Tân Sinh

Câu chuyện Nhãn thần: Vạn vật thế gian đều có Thần linh cai quản

Nói đến “Nhãn thần”, định nghĩa cơ bản của người hiện đại là thần thái của ánh mắt. Nhưng ở thời Trung Quốc cổ đại, nhất là trong học thuyết của Đạo gia, “Nhãn thần” được cho là vị Thần chủ quản thị giác.

Cơ thể con người là đối ứng của vạn vật trong vũ trụ, cho nên từng bộ phận trên cơ thể cũng đều có vị thần tương ứng. (Ảnh minh họa qua Pixel)

Người xưa cho rằng, vạn vật trên thế gian đều có Thần linh cai quản. Trời có Thiên thần, đất có Địa thần, núi có Sơn thần, nước có Thủy thần. Mà cơ thể con người là đối ứng của vạn vật trong vũ trụ, cho nên từng bộ phận trên cơ thể cũng đều có vị thần tương ứng. Mắt có Nhãn thần, tai có Thính thần v.v…

Như vậy, trong ánh mắt con người thật sự có Thần tiên ngụ ở đó hay sao? Đời nhà Thanh có bộ tiểu thuyết bút ký “Chỉ Văn Lục”, vào thời ấy lưu truyền rất rộng rãi, từng được nhiều lần khắc ấn, có thể nói là phổ biến một thời, trong đó sưu tập những câu chuyện kỳ lạ liên quan tới “Nhãn thần”.

Vào đời nhà Thanh, có một người họ Bạch, nhà ở Nam Dương. Người này rất trầm tĩnh, trời sinh tính đạm bạc, đối với những nơi rực rỡ phồn hoa không có hứng thú.

Một ngày nọ, họ Bạch đang nằm trên giường, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, nghe được hai giọng nói chuyện với nhau: “Chúng ta ở lại trong hốc mắt, cũng là hy vọng nhờ nó mà được nhìn ngắm phong cảnh đẹp, vui sướng biết bao. Không ngờ người này lại chẳng có gì hay, chúng ta ở đây thì khác gì ngồi tù? Bây giờ, nhân lúc cảnh xuân tươi đẹp, hoa nở chim bay, chúng ta ra ngoài tự tìm vui thú, để không uổng cuộc đời này“.

Tỉnh mộng, họ Bạch mở mắt, phát hiện ra mình chẳng thấy gì nữa, bị mù rồi. Nghĩ đến cuộc đối thoại trong giấc mơ, lại nghĩ hai mắt mình đang bình thường, sao lại ngủ một giấc lại thành mù thế này? Suy nghĩ cả buổi, ông ta quyết định lại nằm ngủ. Sau khi ngủ say, lại trong giấc mơ nghe được hai giọng nói kia đang rất vui vẻ trò chuyện với nhau: “Hôm nay chúng ta chơi vui quá, sau này hai ta cứ thường ra ngoài đi chơi như vậy đi!”.

Họ Bạch bừng tỉnh, mở mắt ra thì phát hiện thị lực đã hồi phục lại như trước. Từ đó về sau, trong hơn một năm, cặp mắt của ông ta thường xuyên như vậy, khi mù khi tỏ. Ông không hiểu chuyện gì xảy ra, cho là mình bị bệnh gì, từ đó càng không muốn đi ra ngoài nữa.

Một ngày nọ, họ Bạch lại đang nửa tỉnh nửa mê thì nghe thấy tiếng một người khóc lóc nói: “Hay là cứ ở yên trong nhà đi! Chúng ta thích đi ra ngoài quá, hôm nay gặp phải hoa yêu rồi. Hoa yêu ban đầu lịch sự mời huynh đệ ta, chúng ta không chịu vào, nó liền gọi bầy yêu quái bắt đệ đệ rồi, ta vất vả lắm mới trốn thoát được, không biết tính mạng đệ đệ thế nào rồi?”.

Họ Bạch bừng tỉnh, mở mắt ra xem xét, mắt trái không bị gì khác thường, còn mắt phải mù rồi, hơn nữa qua một thời gian dài cũng không còn tự hồi phục như trước. Ông đành phải đi khám thầy thuốc, thầy thuốc sau khi kiểm tra cũng không tìm ra được mắt phải bị bệnh gì, chữa trị nhiều lần đều không có kết quả.

Về sau, một người bạn của ông tới ghé thăm. Người bạn kia có chút bản lĩnh, ông ấy nhìn con ngươi của họ Bạch rồi nói: “Trong mắt của con người có hai Nhãn thần, mà bây giờ vị Nhãn thần trong mắt phải của ông đã không còn“. Nghe lời bạn mình nói xong, họ Bạch nghĩ lại về cuộc đối thoại mà mình nghe được mấy lần trong mộng, mới hiểu được nguyên nhân tại sao con mắt của mình khi thì mù, khi thì tỏ.

Ông nói với người bạn: “Hôm nay tôi mới biết nguyên nhân mình bị mù, thì ra do tính của tôi vốn quá trầm tĩnh, mà hai Nhãn thần trong mắt lại quá mê chơi hiếu động. Nhãn thần ly thể đi du ngoạn thì tôi mù, trở về thì tôi hồi phục thị lực. Hiện tại mắt trái tỏ mắt phải mù, là vì hai Nhãn thần một về một mất rồi”.

Sau khi biết rõ nguyên nhân con mắt của mình bị mù, ông kể lại câu chuyện nghe được giọng nói trong lúc nửa tỉnh nửa mê cho mọi người nghe, ai nghe xong cũng đều khiếp sợ, tặc lưỡi không thôi.

Kỳ thật, sự phức tạp tinh diệu của cơ thể con người vượt xa những giải thích đơn giản của y học hiện đại. Khoa học hiện đại phát triển hơn nữa, cũng chỉ là một phần của bề mặt vật chất mà con người nhìn thấy được. Trên thực tế, “Nhãn thần”, “Tâm thần” v.v… trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc cũng không phải tùy tiện mà có. Mà tam vị nhất thể “thiên, địa, nhân” trong học thuyết của Đạo gia lại càng vượt xa phạm trù lý giải của khoa học hiện đại.

 

Tuệ Tâm, theo Kan NewYork, Tinh hoa