Đến tận ngày nay, hình ảnh 36 người Tây phương giơ cao băng rôn to màu vàng viết 3 chữ “Chân – Thiện – Nhẫn” nổi bật giữa quảng trường Thiên An Môn đã trở thành biểu tượng của tình người, của tinh thần kiên định và hiền hòa trước sức ép của khủng bố và đàn áp.
Ngày 20/11/2001, có 36 học viên Pháp Luân Công người phương Tây đã đến quảng trường Thiên An Môn kháng nghị ôn hòa, cùng giơ cao tinh thần “Chân – Thiện – Nhẫn” (Ảnh: Minh Huệ)
Ngày 20/11 của 15 năm trước, 36 người tu Pháp Luân Công Tây phương đến từ 12 quốc gia khác nhau đã cùng tập trung tại quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện ôn hòa chống bức hại Pháp Luân Công. Họ giơ cao băng rôn đề 3 chữ “Chân – Thiện – Nhẫn” và ngồi đả tọa an hòa. Cảnh tượng khiến rất nhiều du khách chứng kiến cảm thấy kinh ngạc.
Trong chớp mắt, 6 chiếc xe cảnh sát xuất hiện, lao đến bao vây, hành hung và bắt bớ. Một người tu Pháp Luân Công chạy thoát và hô to “Pháp Luân Đại Pháp tốt! Cả thế giới biết! Canada biết! Mỹ biết! châu Âu biết! Pháp Luân Đại Pháp là tốt!” Nhưng chỉ vài phút sau, toàn bộ 36 người đều bị cảnh sát Trung Quốc bắt đi.
Câu chuyện này đến nay vẫn là sự kiện thỉnh nguyện lớn nhất của người nước ngoài diễn ra tại Bắc Kinh, gây chấn động khắp thế giới, nhiều kênh truyền thông như CNN, AP, Reuters, DPA đều đưa tin về sự kiện này.
Theo CNN của Mỹ mô tả, một nhóm người ngồi tọa xếp bằng và nhắm mắt, còn một nhóm người khác thì cùng nhau giơ cao băng rôn màu vàng thật to viết ba chữ “Chân – Thiện – Nhẫn”, nhưng trong thời gian chưa tới 10 phút thì cảnh sát đã bao vây khắp xung quanh và cưỡng chế ngăn chặn không cho họ kháng nghị.
Theo Associated Press, hôm đó vào buổi chiều thứ Ba, trên Quảng trường Thiên An Môn, dưới ánh mắt ngạc nhiên của hàng trăm người xung quanh, cảnh sát đã bắt giữ hơn chục người tu Pháp Luân Công Tây phương giăng biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Pháp Luân Công.
Phóng viên Philip của Washington Post đưa tin từ Bắc Kinh cho biết, trong quá trình ép buộc những người thỉnh nguyện lên chiếc xe cảnh sát cỡ nhỏ, ít nhất một trong số họ đã bị đấm và đá. Cảnh sát bê và ném người kháng nghị lên xe, thậm chí còn kéo lê họ trên suốt vỉa hè một cách thô bạo.
Hiện trường cảnh sát bao vây người tu Pháp Luân Công Tây phương thỉnh nguyện ôn hòa (Ảnh: mạng Minh Huệ).
Vì sao những người này lại đến Trung Quốc thỉnh nguyện?
Một người nói: “Chúng tôi thỉnh nguyện cho hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công bị bắt bớ, bị bức hại, thậm chí bị chính quyền của họ giết chết, chúng tôi yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải lập tức chấm dứt khủng bố bức hại bằng bạo lực kéo dài hơn hai năm qua”.
“Trái với tuyên truyền vu khống của chính phủ Trung Quốc, chúng tôi cảm thấy thực hành Pháp Luân Công rất tốt, Chân – Thiện – Nhẫn là rất cần thiết trong thế giới đầy bạo lực và khủng bố này”.
Cô y tá Swensen sau khi từ Thiên An Môn trở về Thụy Điển đã chia sẻ trên truyền hình: “Số lượng học viên Pháp Luân Công Trung Quốc bị bức hại đến chết ngày càng nhiều! Phải làm thế nào? Chính phủ của chúng ta không hành động, chúng ta phải làm một chút gì đó!? Chúng tôi đã lặng lẽ thực hiện kế hoạch cho chuyến đi này!”
Từ đó về sau, ngày càng có nhiều người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đến Trung Quốc, có người đi một mình, có người rủ vài người bạn cùng đi, họ muốn cho người Trung Quốc biết chuyện bức hại Pháp Luân Công xảy ra ở Trung Quốc là hình ảnh rất xấu, là vô cùng bất công.
Thời gian đã qua 15 năm, nhưng hình ảnh 36 người tu Pháp Luân Công Tây phương giăng biểu ngữ “Chân – Thiện – Nhẫn” tại quảng trường Thiên An Môn đã đi vào lịch sử như là một trong những biểu tượng về phẩm cách cao đẹp của tình người, là biểu tượng của thực hành tinh thần thanh tịnh và hiền hòa trước sức ép của chính quyền ông Giang Trạch Dân – người đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ tháng 7/1999.