Tân Sinh

Bộ ngoại giao Mỹ đặc biệt quan ngại về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc

Ngày 29/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên năm 2017 và Trung Quốc một lần nữa được liệt kê là “quốc gia đặc biệt đáng quan ngại”. Bản báo cáo tập trung vào cuộc đàn áp các nhóm tín ngưỡng như Pháp Luân Công và các tín đồ Cơ đốc giáo tại Đại Lục.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo. (Ảnh cắt từ video của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)

Bản báo cáo đề cập đến những vi phạm tự do tôn giáo tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh Trung Quốc, còn có một số quốc gia đáng quan ngại về tình hình hình tự do tôn giáo và cần theo dõi khác như Eritrea, Iran, Myanmar, Triều Tiên, Ả Rập Saudi, Sudan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố phúc trình thường niên năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Tự do tôn giáo là điều nằm trong huyết quản của người Mỹ… Các nhà lập quốc của chúng ta hiểu rằng đó là quyền tự do đầu tiên của chúng ta.. Như James Madison đã viết nhiều năm trước khi ông là tổng thống hay ngoại trưởng, rằng ‘lương tâm là điều thiêng liêng nhất trong tất cả các loại tài sản’.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cam kết nỗ lực thúc đẩy tự do tôn giáo

Ngày 25 – 26/7 sắp tới, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị cấp bộ đầu tiên nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo. Ông Mike Pompeo nói rằng, thúc đẩy tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu của chính phủ ông Trump. “Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiến hành kỷ niệm 20 năm ‘Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế’ và 70 năm công bố ‘Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới’.”

Cũng trong buổi họp báo, đại sứ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback phát biểu: “Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ tự do lương tâm cho tất cả mọi người, có nghĩa là bảo vệ cả quyền lợi được thực hành niềm tin tín ngưỡng của các tín đồ Hồi giáo, Phật giáo, Cơ đốc giáo và người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.”

Bản phúc trình thường niên cho hay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gán mác tà giáo cho Pháp Luân Công, Cơ đốc giáo cùng một số nhóm tôn giáo khác, và những người tín ngưỡng tôn giáo này có nguy cơ cao bị bức hại như bị bắt giam, tra tấn hay thậm chí kết án tù chung thân.

Đáng chú ý hơn, “ĐCSTQ còn duy trì một tổ chức nằm ngoài pháp luật, do trực tiếp đảng kiểm soát nhằm tiêu diệt phong trào Pháp Luân Công cùng một số nhóm tôn giáo khác.”

“Trước khi chính quyền ĐCSTQ cấm Pháp Luân Công kể từ năm 1999, theo ước tính chính thức, có khoảng 70 triệu người thực hành pháp môn này. Và đến nay, vẫn có hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công tiếp tục tu luyện bất chấp cuộc đàn áp. Theo số liệu thống kê từ Freedom House, Trung Quốc có khoảng 7,2 triệu người theo học Pháp Luân Công tại Đại Lục.”

Bức hại Pháp Luân Công vẫn là điểm nóng vi phạm tự do tôn giáo tín ngưỡng ở Trung Quốc

“Hồi tháng 9/2017, cảnh sát đã bắt giữ ông Cao Trí Thịnh, một luật sư nhân quyền chuyên biện hộ cho nạn nhân của các nhóm tôn giáo, bao gồm cả tín đồ Cơ đốc giáo và người tập Pháp Luân Công.”

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, rất nhiều người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã bị bức hại đến chết. Theo số liệu thống kê trên trang web chính thức của Pháp Luân Công (Minghui.org), năm 2017, có 42 người đã thiệt mạng trong thời gian bị giam giữ, hoặc do bị tra tấn trọng thương trong tù mà ngay khi được trả tự do đã qua đời.

Đáng chú ý là hai trường hợp của ông Dương Ngọc Dũng và và Hàn Hồng Hà phải chịu tra tấn tàn khốc. Ông Dương Ngọc Dũng đã qua đời hồi tháng 7/2017 ngay khi đang bị cảnh sát giam giữ.

“Tháng 12/2016, cảnh sát Thiên Tân đã bắt giữ ông Dương Ngọc Dũng cùng vợ của ông là bà Mạnh Hiến Trân. Theo báo cáo nhận được, ông Dương trong thời gian giam giữ đã bị bức hại tàn bạo với nhiều phương thức tra tấn như đánh đập hay  lạm dụng tình dục. Khi ông bị thương nặng và đưa vào bệnh viện, cơ thể ông Dương rơi vào tình trạng suy kiệt nặng. Người nhà tiết lộ toàn thân thể ông đầy vết bầm tím, dưới móng chân còn có vết bị tăm tre xuyên qua.”

“Minghui.org còn đưa tin, hồi tháng 3/2017 bà Hàn Hồng Hà cũng qua đời khi bị cảnh sát giam giữ. Bà Hàn bị cảnh sát Đại An, tỉnh Cát Lâm bắt giữ từ tháng 10/2016. Cảnh sát tra tấn tàn khốc hòng ép buộc bà từ bỏ đức tin với Pháp Luân Công, nhưng bà Hàn vẫn kiên định không lay chuyển.”

ĐCSTQ vươn “vòi bạch tuộc” sách nhiễu đến Hồng Kông

Báo cáo cũng đề cập rằng, nhiều hoạt động của Pháp Luân Công ở Hồng Kông đã bị ĐCSTQ sách nhiễu, bao gồm cả hoạt động căng biểu ngữ và áp phích kêu gọi chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công và đưa Giang Trạch Dân ra công lý trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 6/2017.

“Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông nghi ngờ rằng, ĐCSTQ đã bỏ tiền để thuê một nhóm người chuyên sách nhiễu các sự kiện của Pháp Luân Công, bao vây nhóm những người tập Pháp Luân Công và còn dùng loa hò hét lớn gây cản trở các hoạt động của họ.” Ngoài ra, việc thuê địa điểm tổ chức các sự kiện của Pháp Luân Công ở Hồng Kông cũng gặp không ít khó khăn từ cả phía chính phủ và một số nhà cung cấp tư nhân.

Theo The Epoch Times đưa tin, hồi tháng 7/2017, Hồng Kông đã cấm 43 cư dân Đài Loan nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông. Những cư dân Đài Loan này đến Hồng Kông để tham gia sự kiện của Pháp Luân Công. Hải quan không hề giải thích lý do, chỉ yêu cầu họ phải lập tức quay trở lại Đài Loan. Không khó để có thể thấy việc này là do ĐCSTQ tác động gây sức ép hòng ngăn cản các hoạt động công khai của Pháp Luân Công tại Hồng Kông.

Theo Trithucvn