Tân Sinh

Hậu quả của việc đối xử tàn nhẫn với động vật hay sát sinh hại mệnh

Trong lịch sử đã có rất nhiều câu chuyện nói về việc phải chịu báo ứng do hành hạ động vật. Kỷ Hiểu Lam trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” cũng ghi lại 3 câu chuyện như vậy, nhắc nhở mọi người phải đối xử tử tế đối với động vật, không được tùy ý mà hành hạ chúng đến chết.

Người phụ nữ ưa thích ăn thịt mèo

Có một người phụ nữ rất thích ăn thịt mèo. Sau khi bắt được con mèo thì liền lấy một cái hũ rắc vôi vào, xong ném con mèo vào trong cái hũ, rồi đổ nước sôi vào. Lông mèo bị vôi ăn mòn mà tróc ra, như vậy bà không phải mất sức đi làm lông mèo nữa, mà máu của mèo cũng tập trung toàn bộ bên trong tạng phủ.


Con người dù có trái tim mà không cảm nhận được sự đau đớn của vạn vật, chỉ muốn sát sinh để thỏa mãn dục vọng và đam mê ăn uống của bản thân mình. (Ảnh: Fesnews)

Thịt mèo trắng như ngọc, vị phu nhân này nói thịt mèo còn ngon hơn thịt gà cả chục lần. Mỗi ngày bà đều tìm cách để có thể bắt được mèo, thực sự là không biết đã bắt và giết bao nhiêu con mèo rồi.

Về sau vị phu nhân này bị bệnh nguy kịch, còn phát ra tiếng kêu giống như mèo, bộ dạng hết sức thống khổ, phải qua hơn mười ngày mới qua đời trong đau đớn.

Bẻ chân chó mèo

Lư Huy Cát Đạo Viên từng là hàng xóm của Kỷ Hiểu Lam, ông từng kể với tác giả một chuyện. Ông nói rằng có đứa cháu của một vị quan phủ, rất thích bắt các loại động vật như chó mèo, xong bẻ gãy chân của chúng đi, sau đó còn nhẫn tâm xoay xoay cái chân gãy của chúng, nhìn chúng đau đớn quằn quại, và lấy đó làm niềm vui thú.

Người con trai này đã hành hạ chết rất nhiều chó mèo, về sau có lẽ là bị báo ứng, con gái của anh ta sinh ra chân bị dị dạng, gót chân quay ra trước, ngón chân lại quay ngược đằng sau.

Giết chim sinh ra lở loét

Trong nhà của Kỷ Hiểu Lam có một người hầu tên là Vương Phát, anh này rất giỏi chế tác ra một loại súng hơi, bắn súng cũng rất chuẩn, nếu dùng loại súng này để bắn chim, có thể nói là bách phát bách trúng, mỗi ngày bắn chết cả mấy chục con chim nhỏ.

Vương Phát chỉ có một người con trai, đứa nhỏ này được sinh ra trên đường đến thành phố Tế Ninh của tỉnh Sơn Đông, cho nên mới lấy tên mụ là Tế Ninh Châu.

Khi Tế Ninh Châu được 12 tuổi, có ngày bỗng nhiên toàn thân bị lở loét. Các vết loét này nhìn giống như là bị bỏng vậy, bên trong mỗi vết loét lại có một viên sắt, cũng không biết là viên sắt ở đâu mà lại có thể đi vào trong đó được.

Khi con người động tay dùng dao sát hại các loại động vật, cũng chính là đang tự dùng dao hướng về mình. (Ảnh: Pinterest)

Vương Phát đã dùng hết tất cả mọi loại thuốc cũng không cách nào trị hết cho con được, cuối cùng con của anh ta cũng vì thế mà qua đời.

Có người từng than phiền rằng hàng ngày ăn chay, sao lại không có được phúc báo tốt, Kỷ Hiểu Lam cảm khái mà nói: “Sát sinh, ngược đãi động vật sẽ tạo nghiệp rất nặng, đặc biệt lúc ăn chay, chẳng qua chỉ là ăn rau quả, có gì mà gọi là công đức, lúc khác lại đi hành hạ động vật, Thần Phật có thể không thấy sao? Không thể chỉ vì nhất thời tham ăn hoặc vì niềm vui thú mà lại đi hành hạ động vật đến chết được”.

Thần Phật là từ bi với sinh linh vạn vật, và luôn coi con người là “anh linh của vạn vật”, luôn mong muốn chúng ta đồng cảm yêu thương muôn loài. Vậy mà chúng ta chỉ vì dục vọng ham muốn của mình không từ phương pháp nào để hành hạ, giết hại các loại động vật. Kỳ thực, khi con người động tay dùng dao sát hại các loại động vật, cũng chính là đang tự dùng dao hướng về mình.

Trong kinh Phật dạy rằng, tất cả chúng sinh trong tam giới không ai là không trân quý sinh mệnh của bản thân mình. Bất kể loài động vật nào khi bị con người bắt được, đều sẽ biết và cảm nhận được nỗi đau đớn của giết mổ, bị biến thành món ăn, những đau khổ đó có gì khác với con người?

Thế mà con người hiện đại có mắt mà như không nhìn thấy, có tai mà như không nghe thấy, mặc dù có trái tim mà không cảm nhận được sự đau đớn của vạn vật, chỉ muốn sát sinh để thỏa mãn dục vọng và đam mê ăn uống của bản thân mình. Cuối cùng tự rước lấy nghiệp lực vào thân, đến thời lại phải hoàn trả hết thảy những ác nghiệp mà chính bản thân đã tạo.

(Trích từ “Duyệt vi thảo đường bút ký” Quyển 4)


Chân Chân biên dịch