Cổ nhân có câu: “Đi trăm dặm, thì 90 dặm cũng chỉ là nửa đường”. Bởi vì càng gần đến cuối con đường càng nhiều khó khăn, cho nên càng gần tới đích thì nhất định càng phải kiên trì.
Câu thành ngữ:“Hành bách lý giả bán cửu thập” (Đi trăm dặm thì 90 dặm mới chỉ là nửa đường) có xuất xứ từ cuốn “Chiến quốc sách”. Liên quan đến câu nói này, có một điển cố như sau:
Thời nhà Tần chưa thống nhất lục quốc, Tần vương dựa vào thực lực cường đại và lợi thế về địa lý của nước mình đã thực hành thành công chính sách “Hợp tung liên hoành”, “Xa thân gần đánh”. Sau mấy năm thực hiện chính sách này, các nước hoặc là bị đánh hạ hoặc là bị suy yếu. Đại cục gần như đã được định hình, vì thế Tần vương dần dần buông lơi cố gắng, đem việc chính sự giao hẳn cho tướng quốc còn bản thân mình ngày đêm ở trong cung uống rượu mua vui, tùy ý hưởng thụ.
Một hôm thị vệ vào báo cáo với Tần vương có một ông lão gần 90 tuổi mới đi cả trăm dặm đường tới nhất định đòi cầu kiến Tần vương. Vì thế, Tần vương đã tự mình tiếp kiến ông lão.
Tần vương nói: “Ông đã đi cả trăm dặm đến đây, chắc hẳn là rất vất vả”.
Ông lão nói: “Đúng vậy! Lão phu bắt đầu xuất phát từ quê nhà, đi 10 ngày được 90 dặm, sau lại đi thêm 10 ngày nữa mới qua được 10 dặm cuối, thật rất vất vả mới tới được kinh thành”.
Tần vương cười nói: “Ông lão, ông tính vậy là sai rồi. 10 ngày đầu ông đã đi được 90 dặm rồi, 10 dặm sau sao ông lại mất những 10 ngày đi vậy?”
Ông lão đáp: “Bởi vì đoạn đường đầu tôi đã dốc toàn lực để đi, nên 10 ngày có thể đi được 90 dặm, nhưng đoạn đường sau tôi không còn sức nữa, nên càng đi càng chậm, mỗi bước đi đều cố hết sức, phải mất 10 ngày mới đi đến đây. Cho nên, ngẫm lại, đi được 90 dặm đầu cũng chỉ có thể xem như đi được nửa chặng đường mà thôi”.
Tần vương gật đầu nói: “Ông đã đi cả quãng đường xa như vậy đến gặp ta, có thể nói cho ta biết là vì điều gì không?”
Ông lão đáp: “Lão phu đến gặp đại vương, chính là muốn đem cái đạo lý đi đường này bẩm báo với ngài. Đại nghiệp thống nhất thiên hạ của nước Tần chúng ta sắp hoàn thành giống như đoạn đường 100 dặm lão phu đã đi được 90 dặm. Lão phu hy vọng đại vương hãy xem thành tựu trước mắt như thành công một nửa, nửa còn lại càng cần cố gắng để hoàn thành, nếu như lúc này buông lơi, con đường tương lai sẽ càng gian nan, thậm chí khó lòng đến được đích”.
Cuộc gặp gỡ với ông lão ngày hôm ấy đã khiến Tần Vương tỉnh ngộ. Từ đó về sau, Tần vương thường xuyên nhắc nhở bản thân không được buông lơi, tập trung hoàn thành đại nghiệp, thống nhất lục quốc.
Một người nếu không có ý chí kiên cường và tinh thần bền vững thì cho dù là làm việc gì cũng khó giữ được sự kiên trì bền bỉ để đi đến thành công. Bởi vì mấu chốt của việc thành hay bại chính là ở chỗ có thể kiên trì bền bỉ đến cuối cùng được hay không. Sự nhiệt tình nhất thời có thể khiến người ta dễ dàng bỏ dở giữa chừng, chỉ có người kiên trì mới có thể đi đến thành công cuối cùng, đạt được thành tựu trong đời.
Có một câu chuyện kể về triết gia Hy Lạp nổi tiếng Socrate như thế này. Khi bắt đầu dạy học cho một nhóm môn sinh, Socrate nói với các học trò của mình: “Hôm nay, chúng ta chỉ học một việc đơn giản nhất là làm một việc cực kỳ dễ dàng, đó là mỗi người cố gắng hết sức vung tay về phía trước, sau đó lại cố gắng hết sức vung tay về phía sau”.
Nói xong, Socrates tự mình làm mẫu qua một lần. Sau đó ông nói tiếp: “Kể từ hôm nay trở đi, mỗi người hãy làm 300 lần mỗi ngày, mọi người có thể làm được chứ?”
Các học trò của ông đều cười và nghĩ rằng một việc đơn giản như vậy, ai có thể không làm nổi sao? Chẳng lẽ thầy coi chúng ta là ngốc nghếch. Vì thế, các học trò của Socrates thực sự đã hứa với ông, cam đoan mỗi ngày sẽ hoàn thành được công việc này.
Ngày thứ hai, Socrates hỏi các học sinh của mình có bao nhiêu người đã vung tay 300 lần? 100% các học sinh của ông đều phấn khích giơ tay lên.
Một tháng trôi qua, Socrates lại hỏi các học sinh: “Mỗi ngày vung tay 300 lần, việc dễ dàng đơn giản như vậy, có học trò nào vẫn kiên trì được?” Lúc này chỉ còn 80% số học sinh của ông giơ tay lên, biểu thị rằng bản thân vẫn đang kiên trì. Một năm trôi qua, Socrates lại lần nữa đề cập đến chuyện vung tay, cả lớp đều im lặng, đều cảm thấy rất xấu hổ. Lúc này, chỉ còn có một học trò giơ tay lên, người đó chính là Plato.
Plato về sau chính là nhà triết học cổ đại Hy Lạp được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực. Rất nhiều người coi ông là triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại cùng với thầy của ông là Socrates.
Vung tay cũng không phải việc thần kỳ, nhưng người có thể tiếp tục kiên trì việc đơn giản đó mới có thể có được tiềm năng thành công hơn người.
Câu chuyện về Socrates và Plato rất có thể chỉ là câu chuyện ngụ ngôn, nhưng đạo lý nhân sinh quả thật chính là như vậy. Cho dù là việc đơn giản dễ dàng nhất trên thế gian, nếu không có nghị lực và ý chí kiên trì bền bỉ thì cũng sẽ không thể hoàn thành được. Nếu một người muốn đạt được thành công cuối cùng, có được thành tựu nhất định trong đời thì phải kiên trì bền bỉ với con đường mình đã lựa chọn.