gắn liền với giữ đức, phải vì người trước vì mình sau, sai sót nhận về mình, công lao nhường người khác.

Đừng cố chấp ý kiến của mình, cho rằng mình đúng còn người khác thì sai; đừng coi thường người khác mà tự cao, hạ thấp người khác mà tự đại.

Không phô trương thanh thế, dùng kế sách, tài năng, ỷ thế ức hiếp người. Không dùng những lời lẽ thiếu đạo đức vì ghen tị mà vu khống người khác, cần tự lực tự cường, tự tu tâm dưỡng tĩnh.

Tuyệt đối không cướp bóc lừa gạt tiền tài, tham ô hủ hóa. Nếu có thể coi đắng cay ngọt bùi như mật ngọt, trái tim nhân hậu, thường xuyên tu công đức, một lòng chính nghĩa, thì tự nhiên sẽ trở về với sự chân chất mộc mạc, thấu rõ được lòng mình.

2. Bí quyết từ chữ “Dưỡng”

Nói ít để dưỡng nội khí, từ bỏ sắc dục để dưỡng tinh khí, ăn nhạt để dưỡng huyết khí, nuốt nước bọt để dưỡng tạng khí.

Không bực tức để dưỡng can khí, ăn uống ít để dưỡng vị khí, hít thở đều đặn để dưỡng phế khí, ít suy tư để dưỡng thận khí, hành động cư xử cẩn trọng để dưỡng thần khí.

3. Bí quyết từ chữ “Tâm”

Có vô vàn kế, vô vàn cách để dưỡng tâm. Tâm là chủ thể của con người, đồng thời chi phối “tinh”, “khí”, “thần”. Luyện tinh, luyện khí, luyện thần, nhất định phải luyện từ tâm.

Tâm có động tĩnh, tâm bất động thì trống rỗng, tâm tĩnh tại thì sáng tỏ, thấy rõ chân tính. Dùng cái tâm tĩnh lặng để nhìn sự vật hiện tượng, chứ không phải dùng mắt thường, không vì danh lợi mà động tâm. Vô tâm bất động sẽ càng ngày càng tiến gần đến đạo.

Tâm là chủ thể của con người, đồng thời chi phối “tinh”, “khí”, “thần”. Luyện tinh, luyện khí, luyện thần, nhất định phải luyện từ tâm. (Ảnh: Read01)

4. Bí quyết từ chữ “Thiện

Nuôi dưỡng thiện tính, bảo trì thiện tâm, không ngừng hành thiện để tích lũy đức. Cùng người khác làm việc thiện, khuyên người khác hành thiện. Người người đều hướng thiện thì cái ác tự diệt, quốc thái dân an.

5. Bí quyết từ chữ “Vô”

Tâm không nằm trong cảnh, ở nơi hồng trần mà chẳng vướng bụi trần, động niệm mà như không động niệm, dụng tâm mà như vô tâm. Công phu thượng thừa nhất của Đạo gia là ở chữ “Vô” này.

Phật gia yêu cầu không nhân tướng, không ngã tướng, không chúng sinh tướng, không Phật tướng, không lục căn, không lục trần. Trình độ cao nhất của Phật gia xét cho cùng cũng chỉ là bí quyết từ chữ “Vô” mà thôi.

6. Bí quyết từ chữ “Thiểu”

Bớt mất mát tinh lực, bớt tiêu hao thần trí, bớt hao tổn sức lực, bớt hưởng thụ phúc phần, bớt tìm kiếm khoái lạc, bớt mong cầu vinh danh, bớt tích lũy tư lợi, bớt một chút toan tính, thêm một chút tinh thần.

7. Bí quyết từ chữ “Tĩnh”

Hình cầu mong tĩnh, tâm cầu mong tĩnh, khí cầu mong tĩnh, khi đả tọa càng cần tĩnh tại, bình thường cũng nên cầu tĩnh, cầu tĩnh trong tĩnh, cầu tĩnh trong náo nhiệt, tĩnh sinh ra định, định sinh ra tuệ.

8. Bí quyết từ chữ “Quả”

Ít lời dưỡng khí, ít nhìn dưỡng trí, ít được dưỡng tính, ít dục dưỡng tinh, ít động dưỡng thần, nơi nào ít sân si nơi đó thanh bình.

9. Bí quyết từ chữ “Đạm”

Ít cầu công danh, ít mong tư lợi, ít ham sắc dục, ít mê ái tình, ít sinh phẫn nộ, tránh sinh nghi ngờ, kiềm chế hiếu thắng, chẳng nơi nào không bình an.

10. Bí quyết từ chữ “Vong”

Quên đi sự việc có thể dưỡng tâm, quên đi tình cảm có thể dưỡng tính, quên đi hoàn cảnh có thể dưỡng thần, quên đi sắc dục có thể dưỡng tinh. Quên như vậy thì mọi thứ đều được nuôi dưỡng.

Theo Tinh Hoa