Người xưa có câu: “Không thể lừa Trời. Trời biết được suy nghĩ của con người thậm chí trước khi suy nghĩ được hình thành.” Nhiều người đã được thưởng bởi lòng tốt của họ và nhiều người bị trừng phạt bởi những suy nghĩ bất chính.
Cái gọi là ruộng phúc chính tại ruộng tâm, gieo nhân nào gặt quả nấy, Thiên lý rành rành, không sai một ly.
Cổ ngữ còn có câu “Phúc hoạ vô môn, duy nhân tự chiêu” (Phúc hoạ không có cửa, chỉ là do người ta tự chiêu mời đến), ý nói là để khuyên người ta hướng thiện, cảnh tỉnh người đời thận trọng khi bản thân mình khởi tâm động niệm.
Những ghi chép trong sách xưa dưới đây là một vài ví dụ minh chứng cho cái lý thiện ác tất báo.
Vương Trung Thừa là quan tổng chế vùng lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) vào triều nhà Minh. Một ngày ông phát hiện 34 vạn lạng bạc dư ra khi tiến hành thanh tra quốc khố. Bộ hộ đã cân bằng tài khoản và mọi chi phí đã được chi trả. Số dư thừa là do quốc gia đã lâu không có chiến tranh, quân số ít mà lương nhiều, tích luỹ qua ngày tháng, dần dư ra nhiều, không có ai có thể tra cứu số tiền này, triều đình cũng không biết.
Ông đã lên kế hoạch viết sớ tấu lên triều đình về phát hiện của mình. Một người bạn của ông khuyên: “Ông nổi tiếng là quan thanh liêm. Số dư này không phải bòn rút từ triều đình hay người dân. Tại sao ông không tấu lên 30 vạn lạng và giữ lại bốn vạn lạng cho bốn người con trai? Nó đâu có ảnh hưởng đến lòng tận trung báo quốc của ông.”
Vương Trung Thừa cười và nói: “Nó giống như một góa phụ thủ tiết được 30 năm, một sớm chỉ vì lợi ích của con cái mà cải tiết. Chẳng phải đáng tiếc sao?”
Ông đã tấu báo chính xác và trả lại hết số tiền dư. Người dân đã ca ngợi ông là một bậc quân tử thật sự khó tìm, và ông được chỉ định làm thái thú quận trong nhiều năm. Con cháu của ông đậu vào nhiều chức quan nhờ đỗ đạt cao, và gia đình ông hưng vượng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngược lại, có một viên quan bố chính ở Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay, thích vơ vét của cải của dân, tham ô tích cóp được hơn 10 vạn lạng bạc. Sau khi bị miễn quan về quê, ông ta đã mua mười vạn mẫu ruộng đất và trở thành người giàu có nhất quận. Tuy nhiên, ông liên tục mơ về ông nội của mình nói rằng “Ngươi sắp phải chịu báo ứng rồi đấy!” Nhưng ông ta không tin.
Con trai duy nhất và cháu trai duy nhất của ông ta đã lãng phí tiền bạc vào rượu chè, gái gú, cờ bạc. Cả hai đều chết trẻ. Sau khi con cháu chết, ông ta đã bị trúng gió và bị liệt. Tất cả tài sản dần dần bán hết và mất đi, nhưng chưa phải là kết thúc. Ông ta còn phải đối diện với nhiều sự trừng phạt khủng khiếp hơn dưới địa ngục.
Thế sự rối loạn thoáng chốc chẳng còn gì, chỉ có bản thân tích đức hành thiện, ấy mới là việc hữu ích. Vương Trung Thừa kiên trì giữ danh tiết, không chỉ một đời phú quý khoẻ mạnh, mà còn để lại phúc cho đời sau; còn tên quan bố chính không từ thủ đoạn để kiếm tiền, không chỉ bản thân chịu ác báo mà còn di hoạ đến con cháu. Hai người tâm niệm khác nhau, kết cục khác nhau một trời một vực, thưởng thiện phạt ác, Thiên lý đang đo lường tất cả.
Theo Minhhue.net