Theo một nghiên cứu của Đại học Stanford, ngoài việc gây ảnh hưởng nặng nề trên khắp thế giới, dịch viêm phổi Vũ Hán cũng có một mặt tích cực hiếm hoi, đó là làm giảm thiểu mức ô nhiễm không khí vốn đe dọa tính mạng hàng chục ngàn người tại các thành phố lớn.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đang gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng và ngày càng khó kiểm soát: chính phủ các nước gia tăng phong tỏa, cách ly, số ca tử vong trên thế giới đã tăng lên hơn 16.000 người, nền kinh tế toàn cầu cũng gặp nhiều bất lợi.

Nhưng song song đó, đại dịch do virus corona chủng mới gây ra cũng giúp giảm ô nhiễm không khí trên phạm vi rộng lớn, thậm chí đã cứu sống nhiều người khỏi chết vì ô nhiễm.

Ngày 8/3/2020, nhà kinh tế tài nguyên – môi trường Marshall Burke thuộc Đại học Stanford, đã thực hiện một vài ước tính sơ bộ về tình trạng ô nhiễm không khí giảm mạnh trong thời gian gần đây tại nhiều địa khu của Trung Quốc, bên cạnh đó là số người được cứu khỏi cái chết do ô nhiễm gây ra. 

Theo đó trong 2 tháng qua, cũng chính là thời gian ô nhiễm không khí giảm, ông Marshall Burke ước tính khoảng 4.000 trẻ em dưới 5 tuổi và 73.000 người già trên 70 tuổi tại Trung Quốc đã được cứu sống. Con số này nhiều hơn đáng kể so với số người chết do virus corona mà chính quyền Trung Quốc công bố. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguồn tin cho biết số người nhiễm bệnh và tử vong do virus corona ở Trung Quốc lớn hơn nhiều so với con số chính quyền đưa ra.

Thoạt nghe có vẻ hơi khó tin, nhưng chúng ta đều biết rằng ô nhiễm không khí có thể gây tổn hại nặng nề cho sức khỏe con người. Theo một nghiên cứu vừa được công bố vào đầu tháng 3 này, trung bình trên toàn cầu mỗi người bị giảm đến 3 năm tuổi thọ trong đời do các tác nhân ô nhiễm không khí.

Hình ảnh một đại lộ chính ở thành phố Vũ Hán ngày 26/1/2020, không một bóng người vì chính quyền thành phố cấm mọi phương tiện giao thông không phải trọng yếu qua lại. (Ảnh qua Reuters)

 Nhà vật lý học Jos Lelieveld thuộc Viện Cyprus tại Nicosia, tuyên bố: “Số người chết hoặc bị giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí có thể sánh ngang với tác hại của thuốc lá cũng như cao hơn nhiều so với các nguyên nhân tử vong khác.”

Ô nhiễm không khí đã vượt qua tỷ lệ tử vong của các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu như sốt rét (hệ số tử vong: 19), bạo lực (hệ số tử vong: 16), HIV/AIDS (hệ số tử vong: 9), rượu bia (hệ số tử vong: 45) và ma tuý (hệ số tử vong: 60”)

Như vậy, ô nhiễm không khí chính là mối đe dọa thực sự đến sức khỏe và tính mạng con người.

Nhưng các phân tích của Marshall Burke cũng chỉ sử dụng dữ liệu từ Trung Quốc, vào thời điểm mà thông tin về đại dịch virus Vũ Hán vẫn còn hạn chế. Kết quả phân tích được ông Marshall đăng tải trên G-FEED, một cộng đồng blog về động lực kinh tế, thực phẩm và môi trường toàn cầu.

Ô nhiễm không khí tại Italy – vùng dịch lớn thứ 2 thế giới cũng giảm mạnh

Với số ca nhiễm lớn thứ hai thế giới, Italy đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Bằng các dữ liệu từ Thiết bị quan trắc tầng đối lưu của Vệ tinh Copernicus Setinel-5P thời điểm từ 1/1/2020 đến 11/3/2020, chúng ta thấy rằng các khí ô nhiễm tại miền Bắc Italy cũng đã giảm mạnh, cụ thể là Nitơ điôxit (NO2­), một khí ô nhiễm sinh ra do phát thải của các phương tiện giao thông, nhà máy năng lượng và một số ngành công nghiệp khác.

Hình ảnh cho thấy mức độ nitơ dioxide ở miền bắc Italy đã giảm nhiều sau sự bùng phá của dịch Vũ Hán. (Ảnh qua meganews.mx)

Các thay đổi về nồng độ ô nhiễm được thể hiện trong video bên dưới:

Ông Claus Zehner, quản lý của Vệ tinh Copernicus Sentinel-5P (thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu), đã chỉ ra: “Tại thung lũng Po thuộc miền Bắc Italy, bạn có thể thấy lượng NO2 đã giảm rất rõ rệt.”

 “Dù dữ liệu thực tế có đôi chút sai sót do yếu tố thời tiết và mây mù, nhưng với những gì quan sát được, chúng tôi chắc chắn rằng nồng độ các khí ô nhiễm đang giảm mạnh trong khu vực này, hoàn toàn phù hợp với việc chính phủ Italy hạn chế các hoạt động đi lại và sản xuất công nghiệp.”

Tính tới thời điểm này, chúng tôi còn chưa có báo cáo hoàn chỉnh nào về việc giảm ô nhiễm sẽ mang lại những lợi ích về sức khỏe trong đại dịch lần này. Nhưng với những tác hại to lớn do ô nhiễm không khí gây ra, thì việc virus Vũ Hán giúp giảm thiểu ô nhiễm cũng có thể xem như như một lợi ích trực tiếp vì các trường hợp tử vong do ô nhiễm đang có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, tin vui nhỏ nhoi này cũng không thể bù đắp cho sự tàn phá kinh hoàng của đại dịch Vũ Hán. Từ những con số sơ bộ nêu trên, chúng ta hãy coi đó là một cơ hội để thật sự nhìn lại và suy ngẫm, điều gì là quan trọng trong cuộc sống hiện đại này, và liệu những điều tốt đẹp có thể xảy ra không nếu chúng ta cùng thay đổi các thói quen của mình trên toàn cầu.

Theo Tinh hoa