Trong số 91 con sông được khảo sát trên toàn thế giới, gần ⅔ con số đó đều bị nhiễm độc kháng sinh. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh đang đe dọa đến nhân loại toàn thế giới.

1Sông Seine (Paris) (Ảnh: grayline.com)

Một nghiên cứu đầu tiên với quy mô toàn cầu đã phát hiện ra, nồng độ kháng sinh được tìm thấy ở một số con sông trên thế giới vượt quá mức ‘an toàn’ lên đến 300 lần.

Các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm dư lượng 14 loại thuốc kháng sinh phổ biến trong các con sông ở 72 quốc gia trên sáu châu lục, và tìm thấy dư lượng thuốc kháng sinh tại mức 65% theo các thiết bị theo dõi.

Metronidazole, được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm nhiễm trùng da và miệng, vượt ngưỡng an toàn ở mức cao nhất, với nồng độ được tìm thấy tại một nơi ở Bangladesh vượt gấp 300 lần mức “an toàn”.

Tại dòng sông Thames và một trong những nhánh sông của nó ở London (Anh), các nhà nghiên cứu đã phát hiện tổng lượng nồng độ kháng sinh tối đa là 233 nanogram mỗi lít (ng/l), trong khi ở Bangladesh, nồng độ trên cao hơn gấp 170 lần.

Trimethoprim

Loại kháng sinh phổ biến nhất là Trimethoprim, được phát hiện tại 307 trên 711 các thiết bị thử nghiệm và chủ yếu được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhóm nghiên cứu đã so sánh dữ liệu thu thập được với mức “an toàn” được công bố gần đây bởi liên minh công nghiệp AMR, dao động trong phạm vi từ 20-32000 ng/l tùy loại kháng sinh cụ thể.

2Loại kháng sinh được tìm thấy phổ biến nhất trên các con sông là trimethoprim. (Ảnh: Đại học York)

Ciproflaxacin, được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, là hợp chất thường xuyên vượt quá mức an toàn, đã được tìm thấy tại 51 địa điểm.

Vấn đề toàn cầu

Nhóm nghiên cứu cho rằng các ngưỡng “an toàn” thường xuyên bị vượt tại Châu Á và Châu Phi. Nhưng các địa điểm được nghiên cứu ở Châu Âu, Bắc Mỹ, và Nam Mỹ cũng đã có những dấu hiệu cho thấy rằng ô nhiễm kháng sinh là một “vấn đề toàn cầu”.

Các khu vực mà có dư lượng kháng sinh vượt quá mức “an toàn” lớn nhất là Bangladesh, Kenya, Ghana, Pakistan, và Nigeria. Trong khi đó, một con sông ở Áo xếp hạng cao nhất trong các con sông được phân tích ở Châu Âu. Nghiên cứu cho thấy các địa điểm có nguy cơ ô nhiễm cao thường liền kề với hệ thống xử lý nước thải, chất thải hoặc bãi rác thải, và trong một số khu vực bất ổn chính trị, bao gồm biên giới giữa Israel và Palestine.

Giám sát

Dự án do Đại học York khởi xướng, đem lại một thách thức rất lớn về công tác hậu cần – với 92 bộ dụng cụ lấy mẫu được gửi tới các đối tác trên khắp thế giới. Những đối tác được yêu cầu lấy mẫu thử từ các địa điểm dọc theo hệ thống sông ngòi tại địa phương của họ.

Mẫu vật sau đó sẽ được cấp đông và gửi đến Đại học York để phân tích. Một số con sông mang tính biểu tượng nhất trên thế giới đã được thử nghiệm, bao gồm Chao Phraya, Danube, Mê-kong, Seine, Thames, Tiber, và Tigris.

3Sông Thames (London) khi thủy triều xuống. (Ảnh: rythmeandribbons.com)

Tiến sĩ John Wilkinson, từ Viện Môi trường và Địa lý Đại học York ở Anh, người điều phối công việc giám sát, cho biết chưa từng có một nghiên cứu nào được thực hiện với quy mô như vậy. Ông cho biết thêm:

“Cho đến nay, phần lớn các công việc giám sát dư lượng thuốc kháng sinh ảnh hưởng tới môi trường đã được thực hiện tại Châu Âu, Bắc Mỹ, và Trung Quốc. Nhưng thông thường, chỉ tiến hành đo đạc với một số ít loại thuốc kháng sinh. Chúng tôi biết rất ít về phạm vi của vấn đề này trên toàn cầu”.

“Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra dữ liệu cho các quốc gia chưa từng được nghiên cứu trước đó. Việc này giúp lấp đầy lỗ hổng kiến thức quan trọng trên”.

Kháng kháng sinh

Giáo sư Alistair Boxall, Chủ nhiệm Viện nghiên cứu Vì sự bền vững của môi trường Đại học York, cho biết:

“Các kết quả thu được khá sửng sốt và đáng lo ngại, cho thấy sự ô nhiễm rộng rãi của hệ thống sông ngòi trên toàn thế giới bởi các hợp chất kháng sinh”.

“Nhiều nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra vai trò của môi trường tự nhiên trong vấn đề kháng kháng sinh. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy ô nhiễm kháng sinh của các con sông có thể là một yếu tố nghiêm trọng”.

“Giải quyết tận gốc vấn đề này là một thách thức khổng lồ và việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải và nước thải, cũng như siết chặt các quy định và làm sạch các khu vực đã bị ô nhiễm là vô cùng cần thiết”.

Theo Đại Kỷ Nguyên