(Dịch nghĩa: Điển cố “Đầu trúc mùn cưa” – Nguyên gốc: 竹头木屑)
Đào Khản, tự Sĩ Hành là người vùng Giang Châu, Bà Dương (nay thuộc tỉnh Giang Tây, huyện Đô Xương), ông là danh tướng triều Tấn, ông cố là Đào Tiềm, một thi sĩ, nhà văn trứ danh.
Đào Khản từ nhỏ bố mất gia cảnh khó khăn, sinh kế của cả nhà toàn phải dựa vào công việc may vá của mẫu thân là Trạm thị. Sau này ông làm quan tới Thái úy, nắm giữ trọng binh. Đào Khản tính cách giản dị, trân quý đồ vật, không để lãng phí bao giờ, không dễ mà vứt đi đồ nào đó, còn biến đồ vứt đi thành bảo vật.
Trong sách “Truyền kì Đào Khản thời Tấn” có ghi lại: “Có một ngày, Đào Khản mặc quần áo bình thường đi tuần, nhìn thấy một người tay nắm một bó lúa chưa đến kì gặt, bèn hỏi lý do sao hắn làm vậy, người này mới trả lời: “Đi ngang qua ruộng lúa, cảm thấy rất nhàm chán, tiện tay ngắt một vài cái nghịch chơi”. Đào Khản tức giận mắng: “Ngươi không biết làm ruộng khổ cực, lại tùy ý phá hư hoa màu của người khác”. Ông phạt đánh người này. Từ đó, bách tính chuyên tâm canh tác ruộng đồng, nhà nhà cơm no áo ấm.
“Thế thuyết tân ngữ chính sự – Chương thứ 3” có ghi lại câu chuyện Đào Khản thu thập mùn cưa và đầu trúc vứt đi, biến chúng thành bảo vật: Đào Khản là người có tính tiết kiệm và nghiêm khắc, làm việc cần cù chịu khó. Khi ông đảm nhiệm chức Thứ sử Kinh Châu, hạ lệnh cho tất cả quan viên thu thập mùn cưa, không có giới hạn số lượng, bấy giờ mọi người đều không hiểu dụng ý của ông là gì.
Sau đó, vào tháng giêng là thời gian mà quân thần triều định hội họp, vừa lúc gặp phải tuyết đọng bắt đầu tan ra. Tuyết trên các lối đi bậc thang vẫn còn ướt. Đào Khản sau đó ra lệnh sử dụng mùn cưa để che phủ, do đó việc đi bộ không bị cản trở nữa.
Khi quan phủ dùng tre trúc xong, Đào Khản luôn luôn sai người đem những đầu trúc thu gom lại, chất đống như núi. Sau này thảo phạt quân địch cần phải dùng đinh đóng thành thuyền, Đào Khan dùng những đầu trúc này làm thành đinh trúc. Điển cố “Đầu trúc mùn cưa” cũng là từ đây mà ra.
Mẫu thân của Đào Khản là Trạm thị nổi danh là lương mẫu. Bà cùng Mạnh mẫu, Âu mẫu, Nhạc mẫu được xưng là “Tứ đại hiền mẫu”. Đào Khản luôn tiết kiệm, liêm khiết như vậy cũng là do sự dạy dỗ của bà.
“Truyền kì liệt nữ thời Tấn” có ghi chép: Đào Khản từng sai người mang một hộp cá muối đến cho Trạm thị. Trạm thị đem trả lại và viết thư trách móc: “Ngươi thân là quan viên, lại lấy việc công làm việc tư. Không những không làm ta vui, ngược là còn làm ta phiền lòng”.
“Chỉ có người mẹ như vậy mới có thể nuôi dạy ra người con như ông”. Đào Khản cuối cùng đã trở thành một danh tướng lẫy lừng.
Dịch từ: http://www.xinsheng.net/xs/articles/gb/2019/8/3/55455.html
Đăng bởi: Quân Tử Lan
Đăng ngày: 3/8/2019