Thời cổ đại, người thực hiện chuyến lữ hành xa xôi nhất không phải là binh lính, không phải là thương nhân, cũng không phải văn nhân, mà là các nhà sư.
Hai nhà sư Pháp Hiển và Huyền Trang đều phải qua quãng đường xa xôi vạn lý đến các nước Nam Á. Khác với Huyền Trang vượt qua cao nguyên Pamir vào năm 30 tuổi, Pháp Hiển đi ngang qua đây là vào lúc đã ngoài 60. Ông cũng là vị tăng nhân đầu tiên sang Thiên Trúc thỉnh kinh, sớm hơn Đường Tăng khoảng 200 năm.
Ba tuổi xuất gia làm hòa thượng
Nhà sư Pháp Hiển mang họ Cung, sinh khoảng năm 337 ở quận Bình Dương, thuộc Lâm Phần, Sơn Tây (Trung Quốc) ngày nay. Vùng đất này do họ Thạch thuộc bộ lạc Yết thành lập, quốc hiệu là Triệu, nên còn gọi là Thạch Triệu để phân biệt với Hán Triệu của người Hung Nô. Người trong bộ lạc Yết đều sùng bái Phật giáo.
Pháp Hiển có ba anh trai nhưng đều yểu mệnh. Cha mẹ ông một lòng tín Phật, vì lo sợ rằng đứa con trai 3 tuổi của mình cũng gặp bất trắc, nên đã để ông cạo đầu làm sa di với mong nguyện rằng ông sẽ được chư Phật và Bồ Tát bảo hộ. Nhưng do tuổi còn quá nhỏ, Pháp Hiển vẫn được ở lại nhà cùng cha mẹ. Mấy năm sau, Pháp Hiển mắc bệnh nặng, trong lúc nguy cấp cha mẹ đã gửi ông đến chùa Bảo Phong, và chỉ sau 2 ngày ở chùa ông đã chuyển nguy thành an. Sau khi lành bệnh, Pháp Hiển không muốn về nhà nữa. Cha mẹ ông nhớ con nên đã dựng một gian nhà nhỏ ở bên ngoài chùa để được trông thấy con hàng ngày.
Năm Pháp Hiển lên 10, cha ông qua đời, không lâu sau mẹ ông cũng tạ thế. Pháp Hiển về nhà lo liệu hậu sự xong rồi lập tức quay trở lại chùa.
Khi đó, mỗi chùa đều có mảnh đất tự cung tự cấp riêng. Một lần Pháp Hiển cùng mấy chục sa di đang cắt lúa ngoài đồng, bỗng có nhóm đạo tặc đói khát từ đâu xuất hiện muốn cướp lương thực của nhà chùa. Toàn bộ sa di bị dọa sợ quá đều bỏ chạy hết cả, duy chỉ có Pháp Hiển một mình đứng đó bất động, điềm tĩnh nói với toán cướp rằng: “Nếu các ông cần lương thực thì cứ việc lấy. Nhưng đời này sở dĩ các ông nghèo khổ chính là do đời trước không chịu bố thí. Nếu các ông còn muốn cướp lương thực của người khác, e rằng kiếp sau sẽ nghèo khổ hơn bây giờ, bần tăng thật lòng lo lắng cho các ông!”. Nói xong, Pháp Hiển bèn trở về chùa. Toán cướp nghe những lời cảnh tỉnh của ông đều bỏ lương thực lại rồi đi, mấy trăm tăng chúng trong chùa ai ai cũng khen ngợi Pháp Hiển.
Năm 20 tuổi, Pháp Hiển thọ đại giới, trở thành vị tăng nhân thọ trì 250 giới luật. Từ đây ông càng thêm tinh tấn, đọc hết kinh sách, tuân thủ nghiêm ngặt các khuôn phép nhà Phật.
Tranh vẽ Pháp Hiển tại phế tích Ashoka (ảnh: Wikipedia).
Đường cầu Pháp thập tử nhất sinh
Pháp Hiển xuất gia hơn 60 năm, thường than tiếc kinh sách và giới luật của Phật giáo nơi vùng đất người Hán có quá nhiều khiếm khuyết. Khi đó giới luật lỏng lẻo, các tăng nhân không thể tuân theo, tăng lữ tầng trên cũng loạn Pháp hoại giáo, không có kinh luật để ước thúc hành vi của họ. Pháp Hiển cho rằng chỉ khi lấy được chân kinh và dịch sang tiếng Hán mới có thể quy chính lại các thiếu sót đương thời, giúp chúng tăng hiểu được nội hàm chân chính của Phật Pháp.
Năm 399, tức năm thứ ba Long An thời Đông Tấn, Pháp Hiển ở tuổi ngoài 60 quyết định đi về phía tây sang Thiên Trúc tìm cầu giới luật. Đi cùng ông có bốn người khác là Đạo Chỉnh, Huệ Cảnh, Huệ Ứng, và Huệ Ngôi.
Năm 400, nhóm Pháp Hiển đến Trương Dịch, Cam Túc, gặp được năm người khác là Trí Nghiêm, Huệ Giản, Tăng Thiệu, Bảo Vân, và Tăng Cảnh, về sau lại gặp được Huệ Đạt. Như vậy cả nhóm tổng cộng 11 người cùng tây tiến đến Đôn Hoàng.
Cả nhóm được thái thú Lý Hạo giúp đỡ, đi sang Dương Quan, một mạch tiến về phía tây. Họ băng qua sa mạc lớn Bạch Long, nơi thường xuyên xuất hiện gió nóng Ác Quỷ, lại có “sa hà” là dòng sông cát chảy có thể chôn vùi bất cứ ai. Trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, xung quanh bốn phía mờ mịt, mọi người chỉ có thể quan sát mặt trời để nhận biết phương hướng, lại dựa theo xương trắng trên đường để xác định đường đi.
Trải qua nhiều ngày đêm ròng rã, bôn ba 1500 dặm đường, nhóm Pháp Hiển cuối cùng cũng đến được nước Thiện Thiện, thời xưa gọi là Lâu Lan, là một tiểu quốc của Tây Vực thời đó. Cả nhóm dừng lại ở đó hơn 1 tháng, rồi tiếp tục hành trình phía trước. Sau đó lại qua hơn 1 tháng nữa, họ cũng bình an vượt qua được đại sa mạc Takelama vốn mệnh danh là nơi “vào được chứ không ra được”. Năm 401, họ đã đến được Điền Quốc (tức Hòa Điền, Tân Cương ngày nay).
Năm 402, nhóm Pháp Hiển cuối cùng cũng vượt qua dãy núi Pamir với những ngọn núi cao chót vót. Đây là “vùng đất tử vong” trên con đường tơ lụa, lũ cướp hoành hành ngang ngược, vô số thương khách đã phải bỏ mạng ở nơi đây. Trên núi tuyết phủ quanh năm, Pháp Hiển nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh đá rơi tuyết lở. Đường đi rất hiểm nguy, viền quanh toàn vực thẳm, những rặng núi giống như bức tường đá dựng đứng có hàng ngàn đỉnh nhọn, nhìn đến hoa cả mắt. Bước thêm một bước là người ta sẽ rớt xuống vực vì không có chỗ nào để đặt chân. Bên dưới có con sông tên là Indus (tức sông Ấn), người đi trước đã đẽo một con đường trong đá, trông giống như đường bậc thang có 700 cấp. Sau khi qua hết những bậc cấp này, họ lại vượt sông bằng một cái cầu dây. Khoảng cách giữa hai bờ sông chừng 80 bước. Sử chép rằng ngay cả hai sứ thần Trung Quốc ngày xưa cũng không đi xa đến mức ấy.
Đoàn người lại đi về phía Nam vượt qua dãy núi Tuyết Nhỏ. Núi này phủ tuyết trắng xóa cả mùa đông lẫn mùa hè. Kể từ lúc khởi hành, trong nhóm có người thì đi lạc, có người thì qua đời vì bạo bệnh, có người thì quay trở về, giờ chỉ còn lại ba người là Pháp Hiển, Huệ Cảnh và Đạo Chỉnh.
Ba người vượt qua núi Tuyết Nhỏ phủ tuyết quanh năm. Khi leo đến sườn núi phía bắc, đột nhiên gió rét nổi lên. Huệ Cảnh không chịu được, rét run lên nói với Pháp Hiển: “Tôi không chịu được nữa rồi, các ông hãy đi tiếp vậy, tôi không thể để mọi người chôn thân ở đây được”, nói xong liền tắt thở. Pháp Hiển ôm lấy di thể của Huệ Cảnh, vừa khóc vừa nói: “Đại nguyện lấy kinh còn chưa hoàn thành, ông đã rời đi trước, chết rồi thì làm sao đây!”.
Ảnh minh họa: Pixabay.
Sau đó, Pháp Hiển cùng Đạo Chỉnh gạt nước mắt tiếp tục tiến về phía trước, vượt qua núi Tuyết Nhỏ, đến nước La Di, dũng bước tiếp tục hành trình. Khi sắp đến Thiên Trúc, cách thành Vương Xá còn hơn 30 dặm đường, thì trời đã chạng vạng tối. Họ quyết định dừng chân tá túc trong một ngôi chùa, dự định hôm sau sẽ đến núi Linh Thứu, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng thuyết Pháp cho chúng đệ tử. Các tăng nhân trong chùa khuyên ông: “Nơi đó rất khó đi, hơn nữa còn có rất nhiều sư tử đen, những ai đặt chân đến đó đều bị ăn thịt cả. Ông làm sao đi qua đó được?”.
Nhưng Pháp Hiển nhất quyết muốn đi, mọi người thấy không thể khuyên can ông được, liền cử hai nhà sư đi theo hộ tống. Đến núi Linh Thứu thì trời đã gần tối, thấy Pháp Hiển quyết định ngủ lại trên núi, hai nhà sư sợ quá bèn quay về. Pháp Hiển một mình ở lại trong núi, thắp hương lễ bái, chiêm ngưỡng Thánh tích. Đêm đến, ba con sư tử đen đột nhiên xuất hiện, ngồi chình ình ngay trước mặt. Chúng lè lưỡi, phe phẩy cái đuôi, chằm chằm nhìn ông. Pháp Hiển bình thản hệt như không nhìn thấy gì vậy, ông cứ nhất tâm niệm Phật, tụng kinh không ngừng, trong lòng mặc niệm: “Nếu các ngươi đến để làm hại ta, thì hãy chờ ta tụng kinh xong đã. Còn như muốn khảo nghiệm ta, thì các ngươi hãy mau đi đi!”. Một lúc lâu, sư tử đã rời đi.
Pháp Hiển đặt chân đến Thiên Trúc là năm 402. Khi đó, Thiên Trúc gồm hơn 30 quốc gia lớn nhỏ tổ hợp thành. Pháp Hiển cùng Đạo Chỉnh chu du các nước, vừa chiêm ngưỡng tích xưa, vừa tìm cầu kinh Phật. Thời đó, kinh sách truyền lại đều thông qua phương thức khẩu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, rất hiếm kinh sách có sẵn. Thế là, Pháp Hiển bắt đầu học tiếng Phạn, sao chép kinh luật. Mỗi ngày nghe nhà sư truyền miệng, nghe một câu ông liền ghi lại một câu. Trải qua ba năm như vậy, Pháp Hiển đã sao chép lại được sáu bộ kinh điển “Luật Ma Ha Tăng Kỳ” dày cộm.
Đạo Chỉnh thấy pháp nhà Phật ở Thiên Trúc có trật tự, chúng tăng đường hoàng uy nghi, từ đó mà càng thêm chán ngán mảnh đất Đông Thổ vốn triều chính rối ren, giới luật thiếu khuyết, lại càng không muốn rời khỏi thánh địa Phật giáo. Vậy nên ông đã ở lại Thiên Trúc không về nữa.
Nhưng Pháp Hiển vẫn mang tâm nguyện ban đầu không thay đổi, vì để giới luật lưu thông đến vùng đất Hán, ông kiên quyết trở về. Sau khi từ biệt Đạo Chỉnh, ông một mình tiếp tục chu du miền nam và miền đông Thiên Trúc. Cuối năm 409, ông vượt qua vịnh Ben-gan, đến Sư Tử quốc, chính là Sri Lanka ngày nay. Tại đây ông cầu được bốn bộ Phật điển mà trong nước không có. Lòng thành của ông còn khiến một cư sĩ trong vùng cảm động, giúp ông sao chép bộ “Đại Bát Nê Hoàn Kinh”.
Lênh đênh ngoài biển trở về Đông Thổ
Một buổi sáng nọ, Pháp Hiển đến tự viện Phật giáo thì bỗng thấy một thương nhân dâng chiếc quạt lụa trắng lên trước tượng Phật bằng ngọc. Hình ảnh ấy thân thiết vô cùng, bởi quạt lụa vốn là sản vật nơi quê nhà. Nghĩ đến bản thân lang bạt nơi đất khách đã hơn chục năm, các bạn đồng hành hoặc là bỏ mạng, hoặc là thất lạc, hoặc là ở lại, chỉ còn ông một mình cô khổ lênh đênh không biết ngày nào mới về được mà ông không khỏi buồn bã, nước mắt chảy dài. Đứng trước biển cả mênh mông, vị Pháp sư tuổi đã ngoài 70 ấy không ngừng trông mong có một con tàu đưa ông trở về cố quốc.
Vào tháng 8 năm 411, Pháp Hiển mang theo Phật điển tiếng Phạn và các bức tượng Phật mà ông đã thu thập được trong bao nhiêu năm, bước lên một con tàu buôn lớn trở về quê nhà.
Không ngờ, sau hai ngày khởi hành thì tàu gặp phải giông bão, nước tràn vào qua lỗ thủng ở thân tàu. Các hành khách trên tàu sợ hãi ném các thứ lặt vặt xuống biển để giảm bớt trọng lượng. Pháp Hiển cũng ném vại tắm cùng những đồ vật cá nhân mà ông mang theo, cố gắng bảo vệ chiếc rương đựng đầy Phật điển. Ông một lòng tụng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, nguyện cầu Đức Phật che chở, may thay chiếc thuyền đã không chìm. Gió lớn thổi suốt 13 ngày đêm, đưa con tàu đến một hòn đảo nhỏ, sau khi vá lại các chỗ bị thủng, con tàu lại tiếp tục cuộc hành trình.
Biển cả mênh mông khó nhận ra được phương hướng, chỉ có thể dùng cách quan sát mặt trời, mặt trăng và các vì sao mà tiến đến. Con tàu có khi bị sóng lớn đánh vào, các thủy quái như rùa lớn, cá mập thỉnh thoảng xuất hiện. Sau gần 3 tháng trôi dạt trên biển, tàu đã đến được Java và ở lại hơn 5 tháng. Pháp Hiển lại cùng những thương nhân khác đổi tàu tiếp tục đi về phía bắc, dự định cập bến tại Quảng Châu.
Ảnh minh họa: Hdqwalls.
Sau khi thuyền chạy được hơn 20 ngày, một buổi tối nọ, trời đột nhiên nổi trận bão Đen hiếm có, khiến ai nấy đều không khỏi kinh hoàng. Các tín đồ Bà La Môn nói: “Chính vì trên thuyền có nhà sư này nên chúng ta mới gặp phải họa lớn như vậy”. Mọi người đang định ném Pháp Hiển xuống biển thì vị thương nhân đi cùng ông đã lớn tiếng quát: “Nếu các ông muốn ném nhà sư này xuống biển, thế thì hãy ném luôn cả tôi, nếu không thì hãy giết tôi luôn đi! Hoàng đế đất Hán rất sùng kính Phật giáo, đặc biệt kính trọng các nhà sư. Khi tàu cập bến, tôi nhất định sẽ tâu lên hoàng đế, các ông thể nào cũng sẽ bị trừng phạt”. Mọi người nghe vậy đành dừng lại.
Phiêu dạt trên biển gần 3 tháng, khi nước và lương thực đều đã cạn kiệt thì tàu dạt vào bờ. Pháp Hiển nhìn thấy trên bờ có loại rau quen thuộc, biết rằng mình đã về đến Trung Hoa.
Ngồi trên chiếc thuyền con, Pháp Hiển đi dọc theo cửa sông tìm kiếm thôn làng. Ông gặp hai người thợ săn và hỏi đây là nơi nào, mới biết con tàu bị gió thổi đến vùng Lao Sơn của quận Trường Quảng, Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông. Thợ săn báo việc này lên Thái thú Lý Nghi, thái thú Lý Nghi trước nay luôn sùng kính đạo Phật, nghe nói có tăng nhân từ phương xa đến đã đích thân ra nghênh đón.
Hồi hương truyền kinh Phật
Sau nhiều năm xả thân cầu Pháp, cuối cùng Pháp Hiển cũng trở về quê nhà vào năm 412. Ông đã vượt qua 30 tiểu quốc, đến thăm nhiều nơi ở Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á, hoàn thành cuộc hành trình mà trước đó chưa có ai làm được. Những bạn đồng hành cùng ông, có người thì bỏ cuộc giữa chừng, có người thì bỏ mạng, có người ở lại nơi đất khách, cuối cùng chỉ còn lại một mình ông trở về quê nhà. Sau 13 năm tìm cầu kinh Phật, Pháp Hiển nói: “Nhìn lại hành trình thỉnh kinh, ta không khỏi bồi hồi xúc động, chấn động tận tâm can!”.
Mùa thu năm sau, Pháp Hiển đến Kiến Khang, Nam Kinh, là kinh đô của nước Tấn. 5 năm sau, ông lại đến chùa Tân ở Kinh Châu, thuộc Giang Lăng, Hồ Bắc. Năm 422, tức năm thứ hai niên hiệu Nguyên Hy, Pháp Hiển đã viên tịch tại đây, hưởng dương 85 tuổi.
Trong 7 năm cuối cùng của cuộc đời, Pháp Hiển đặt chí hồng dương giới luật, lấy tấm thân già cả miệt mài dịch các kinh điển. Ông cùng với vị thiền sư ngoại quốc là Buddhabhadra phiên dịch được sáu bộ hai mươi bốn quyển Kinh, Luật, Luận. Trong đó, “Luật Ma Ha Tăng Kỳ” được xem là luật đại chúng, là một trong năm bộ giới luật lớn của Phật giáo, có ảnh hưởng lâu dài trong Phật giáo Trung Hoa.
“Đại Nê Hoàn Kinh” do Pháp Hiển dịch ra được lưu truyền rộng rãi. Có một hộ gia đình đời đời tín Phật ở Chu Tước Môn, Nam Kinh đã sao chép một bộ “Đại Nê Hoàn Kinh”, hàng ngày tụng niệm cúng thờ. Về sau gia đình này gặp phải hỏa hoạn, vật phẩm trong nhà đều bị thiêu rụi, duy chỉ có bộ “Đại Nê Hoàn Kinh” thì ngay đến cả bìa ngoài cũng không bị hư hại. Việc này được lan truyền rộng rãi ở kinh thành, mọi người đều cảm thán về sự thần kỳ của Phật Pháp.
Pháp Hiển cũng đem những điều mà bản thân mắt thấy tai nghe trong chuyến hành trình về phương tây kể lại trong cuốn sách “Phật Quốc Ký”, còn gọi là “Pháp Hiển Hành Truyện”. Quyển sách này lần đầu tiên ghi chép về hành trình đường bộ từ Trung Quốc đến các nước Ấn Độ cổ, rồi hành trình đường biển từ Sri Lanka đến quần đảo Nam Dương. Đây không chỉ là bộ truyện ký văn học, mà còn là một tài liệu lịch sử quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử của các nước Tây Vực và Ấn Độ thời đó.
“Phật Quốc Ký” còn ghi chép tường tận về các cổ tích Phật giáo và cuộc sống tăng lữ của Ấn Độ, được trích dẫn trong các điển tích Phật học. Một nhà sử học Ấn Độ từng nói: “Nếu không có các tác phẩm của Pháp Hiển, Huyền Trang và Mã Hoan, thì việc tái thiết lịch sử Ấn Độ gần như là điều không thể”.
Có thể nói trước Pháp Hiển chưa từng có nhà sư Trung Hoa sang Tây Thiên cầu Pháp. Trong những người lưu học ở Thiên Trúc, Pháp Hiển là người đầu tiên mang kinh điển tiếng Phạn về nước rồi trực tiếp dịch sang tiếng Hán.
Pháp Hiển cả đời hành sự bình đạm, trên đường đi về phía tây không nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của vua chúa các nước, sau khi về nước cũng không được triều đình hậu đãi. Nhưng ông đã thành tựu nên sự nghiệp vĩ đại sớm hơn Huyền Trang những 200 năm, trở thành nhà sư đầu tiên sang Ấn Độ cầu Pháp trong lịch sử Trung Hoa.