Tân Sinh

Đạo diễn “Trở lại Ngư Thuỷ”: Có Pháp trong tâm thì con người mới có sự ôn hoà, bình yên

Trong nỗ lực tái hiện lại giá trị của thời gian và lịch sử, đạo diễn Đỗ Khánh Toàn không phải là một cái tên xa lạ. Sau bộ phim tài liệu để đời “Trở lại Ngư Thuỷ”, ông tìm thấy một cuộc hành trình khác, nơi mà những trăn trở về cuộc đời và số phận trong phim được lý giải, một cách dung dị và dễ hiểu, đủ khiến ông bình yên trong suốt những năm tháng còn lại…

Ra trường, học quay phim 17 năm, từ lúc 24 tuổi, sau đó bác làm biên tập 5 năm, rồi chuyển sang nghề đạo diễn tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Đạo diễn là một nghề vất vả, đạo diễn phim tài liệu còn vất vả gấp bội phần. Bởi phim là ngành tổng hợp kết tinh bao nhiêu môn nghệ thuật từ hoạ sỹ, dựng cảnh, biên kịch, đạo cụ…, mà công việc lấy tài liệu cho một bộ phim của ông rất gian nan. Có khi đi dăm ba tháng, về chỉ viết được 2 trang. Chuyện đời có thẩm thấu vào trong tận tâm thức thì mới ra hình ảnh, thì đó là cả một quá trình sàng lọc, chọn lựa, và tập trung cao độ.

Đạo diễn Đỗ Khánh Toàn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Viết lời bình 3 từ/giây, nên phải chọn lọc từ nào sắc sảo, ngắn gọn. Cuộc đời làm phim cộng tác với rất nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng, mà không phải ai cũng viết được lời bình. Có sự cộng tác đấy mình mới khôn được trong ngôn từ, viết thế nào để nó cô đọng súc tích đạt được cái mình mong muốn nhất. Đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, nghe nhiều câu chuyện lại là vốn sống và vốn tư liệu đáng quý nhất, có thể 10 năm sau bỗng dưng một ngày lại đưa vào trong phim ảnh của mình”.Trải qua bao thăng trầm, buồn vui với nghề, cái máu “phim tài liệu” ngấm sâu vào trong con người bác, để đến đâu, điều bác muốn tìm hiểu vẫn là con người, sự vật, phải biết đến ngọn ngành! Trong công cuộc luôn tìm về sự thật như vậy, tình cờ vào lúc tuổi đã xế chiều, có một con đường khiến bác rẽ ngang, mà thật sự đã giúp bác giữ được lửa cả trong tâm hồn và thể chất, để cuộc đời của bác cứ mãi vui vẻ và tự tại trong những năm tháng về hưu…


(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Duyên đến sau một lần tò mò…

Tôi đánh tennis từ năm 92 để rèn luyện sức khoẻ. Khi mọi người bảo tập Pháp môn này có tác dụng tôi không tin vì những động tác quá nhẹ nhàng. Bẵng đi một thời gian, ông bạn tôi là thượng tá công an về hưu của quận Tây Hồ, một hôm ông ấy tập, ông bảo: “Anh tập thể thao kia cũng hay đấy, nhưng tập môn này rất hay, dù là công an biết võ nhưng giơ tay lên mà giữ được 3-4 phút là cả một vấn đề phải luyện tập, chứ không phải đơn giản đâu. Nghĩa là rất lỏng, nhu lại hoá cương. Nên là anh cứ tập thế là sẽ có tác dụng đấy.”

Tôi tò mò nên xem thử, thì thấy ngày xưa mình không để ý, sức khoẻ ở gần tuổi 70 rồi đánh tennis cứ chạy nhảy như thế chưa chắc hiệu quả. Mà tập Pháp Luân Công này là được. Tôi mới đọc sách vài lần, để biết tập như thế nào. Ban đầu còn chuệch choạc, ngã lăn, ngồi không ngồi được, nhưng rồi cũng cố gắng. Sau 1 năm thì thấy trong người khoẻ mạnh, cảm nhận đầu tiên là giấc ngủ rất ngon lành, chứ ngày xưa dù tập tennis, phải vận động mạnh, ngủ rất khó khăn, ban đêm trằn trọc. Bây giờ mình thấy có thêm giấc ngủ sâu vào thì bổ sung thêm sức khoẻ của mình, thêm sức chịu đựng của mình, có thể làm việc qua trưa luôn, không bao giờ buồn ngủ. Thậm chí, trước đây nhiều lúc đau lưng, đau tay do tennis, nhưng giờ giơ tay thoải mái, lưng không thấy đau. Khám sức khoẻ tất cả đều A hết, không mỡ máu, không tiểu đường. Mà từ ngày tập Pháp Luân Công chưa bao giờ huyết áp lên 150-190 cả.

Tôi giờ mới nhận ra, cái gì phục vụ con người mà đi vào tâm tư của con người, thì cái đó sẽ chinh phục được con người.


Cái gì phục vụ con người mà đi vào tâm tư của con người, thì cái đó sẽ chinh phục được con người. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phật Pháp đánh động được lương tâm con người…

Tu Phật giúp con người hướng thiện, đối với con cháu cũng thấy nhiều câu Phật Pháp dạy tôi chiêm nghiệm mới thấy đúng. Sau này càng lớn lên thấy là trong đạo Phật có triết học, không chỉ là tâm linh đâu.

Phật Pháp dạy ta ranh giới thiện ác rất rõ ràng, nhiều lúc làm việc gì mình cảm thấy ác thì mình không dám làm, nên bao giờ cũng cần hướng thiện. Có Pháp trong tâm thì con người mới có sự ôn hoà, không có dùng bạo lực, bởi vì hiểu Pháp thì sẽ thấy dùng vũ lực chẳng giải quyết được cái gì cả.

Mình cũng không phải khốn khổ vì tranh đấu hơn thua nữa. Ví dụ, nhiều lúc không được lên lương, thì bất bình trong tâm, nhưng nếu mà mình biết Phật Pháp thì lại thấy là nếu mình có nhiều tiền hơn thì mình cũng vui, nhưng đem cái lộc của mình nhường cho người khác thì cũng tốt chứ sao. Mất tiền nhưng mà đổi lại thành đức mà. Có người còn khó khăn hơn, thương người như thể thương thân. Cũng như những lời mà cha ông ta dạy. “Ăn mày là ai, ăn mày là ta. Đói cơm rách áo thì ra ăn mày”. Số phận rơi vào người này thì họ là người ăn mày, rơi vào mình thì mình cũng là người ăn mày. Chỉ có Phật Pháp mới có thể làm được điều đó, giúp con người hướng Thiện.

Có Pháp trong tâm thì con người mới có sự ôn hoà, không có dùng bạo lực. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau những biến đổi của lịch sử và xã hội, Chân Thiện Nhẫn là giải pháp cuối cùng

Xã hội hiện nay đang bị phân hoá một cách cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì cái ranh giới thiện ác nó không còn nữa. Ngày xưa người ta hành ác người ta sợ, giờ người ta làm ác người ta không sợ. Người ta lờ đi, dạy con dối trá, dạy con làm sao có thể vượt lên người này, đạp lên người kia để đạt được mục đích của mình. Cái tư lợi ấy quá xấu. Nếu cứ theo đà đấy thì xã hội băng hoại, tự giãy chết. Bây giờ phải giáo dục đạo lý làm người, cái đấy là cái quan trọng nhất, từ bố mẹ vì cái nền tảng làm người, để trở thành con người tốt phải từ gia đình. Nói đơn giản thế này, có lần, bà bán quán trước nhà tôi, khóc bảo: “Chú Toàn ơi tại sao cháu nhà tôi chẳng đứa nào học hành bằng con nhà chú, tôi buồn lắm, nó cứ lang thang không đứa nào học đến nơi đến chốn. Tôi với chú mà mất đi, mà tới đời con cháu, thì không biết chúng sống bằng gì?” Tôi mới nói: “Chị ơi nó rất đơn giản thôi, khi con em học em không bao giờ dám bật tivi lên để xem và chị ở đây với em bao nhiêu năm chị thấy em nói bậy câu nào chưa. Trong khi đó các chú nhà chị các anh nhà chị, hét con học đi nhưng bố mẹ lại ngồi dưới này uống bia chửi bậy. Thế thì giáo dục có thành công được không”. Muốn thành công bố mẹ phải làm gương trước. Muốn giáo dục trẻ con thì phải giáo dục con từ lúc bé, Chân Thiện Nhẫn, những cái tốt đẹp nhất của con người.

Càng có nhiều người Chân Thiện Nhẫn càng tốt. Con người hiện nay hung hăng vô cùng, va chạm một tí ngoài đường cũng có thể đánh nhau được, có thể rút dao ra chém người ta được. Cái xã hội ấy đã trượt dốc quá xa rồi, thế nên cần Chân Thiện Nhẫn là ở chỗ ấy. Mà nền tảng xã hội xây dựng nhiều đời mới có, chứ không phải 1 đời đâu. Nói về người Tràng An, sống làm sao cho sang trọng mới khó. Giàu thì 10-20 năm là có thể, nhưng làm người sang trọng thì có khi phải vài đời. Đó không phải chuyện đơn giản vì là cả một nền tảng văn hoá, cần toàn bộ xã hội tạo lập. Nếu dân tộc nào không biết khuyết tật của mình thì dân tộc đó không bao giờ tiến lên được.


Càng có nhiều người Chân Thiện Nhẫn càng tốt. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Pháp Luân Công là một môn tu luyện tốt đẹp nhưng vẫn bị hiểu sai

Chuyện học Pháp Luân Công hay không học là quyền của mỗi người, nhưng có điều kiện tôi đều chia sẻ là các bạn nên học đi, nhất là bạn bè của tôi. Nhiều người hỏi “ông tập cái gì đấy, tôi tập tôi thấy tốt, các ông nên theo”. Có người ở bên Gia Lâm ở đây, theo gần 1 năm rồi, nên các ông cũng thấy được lợi ích và giá trị của Pháp Luân Công trong cuộc sống. Nếu không tốt thì người ta đã bỏ rồi. Những người đã thích thì khó bỏ. Với tôi thì, sổ khám sức khoẻ vẫn phải cần cho mỗi người. Sức khoẻ con người đâu phải lúc nào cũng chạy trên đường bằng thế này, có lúc huyết áp cao huyết áp thấp, cảm xúc này cảm xúc kia. Con người cũng có những sự biến đổi, như sự biến đổi của thiên nhiên thôi, nên không phải học Pháp Luân Công thì tuyệt đối không đi khám bệnh. Nhưng Pháp Luân Công thật sự có lợi ích và rất tốt cho sức khoẻ con người. Cái điều này phải được duy trì rất lâu càng lâu càng tốt.

Có người cho rằng Pháp Luân Công làm chính trị…?

Không có chính trị gì ở đây cả, cái gì đem lại sức khoẻ tinh thần và thể chất thì người ta theo, chứ có phải tuyên truyền gì đâu. Pháp Luân Công chẳng tuyên truyền gì, với tôi cũng không tuyên truyền được, vì khi con người định hình rồi, nhận thức được vấn đề và hiểu được cuộc đời rồi thì con người ta hướng thiện thì tốt quá còn gì, người ta đang cần sức khoẻ thì cho người ta sức khoẻ.

Những cái kia thì người ta hiểu lầm, ở Việt Nam không có chuyện đàn áp. Cách đây mấy tháng chỗ tôi tập cũng có công an ra hỏi xem ai tập thế nào. Tôi bảo là: “Chúng tôi tập đây chả mất tiền gì cả, chả phải đóng góp gì, chỉ có tăng cường sức khoẻ thôi, chẳng phải thu tiền”. Cái gì mà tốt thì dân sẽ theo, có khi có những cái xấu vận động đến mấy người ta cũng không đi. Khi tốt rồi thì họ tự nguyện, lòng dân nó quan trọng thế. Nên chuyện nói Pháp Luân Công trở thành tổ chức chính trị tôi phản đối vì tổ chức chính trị thì phải là cả một hệ thống, một chủ thuyết nào đấy, mà mỗi người chỉ mang một mảnh vải nhựa đến luyện công thì làm chính trị thế nào!

Mấy ông bạn tập thể dục ngày xưa chỗ tôi cứ hỏi dò: “Pháp Luân Công có phải đóng tiền không?” Tôi bảo: “Đến bây giờ tôi chả phải đóng 1 xu nào”. Rồi họ hỏi “Hình như tập Pháp Luân Công thấy chúng nó nói là không thờ cúng, không thắp hương”. Tôi trả lời: “Không có chuyện đó, nhà tôi tôi vẫn thắp hương đủ. Các ông đừng nên nghe lời đồn nọ đồn kia. Các ông muốn hiểu hãy tập như tôi đi, còn khi chưa tập chưa hiểu mà đứng ngoài nói thì cũng không nên”.

Tôi nghĩ nhận định một vấn đề gì thì phải phân biệt được trái phải, thiện ác với một cái tâm nhẫn.

Cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị thế giới phản đối là đúng, vì tập luyện là quyền tự do của mỗi người. Một xã hội chưa đạt được nhân quyền như thế thì là thất bại, đất nước ta và trên thế giới đều hướng đến tự do tín ngưỡng.

Tôi nghĩ nhận định một vấn đề gì thì phải phân biệt được trái phải, thiện ác với một cái tâm nhẫn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bác có nhắn nhủ với những người chưa hiểu đúng về Pháp Luân Công?

Tôi là đạo diễn phim tài liệu nên cái gì cũng muốn biết. Cái gì chưa biết mình phải học, đến tận nơi tận cùng của nó để hiểu cho biết. Nếu không biết Pháp Luân Công thì chắc tôi cũng nghe một số lời đồn đại, lại nghĩ không tốt về Pháp Luân Công. Nhưng tập rồi mới biết những lời đồn đó không đúng với những gì Pháp Luân Công mang lại.

Tôi vẫn đang trên con đường tìm hiểu sự thật, nhưng những gì tôi hiểu ra đều muốn chia sẻ chân thành lại cho mọi người!

Thiên An
Theo Đại Kỷ Nguyên