Tân Sinh

Báo ứng hiện đời của vị thị lang: Người chấp pháp có tư tâm nên cảnh giác

Mang trên thân là trách nhiệm của một mệnh quan triều đình, nhưng vị thị lang lại không làm theo việc công, mà đi tham tư lợi, ứng tiếp quan tham, cuối cùng đã gặp phải báo ứng bi thảm.

Báo ứng hiện đời của vị thị lang: Người chấp pháp có tư tâm nên cảnh giác. (Ảnh: Wikipedia)

Triều đại Càn long nhà Thanh kéo dài suốt hai mươi năm, triều đình từng phái một vị thị lang đi thị sát ở Hoàng Hà, trú chân tại Đào Trang công quán. Lúc này đã là thời điểm giao thừa rồi, viên thị lang này cưỡi ngựa, trước sau còn có bốn tùy tùng mang theo ngọn đèn dầu cùng đi qua sông.

Họ đi trong tuyết trời băng giá, liếc nhìn lại đồng cỏ trắng phau, cảnh vật trông thấy rất thê lương. Đột nhiên trong bụi cỏ xuất hiện một căn lều, ánh nến xuyên ra giữa đêm tối. Thấy vậy họ lập tức đi thăm dò, thì ra là viên quan chủ bộ chịu trách nhiệm ở địa phương này.

Thị lang rất ngưỡng mộ sự cần cù của ông ta, nên đã tán dương, khích lệ. Chủ bộ nói rằng: “Đêm giao thừa đại nhân đến đây, giờ đã là canh ba rồi. Trời bên ngoài rất lạnh, ở đây tôi có chút rượu và thức ăn giao thừa, xin dâng lên một ly, không biết ý ngài thế nào?”.

Thị lang cười, nhận lấy và uống vài ly, sau đó về tới Đào Trang công quán, cảm thấy mệt mỏi, vì vậy cởi áo nằm xuống, mơ thấy mình vẫn cưỡi ngựa tuần sông như lúc nãy, nhưng cảm giác nơi mình đến lại không phải cảnh sắc như cũ.

Đi chừng hai dặm đường, có ánh lửa từ một căn nhà tranh hiện ra, thị lang đến gõ cửa. Một bà lão ra mở cửa, nhìn cẩn thận, thì ra đó là người mẹ đã qua đời của mình. Bà trông thấy thị lang đến, kinh ngạc nói: “Con à, sao con lại tới nơi này vậy?”.Thị lang kể lại chuyện mình đi qua sông.

Bà lão nói: “Con biết không, đây không phải là nhân gian. Con đã đến đây rồi, làm sao có thể quay trở về?”. Thị lang lúc này mới nhớ ra mẹ đã qua đời, chính mình có lẽ cũng đã chết, thế là khóc to. Bà lão nói: “Phía Tây con sông có vị cao tăng, pháp lực rất lớn, ta dẫn con đi cầu xin ông ấy, xem có cách nào giúp con được không”.

Thế là thị lang đi theo. Họ đi vào một miếu thờ, trang nghiêm như hoàng cung của vương giả. Phía Nam có một vị cao tăng đang ngồi, nhắm mắt không nói. Thị lang quỳ xuống khấu bái, cao tăng cũng không để ý tới ông ta.

Thị lang hỏi: “Tôi phụng mệnh thiên tử đến tuần tra Hoàng Hà, dù cho tôi có tội tình gì đáng chết, cũng có thể nói cho tôi biết, để tôi tâm phục khẩu phục, vì sao ngài im lặng không nói gì như vậy?”.

Lão tăng cười nói: “Những người bị ngươi giết chết quá nhiều rồi, phúc lộc hao hụt đã hết, còn hỏi gì nữa?”. Thị lang nói: “Tôi giết người tuy nhiều, nhưng đó đều là dựa theo quốc pháp phải giết thôi, đâu phải tội của tôi!”.

Cao tăng nói: “Lúc ngươi phá án, trong nội tâm thực sự chỉ có quốc pháp thôi sao? Ngươi tham tư lợi, hùa theo quan gian, mới được sủng ái thăng quan mà thôi!”.

Nói rồi cao tăng lấy ngọc như ý trên bàn, chỉ thẳng vào trái tim ông ta. Thị lang cảm thấy một luồng hơi lạnh đâm vào trái tim, ngũ tạng lạnh thấu, tim đập liên hồi, mồ hôi tuôn ra như mưa, sợ hãi không nói thành lời.

Qua một hồi, thị lang nói: “Tôi biết tội rồi, sau này sẽ sửa đổi, vậy có được không?”. Cao tăng nói: “Ngươi không phải là người biết sửa đổi, nhưng hôm nay vẫn chưa phải ngày chết của ngươi, sau này lại xuống địa ngục tính sổ vậy”. Rồi cao tăng dặn dò một hòa thượng: “Dẫn hắn trở về dương gian”.

Có một hòa thượng đi tới dẫn ông ta đi, qua một đoạn đường tối về tới Đào Trang công quán. Người mẹ đã chết của ông ta chạy lại, khóc ròng nói: “Con ơi, con sống không được mấy ngày rồi! Tại sao lúc con chấp pháp lại không làm theo việc công, mà đi tham tư lợi, ứng tiếp gian quyền, mơ tưởng được thăng quan cơ chứ?”. Thị lang nhìn mặt mẹ, xấu hổ vô cùng, thở dài một tiếng, liền từ trong mộng tỉnh lại.

Lúc này trời đã giữa trưa, phần đông quan viên đều một lượt đến nhà để chúc mừng năm mới, họ đều cảm giác kì lạ: “Thị lang thường ngày đều thức dậy rất sớm, hôm nay là Tết nguyên đán, đã sắp đến giữa trưa, tại sao vẫn còn ngủ?”. Thị lang cũng không muốn xác minh nguyên do với họ. Không lâu sau, thị lang liền sinh bệnh, nôn ra máu mà chết.

Trong lòng có tư tâm và tham lam, hùa theo quan gian, biết quốc pháp nhưng không màng tới, cuối cùng vị thị lang sinh bệnh, thổ huyết mà chết, cũng là hiện thế báo ứng. Không những vậy, lại vẫn còn cực hình báo ứng ở địa ngục đang chờ đợi.

Hiện nay, rất nhiều người nắm quyền trong tay vẫn thường mượn cớ “phụng mệnh hành sự” mà bức hại những người tốt. Những người này thực sự nên suy nghĩ kỹ càng, bởi vì khi hành sự một cách không lý trí, kết cục so với báo ứng của thị lang còn đáng sợ hơn nhiều!

 

Liên Hoa, theo NTDTV, Tinhhoa