Tân Sinh

Trung Quốc: Nghi bùng phát dịch hạch, bác sĩ tiết lộ nhiều người bị lây nhiễm

Hôm 12/11, Bệnh viện Triều Dương (Bắc Kinh) xác nhận có hai người mắc bệnh lây nhiễm “dịch hạch thể phổi” đến từ Nội Mông Cổ. Đây là bệnh dịch có tỉ lệ tử vong rất cao. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh “che giấu và kiểm soát” các thảo luận về bệnh dịch hạch, thông tin công bố của bác sĩ về bệnh này trước đó cũng bị xóa khiến người dân cảm thấy hoang mang. 

WeChat lan truyền nhanh chóng thông tin bệnh dịch hạch

Ngày 12/11, thông tin Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh phát hiện trường hợp bệnh dịch hạch được lan truyền với tốc độ nhanh chóng trên WeChat. Một vị phụ huynh học sinh họ Lý đã đăng thông tin trên nhóm WeChat nói rằng, thời gian gần đây, không nên đưa con nhỏ đến Bệnh viện Triều Dương, toàn bộ Khoa Cấp cứu đã bị cách ly và cô lập, nghe nói sức ảnh hưởng của dịch bệnh không kém gì dịch SARS năm xưa, cho nên cần cẩn thận. Có một phụ huynh khác nói, Bệnh viện Triều Dương tạm đình chỉ cấp cứu, hễ nhân viên y tế nào tiếp xúc qua khoa cấp cứu đều phải qua sàng lọc kiểm tra. 

Cảnh sát vũ trang phong tỏa Phòng Cấp cứu và khu vực xung quanh

Khoảng 4 giờ ngày 12/11, phóng viên trang tin Caixin tại Trung Quốc Đại Lục đã đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Triều Dương thì nhìn thấy người bệnh ở khoa này rất thưa thớt, cửa sổ đăng ký chỉ có 1 – 2 người, phòng thuốc, cửa sổ hóa nghiệm trong thời gian dài không có người đi qua,  khu truyền dịch hoàn toàn đóng cửa, tất cả ghế dài ở ngoài sảnh đều được đổi mới, ngay cả lớp màng nhựa bọc ngoài cũng chưa được gỡ bỏ. 

Chủ một cửa hàng thiết bị y tế đối diện với tòa nhà Khoa Cấp cứu cho biết, trước đó một đêm (tối ngày 11), cửa khoa cấp cứu từng giới nghiêm, “hai bên đều không cho phép vào”. Một cụ già gần đó cho biết, tối qua nhìn thấy cảnh sát vũ trang tiến hành phong tỏa khu vực gần khoa cấp cứu, “căng dây chắn không cho vào”

Tối ngày 12/11, một nguồn tin khả tín xác nhận với Caixin rằng: “Tình hình là đúng, nội bộ đang xử lý”.

Tối ngày 12/11, Cơ quan Y tế Bắc Kinh và Nội Mông Cổ phát đi thông báo nói 2 bệnh nhân mắc dịch hạch đến từ thị trấn Minh Tích Lâm Quách Lặc (Xilin Gol) thuộc khu tự trị Nội Mông Cổ, các chuyên gia hội chẩn đã xác nhận là bệnh dịch hạch thể phổi. 

Mặc dù phía Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh nói: “Không cần thiết phải lo sợ, tất cả đều đang nằm trong tầm kiểm soát.” Tuy nhiên, khi phóng viên của trang tin “Quan sát Kinh tế” truy vấn, tất cả nằm trong tầm kiểm soát liệu có phải có nghĩa là “hai người bệnh đã thoát khỏi nguy hiểm tính mạng?”, người phụ trách nói người bệnh hiện không ở Bệnh viện Triều Dương, mà được chuyển đến bệnh viện khác. 

Sau đó trên Weibo lan truyền thông tin nói, người bệnh hiện đã chuyển đến Bệnh viện Địa Đàn Bắc Kinh (Beijing Ditan Hospital) để điều trị. Bệnh viện Địa Đàn từng là một trong những bệnh viện tiếp nhận điều trị người mắc dịch SARS trong thời điểm phát hiện dịch SARS tại Bắc Kinh.

Tin bác sĩ Bệnh viện Triều Dương công bố đã bị xóa

Theo New York Times đưa tin, trước đó, bác sĩ Lý Tích Phụng tại Bệnh viện Triều Dương viết trên WeChat rằng, ngày 3/11, hai người bệnh đến điều trị tại bệnh viện. Thông tin này được đăng trên trang web tin tức điều trị y tế của Trung Quốc “Kiện Khang Giới” (cn-healthcare), hiện đã bị xóa. 

Bác sĩ Lý Tích Phụng viết, bệnh nhân mà bà tiếp nhận là một người đàn ông trung niên, khi đó đang sốt, và nói rằng đã bị khó thở 10 ngày. Ông từng điều trị tại một bệnh viện ở Nội Mông Cổ, nhưng bệnh tình không có chuyển biến. Vợ của ông cũng xuất hiện tình trạng sốt và khó thở. 

Qua nhiều năm bồi dưỡng chuyên khoa, tôi đã quá quen đối với tuyệt đại đa số trường hợp trị liệu bệnh về hệ hô hấp”, bà Lý Tích Phụng viết, “nhưng lần này, tôi xem đi xem lại, hoàn toàn không suy đoán ra tác nhân nào gây ra viêm phổi, chỉ cảm thấy là loại rất hiếm gặp.”

ĐCSTQ ra lệnh “bưng bít và kiểm soát” thảo luận vệ dịch hạch

Theo một bản chỉ lệnh mà tờ New York Times đọc được, cơ quan kiểm duyệt ĐCSTQ chỉ thị khu vực thảo luận trên các trang tin tức trực tuyến “che giấu và kiểm soát” thảo luận trực tuyến liên quan đến tin tức về dịch hạch. 

Liên quan đến việc Chính phủ ĐCSTQ ở phía sau tiết lộ thông tin liên quan đến bệnh dịch hạch, cư dân mạng liên tiếp chỉ trích, dịch bệnh này e là đang lây truyền từ người này sang người khác. Hai người nói trên được xác nhận chẩn đoán mắc “ dịch hạch thể phổi”, là một dạng vô cùng chí mạng của dịch hạch, và lan truyền qua không khí, có thể lây truyền từ người này qua người khác khi ho, nói chuyện hoặc hô hấp, v.v.

ĐCSTQ từng có lịch sử che giấu và trì hoãn công khai tình hình dịch bệnh bùng phát, điều này khiến cho rất nhiều người dân lo sợ, có người viết trên Weibo rằng: “Dịch hạch không phải là đáng sợ nhất, đáng sợ là không công khai thông tin.”

Buổi tối đọc được thông tin tôi vẫn còn bán tín bán nghi, không ngờ lại ập đến đột nhiên như vậy, việc này còn nguy hiểm đến tính mạng hơn cả dịch cúm gia cầm và cúm lợn …

Nguồn gốc lây bệnh trở thành bí ẩn, dân chúng hoang mang

Vào tháng 10, cơ quan chức năng ĐCSTQ cho biết sẽ tăng cường biện pháp kiểm tra dịch bệnh, phòng chống dịch hạch xâm nhập vào Trung Quốc. Trước đó, Cộng hòa Madagascar từng bùng phát dịch hạch với tốc độ nhanh chóng. 

Hiện tại vẫn chưa rõ trường hợp mắc bệnh này tại Trung Quốc được phát hiện vào thời điểm nào, nhưng cư dân mạng đặt câu hỏi, vì sao chính quyền mất nhiều thời gian mới chẩn đoán và tiết lộ vấn đề này. 

Còn có một cư dân mạng kêu gọi Chính phủ công bố những người bệnh này làm thế nào mà đi từ Nội Mông Cổ đến Bắc Kinh. Nếu người bệnh tự đi bằng phương tiện giao thông công cộng, “vậy thì trên đường đã tiếp xúc biết bao nhiêu người?”.

Cư dân mạng này viết: “Tôi ở cách Bệnh viện Triều Dương 2 km và vẫn thấy run lẩy bẩy.”

Còn có người viết: “Thật Đáng sợ, dịch hạch lan truyền qua đường hô hấp!” “Tôi không kiềm chế được sự sợ hãi … ra khỏi cửa nhất định phải đeo khẩu trang!”

“Năm lợn giá lợn tăng, sắp đến năm chuột lại bùng phát dịch hạch, năm con trâu liệu có bùng phát trâu điên?”

Chính quyền địa phương không hề thông cáo về dịch bệnh?

Hôm 13/11, nhiều mục dân ở khu vực Nội Mông Cổ chia sẻ với Đài Á châu Tự do rằng, chính quyền địa phương không thông báo với họ về việc xuất hiện dịch bệnh. Một mục dân Mông Cổ nói: “Không hề thông báo, chúng tôi cũng chưa nghe qua, tôi lên mạng tìm kiếm cũng không thấy có”. 

Một mục dân ở thành phố Hulunbuir (Nội Mông Cổ) nói, ông cũng chưa từng nghe nói về việc có dịch bệnh: “Chỗ chúng tôi không hề nghe thấy thông báo, không có thông tin nào.”

Tuy nhiên sau đó cũng trong ngày 13/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã đưa ra thông điệp rằng dịch hạch có thể ngăn chặn và nguy cơ lây lan là cực kỳ thấp, nhưng không đề cập đến việc sử dụng biện pháp gì để ngăn chặn.

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm vô cùng nghiêm trọng trên cả người và động vật, từng được gọi là cái chết đen. Đường lây truyền chính của dịch bệnh này là qua đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng là sốt cao, sưng hạch bạch huyết, có dấu hiệu xuất huyết, phổi có dấu hiệu viêm đặc thù, v.v.

Bệnh dịch hạch được phân thành dịch hạch thể hạch, dịch hạch thể phổi, dịch hạch thể máu. Bệnh nhân mắc dịch hạch thể phổi và thể máu có tỉ lệ tử vong 100%. Trong lịch sử từng có nhiều vụ lây lan dịch bệnh mang tính hủy diệt và đều có liên quan đến dịch hạch. 

3 vụ dịch hạch trong lịch sử

Bệnh dịch ở Justinian trong từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8, đây là vụ tấn công đầu tiên được biết đến; nó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người ở khu vực châu Âu và châu Á. 

Đại dịch lần thứ hai bắt đầu từ giữa thế kỷ 14, khoảng ⅓ đến một nửa dân số lục địa châu Âu đã tử vong. 

Đại dịch lần thứ 3 trong thế kỷ 19 – 20. Đại dịch bắt đầu ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào năm 1855, lây lan bệnh dịch sang tất cả các lục địa có người ở và cuối cùng giết chết hơn 12 triệu người ở Ấn Độ và Trung Quốc. 

Theo Trí Thức Việt Nam