Tân Sinh

Bí ẩn chòm sao Orion và mối liên kết với các nền văn hóa cổ đại trên toàn cầu

Rất nhiều công trình cổ đại trên toàn cầu đều được xây dựng tương hợp và ăn khớp một cách kỳ lạ với chòm sao Orion. Chuyện gì đang xảy ra ở đây?

Đây là một hiện tượng toàn cầu. Chòm sao Orion (dịch sang tiếng Hán là “Lạp Hộ”, tức “Thợ Săn”, nên còn gọi là Chòm sao Lạp Hộ hay Chòm sao Thợ Săn) là một tập hợp các ngôi sao được tái hiện và triển hiện nhiều lần tại nhiều di tích cổ đại trên khắp thế giới. Từ Ai Cập đến Mê-hi-cô, đối tổ tiên chúng ta, chòm sao này đã trở thành tâm điểm trên bầu trời. Nhưng tại sao chòm sao Orion lại chiếm vị trí vô cùng quan trọng như vậy đối với các nền văn minh cổ đại? Tại sao các di tích cổ đại, ví như Quần thể 3 Kim tự tháp Ai Cập lại được sắp xếp theo cách thức mô phỏng các ngôi sao của chòm sao Orion?

Chòm sao Orion. (Ảnh: Ancient Code)

Có thể bạn chưa biết, rằng toàn bộ thành phố Teotihuacán ở Mê-hi-cô dường như được bố cục theo các vì sao trên bầu trời . Nó được bố cục lệch hướng Chính Bắc 15 đến 25 độ về phía Đông, và bức tường phía trước của Kim tự tháp Mặt trời được bố cục sao cho vào hai ngày xuân phân và thu phân (2 ngày trong năm khi chiều dài ban ngày và ban đêm gần như bằng nhau ở tất cả mọi nơi trên thế giới), bức tường nàynằm vuông góc hoàn hảo với đường chân trời tại đúng vị trí mặt trời lặn . Phần còn lại của các tòa nhà tổ chức nghi lễ được bố cục vuông góc với Kim tự tháp Mặt trời. Đại lộ Tử thần (Avenue of the Dead – tuyến đường chính nằm dọc trung tâm thành phố, tên gọi bắt nguồn từ việc các công trình kế bên trông giống các nấm mồ) thì chỉ thẳng đến cụm sao Tua Rua (còn gọi là Cụm sao Thất Nữ).

Thành phố Teotihuacán ở Mê-hi-cô. (Ảnh: TripAdvisor)

Ngoài ra, đại lộ này còn nằm thẳng hướng đến “Ngôi sao Thần chó” Sirius (sao Thiên Lang), một ngôi sao rất linh thiêng đối với người Ai Cập cổ đại. Điều này đã khiến một số người nghĩ đến một mối liên hệ tiềm năng giữa các đại kim tự tháp Ai Cập và Mê-hi-cô, một mối giao lưu văn hóa tiền sử giữa Châu Phi và Trung Mỹ . Orion, không chỉ đơn giản là một chòm sao, mà là một hiện tượng toàn cầu.

Chòm sao Orion

Chòm sao Orion. (Ảnh: worldatlas.com)

Có thể nhìn thấy rõ Chòm sao Orion trên bầu trời đêm từ tháng 11 đến tháng 2. Orion sẽ nằm trên bầu trời phía Tây Nam nếu bạn ở Bắc bán cầu hoặc bầu trời phía Tây Bắc nếu bạn ở Nam bán cầu. Nó được nhìn thấy rõ nhất giữa hai vĩ độ 85 và -75. Xích kinh độ của nó là 5 giờ, và độ thiên (hay xích vĩ) là 5 độ. 3 ngôi sao Alnilam, Mintaka và Alnitak, vốn tạo thành Đai Lưng Orion (còn gọi là Đai Lưng Tráng Sĩ) , là những ngôi sao nổi bật nhất trong chòm sao Orion. Betelgeuse, ngôi sao sáng thứ hai trong chòm sao Orion, tạo nên phần vai phải của người thợ săn. Còn Bellatrix đóng vai trò như vai trái của người thợ săn này.

Chòm sao Thợ Săn Orion. (Ảnh: ImgCop.com)
Chòm sao Thợ săn Orion. (Ảnh: openiso.org)

Tinh vân Lạp hộ (hay Tinh vân Orion) là một sự hình thành của bụi, hydro, khí heli và các khí bị ion hóa khác. Nó không phải là một ngôi sao, nhưng nó được xem như “ngôi sao” (có thể do khoảng cách xa nên nhìn nó như một điểm sáng duy nhất trên bầu trời), và nó nằm ngay chính giữa thanh kiếm của Orion treo trên đai lưng Orion (hình trên – để ý thấy người thợ săn có dắt một thanh kiếm ở thắt lưng). Tinh vân Đầu ngựa cũng nằm gần đó. Những ngôi sao khác trong chòm sao bao gồm Hatsya, nằm ở đầu thanh kiếm Orion dắt trên thắt lưng, và Meissa, nằm ở phần đầu của người thợ săn. Sao Saiph thì nằm ở phần đầu gối phải của Chòm Orion. Còn sao Rigel tạo thành phần đầu gối trái của người thợ săn.

Orion và Chòm sao Cygnus cùng nhiều chòm sao khác (một chòm sao phương Bắc nằm trên mặt phẳng Dải Ngân hà. Tên của nó là một từ Tiếng Hy Lạp Latinh hóa có nghĩa là thiên nga . Là một trong những chòm sao dễ nhận biết nhất vào mùa hè và mùa thu phía Bắc, nó có một nhóm sao nổi bật được gọi là Bắc thập tự), vô cùng quan trọng đối với tất cả các nền văn minh cổ đại này, và bằng cách nào đó tầm quan trọng này có sự liên hệ với nơi chúng ta đến và có lẽ cả chốn chúng ta đang đi.

Năm 2006, Kính thiên văn vũ trụ Hubble đã chụp được những hình ảnh chưa từng được nhìn thấy của Tinh vân Orion, một quần hệ sao khổng lồ cách Trái đất 1.500 năm ánh sáng. Bức ảnh toàn cảnh hé lộ hơn 3.000 ngôi sao trong các giai đoạn khác nhau của sự sống (những ngôi sao, giống con người, cũng có tuổi thọ và quá trình sinh mệnh của nó, chỉ khác là dài hơn rất nhiều mà thôi), và đã đem đến cho các nhà nghiên cứu cái nhìn mới về sự hình thành của các thiên thể và hệ hành tinh. Và theo các nhà khoa học hiện đại, chính ở đây, trong đám mây bụi và khí bí ẩn này, các ngôi sao và hành tinh có thể đã được tạo ra từ hàng tỷ năm trước.

Chòm sao Orion hợp thành hình dáng người Thợ Săn, nên còn gọi là Chòm sao Thợ Săn. (Ảnh: TripAdvisor)

Các nhà thiên văn học thường gọi nó là M42, và chính ở nơi đây các ngôi sao đang được hình thành, vì vậy chòm sao Orion là một trong những bố cục sao nổi bật nhất trên bầu trời đêm và đã được các nền văn hóa cổ đại trên toàn cầu tôn sùng trong hàng ngàn năm. Được đặt theo tên á thần Hy Lạp Orion vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên (TCN), khi được kết nối, các ngôi sao trong chòm sao sẽ tạo thành phần đầu, vai, đai lưng và bàn chân của một người đàn ông. Theo thần thoại Hy Lạp, Orion là một người khổng lồ được sinh ra với nhiều khả năng siêu phàm, một thợ săn hùng mạnh, người từng giết chết những con động vật chỉ với một chiếc gậy bằng đồng bất khả phá. Khi người anh hùng Hy Lạp này bị sát hại, thân thể ông đã được đặt lên bầu trời, trường tồn cùng những vì sao. Cha ông là thần biển Poseidon.

Bố cục thành cổ Teotihuacan và Đai lưng Orion, nằm đối ứng với nhau một cách hoàn hảo. (Ảnh: History Channel)

Theo thần thoại Ai Cập, các vị thần đã giáng trần từ chiếc đai lưng của Orion và Sirius – ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Nền văn minh Ai Cập cổ đại tin chắc rằng các sinh mệnh từ Sirius và Orion đã đến trái đất dưới hình hài con người, và Osiris và Isis cùng những sinh mệnh này đã khai sáng nên loài người.

Sirius và Orion là hai ngôi sao cực kỳ quan trọng bởi vì họ đại diện cho Isis và Osiris, nam thần và nữ thần mà từ đó tất cả nền văn minh Ai Cập, cũng như tất cả nền văn minh nhân loại, được cho là đã khai sinh. Người Ai Cập cổ đại tỏ ra rất rõ ràng, và chúng ta có thể tìm thấy nhiều bằng chứng trong các văn tự lưu lại cho thấy Orion có liên hệ đến sự Sáng Thế, rằng Orion và Osiris là một vào thời Ai Cập cổ đại, và rằng người Ai Cập tin rằng Osiris sẽ trở về từ Orion vào một ngày nào đó. Không chỉ ở Ai Cập chúng ta mới tìm thấy câu chuyện về những “vị thần” hứa hẹn sẽ quay trở lại, mà trên thực tế chúng ta có thể tìm thấy điều này trong mọi nền văn hóa thời cổ đại đã từng đề cập đến việc ai đó sẽ trở lại vào một ngày nào đó. Thật tuyệt vời khi khám phá ra rằng ba kim tự tháp Ai Cập ở Giza có bố cục rất đặc thù khi chúng nằm đối ứng với Đai lưng Orion. Không chỉ vậy, Đại Kim tự tháp còn có các lỗ thông hơi hướng thẳng đến chòm sao Orion? Đây chỉ là một vài bí ẩn mà cho đến ngày nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Quần thể 3 kim tự tháp Ai Cập trên cao nguyên Giza nằm đối ứng với Đai lưng Orion. (Ảnh: history.com)
Osiris và Isis. (Ảnh: kylegrant76.com)
Bố cục hai công trình trên Trái Đất (quần thể kim tự tháp ở Mê-hi-cô và Ai Cập) được cho là tương hợp với các vị trí của các ngôi sao trong Đai lưng Orion. (Ảnh: webjobz.us)

Nếu di chuyển 750 km về phía Nam thủ đô Cairo, Ai Cập, chúng ta sẽ tìm thấy một di tích khảo cổ bí ẩn được gọi là Nabta Playa trên một cánh đồng hoang vắng ở khu vực phía Đông của sa mạc Sahara. Được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học vào năm 1974, những viên đá nằm rải rác ở đây được các nhà nghiên cứu nhận định từng là một bộ phận của một trung tâm nghi lễ rộng lớn của một nền văn minh cổ đại phát triển thịnh vượng trong giai đoạn từ năm 6400 đến 3400 trước Công nguyên, ngay trước khi người Ai Cập xuất hiện – một nền văn minh tiền Ai Cập. Nabta Playa khác biệt ở chỗ, nó không phải là một khu định cư. Một trong những tâm điểm là một vòng tròn được gọi là “Mini Stonehenge của sa mạc”. Trong hơn ba thập kỷ, cấu trúc vòng tròn đá này và bố cục đối ứng của nó với các ngôi sao trong chòm sao Orion đã gây kinh ngạc cho các nhà khảo cổ học. Những người kiến thiết nên Nabta Playa dường như sở hữu một vốn tri thức vật lý và toán học nhất định, cho phép họ xây dựng những cấu trúc này trong mối liên hệ với chòm sao Orion.

Ảnh minh họa Chòm sao Orion.

Kỹ sư Robert Bauval và nhà vật lý thiên văn Thomas Brophy đã nghiên cứu cấu trúc của di chỉ bí ẩn này trong hơn mười năm. Trong cuốn sách Black Genesis của họ, họ cho rằng vòng tròn đá này là một sơ đồ quan sát các ngôi sao nằm đối ứng với các Đai lưng Orion vào ngày hạ chí. Vòng tròn lịch là bố cục đá nhỏ hơn này, và vòng tròn lịch biểu thị một sơ đồ cho thấy cách bầu trời di chuyển như thế nào trong dài hạn. Vì vậy, những gì chúng ta quan sát được ở đây là một bản mô phỏng nhỏ của vòng tròn lịch thực tế của Nabta Playa.

Theo giới khoa học chủ lưu, kết quả định tuổi bằng đồng vị phóng xạ cho thấy địa điểm này được xây dựng cách đây gần 7.000 năm. Nếu xét đến khung thời gian này, Brophy đã nghiên cứu vị trí của cổng vào và các viên đá trung tâm, và phát hiện ra rằng đó là vào năm 4900 trước Công nguyên, khi ba trong số những hòn đá trung tâm xếp hàng chính xác với ba trong số những ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Orion.

Vòng tròn lịch tại Nabta Playa. (Ảnh: Ancient Code)

Nằm cách thành phố Mê-hi-cô ngày nay 50km về phía Đông Bắc là những tàn tích còn sót lại của Teotihuacán , một thành phố cổ từng là nơi sinh sống của hơn 150.000 người. Các nhà nghiên cứu tin rằng các cấu trúc ấn tượng ở đây bao gồm 2 kim tự tháp lớn và một ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, và giống như các kim tự tháp Giza của Ai Cập, các di tích này chỉ thẳng đến 3 ngôi sao trên Đai lưng Orion. Điều này không phải là ngẫu nhiên; hiện có quá nhiều bằng chứng cho thấy Orion rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trên bầu trời trong nền văn minh ở Mỹ và Châu Phi. Bố cục của các kim tự tháp Teotihuacán hình thành nên chiếc Đai lưng Orion, và có thể thấy điều này rất rõ ràng. Họ nói đó chính là cột mốc khai sáng. Theo các tài liệu lịch sử, vào năm 3114 TCN, các vị thần từ Thiên đàng đã đến Trái đất để tham dự một hội nghị, và hội nghị này đã được tổ chức ở Teotihuacán.

Thành phố Teotihuacán ở Mê-hi-cô. (Ảnh: TripAdvisor)
Cổ thành Teotihuacan được xây để mô phỏng ba ngôi sao trên Đai lưng Orion. (Ảnh: Ancient Code)

Việc xây dựng Teotihuacán được quy cho chủng Người khổng lồ Quinametzin; Quinametzin (Náhuatl), một chủng tộc khổng lồ, mà theo truyền thuyết đã tung hoành trên khắp thế giới vào thời kỳ trước đây, và những người còn sống sót đã bị giấu nhẹm vào thời kỳ sau này. “Người Quinametzin đã được tạo ra trong thời đại của “Sun of Rain” (Nahui-Quiahuitl) và người cai trị khi đó là Tlaloc. Sự cai trị của ông chấm dứt khi vị thần Quetzalcóatl đã tạo ra những “cơn mưa lửa dữ dội” và Quinametzin đã bị thiêu chết”.

Một nhóm người bản địa tại vùng cao nguyên trung tâm Mexico, đang bắt giữ một người khổng lồ. (Ảnh: Codex Vaticano A, hình 34)

Ngoài ra, một điều cực kỳ thú vị là các kim tự tháp ở Teotihuacán phản ánh vị trí của bộ vi xử lý máy tính. “ Cách bố trí thành phố giống như một bảng mạch máy tính với 2 chip xử lý lớn. Kim tự tháp Mặt trời và Mặt trăng được kết nối bởi một đại lộ dài, hiện được gọi là Đại lộ Tử thần, chạy dọc theo trục Bắc – Nam. Có một đại lộ khác, với chiều dài tương đương, chạy từ Đông sang Tây. Dọc theo đại lộ, có một loạt các sân trong mở ngỏ với các bục nhỏ. Các sân trong này rộng 145 m. Có rất nhiều điểm tương đồng với các kim tự tháp Giza, ở Ai Cập với các cấu trúc toán học giống với trên cao nguyên Giza. Phần nền của Đại kim tự tháp và của kim tự tháp Mặt trời ở Mê-hi-cô có diện tích rộng 750 m2. Kim tự tháp Mặt trời cao bằng một nửa kim tự tháp Giza”, theo Kênh History Channel.

Trên: Bố cục một bảng mạch điện tử với hai chip xử lý lớn. Dưới: Bố cục Teotihuacan với Kim tự tháp Mặt trời và Kim tự tháp Mặt Trăng. (Ảnh: History)

Một di chỉ đầy kinh ngạc khác có một mối liên hệ trực tiếp với chòm sao Orion nằm ở phía Đông Bắc bang Arizona (Mỹ). Tại đây, bộ lạc bản địa Hopi bản địa đã gọi những đỉnh núi của cao nguyên Colorado này là nhà trong hơn 1.000 năm. Nằm rất cao trên sa mạc Arizona, là vùng đất bảo tồn của họ, trải dài hơn 1,5 triệu mẫu Anh, chứa tổng cộng 12 ngôi làng. Theo nghiên cứu, cả vùng đất người Hopi và các câu chuyện huyền thoại của họ đều tập trung xoay quanh chòm sao Orion.

(Ảnh: Ancient Code)

Người Hopi cổ đại di cư khắp khu vực Tây Nam, và sau khi một loạt các cuộc kiến thiết làng mạc rồi bỏ chúng lại phía sau, họ đã đặt chân đến ba đỉnh núi bằng (mesa) chủ chốt này ở khu vực phía Bắc Arizona. Họ gọi chúng là các đỉnh núi bằng thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Các đỉnh núi bằng này vừa khớp tạo thành hình Đai lưng Orion và người ta nói rằng người Hopi chủ đích đến định cư tại đây cũng chính bởi lý do này. Vì vậy chúng ta có thể biết chắc rằng người Hopi cực kỳ quan tâm đến Đai lưng Orion và đối với họ, đây chính là trung tâm của vũ trụ. Họ nói rằng đây là nơi họ có thể liên lạc với các vị thần và theo một số nhà nghiên cứu, ba đỉnh núi bằng không chỉ đại diện cho các ngôi sao trong Đai lưng Orion, mà khi được kết nối với các địa danh Hopi khác ở khu vực Tây Nam, toàn bộ khu vực này tạo nên tấm bản đồ hoàn chỉnh của chòm sao Orion.

Quang cảnh trên một đỉnh núi bằng (mesa) – nơi sinh sống của người Hopi. (Ảnh: swjourneys.com)
Ba đỉnh núi bằng của người Hopi có vị trí tương ứng “hoàn hảo” với chòm sao Orion. (Ảnh: History Channel)

Mỗi ngôi sao chính của chòm sao đều tương ứng với một tàn tích hoặc ngôi làng mà người Hopi hiện đang sinh sống. Khi chúng ta nhìn vào vai trái của thợ săn Orion, chúng ta sẽ tìm thấy một nơi gọi là Wupatki, đó chính là phía bắc của thành phố Flagstaff, bang Arizona, người Hopi đã xây dựng nên tàn tích này vào khoảng năm 1.120 sau công nguyên. Sau đó, chúng ta tìm thấy một nơi khác gọi là tàn tích Homolovi ở Winslow, cũng thuộc bang Arizona, nơi này tương ứng với vai phải của Orion và ngôi sao Betelgeuse. Người Hopi cũng định cư ở phía Bắc đỉnh núi bằng và tại đây chúng ta tìm thấy các địa điểm tương ứng với ngôi sao Rigel. Vì vậy, chúng ta có thể tìm thấy cả một phức hợp các ngôi làng đối ứng với bàn chân phải của Orion, ngôi sao Saiph. Sự trùng hợp chăng? Tôi không nghĩ vậy.

Di chỉ quốc gia Wupatki của người Hopi, đối ứng với vai trái của thợ săn Orion. (Ảnh: Atlas Obscura)
Bên trong tàn tích Homolovi của người Hopi, đối ứng với ngôi sao Betelgeuse trên vai phải của Orion. (Ảnh: azstateparks.com)

Nếu bạn quan sát người Sumer, người Ai Cập, và lắng nghe những câu chuyện của người Maya, nếu bạn xem xét tất cả những nền văn hóa này, bạn sẽ thấy cùng một câu chuyện nhưng được kể theo những cách thức khác nhau bằng các ngôn ngữ khác nhau. Những người từ các ngôi sao đã xuống đến đây, và họ đã khai sáng ra nền văn minh nhân loại. Và điều đáng kinh ngạc là tất cả những câu chuyện và truyền thuyết này đều có mối liên hệ mật thiết với chòm sao Orion, và chắc chắn đó không thể là sự trùng hợp đơn thuần.

Những gì chúng ta cần làm là tập trung nghiên cứu chòm sao Orion. Chúng ta cần cố gắng để hiểu lý do tại sao các nền văn minh cổ đại từng thống trị thế giới hàng ngàn năm trước, lại gán một vai trò quan trọng như vậy đối với chòm sao này, đến nỗi họ quyết định xây dựng các tượng đài, và các thành phố mô phỏng các ngôi sao trên mặt đất. Chúng ta cần nghiên cứu lịch sử và tìm kiếm thêm bằng chứng, nhất là khi chúng ta hiện đã có công nghệ cho phép chúng ta có thể tìm kiếm những câu trả lời cho hàng trăm, nếu không phải là hàng ngàn câu hỏi mà loài người đang có liên quan đến nguồn gốc và mục đích của sự sống và sinh mệnh.

Tác giả: Ivan, ancient-code.com