Có câu nói rằng: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Người đang làm, Trời đang nhìn, tất cả hành vi và từng ý niệm của con người đều có Thần linh giám sát, ai ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi và lời nói của bản thân mình.
Phát lời thề bị trời trừng phạt, kẻ ăn trộm hối hận kịp thời
Cách đây khá lâu, tại miền quê nọ có người thanh niên trẻ lấy cắp một khoản tiền khá lớn của ông lão hàng xóm. Đó là số tiền mà ông lão dành dụm cả đời, mất nó, ông không biết phải sống tiếp những ngày tới ra sao. Bởi chỉ có cậu thanh niên nhà kế bên là người hay lai vãng đến gia đình ông lão, nên hàng xóm láng giềng ai ai cũng cho rằng cậu ta chính là thủ phạm. Người thanh niên vì để chứng minh bản thân trong sạch đã phát lời thề: “Nếu tôi ăn trộm số tiền này thì sẽ bị trời trừng phạt”.
Mọi việc qua đi cho đến một ngày cách đó không lâu, khi người thanh niên đang trên đường thì trời đổ cơn mưa, một tia chớp loé lên kèm theo tiếng nổ long trời. Lúc ấy trên đường không một bóng người qua lại, nên chuyện cậu thanh niên có bị sét đánh trúng hay chăng thì không ai hay biết. Chỉ biết rằng khi mưa gió tan đi, dưới mái hiên che có một chàng trai trẻ đang ngồi đó co ro, ánh mắt hoảng loạn, còn nét mặt thì vẫn chưa hết bàng hoàng.
Sau đó, người thanh niên đã thành thực nhận sai, đồng thời trả lại ông lão toàn bộ số tiền đã lấy. Anh ta nói: “Hoá ra Thần linh là có thật, lời thề nói ra đều có linh ứng, Thần Phật đều biết cả.”
Ông Trời có đức hiếu sinh, sét đánh người không phải là mục đích, mà mục đích là muốn cảnh báo thế nhân không nên thề thốt và lấy thần thánh ra để che đậy những điều sai trái. Lời thề cũng giống như ‘bản giao ước’ với Trời với Đất, là một lời hứa hẹn thiêng liêng với thánh thần, tuyệt nhiên không phải chuyện bỡn cợt tiện miệng thốt ra rồi để cho gió cuốn bay đi.
Lưới trời tuy thưa mà khó lọt, Thiên lý từ bi nhưng cũng thật nghiêm khắc vô tình. Nếu nhân tâm không cải biến, hành vi không thay đổi, con người không biết hối lỗi, thì mỗi lời thề độc đều giống như bản án mà người ta tự đặt ra cho mình. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ như thế.
Vu oan người tốt, phát lời thề độc bị sét đánh
Trước đây tại thôn làng chúng tôi có bà lão tên là Cổ Đại Nương, tuổi đời đã ngoài bảy mươi, cả cuộc đời bà sống thanh đạm một mình, không chồng cũng không con. Nguyên là khi còn trẻ, Cổ Đại Nương từng chứng kiến cuộc hôn nhân bất hạnh của hai chị gái. Sau khi gả chồng, mỗi ngày hai chị gái của bà đều phải làm đủ mọi việc từ sáng sớm đến tối mịt; tinh mơ đã phải lọ mọ cơm nước đồng áng, đến khi tối về lại bận bịu chăm chồng chăm con, tần tảo là vậy thế nhưng thi thoảng họ vẫn bị chồng đánh đập. Vì để trong mắt nhớ trong tâm những sự việc này, nên Cổ Đại Nương quyết định sẽ không nhận lời lấy bất cứ ai. Bà nói: “Tôi chả ngốc như vậy, một mình sống tự do tự tại chẳng phải tốt hơn sao?”
Vốn sinh ra trong gia đình khá giả, Cổ Đại Nương dẫu không lấy chồng vẫn có thể sống ung dung tự tại. Sau khi cha mẹ qua đời, bà chăm lo vườn tược, tự quyết định mọi vấn đề của bản thân, cảm thấy cuộc sống độc thân mới thật là vui vẻ…
Cách đó không xa, trên ngọn núi phía đông có một ông lão tên là Chân Đại Thúc sống bằng nghề hái thuốc, cả đời cũng không lấy vợ. Ông vốn là người bạn thanh mai trúc mã từ thuở ấu thơ của Cổ Đại Nương. Những ngày cuối tuần, Chân Đại Thúc rỗi rãi lại xuống núi thăm người bạn già, cùng hàn huyên vui vẻ tới khi mặt trời ngả xuống núi mới trở về nhà.
Câu chuyện của Cổ Đại Nương và Chân Đại Thúc nổi tiếng khắp xa gần, ai ai cũng ca ngợi tình bạn của họ trong sáng tựa Bá Nha – Tử Kỳ. Thế nhưng vẫn có một người không tin, đó là cháu trai của bà, tên là Cổ Thủ Nhân.
Khi thấy hai người thường xuyên gặp nhau, Cổ Thủ Nhân nghĩ: “Một người không chồng, một người chưa vợ, lại tâm đầu ý hợp như vậy, há chẳng phải gặp nhau để làm chuyện trái luân thường đạo lý là gì?”
Vậy là, người cháu mang theo nỗi bực tức tới gặp Cổ Đại Nương và lớn tiếng om sòm: “Cô à, cháu thấy Chân Đại Thúc không có vợ, cô cũng không có chồng. Sao hai người không làm thủ tục kết hôn, danh chính ngôn thuận về ở với nhau? Chứ cứ lén lén lút lút như vậy sẽ khiến kẻ hậu bối như cháu không ngẩng đầu lên được, thật là mất mặt!”.
Tiếng quát tháo của Cổ Thủ Nhân làm kinh động tới xóm làng, ai ai cũng chạy đến rồi xì xào bàn tán. Lúc ấy Cổ Đại Nương vẫn bình tĩnh, bà từ tốn nói với cháu trai rằng: “Thủ Nhân à Thủ Nhân, cháu nói vậy là oan cho bà già này rồi. Ta dám thề trước Trời Đất rằng nếu như ta làm chuyện gì đáng hổ thẹn thì ta sẽ bị Trời đánh chết”.
Con người đều phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. (Ảnh: Wikipedia)
Cổ Thủ Nhân thấy vậy cũng mạnh miệng nói: “Cô dám thề độc cháu cũng dám thề độc. Nếu cháu đổ oan cho cô thì sẽ bị trời đánh chết!”
Cũng kể từ đó, mỗi lần thấy Chân Đại Thúc đến thăm cô mình, Cổ Thủ Nhân lại buông ra những lời nhục mạ, rồi còn đuổi ông ra khỏi nhà. Sự việc cứ kéo dài mãi như thế, dần dần những lời ong tiếng ve bắt đầu nổi lên, cả Chân Đại Thúc và Cổ Đại Nương đều trở thành tâm điểm bị mọi người đem ra bêu rếu, bàn luận.
Vào một ngày nông vụ, Cổ Thủ Nhân đang làm việc ngoài đồng thì trời bất chợt đổ mưa, một tia sét xẹt ngang qua bầu trời theo sau đó là tiếng sấm nổ đùng đùng. Đến khi cơn mưa qua đi, dân làng mới phát hiện Cổ Thủ Nhân đã bị sét đánh tự lúc nào. Cổ Đại Nương nghe được hung tin liền chạy đến ôm lấy đứa cháu, đau đớn xót xa mà than rằng: “Thủ Nhân à, là cô hại cháu, là bà già này đã hại cháu. Nếu biết trước lời thề linh nghiệm như thế thì cô đã ngăn không cho cháu thề độc rồi…”
Thề độc phải chịu quả báo tàn khốc
Vào thời đức Phật còn tại thế, có vị Tỳ kheo ni tên là Vi Diệu, sau khi chứng đắc quả A La Hán liền tự nói ra với ni chúng những quả báo thiện ác của chính mình trong đời trước.
Tỳ kheo ni Vi Diệu kể lại rằng:
“Vào đời quá khứ, ta từng làm vợ của một vị trưởng giả rất giàu có. Ông này chưa có con nối dõi, nhân có người tiểu thiếp sinh được đứa con trai nên ta ghen tị mà lén lút giết chết đứa trẻ.
Người thiếp ấy oán hận lắm, mắng nhiếc rất nhiều câu khó nghe. Khi ấy ta liền tự phát lời thề độc rằng: ‘Nếu quả thật tôi giết con của cô thì chồng tôi sẽ bị rắn cắn, con tôi sinh ra sẽ bị nước trôi, bị sói ăn thịt, tự tôi sẽ ăn thịt con mình, thân tôi sẽ bị chôn sống, cha mẹ người nhà đều sẽ bị lửa lớn thiêu chết’.
“Do nghiệp ác đó, sau khi chết ta bị đọa vào địa ngục chịu vô số những khổ não đau đớn. Sau khi chịu tội ở địa ngục xong, trong đời này ta được sinh làm con gái một vị Phạm chí. Khi ấy, ta mang thai sắp đến ngày sinh nở, liền cùng chồng đi về nhà cha mẹ. Giữa đường chợt đau bụng sắp sinh, phải dừng lại sinh trong đêm dưới một gốc cây, bỗng có một con rắn độc cắn chết chồng ta.
Ta đau buồn khóc lóc, đợi trời vừa sáng thì tay dắt đứa con lớn, tay bồng đứa con nhỏ, gạt nước mắt mà tiếp tục lên đường. Phía trước bỗng gặp một con sông chắn ngang, không có thuyền bè qua lại, ta liền để đứa con lớn ở bờ sông bên này, bế đứa con nhỏ bơi qua sông trước, đặt con trên bờ rồi mới quay lại đón đứa con lớn.
Con ta nhìn thấy mẹ thì từ bờ sông chạy ngay ra, không ngờ liền bị nước cuốn trôi đi mất. Ta không cứu được đứa con lớn, quay lại chỗ đứa con nhỏ thì nó đã bị sói ăn thịt mất rồi, chỉ còn thấy máu thịt còn lênh láng nơi ấy. Đau buồn thống thiết vì cốt nhục chia lìa, ruột gan ta như đứt đoạn, chết đi sống lại”.
“Ta tiếp tục đi về nhà thì gặp một vị Phạm chí là người quen thân với cha mẹ ta, liền kể hết những nỗi khổ của mình rồi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Vị ấy liền nói: ‘Cách đây mấy hôm nhà bị cháy, hai ông bà cùng tất cả người nhà đều chết cả’. Nhân đó, ông liền đưa ta về nhà, nuôi dưỡng như con gái.
Về sau ta lại tái hôn với một người khác, mang thai đến khi sắp sinh nở thì vừa gặp lúc chồng ta đi uống rượu về, không ai mở cửa nên tự phá cửa vào. Đang lúc say rượu điên cuồng, chồng ta liền trói ta lại rồi đánh đập tàn độc, lại nấu thịt đứa con mới sinh bắt ta phải ăn. Ta quá sợ phải cố nuốt vào một miếng, đau xé tâm can.
Sau việc đó, ta bỏ chồng trốn chạy đi thật xa. Đến nước Ba-la-nại, dừng nghỉ dưới gốc cây thì gặp một người vừa chết vợ, liền cùng ông ta kết làm vợ chồng. Vừa được mấy hôm, người chồng này bỗng lăn ra chết. Theo luật của nước ấy, nếu vợ chồng vẫn còn đang sống với nhau thì khi chồng chết, vợ phải chôn theo. Thế là ta bị chôn sống theo chồng. May thay lúc đó có một bọn trộm cắp kéo đến đào mộ để lấy của cải, ta nhờ đó mà được cứu ra còn sống”.
“Khi ấy ta tự suy nghĩ, không biết mình đời trước đã tạo tội gì mà chỉ trong một thời gian ngắn đã phải liên tục gặp những tai họa khủng khiếp đến như thế. Khi nghe biết đức Phật Thích Ca đang ở nơi tinh xá Kỳ Hoàn, ta liền tìm đến chỗ Phật, cầu xin được xuất gia. Vì trong quá khứ ta đã có lần cúng dường thức ăn cho một vị Phật Bích Chi, lại nhân đó có phát nguyện tu hành, nên nhờ nhân duyên ấy mà đời này được gặp Phật, cuối cùng tu tập chứng đắc quả A La Hán”.