Tân Sinh

Nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với ước tính trước đây

Tóm tắt bài viết

  • Báo cáo cập nhật cho thấy số lượng ca ghép tạng lên đến 1,5 triệu, đa phần là từ học viên Pháp Luân Công
  • Tội ác mới được cập nhật vào báo cáo: nhựa hóa cơ thể người
  • Với một số bệnh viện thì cấy ghép tạng là hoạt động kinh doanh chính

Một thập kỷ trước, hai người Canada đã công bố một báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc. Bản báo cáo gây sốc đến mức nhiều người thấy khó tin.

Kể từ đó, cuộc điều tra vẫn tiếp diễn và họ hiện đã cập nhật những phát hiện của mình trong một bản báo cáo nêu chi tiết về một ngành công nghiệp liên quan tới thu hoạch nội tạng người ở Trung Quốc.

Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh kiêm nghị sĩ quốc hội liên bang Canada, cùng luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã công bố bản báo cáo ban đầu của họ vào tháng 7/2006. Vào ngày 24/6 năm nay, cả hai đã quay lại Ottawa cùng với nhà báo điều tra và tác giả Ethan Gutmann để công bố báo cáo điều tra được cập nhật. Báo cáo điều tra này cập nhật số lượng các ca ghép tạng ở Trung Quốc lên 1,5 triệu.

Luật sư nhân quyền quốc tế người Canada David Matas nói chuyện với các phóng viên tại Ottawa vào ngày 24/6/2014 về bản báo cáo được cập nhật về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc mà ông viết cùng với hai ông David Kilgour và Ethan Gutmann.(Jonathan Ren/NTD Television)

Nguồn của những nội tạng này không minh bạch khi chính quyền Trung Quốc nói có 10.000 đến 20.000 ca ghép tạng diễn ra hàng năm nhưng theo báo cáo điều tra cập nhật dài 817 trang thì con số này ước tính khoảng 100.000.

Ông Kilgour cho biết: “Con số mới được điều tra từ hàng nghìn tài liệu đã chỉ ra rằng quy mô cấy ghép nội tạng là lớn hơn nhiều lần so với nhận thức trước đó”.

Hơn nữa, mặc dù đã có một vài báo cáo và cuộc điều tra bao quát về vấn đề này nhưng nạn thu hoạch nội tạng vẫn chưa chấm dứt.

“Trong 15 năm qua, trên khắp Trung Quốc đã xảy ra tình trạng đánh cắp và buôn lậu nội tạng của tù nhân lương tâm trong đó phần lớn là từ những học viên Pháp Luân Công, cũng như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và một số tín đồ Thiên Chúa giáo, để cung ứng cho một ngành công nghiệp sinh lời khổng lồ đáng ghê tởm. Các bệnh nhân nhận ghép tạng là người Trung Quốc giàu có và khách du lịch ghép tạng” ông Kilgour phát biểu.

Pháp Luân Công, còn được biết đến là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn thiền định được giới thiệu ra công chúng lần đầu ở Trung Quốc vào năm 1992, và trở nên vô cùng phổ biến trong một khoảng thời gian ngắn, với chính phủ Trung Quốc ước tính số người tập luyện từ 70 đến 100 triệu người. Sự phổ biến rộng rãi của môn tập truyền thống này đã trở thành một mối lo ngại của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc đó là ông Giang Trạch Dân, người đã phát động một cuộc đàn áp đối với môn tập này vào năm 1999. Theo lời khẳng định từ một quan chức mà các điều tra viên giấu mặt có được thì ông Giang đã trực tiếp ra lệnh sử dụng các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng.

Ngành công nghiệp tỷ đô

Lợi nhuận tạo ra từ việc bán nội tạng là lên đến hàng tỷ USD. Ông Matas cho biết, với số lượng các ca cấy ghép có liên quan hàng năm được cập nhật, các con số ước tính hiện thậm chí còn cao hơn trước đó.

Nhà báo điều tra Ethan Gutmann nói chuyện với các phóng viên tại Ottawa vào ngày 24/6/2014 về bản báo cáo được cập nhật về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc mà ông viết cùng với hai ông David Matas và David Kilgour.(Jonathan Ren/NTD Television)

Ông Matas cho biết: “Ngoài ra, giá ghép tạng đã tăng lên theo thời gian, một phần là do lạm phát, và một phần là do chính phủ Trung Quốc đã che giấu và họ tính giá cao hơn cho công việc lén lút này”.

“Nếu sử dụng những con số cũ, thì nó khoảng từ 6 đến 10 tỉ USD một năm nhưng nếu cập nhật thêm thì nó phải hơn 12 tỉ USD. Đây là một con số khổng lồ. Các bệnh viện nói rằng đó là cỗ máy in tiền lớn nhất của họ. Về cơ bản, đây là hoạt động kinh doanh chính của những bệnh viện này”.

Ông Gutmann là tác giả của cuốn sách “Cuộc tàn sát” ra mắt năm 2014. Cuốn sách này là thành quả của bảy năm nghiên cứu và điều tra về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức tù nhân lương tâm. Trong sách, ông đã cung cấp chi tiết cách tinh toán để tính ra được số ca ghép tạng mỗi năm tại các bệnh viện Trung Quốc.

Ông Gutmann cho biết: “Quay trở lại năm 2013, nếu tôi được phát biểu cùng với một trong hai ông David hoặc tự mình nói chuyện với một thính giả đến từ một trường đại học hoặc Tổ chức Ân xá quốc tế ở Châu Âu, tôi sẽ bảo họ tìm trên Google về ‘trung tâm cấy ghép nội tạng Thiên Tân’. Kết quả tìm kiếm sẽ là: Một mẩu quảng cáo bằng tiếng Anh về trung tâm cấy ghép này để kêu gọi người nước ngoài đến Trung Quốc với nội dung: “Chúng tôi là nơi tốt nhất để cấy ghép tim và phổi’”.

“Điều này chứng minh rằng Trung Quốc công khai quảng cáo ở trên mạng rằng họ có nội tạng. Đáng lẽ họ phải cấm tất cả các tour du lịch cấy ghép tạng sau khi bản báo cáo ban đầu của hai ông Kilgour-Matas được công bố. Nhưng tất nhiên là họ đã không làm thế. Họ tiếp tục quảng cáo, nhưng bằng một cách thức kín đáo hơn”.

Các cuộc điều tra từ những nguồn khác nhau, bao gồm quảng cáo trực tuyến và liên lạc nội bộ tại bệnh viên này, cho thấy nó có 500 cho đến 700 giường bệnh dành riêng cho cấy ghép tạng. Và tỉ lệ sử dụng các giường bệnh này là từ 100% cho đến 131%. Bệnh viện này tuyên bố rằng có những lúc họ phải cho bệnh nhân nghỉ tạm trong khách sạn do hết giường.

Ông Gutmann cho biết ước tính số ca cấy ghép chỉ tính ở bệnh viện này tối thiểu là 5.000 ca một năm. Một bệnh viện lớn khác, bệnh viện 309 của Quân giải phóng Nhân dân tại Bắc Kinh, được ước tính thực hiện khoảng 4.000 ca cấy ghép mỗi năm. Với các thông tin như: số lượng 146 bệnh viện được Bộ Y tế Trung Quốc cấp chứng nhận được quyền ghép tạng, công suất của những bệnh viện này và các thông tin khác, các tác giả có thể ước tính ra được tổng số ca ghép tạng hàng năm ở Trung Quốc.

Thêm tội ác mới được cập nhật: Nhựa hóa cơ thể người

Ngoài việc cập nhật về số lượng các ca cấy ghép, bản báo cáo còn tập trung vào một số phạm vi khác.

Bản báo cáo điều tra sự bao che của ĐCSTQ đối với vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức và nỗ lực che giấu số ca cấy ghép tạng tại từng bệnh viện của chính quyền Trung Quốc. Bản báo cáo cũng nghiên cứu các nhân tố đằng sau số lượng các ca cấy ghép, và cơ chế mà chính quyền Trung Quốc đã xây dựng xung quanh việc thu hoạch nội tạng, các phạm nhân, và những tuyên bố gần đây của ĐCSTQ về cải cách cấy ghép tạng. Ngoài ra, bản báo cáo đề cập đến hoạt động nhựa hóa xác người – là quá trình thay thế dịch cơ thể ở trong một xác chết bằng nhựa để trưng bày tại các triển lãm.

Ông Matas cho biết: “Có bằng chứng thuyết phục rằng các học viên Pháp Luân Công bị giết hại để lấy nội tạng và lấy thân thể đem đi nhựa hóa. Bằng chứng vạch trần tội ác này cũng là bằng chứng vạch trần cho một tội ác khác”.

Vấn đề nguồn cung nội tạng

Tình trạng mổ cướp ở Trung Quốc không thể được giải quyết bằng việc ngăn chặn người ta đến quốc gia này cấy ghép nội tạng, ông Matas cho biết. “Nếu chúng ta hoàn toàn chấm dứt ngành du lịch ghép tạng thì nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc vẫn có thể tiếp diễn”.

Tuy nhiên, các quốc gia khác phải có nghĩa vụ để tránh việc đồng lõa trong tội ác này, ông cho biết.

(Từ trái sang phải) Luật sư nhân quyền David Matas, Cựu bộ trưởng ngoại giao khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour, và nhà báo điều tra và tác giả Ethan Gutmann tham dự vào một cuộc họp báo về việc công bố bản báo cáo được cập nhật về thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc tại Ottawa vào ngày 24/6/2016. (Jonathan Ren/NTD Television).

“Sự chênh lệch lớn giữa  số lượng các ca ghép tạng và số người hiến tạng ở Trung Quốc hiện nay cho thấy rằng nước này đang vi phạm nhân quyền trầm trọng.”

Hai ông Kilgour và Matas đã xin visa vào Trung Quốc để đích thân điều tra sâu hơn về vấn đề này nhưng đã bị từ chối.

Omid Ghoreishi, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Thanh Nguyên biên dịch

Theo daikynguyenvn.com

>> Tại sao ĐCS Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công?