Cổ nhân vẫn thường nói rằng, số mệnh của con người vốn đã được định trước, hết thảy tốt xấu, thịnh suy đều đã được an bài rất tỉ mỉ. Nhưng vì sao có người vẫn thay đổi được vận mệnh của mình?
Bản tính và bản tâm của mình mới là bản chất chân chính của mệnh lý, hơn nữa còn có thể cải biến được. (Ảnh: iFuun)
Trong cuốn “Phương kỹ truyền” của bộ “Minh sử” có viết, Trương Tam Phong là người Ý Châu, Liêu Đông, tên là Toàn Nhất, một tên khác là Quân Bảo, Tam Phong là tên hiệu. Cũng có tài liệu ghi chép rằng Trương Tam Phong sinh ra vào triều nhà Kim.
Cũng có thuyết pháp nói rằng Trương Tam Phong sống ít nhất là trên 150 tuổi, thọ hơn danh y Tôn Tư Mạc thời nhà Đường. Sở dĩ tuổi thọ của Trương Tam Phong cao như vậy được cho là có nguyên nhân từ việc tu cả tâm lẫn thân, giữ gìn tâm và thân, hậu đức minh đạo trong Đạo gia.
Những điều ghi chép về Trương Tam Phong trong cuốn “Minh sử” tương đối vắn tắt, sơ lược. Trong đó cũng có ghi chép về những thần tích của Trương Tam Phong như: mùa nóng hay lạnh đều mặc rất ít quần áo, có thể ăn nhiều và cũng có thể không ăn trong mấy tháng, có thể đi ngày ngàn dặm, cũng có thể nhập táng mà vẫn sống lại, ngao du tứ phương, tung tích kỳ bí…
Thời xưa, ở những ngọn núi cao như Chung Nam, Côn Luân, Nga Mi…, trong các hang động, những nhân vật đắc đạo tu luyện ở đó không phải ít, thậm chí có rất nhiều. Đáng tiếc là ngày nay nhiều người cho rằng những câu chuyện về người ở ẩn tu tiên như Trương Tam Phong chỉ là truyện, thậm chí là truyện cười.
Không chỉ vậy, mà rất nhiều điều xảy ra trong chiều dài lịch sử nhân loại đều bị cho là huyễn tượng không thật. Trong đó, kỹ năng toán quái xem tướng có lịch sử lâu đời, cũng từng chiếm giữ vị trí chủ yếu, thịnh hành trong một giai đoạn thời gian. Ví như, chữ Giáp Cốt mà mọi người biết đến thực chất cũng là văn tự do cổ nhân thời Thương Chu sau khi toán quái lưu lại.
Trong “Tương bặc thiên” của “Thiên khẩu thiên” trong cuốn “Trương Tam Phong toàn tập” có ghi chép chi tiết những đàm luận về việc toán quái đoán mệnh của Trương Tam Phong.
Trương Tam Phong thuyết về mệnh
Trương Tam Phong chia con người thành ba thứ hạng, bao gồm thượng, trung, hạ. Trong đó, ông cho rằng người “thượng phẩm” và người “hạ phẩm” đều là hữu mệnh. (Ảnh: Sohu)
Trước hết, Trương Tam Phong chia con người thành ba thứ hạng, bao gồm thượng, trung, hạ. Trong đó, ông cho rằng người “thượng phẩm” và người “hạ phẩm” đều là hữu mệnh. “Hữu mệnh” này, thực tế chính là vận mệnh và mệnh lý là đã hoàn toàn được định sẵn rồi, là vô cùng khó để cải biến.
Trong “Dương Hóa đệ thập thất” của “Luận Ngữ”, Khổng Tử giảng: “Duy thượng tri dữ hạ ngu bất di”, ý nói khó thay đổi được người có tầm hiểu biết rộng và kẻ ngu đần. Trương Tam Phong cũng nói: “Duy thượng dữ hạ, tính thụ nan di”, ý tứ chính là duy có người thượng và hạ phẩm là khó thay đổi. Đạo lý giữa hai người là giống nhau. Nói một cách đơn giản thì chính là rất khó để cải biến vận mệnh và mệnh lý của người cực tốt và người cực xấu.
Vậy còn người trung phẩm thì sao? Đối với người trung phẩm, Trương Tam Phong cho là họ “vô mệnh”. Nói “vô mệnh” là có ý gì? Trương Tam Phong chỉ ra một mối liên hệ không rõ ràng trong mệnh lý của người trung phẩm, chính là người trung phẩm rốt cuộc thuộc tình trạng “không tốt không xấu”.
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử cũng giảng: “Thượng sĩ văn đạo cần nhi hành chi. Trung sĩ văn đạo nhược tồn nhược vong. Hạ sĩ văn đạo đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”. Bậc thượng sĩ nghe đạo thì gắng sức thi hành, kẻ hạ sĩ nghe đạo thì cảm thấy buồn cười, căn bản sẽ không học đạo. Thế còn “trung sĩ”? “Trung sĩ” rơi vào trạng thái “nhược tồn nhược vong”, muốn học đạo thì học, không muốn học thì không học, thuộc vào tình huống “tùy lúc, không ổn định”. Cho nên, người trung phẩm sẽ tùy lúc có thể ở vào trạng thái trên hoặc dưới.
Nhưng vô luận là tình huống nào, nếu trung sĩ không thể hoàn toàn thoát ly khỏi xu hướng trượt xuống dưới “hạ sĩ”, không kiên định hoàn toàn tự mình học đạo thì cuối cùng sẽ mất đi cơ duyên, hoàn toàn mất đi khả năng đắc đạo và tu đạo. Cho nên, Trương Tam Phong nói “Ly hạ tuyệt hạ nãi phi hạ” (rời xa hạ phẩm, đoạn tuyệt hạ phẩm và không phải là hạ phẩm). Người trung phẩm nhất định phải kiên định với ý chí của mình, hoàn toàn đoạn tuyệt với những thói quen của người “hạ phẩm”.
Từ lý luận của Trương Tam Phong có thể kết luận rằng: “Tướng do mình sửa, mệnh do mình tạo”. Đây chính là lời răn tốt nhất cho quảng đại người “trung phẩm”. Bản tính và bản tâm của mình mới là bản chất chân chính của mệnh lý, hơn nữa còn có thể cải biến được. Mệnh lý của con người không phải là nhất định không thể thay đổi được.
Trương Tam Phong cũng chỉ ra bản chất việc đoán mệnh của các thầy tướng, chính là chỉ có thể đoán ra thân mệnh bề mặt mà không thể đoán được tâm tính của một người, đoán được mệnh lý của một người mà không thể đoán ra phẩm đức của một người. Bởi vì “mệnh do mình tạo”, nên suy luận ngược lại một chút, đã đoán không ra tâm tính của một người, thì đoán như thế nào ra được thân mệnh của một người?
Đoán không ra phẩm đức của một người, vậy thì đoán như thế nào ra được mệnh lý của một người? Cho nên mới nói, người có tâm tính cao, cả tâm và thân thể đều chính thì mới là người tướng tốt (hảo tướng). Phẩm đức của một người là thần kỳ hơn toán quái, người có thể kiên định giữ vững đạo đức thuần khiết thì chính là người có mệnh tốt (hảo mệnh) .
Cuối cùng, Trương Tam Phong khuyên thế nhân phải tự mình nắm chắc tâm tính và phẩm đức của mình thì tự nhiên sẽ trở thành “thầy tướng” của mình. Trương Tam Phong còn khuyên những người thầy tướng tốt là nên khuyên những người đến đoán mệnh hãy tu tâm tích đức, làm người tốt, làm người lương thiện, làm một người có khí phách. Như vậy, tự nhiên tướng của họ cũng được cải biến và mệnh của họ cũng tốt hơn.
Theo Trithucvn