Tân Sinh

Mạn đàm về “trung hoà”

Y học hiện đại đang ngày càng nhận ra cơ thể tiêu thụ quá nhiều muối và đường đều gây hại tới sức khỏe. Thực ra, y học Trung Quốc cổ đại từ lâu đã phát hiện trong ngũ vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng, hấp thụ quá nhiều bất cứ loại vị nào cũng đều gây ra ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Y học Trung Quốc bắt nguồn từ học thuyết ngũ hành âm dương của Đạo gia, cho rằng sức khỏe được quyết định bởi mức độ cân bằng giữa âm dương trong cơ thể và ngũ hành, tất cả bệnh tật đều do sự mất cân bằng của âm dương và ngũ hành tạo thành. Nếu ưa thích một hương vị nào mà cứ ăn như thế mãi, dần dần sẽ tạo thành cơ thể hấp thu quá nhiều vật chất đó, phá hư cân bằng ngũ hành mà dẫn đến bệnh tật.

Không giống như y học phương Tây, y học Trung Quốc sớm đã nhận ra được cơ thể và tinh thần là một. Trung y có cách nói về “Thất tình”, nghĩa là vui mừng, tức giận, ưu phiền, lo lắng, xót thương, lo sợ, kinh hãi đều nằm trong “Thất tình” này. Trong cuốn sách kinh điển về Trung y là “Hoàng đế nội kinh” có trích dẫn: tức giận hại gan, vui mừng hại tim, lo lắng hại lá lách, ưu phiền hại phổi, lo sợ hại thận. Trong sách “Linh Khu” lại nói rằng: “Vui mừng quá khích gây hại cho tạng, tạng bị thương rồi bệnh sẽ khởi từ Âm”. Từ trung y mà xét, nếu không có một trái tim khỏe mạnh, thì sẽ không có cơ thể khỏe mạnh.

Kinh điển Nho giáo truyền thống của Trung Quốc “Trung Dung” có viết: “Mừng, giận, buồn, vui khi chưa biểu hiện ra, gọi là Trung; biểu hiện ra mà phù hợp với quy củ, gọi là Hòa. Chu Hi lại viết: “Mừng, giận, buồn, vui là tình. Khi chưa phát động là tính; tính không nghiêng lệch, chếch mác, nên gọi là Trung. Phát ra trong tiết chế, tức là tình cảm chân chính: tình cảm không có chi ngang trái, nên gọi là Hòa”.

Mọi người ắt hẳn đều biết trong Hóa học cũng nói về “Trung hòa”, chính là từ đây mà ra. Khi giá trị của độ PH là 7, nghĩa là trung tính. Càng lên cao, tính kiềm càng mạnh, càng xuống thấp, tính axit càng mạnh. Sở dĩ gọi “Trung hòa” chính là để tính axit và tính kiềm “cân bằng”, từ đó đạt tới trung tính, cũng là không thể hiện tính hay axit hay tính kiềm.

“Trung Dung” cũng giảng về đạo lí này, hỉ nộ ai lạc trong tinh thần cũng tương đương với vị chua cay ngọt bùi của vật chất, lại cũng tương đương với tính axit và tính kiềm trong hóa học. Lúc nội tâm con người bình thản tĩnh lặng, không còn những xúc cảm hỉ nộ ai lạc, cũng giống như không còn chua cay ngọt bùi mà bình thản, không còn tính axit và tính kiềm mà đạt được trung tính. Điều này được gọi là “Trung”.

Khi nội tâm xuất hiện chút cảm xúc hị nộ ai lạc, cũng là lúc biết tiết chế, thì đã nảy sinh một vài hương vị chua cay ngọt bùi nhàn nhạt, hoặc giả đã nghiêng lệch một chút tính axit hay tính kiềm. Điều này gọi là “Hòa”.

Vậy thì tại sao Nho gia lại đề xướng trung hòa đây? Tác phẩm “Trung Dung” có viết: “Trung là gốc lớn của thiên hạ, Hòa là đạo lí thông đạt trong thiên hạ. Người hiểu Đạo trong thiên hạ từ xưa tới nay đều là do dụng Đạo”.

Đầu tiên nói một chút về khái niệm”Thể” và “Dụng”. Lấy nước làm ví dụ, bản thân nước là một “Thể”. Chúng ta sử dụng nước để tưới tiêu, đó chính là “Dụng”. Trong triết học Trung Quốc cổ đại, “Thể” là đệ nhất tính, mà “Dụng” là đệ nhị tính. Bằng việc căn cứ vào “Thể” đã có đầy đủ đặc tính, vận dụng chúng để từ đó đạt được tới mục đích. Đó cũng là một ví dụ về nước. Lý do tại sao nước được sử dụng để tưới cây là vì sự sống bắt nguồn từ nước và nước có tác dụng giữ ấm mọi thứ và duy trì sự sống.

Triết học cổ đại Trung Quốc bàn về “Đạo”, cũng giống triết học cổ Hy Lạp nói về cái gọi là “Chân lí”, là chúng sinh và vạn vật trong vũ trụ dựa vào mà tồn tại, hoạt động và vai trò pháp lí, cũng là khái niệm thuyết pháp về “Pháp vĩnh hằng”.

Đạo gia lấy “Thái cực” làm biểu tượng của “Đạo”. Thái cực do hai chủng vật chất âm và dương cấu thành. Đạo gia cho rằng, Đạo tạo thành trời đất, Đạo sinh ra vạn vật, bởi vì vạn sự vạn vật đều có âm dương. Vậy thì âm dương trong Thái cực là từ đâu tới? Đạo gia có cách nói “Vô cực sinh thái cực”. Vô cực, chính là ngay cả âm dương đều không có. Đương nhiên cũng là không có hỉ nộ ai lạc, không có chua cay ngọt bùi, không có tính axit hay tính kiềm, cũng là cái mà “Trung Dung” gọi là “Trung”. Mặc dù cái “Trung” này dường như không còn gì, nhưng đó lại là  “Cái gốc lớn của thiên hạ”.

Chữ “Gốc” sinh ra từ chữ “Mộc” (Gốc: 本, Mộc: 木). Trong “Thuyết văn” có nói rằng: “Dưới cây là gốc”, ý nghĩa là dưới thân cây là phần gốc rễ của cây. Mặc dù chúng ta không nhìn được phần gốc rễ dưới cây như nào, mà không có phần “gốc rễ” này, chúng ta cũng sẽ không nhìn được “thân cây”, bất kể là cái cây này có cao lớn thế nào. Do vậy dựa vào quan điểm trong “Trung Dung”, nếu như coi cả thiên hạ là một cái cây lớn, vậy thì “Trung” chính là cái cây to được chôn sâu dưới đất, và chúng ta không nhìn thấy được phần gốc. Không có cái “Trung” này cũng không có thiên hạ. Chu Hy tin rằng “Trung” là tính của thiên mệnh, là gốc rễ của Đạo.

Tuy nhiên chỉ có gốc của Đạo thôi thì chưa đủ, mà còn cần hành Đạo, đó chính là “Hòa”. Bởi vì trạng thái “Trung” này, không có hỉ nộ ai lạc, không có chua cay ngọt bùi, không có tai mắt mũi lưỡi thân ý, không có thanh sắc hương vị, gần như không phát sinh bất cứ tác dụng gì, đó là một chủng vô cực, trạng thái hỗn độn. Vì thế, cần có ánh sáng, cần có đỏ vàng xanh trắng, chua cay ngọt bùi, cần có đất nước lửa gió, cần có mặt trời, mặt trăng và ngôi sao, cần có sông núi hang rừng, cần có chim bay cá nhảy, cần cả hỉ nộ ai lạc, làm cho vũ trụ sinh cơ bừng bừng, chúng sinh sinh sống hết thảy đều có tư vị. “Trung Dung” thể hiện điều này qua: “Đạt tới sự Trung Hoà thì trời đất có được vị trí thoả đáng, muôn vật được phát huy sinh trưởng”.

Ý là nói chỉ có nước thôi cũng không được, ai có thể uống nước cả ngày cơ chứ. Cần phải thêm các thành phần khác, các gia vị khác, nấu một chút đã có ngay một nồi canh ngon lành. Vậy thì tại sao Nho gia lại nhấn mạnh “Biểu hiện ra mà phù hợp với quy củ”? Ấy là vì thêm bất cứ một loại gia vị nào nhiều, ngược lại hương vị sẽ quá đậm, dù là ngọt quá hay mặc quá cũng đều không dễ ăn. Chu Hi nói rằng “Phát ra trong tiết chế, là tình cảm chân chính: tình cảm không có chi ngang trái, nên gọi là Hòa” cũng là có ý này. Con người có hỉ nộ ai lạc là thường tình, chua cay ngọt bùi cũng là trạng thái bình thường, nhưng đều cần phải tiết chế, phải đạt được sự cân bằng, không thể để nghiêng lệch. Tính axit hoặc tính kiềm càng mạnh, tính ăn mòn càng lớn, lực phá hoại cũng càng lớn.

Vậy sự khác biệt giữa “Hòa” và “Tàn” là gì? Lấy một ví dụ, âm nhạc của Bach và Mozart là “Hòa”, nhạc của Elvis và Jackson là “Tàn”; Tranh vẽ của Da Vinci và Raphael là “Hòa”, tranh của Van Gogh và Picasso là “Tàn”.

Lý do cho điều này là vì họ đều “Phát ra trong tiết chế”, ở trong sở trường của mình mà đạt tới sự cân bằng hoàn hảo. Người đời sau phóng túng quá độ, phá hủy sự cân bằng này. Nghệ thuật liên quan tới lòng người, chính trị liên quan tới xã hội. Nếu người phá hủy cân bằng sinh thái là có tội, liệu người phá hủy sự cân bằng giữa nhân tâm và xã hội có được tha thứ không?

 

Tác giả: Tồn Trung Kiếm

Dịch từ: http://www.xinsheng.net/xs/articles/gb/2019/8/25/55482.html

Đăng ngày: 25/8/2019