“Tứ đại danh tác” nổi tiếng của Trung Quốc bao gồm Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa, tin rằng nhiều người đã xem qua phim ảnh về nó. Tuy nhiên, tinh hoa thực sự lại nằm ở phần mở đầu và kết thúc trong cuốn sách…
Trung Quốc có bốn cuốn tiểu thuyết kinh điển, được biết đến với tên gọi “Tứ đại danh tác”, từ bốn tác phẩm này đã sản sinh ra vô số các vở kịch, phim điện ảnh, truyền thuyết và thấm sâu vào nền văn hóa.
Tuy vậy, những gì được thể hiện qua phim ảnh chỉ là các tình tiết và các cảnh quay, còn tinh hoa thực sự lại nằm ở trong quyển sách. Nếu bạn không có thời gian để đọc bốn tiểu thuyết này, thì bạn có thể đọc phần mở đầu và kết thúc của bốn tiểu thuyết này sẽ hiểu được.
Tứ đại danh tác viết về cuộc sống của người Trung Quốc, và những ý nghĩa sâu sắc nhất cũng nằm ở phần mở đầu và kết thúc. Sau khi đọc xong phần mở đầu và kết thúc của bốn quyển sách nổi tiếng này, chắc chắn nó sẽ khiến bạn trở nên vui vẻ lạc quan vì hiểu ra một số thiên cơ!
1. Hồng Lâu Mộng: Tình nồng thắm qua bao năm tháng, đến cuối cùng cũng như một giấc mộng
Hồng lâu (lầu hồng) là một giấc mộng, nhân sinh vốn là một vở kịch. Khi giấc mộng được đánh thức, hết thảy đều chỉ như mây khói. Những bài thơ mở đầu và kết thúc của Hồng Lâu Mộng đều mang ý nghĩa như vậy. Ngay từ những câu thơ của bài mở đầu – “Dẫn tử”, đã khiến người ta phải liên tưởng đến kết cục của giấc mộng Hồng lâu.
Khai tịch hồng mông, thùy vi tình chủng?
Đô chỉ vị phong nguyệt tình nùng
Nại hà thiên, thương hoài nhật,
Tịch liêu thì, thí khiển ngu trung
Nhân thử thượng, diễn xuất giá bi kim điệu ngọc “Hồng lâu” mộng.
Dịch nghĩa
Từ thuở xa xưa, ai đã gieo nên tình ái?
Đều chỉ bởi gió trăng tình nồng đượm
Nài sao bởi trời, trong những ngày thương nhớ
Những lúc vắng vẻ, thử giải nỗi ngu si khờ dại
Nhân trên đây, diễn ra vở “Giấc mộng lầu hồng” để thương vàng tiếc ngọc.
Tào Tuyết Cần nói rằng Hồng Lâu Mộng “nội dung chính nói về tình yêu”, và giấc mộng Hồng lâu là một hồi về “tình thiên hận hải”, một tình yêu cao hơn trời và mối hận sâu hơn biển. Người trên thế gian này, ai ai cũng đều có tình yêu, trong đó lại có chân tình và vọng tình, tình người và tình dục, chảy trên cánh đồng trăng gió ở nhân gian.
Vườn đại quan, Hồng Lâu Mộng. (Ảnh: Pinterest)
Trong đó chứa đựng những gì? Bất lực, buồn bã, cô đơn và ngu ngốc. Ngay cả khi từng trải đầy vàng ngọc, thì cuối cùng cũng trở thành một cảnh hoài niệm và bi thương. Năm tháng tình cảm nhân gian, tất cả đều trở thành hư ảo.
Đây chính là hương vị của cuộc sống. Hãy suy nghĩ về cuộc sống của bạn xem đã có bao nhiêu cái kết thúc rồi?
Vì vậy, phần kết thúc của Hồng lâu là sự tan rã. Bài hát kết thúc tan rã này có thể khiến người ta thấy thương cảm, mọi sự vinh hoa đều cạn kiệt, cuộc sống và cái chết mới là vô tận thê lương. Những lời kết thúc của cuốn tiểu thuyết chính là bài thơ kết thúc “Phi điểu các đầu lâm” (Những chú chim bay vào rừng theo mỗi hướng khác nhau).
Vi quan đích, gia nghiệp điêu linh; Phú quý đích, kim ngân tán tận;
Hữu ân đích, tử lý đào sinh; Vô tình đích, phân minh báo ứng;
Khiếm mệnh đích, mệnh dĩ hoàn; Khiếm lệ đích, lệ dĩ tận;
Oan oan tương báo tự phi khinh, Phân ly tụ hiệp giai tiền định.
Dục tri mệnh đoản vấn tiền sinh, Lão lai phú quý dã chân nghiêu hạnh.
Khán phá đích, độn nhập không môn; Si mê đích, uổng tống liễu tính mệnh.
Hảo nhất tự thực tận điểu đầu lâm,
Lạc liễu phiến bạch mang mang đại địa chân càn tịnh!
Dịch thơ:
Quan thì cơ nghiệp suy tàn; Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi
Có ơn, chết để trốn đời; Rành rành báo ứng những ai phụ lòng
Mạng đền mạng đã trả xong; Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi
Oan oan đừng lấy làm chơi; Hợp tan đã trốn được trời hay chưa?
Gian nan là bởi kiếp xưa; Giá mà phú quý là nhờ vận may
Khôn thì vào cửa “không” này; Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.
Như chim khi đã hết mồi; Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành.
Nhân sinh có trăm hình thái khác nhau, con người có hàng ngàn loại dục vọng và lối đi, nhưng kết cục đều giống như số mệnh đổ về một cái kết – sau tất cả chỉ còn lại một mặt đất sạch sẽ trống trơn. Trăng trong nước, hoa trong gương đều trống rỗng, những ảo ảnh mơ tưởng đều là một giấc mộng.
Vậy thì chúng ta đã tranh giành vì điều gì, vui vẻ vì điều gì, khóc vì điều gì, đau đớn vì điều gì, vùng vẫy vì điều gì, không buông bỏ được những gì?
Có lẽ, sau cùng đôi mắt phải nhìn thấy hết thảy những thăng trầm của cuộc sống, trái tim phải nếm trải hết những thê lương, như vậy đối với một số chuyện mới có thể không còn phải bận tâm đến nữa. Đây có lẽ chính là con đường tu đạo. Trước đó, chỉ có thể để cho mọi thứ cứ ra sao thì ra, nhưng ít nhất bây giờ, khi lòng đã sáng tỏ thì cũng tốt rồi.
Hồng Lâu Mộng còn có một phần mở đầu và kết thúc khác, đó là câu chuyện riêng của tác giả. Nó còn chân thực hơn và tàn nhẫn hơn nhiều. Bài thơ đầu tiên trong hồi thứ nhất của quyển Giáp Tuất viết rằng:
Phù sinh trứ thậm khổ bôn mang, thịnh tịch hoa diên chung tán trường
Bi hỉ thiên ban đông hoan diêu, cổ kim nhất mộng tận hoang đường.
Mạn ngôn hồng tụ ngân trọng, cánh hữu tình si bão hận trường.
Từ từ khán lai giai thị huyết, thập niên tân khổ bất tầm thường.
Dịch nghĩa:
Cả cuộc đời khổ đau vất vả, bữa tiệc thịnh soạn cuối cùng cũng tan.
Vui buồn muôn vẻ đều hư ảo, những giấc mộng xưa nay đều hoang đường.
Bao nhiêu lời nói đẫm ướt tay áo đỏ, tình càng si ôm hận càng dài.
Từng chữ từng chữ đều là máu, đau khổ mười năm không tầm thường.
Dòng thơ mở đầu cho biết: “Mãn chỉ hoang đường ngôn, nhất bả tân toan lệ. Đô vân tác giả si, thùy giải kỳ trung vị!”. Tạm dịch: Dòng chữ hoang đường đầy trên giấy, một hàng nước mắt cay đắng. Đều bảo rằng tác giả phát điên, nào ai giải thích được nó là gì!
Dòng thơ kết thúc viết: “Thuyết đáo tân toan sở, hoang đường dũ khả bi; Do lai đồng nhất mộng, hưu tiếu thế nhân si!”. Tạm dịch: Nói về cay đắng, buồn cười hơn là sự hoang đường; Ai nấy đều cùng một giấc mơ, thật đáng cười cho thế nhân ngu xuẩn!
Tranh vẽ về tác phẩm. (Ảnh qua huaban.com)
Từ đó có thể thấy, người viết truyện không thể buông bỏ được mối “tình thiên hận hải” như vậy, cuộc sống con người khó có ai mà không có những nỗi niềm canh cánh trong lòng.
Mặc dù phần bắt đầu của câu chuyện nói cho chúng ta biết rằng đây là một giấc mơ; phần kết thúc của câu chuyện cũng cho chúng ta biết rằng sau tất cả nó cũng chỉ là một sự hư vô. Nhưng điều đáng để tâm nhiều hơn, chính là sự ảo tưởng và khao khát của tác giả.
Cũng giống như trong lòng mỗi chúng ta, ai nấy cũng đều có một khu vườn hoa đào riêng của bản thân mình vậy. Trương Ái Linh nói: “Thời gian quá nặng nề, nó không để cho chúng ta dễ dàng hiểu thấu mọi chuyện”. Còn có một câu nói khác là: “Hiểu được quá nhiều đạo lý, nhưng cả đời vẫn sống không vui”. Đây là sự thật bất lực nhất trong cuộc sống.
Tuy nhiên, câu chuyện về Hồng Lâu vẫn là trống rỗng mờ mịt, đó là một sự thức tỉnh sau giấc mơ, một sự thấu hiểu sau đau đớn. Cho nên chúng ta vẫn có thể nuôi lấy hy vọng: Mọi đau khổ sẽ không là vô nghĩa, tất cả những giọt nước mắt sẽ không tuôn chảy vô ích, tất cả những sự bất lực sẽ tự có điểm kết thúc, chỉ chờ đợi đến khi nước tích tụ đầy.
Sự tỉnh ngộ triệt để có lẽ là quá cao xa. Nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng có thể hiểu rõ hơn mọi nỗi buồn niềm vui mà mình đã trải qua trong đời.
2. Tam Quốc Diễn Nghĩa: Tâm cơ, thiên cơ và thời cơ
Câu chuyện về Tam Quốc, từ phần mở đầu đến phần kết thúc chuyện, thực sự là một câu chuyện có nhân có quả. Bạn phải hiểu được quá trình, và khi xem đến kết cục, mới có thể hiểu ra được phần mở đầu. Đây có thể là cái gọi là trở về nguyên bản, trở về nguyên trạng.
Bắt đầu cũng là kết thúc: Phần mở đầu của Tam Quốc mượn một bài từ của vị đại học sĩ Dương Thâm thời nhà Minh: “Lâm sơn tiên”
Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy, lang hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại, kỷ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiêu giang chử thượng, quán khán thu nguyệt xuân phong.
Nhất hủ trạc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiếu sự, đô phó tiếu đàm trung.
Dịch nghĩa:
Sông Trường Giang cuộn cuộn nước chảy về phía đông, sóng nước gạn sạch bậc anh hùng.
Chuyện thị phi hay thành bại đều hóa hư không.
Những ngọn núi xanh vẫn còn đó, hoàng hôn màu đỏ mấy lần buông xuống.
Ông lão đánh cá đem nướng bên bờ sông, đã quen ngắm nhìn trăng thu và gió xuân.
Một nồi rượu ấm mừng ngày tương phùng.
Có bao nhiêu chuyện xưa nay đều đưa vào câu chuyện tiếng cười.
Bài từ này được sử dụng trong Tam Quốc thật phù hợp. Chúng ta dường như trông thấy một ông lão tóc bạc phơ, người đã từng hô mưa gọi gió và trải qua những chuyện thành bại trong thế gian, ông đứng trên mũi thuyền rồi rời đi, cầm ly rượu trên tay và ngân lên câu hát.
Kết nghĩa vườn đào. (Ảnh: Internet)
Cảnh giới này quá cao. Ngay cả những anh hùng uy phong lẫy lừng Tam Quốc, cuối cùng cũng rơi vào đấu trường công danh, đều không thể thoát khỏi, đều không thể trốn thoát. Mỗi người chúng ta trong vòng xoáy của thực tế này cũng không phải là đều giống như vậy sao?
Nhưng ít nhất chúng ta có thể biết được điều này: Khi bừng tỉnh, thì cần phải nhảy ngay ra ngoài, và nhảy ra khỏi những ham muốn và vướng mắc khác nhau của cuộc đời; giống như chúng ta là người ngoài cuộc vậy, xem chuyện thị phi thành công hay thất bại của Tam Quốc chuyển thành hư không, bọt sóng lịch sử đều gạn sạch anh hùng, mới có thể cười nói trong trăng thu gió xuân. Nhưng đáng tiếc là những kẻ đang tranh đấu trong thế gian này đều là kẻ trong cuộc.
Làm sao để nhảy ra được đây? Phải quan sát cái tâm, quan sát con người, quan sát thế gian, quan sát sự tự do. Tam Quốc, ngay từ đầu đã bày ra trước mắt chúng ta điểm cao nhất một cách nhẹ nhàng mà trĩu nặng.
Kết thúc cũng là bắt đầu: Phần kết của Tam Quốc, có một bài thơ dài kể về thời đại anh hùng của Kim qua thiết mã (cái mác vàng con ngựa sắt). Sâu sắc nhất chính là câu cuối cùng:
Phân phân thế sự vô cùng tận, thiên số mang mang bất khả đào.
Đỉnh túc tam phân dĩ thành mộng, hậu nhân bằng điếu không lao tao.
Dịch nghĩa:
Chuyện trên thế gian nhiều vô tận, số trời huyền diệu không thể trốn thoát được.
Chuyện Tam Quốc đã trở thành dĩ vãng, người đời sau nhìn về cũng chỉ có thể cảm khái mà thôi.
Điều này khiến chúng ta nghĩ về câu cuối cùng trong “Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng truyện” có nói: “Người tài trí hơn người rồi cũng có ngày chết đi, không thể nào tranh đấu được nữa. Đây chính là số trời”.
Vì vậy, chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của bài từ mở đầu – Loại người khoáng đạt (có cái nhìn rộng, cởi mở) như vậy, không chỉ đã từng trải, và nhảy ra ngoài được là đủ; mà cần phải nhìn thấy và hiểu rõ về “số trời”.
Người xưa nói rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (con người suy nghĩ và hành động, nhưng chuyện thành bại là do trời), “thiên mệnh bất khả vi” (số trời không thể né tránh hay thay đổi), và còn nói cho chúng ta biết “Tận nhân sự, an thiên mệnh” (Người làm chuyện hết sức mình là được, còn lại hãy thuận theo ý trời). Những gì con người có thể làm được, chỉ là làm hết sức mình, và chúng ta không thể hay cũng không nên quá chấp chước, quá bận lòng với kết quả sau đó.
Đôi khi, câu nói này là hữu ích nhất: “Đây chính là mệnh”. Từ đó, cuộc sống bắt đầu có giác ngộ. Bắt đầu cũng là kết thúc, kết thúc cũng là bắt đầu, câu chuyện của Tam Quốc giống như một vòng tròn khép kín. Sự tranh đấu trên thế gian, vốn dĩ chính là một vòng tuần hoàn bất tận. Bên trong câu chuyện là tâm cơ; bên ngoài câu chuyện là thiên cơ. Còn sự bừng tỉnh là thời cơ.