Trong bối cảnh Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông cáo từ chối visa và nhập cảnh đối với những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng – bao gồm cả những người đàn áp Pháp Luân Công, đồng thời tiếp nhận danh sách do những người tập Pháp Luân Công đệ trình, các quan chức Canada đang kêu gọi chính phủ Canada thực hiện một điều tương tự.
Tháng 7 vừa qua, tin tức về việc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tìm cách ngăn chặn các quan chức liên quan tới đàn áp Pháp Luân Công nhập cảnh vào Mỹ được công bố. Bên cạnh đó, cùng với việc các đạo luật ngân sách của Mỹ dần được thông qua, các điều khoản quan trọng trong mục “Anti-Kleptocracy And Human Rights” của Dự luật Ngân sách Hợp nhất 2019 cho phép cấm visa đối với người nhà trực tiếp của các quan chức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột, vợ, chồng, con cái, cũng sẽ được thông qua. Những điều này cho thấy một bước tiến mới trong thái độ của Mỹ đối với cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Bình luận trước bước tiến này, các quan chức chính phủ Canada cho biết, họ cũng đang kêu gọi chính phủ thực thi những biện pháp tương tự Hoa Kỳ.
Bà Judy Sgro, Nghị sỹ Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nhập cư.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nhập cư hy vọng chính phủ mạnh mẽ hơn
Bà Judy Sgro là Nghị sỹ Quốc hội Canada trong 20 năm, và là nguyên Bộ trưởng Bộ Nhập cư và Quốc tịch. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Nghị sỹ Sgro cho biết: “Cộng đồng Pháp Luân Công đang sống và thực hành những giá trị nền móng mà theo đó chúng ta xây dựng đất nước của mình. Tôi thật sự không thể hiểu được tại sao ai đó lại gặp phải vấn đề không tôn trọng toàn thể cộng đồng người tập Pháp Luân Công.”
Bà Sgro cho biết thêm: “Mặc dù cuộc đàn áp ở Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, nhưng việc bức hại những người vô tội là hoàn toàn không chính đáng và không công bằng.” Bà nói rằng những người dính líu vào sự việc này sẽ phải chịu trách nhiệm.
Bà Judy Sgro cũng chỉ ra: “Họ tẩu thoát được bởi vì phần còn lại của thế giới chưa lên án mạnh mẽ. Khi quốc hội họp trở lại vào mùa thu này, tôi hy vọng chúng ta sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trước đây.”
Bà Sgro mong đợi Canada sẽ xây dựng những chế tài pháp lý tương tự như ở Hoa Kỳ dựa trên Đạo luật Magnitsky, vốn đã được Canada ban hành vào gần 2 năm trước. Bà cho biết: “Dù chúng ta đang nói về những người đàn áp Pháp Luân Công, hay chúng ta đang nói về những người tham gia vào sự diệt chủng hàng loạt, hay những người không tôn trọng nhân quyền thì đất nước chúng ta sẽ không cấp bất kỳ đặc quyền nào cho họ trong việc xin visa nhập cảnh vào Hoa Kỳ, Canada hay Úc.”
Nghị sỹ Sgro cũng gửi lời tới cộng đồng Pháp Luân Công ở Trung Quốc: “Hãy bảo trọng. Các bạn hãy nhớ rằng có rất nhiều người trên thế giới này yêu mến và kính trọng các bạn, và chúng tôi muốn các bạn được an toàn. Chúng tôi sẽ là tiếng nói của các bạn ở đây, tại đất nước Canada này.”
“Một trong những hành động tàn ác nhất chống lại nhân loại”
Ông Con Di Nino, nguyên Thượng Nghị sỹ Canada, đã bày tỏ sự quan tâm đối với cộng đồng Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta không bao giờ được ngừng lên án sự bất công xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới, cho dù là ở Trung Quốc hay Canada. Nếu chúng ta không làm vậy, thì xã hội này sẽ sụp đổ.” Ông cho hay xã hội Canada dựa trên hòa bình, độ lượng và thấu hiểu lẫn nhau.
Ông Di Nino nói: “Một ví dụ đáng nói nhất là Trung Quốc ngăn cản quyền tự do báo chí, điều mà ĐCSTQ đã không chịu thừa nhận. Như vậy, họ đang muốn che giấu điều gì? Tại sao họ lại không để những người trong chúng ta muốn đến đó để xác minh?”
Ông Con Di Nino, nguyên Thượng Nghị sỹ Canada.
Từng làm việc tại Thượng viện Canada trong 22 năm, là nhà đồng sáng lập “Hội những người bạn của Pháp Luân Công” trong Quốc hội Canada, ông Con Di Nino cho biết cuộc đàn áp mà cộng đồng Pháp Luân Công đang phải trải qua ở Trung Quốc, đặc biệt là hành vi mổ lấy các bộ phận của cơ thể người mà không được sự cho phép là “một trong những hành động tàn ác nhất chống lại nhân loại.”
“Mọi người không được bỏ qua thảm kịch này và không làm gì cả,” ông Di Nino nói. “Tất cả các chính phủ trên thế giới cần phải đứng lên và phê phán, cho dù họ có mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.” Ông Di Nino hy vọng những nỗ lực lập pháp dựa trên Đạo luật Magnitsky sẽ sớm có hiệu lực để trừng phạt những người vi phạm nhân quyền.
Truyền thông Canada lên tiếng
Được biết trước đó, vào tháng 5, tờ National Post của Canada từng đăng tải ý kiến của các chuyên gia kêu gọi Canada cấm vận các quan chức Trung Quốc theo đạo luật Magnitsky, một đạo luật được nước này ban hành với nhiều quy định về các biện pháp trừng phạt những quan chức nước ngoài tham nhũng và lạm dụng nhân quyền.
Trong bài báo, ông Irwin Cotler, một luật sư nhân quyền hàng đầu ở Montreal, cựu bộ trưởng tư pháp liên bang, cho biết: “Nếu các lãnh đạo Trung Quốc không tự chịu trách nhiệm… thì ít nhất tại Canada, chúng ta cần cấm visa, tịch thu tài sản của họ, hay làm những việc tương tự.”
Còn ông Charles Burton, một nhà ngoại giao từng làm việc ở Bắc Kinh, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Đại học Ontario chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng người Canada muốn chính phủ của họ không hèn nhát.”
Theo Minghui
Minh Nhật tổng hợp