Vận một bộ xiêm y trắng muốt, đứng trên đỉnh đài sen ngũ sắc, một nhành liễu trong tay trừ ma nạn, Cam Lồ thủy mang hạnh phúc khắp nhân gian. Đó là hình tượng của Quan Âm Bồ Tát. Dưới đây là truyền thuyết về vị thần đại diện cho lòng thương xót và từ bi này.
Quan Âm Bồ Tát là vị thần đại diện cho lòng thương xót và từ bi. (Ảnh: Internet)
Bà có thể nhìn thấy được những tiếng ai oán khổ đau của chúng sinh khắp thiên hạ, đó là ý nghĩa của 2 từ “quan âm” trong Pháp danh của Bồ Tát.
Những huyền thoại về Quan Âm Bồ Tát lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Nguyên khoảng hơn 2000 năm trước và trở nên rất nổi tiếng dưới thời nhà Tống (960-1279), từ đó Quan Âm Bồ Tát được ca ngợi như một “vị thần của lòng từ bi” cho đến tận ngày nay.
Truyền thuyết về công chúa Miêu Sơn
Cách đây rất lâu, tại một nước chư hầu của Trung Quốc, nhà vua có 3 cô công chúa. Thời gian thấm thoát các cô đã đến tuổi lấy chồng. Như nhiều bậc cha mẹ, nhà vua muốn chọn một gia đình phù hợp để gửi gắm.
Tuy nhiên, cô con gái út, nàng Miêu Sơn lại có 1 nguyện vọng khác. Cô muốn xuất gia để trở thành một người tu Phật, thông qua tu luyện cô có thể giải thoát tự thân và phổ độ chúng sinh, giúp người hoạn nạn. Thấu hiểu nguyện vọng của con gái, nhà vua đồng ý tước bỏ danh hiệu công chúa và để cô ra đi.
Sau nhiều năm, tuổi già sức yếu, nhà vua đã lâm trọng bệnh. Một hôm, có tăng nhân đến thăm vương quốc nhìn thấy bệnh tình của nhà vua, vị tăng nhân nói: “Để trị bệnh này cần một loại thuốc được chưng cất từ cánh tay và đôi mắt người, nhưng với điều kiện là người này phải hoàn toàn tự nguyện tặng 2 thứ đó cho ông”.
Tuyệt vọng, nhà vua lần lượt đến cầu xin 2 người con gái của mình nhưng đều bị từ chối. Vị tăng nhân lại nói, “Trên đỉnh núi Hương Sơn có một người tu hành đắc đạo nổi tiếng từ bi bác ái. Ông hãy cho người đến đó cầu xin, biết đâu sẽ có hy vọng”.
Vị tu sĩ ở Hương Sơn này không ai khác chính là Miêu Sơn, cô con gái út của nhà vua. Sau nhiều năm khổ cực tu hành, cô đã đắc quả vị Bồ Tát. Khi hay tin vua cha lâm trọng bệnh, cô đã tự mình hóa thân thành vị tăng nhân kia để bày cách chữa trị và chỉ cho sứ giả nơi mình đang tu luyện, Hương Sơn.
Tại Hương Sơn tự cô biến trở lại hình hài nữ nhân của mình và tiếp kiến sứ giả, sau khi nghe sứ giả trình bày đầu đuôi câu chuyện cô nói: ”Bệnh này là do nghiệp báo từ những việc làm tội lỗi trước đây của nhà vua, nhưng nơi người thường ta là con gái của ông, vì vậy hiếu thảo là chuyện nên làm”. Sau đó, vị Bồ Tát liền lấy đối mắt và cánh tay của mình đưa cho sứ giả đem về.
Trở về vương quốc, vị sư già lại xuất hiện và giúp nhà vua bào chế thuốc, sau nhiều ngày thuốc tiên kia cũng được dâng lên và bệnh của nhà vua lập tức khỏi. Ông hết lòng cảm tạ vị tăng nhân, vị tăng nhân cũng đáp lại bằng thái độ khiêm nhường.
Sau đó nhà vua đích thân đến Hương Sơn để gặp người đã cứu mạng mình. Đến nơi, ông thấy có một ni sư đang giảng thuyết xung quanh có hàng trăm đồ đệ chăm chú lắng nghe, khi nhìn kỹ thì đó không ai khác mà chính là cô con gái út, nhưng 2 mắt cô đã mù, đôi tay đã cụt. Một cảm giác nghẹn ngào khiến quốc vương không kiềm được nước mắt.
Tuy nhiên, Miêu Sơn với sự từ bi đã nói: ”Chuyện quá khứ xin hãy cho qua, nơi nhân thế ta là con của ngài nên hiếu thảo là điều cần thiết, nay nghiệp lực đã qua đi, ngài nên nhớ từ rày về sau phải sống nhân ái từ bi, và cũng đừng quên hồng dương Phật pháp”. Vừa nói xong, một tia sáng chói bao trùm khắp thân thể Miêu San, đôi mắt và tay của cô đã khôi phục, nhưng lúc này thân thể cô không còn là thân thể phàm nhân, mà biến thành một vị Bồ Tát.
Trong một số câu chuyện khác, Bồ Tát Quan Âm xuất hiện với hình tượng nghìn mắt nghìn tay, để cứu độ nhiều hơn nữa chúng sinh đang trong cảnh lầm than.
Bảo vệ làng chài
Một câu chuyện phổ biến khác về Bồ Tát Quan Âm đó là bà thường hóa thân thành những người giản dị để cảm hóa con người. Ở một số vùng biển tượng Quan Âm thường có mang theo 1 cái giỏ được đan bằng liễu, bà còn được biết đến là một vị thần bảo hộ cho thủy thủ và các ngư dân ven biển.
Xưa có một ngôi làng chài thường xuyên bị cướp bóc bởi một băng đảng khét tiếng. Bồ Tát Quan Am từ trời cao nhìn thấy sự thống khổ của dân chúng, trong một lần bà đã hóa thân thành một cô gái xinh đẹp làm nghề bán cá. Tên cầm đầu băng đảng vừa thấy người bán cá xinh đẹp đã mê đắm, mong muốn kết duyên với nàng.
Nhưng nàng ra điều kiện, trước tiên phải học thuộc kinh Phật, kiêng ăn thịt và làm việc lành. Kết quả nhờ chăm chỉ đọc kinh Phật mà toàn bộ băng cướp đã hoàn lương, buông bỏ vũ khí trở thành những người dân lương thiện. Từ đó ngôi làng trở thành một nơi ngập tràn từ bi và bác ái.
Hóa độ yêu hầu, giúp đỡ Đường tăng
Bồ Tát Quan Âm là một nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm Tây Du Ký, một trong tứ đại danh tác Trung Hoa, kể về chuyến du hành về phương Tây để thỉnh kinh Phật của một hòa thượng đời Đường cùng 3 đệ tử của ông.
Câu chuyện kinh điển bắt đầu dưới thời vua Đường, Lý Thế Dân, khi đó kinh Phật Trung Hoa phần nhiều đã bị sai lệch, không thể độ nhân. Lúc bấy giờ Bồ Tát Quan Âm hiển linh và giao cho pháp sư Tam Tạng 1 sứ mệnh sang Ấn Độ tìm thỉnh chân kinh về Trung Hoa để hồng dương Phật Pháp.
Trên đường, bà cũng an bài cho Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh trở thành các đồ đệ của Đường Tăng. Ba người họ cùng nhau đuổi ác trừ ma bảo vệ Tam Tạng. Trong suốt chặng đường, Bồ Tát thường xuất hiện để giúp họ đối phó với những yêu quái hung hãn, bà cũng nhiều lần giúp họ hóa giải mâu thuẫn phát sinh giữa các thầy trò. Mục đích chính là giúp họ thông qua khổ nạn mà trừ bỏ nghiệp lực và tà tâm, cuối cùng tu thành chính quả.
***
Sự từ bi và lòng thương xót của thần thật khác xa những gì con người tưởng tượng. Nhiều người cho rằng trong tâm thành kinh lễ Phật niệm kinh thì Phật sẽ giúp họ giải quyết mọi vấn đề. Đó là điều hoàn toàn khác so với những gì trong kinh điển Phật giáo.
Hãy nhớ rằng: Thần Phật chỉ giúp những người tử tế, trung thực và làm theo những đạo lý mà thần đã truyền dạy cho con người, đưa con người vượt qua những thống khổ sinh, lão, bệnh, tử để đắc đạo thăng thiên. Đó chính là sự từ bi chân chính của Thần Phật.
Trung Hoa cổ đại từng là một vùng đất, nơi các vị thần và con người cùng nhau tồn tại và tạo ra nền văn hóa thần truyền tuyệt diệu. Chính vì thế mà lịch sử Trung Hoa xưa luôn gắn liền với những câu chuyện thần thoại được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Hoàng An, Theo Shenyun.com