Tân Sinh

Những chiếc đĩa đá 12.000 năm tuổi và tộc người bí ẩn đến từ bầu trời

Hơn 80 năm trước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một hệ thống hang động chứa nhiều bộ xương thấp bé nhưng đầu to, hơn 700 chiếc đĩa đá kỳ lạ và một bản đồ vũ trụ gần biên giới Trung Quốc – Tây Tạng. Có giả thuyết cho rằng đây chính là dấu tích của một chủng người ngoài hành tinh từng bị mắc kẹt trên Trái Đất.

Một loại đĩa đá Dropa. (Ảnh: Pinterest)

Khám phá này được cho là thực hiện vào năm 1930 khi Tề Phúc Thái, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh cùng các sinh viên của ông thực hiện chuyến hành trình đến các hang động ở khu vực Bayan Kara hẻo lánh gần biên giới Tây Tạng thuộc dãy Himalaya, nơi đây ẩn chứa một hệ thống lối đi với nhiều phòng ốc được xây dựng bên dưới lòng đất.

Theo đó, nhóm nghiên cứu của GS. Tề đã phát hiện những ngôi mộ chứa các bộ xương chỉ cao chừng 1,38m. Điều kỳ lạ là những bộ xương này có phần đầu phình to, thân thể teo nhỏ, các bộ xương khá mong manh dễ vỡ. Ngoài ra, GS. Tề Phúc Thái và học trò của ông còn phát hiện thêm vô số vật dụng khác. Một người trong nhóm cho rằng đây là bộ xương của một loài khỉ đột mà người ta chưa biết tới, tuy nhiên GS. Tề không đồng tình và nói rằng: “Đã có ai từng nghe về việc những con khỉ biết chôn cất nhau như thế này chưa?”

Những người này có liên quan đến một câu chuyện cổ Trung Quốc kể về chủng người da vàng, có tầm vóc nhỏ từng hạ xuống Trái Đất từ những đám mây. Họ bị con người săn lùng vì vẻ bề ngoài xấu xí của mình.

Năm 1995 có một tin tức ấn tượng từ Trung Quốc: “… tại tỉnh Tứ Xuyên, nằm ở biên giới phía đông dãy núi Baian Kara Ula, 120 người của một bộ tộc chưa được phân loại trước đó đã được phát hiện. Đặc điểm nổi bật của bộ tộc mới này là kích thước của họ: không cao hơn 1,16 m., người trưởng thành thấp nhất chỉ cao 63,5 cm! …”

Các đĩa đá Dropa. (Ảnh: Pinterest)

Khám phá này có thể là bằng chứng chắc chắn đầu tiên về sự tồn tại của chủng người Dropa, và tổ tiên của họ thực sự đến từ ngoài Trái Đất trong quá khứ xa xôi.

Nghĩa trang mà GS. Tề phát hiện không hề có bia mộ, thay vào đó là hàng trăm đĩa đá rộng 30 cm (những đĩa đá Dropa), chúng có lỗ rộng 20 mm ở trung tâm. Trên các bức tường trong hang động có khắc hình Mặt Trời mọc, Mặt Trăng, các ngôi sao, mặt đất, núi và những nét đứt nối liền Trái Đất với bầu trời. Những đĩa đá và bức vẽ trên hang động được xác định là khoảng 12.000 năm tuổi.

Tất cả điều này đã gợi lên một số câu hỏi lớn: Những sinh vật huyền bí này là ai? Những chiếc đĩa bí ẩn có tác dụng gì? Tấm bản đồ các ngôi sao được tìm thấy trong hang động sẽ dẫn đến đâu?

Theo báo cáo, mỗi đĩa đá được khắc 2 rãnh mỏng xoắn từ phần rìa cho tới trung tâm. Người ta tin rằng những chiếc đĩa Dropa bí ẩn cùng những vật dụng khác từ chuyến thám hiểm đã được lưu giữ tại Đại học Bắc Kinh trong hơn 20 năm.

Năm 1958, TS. Tsum Um Nui đã kiểm tra và kết luận rằng bên trong mỗi rãnh này có chứa một bộ các chữ tượng hình nhỏ xíu không rõ nguồn gốc. Những dòng chữ này nhỏ đến mức phải dùng kính lúp mới có thể nhìn được rõ. Nhiều chữ đã bị hư hại do xói mòn. Khi giải thích về các ký hiệu, ông tiết lộ đây là một câu chuyện cổ kể về phi thuyền của người Dropa bị rơi và cuộc tàn sát của thổ dân địa phương đối với những người sống sót cách đây 12.000 năm.

Theo TS. Tsum Um Nui, trong đó có một dòng chữ như sau: “Những người Dropa đến từ những đám mây trên phi thuyền của họ. Đàn ông, đàn bà và trẻ con sợ hãi trốn trong các hang động mười lần trước lúc bình minh. Cuối cùng họ cũng hiểu được ký hiệu ngôn ngữ của người Dropa, họ nhận ra những vị khách mới này đến với ý định hòa bình…”. Một đoạn khác nói về “sự thương tiếc” của người Ham vì phi thuyền của các sinh vật ngoài Trái Đất đã rơi đúng vào vùng núi hẻo lánh, khó tới được và không có cách nào để chế tạo một cái mới đưa những người Dropa quay về hành tinh của họ.

TS. Tsum cho biết ông đã công bố phát hiện của mình vào năm 1962. Tuy nhiên, khi đó ông bị chế giễu đến mức phải rời khỏi Trung Quốc lưu vong đến Nhật Bản và qua đời ở đất nước này. Bên cạnh đó, Học viện Lịch sử Tiền sử Bắc Kinh cũng không cho phép việc xuất bản hay thảo luận về công trình của ông thêm lần nào nữa.

Năm 1968, một triết gia người Nga, TS. Viatcheslav Zaitsev đã công bố một phần câu chuyện từ đĩa đá này trên tạp trí Sputnik. TS. Zaitsev đã tiến hành thêm nhiều nghiên cứu và thu được kết quả rất thú vị.

Đá granit chứa hàm lượng cao Coban và các kim loại khác, một loại đá rất cứng. Do đó rất khó để khắc chữ, đặc biệt với các ký tự siêu nhỏ như vậy. Khám phá này có thể là bằng chứng chắc chắn đầu tiên về sự tồn tại của chủng người Dropa, và tổ tiên của họ thực sự đến từ ngoài Trái Đất trong quá khứ xa xôi. Khi kiểm định chiếc đĩa bằng máy đo dao động, các nhà khoa học đã thu được một nhịp điệu đáng kinh ngạc, cho thấy đĩa đá Dropa từng được nạp điện và hoạt động như chất dẫn điện.
<

(Ảnh: ancientpages.com)

Năm 1947, Ernst Wegerer, một kỹ sư người Úc đã chụp được ảnh của 2 chiếc đĩa phù hợp với mô tả về đĩa Dropa khi tham gia tour du lịch tại bảo tàng Banpo ở Tây An Trung Quốc. Ông nói rằng mình đã nhìn thấy một cái lỗ nhỏ nằm ở trung tâm đĩa, các chữ tượng hình trong các rãnh, một số chữ đã bị hư, các rãnh có hướng đi theo hình xoáy ốc.

Khi hỏi về những chiếc đĩa này, người quản lý đã không thể giải thích nhưng ông được phép cầm lấy một cái và chụp ảnh. Ông tuyên bố rằng trong các bức ảnh của ông chiếc đĩa đã bị xấu đi và quan trọng những ký tự cũng không thể thấy do phản chiếu với hiệu ứng của đèn Flash. Đến năm 1994, những chiếc đĩa và người quản lý cũng đã biến mất khỏi viện bảo tàng.

Phần lớn các nhà phê bình đã phủ nhận các câu chuyện về đĩa Dropa, họ cho rằng đây là một “truyền thuyết thời hiện đại”. Việc tìm ra những bằng chứng cho sự tồn tại của những chiếc đĩa đá Dropa là không hề dễ dàng. Những người tin tưởng câu chuyện này cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do sự gián đoạn xã hội xảy ra vào thời Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc cũng như sự che đậy của chính quyền nước này.

Hoàng An (dịch & t/h)