Sau khi tìm hiểu về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trong đó có nạn thu hoạch nội tạng sống các tù nhân lương tâm của chính quyền nước này, một số nhân vật nổi tiếng ở Slovakia đã thể hiện sự đồng cảm và ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công bị bức hại. Họ đã biết đến tình hình ở Trung Quốc qua một video do Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) thực hiện có sự tham gia của Tiến sỹ Vương Trí Viễn, một điều tra viên của tổ chức này.
Các nhân vật của công chúng bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công gồm có ông František Mikloso, cựu Nghị sỹ và cựu chủ tịch Hội đồng Quốc gia Slovakia; ông Juraj Nvota, đạo diễn kiêm diễn viên người Slovakia; bà Eva Gray, bác sỹ và giáo sư đại học; và ông Vladimir Krcmery, bác sỹ, nhà khoa học người Slovakia, đồng thời là hiệu trưởng của một trường đại học tư.
Ông František Miklosko, cựu Nghị sỹ và cựu chủ tịch Hội đồng Quốc gia Slovakia, tuyên bố:
“Bạo lực hay vật chất không thể khuất phục được sức mạnh tinh thần.”
“Khi tôi xem bộ phim của Tiến sỹ Vương về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, khi tôi nghe một nghị quyết của Thượng viện Hoa Kỳ về cuộc bức hại Pháp Luân Công, khi tôi nghe nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về chủ đề này, và khi tôi được biết Israel và Đài Loan đã có luật ngăn cấm công dân của họ làm phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc, tôi cảm thấy kinh hoàng, khiếp đảm đến điếng người.”
“Hiện giờ Trung Quốc đang hãnh diện về sức mạnh kinh tế, những con tàu cao tốc, v.v.., nhưng tất cả những điều đó đều trở nên vô nghĩa khi họ bức hại các học viên Pháp Luân Công. Điều đó chẳng có nghĩa lý gì, bởi những thành tựu to lớn của quốc gia này sẽ bị cuộc bức hại làm cho ô uế mãi mãi.”
“Tôi bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công bị bức hại. Tôi đứng về phía tất cả những người bị bức hại vì đức tin của họ. Tôi bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với khổ đau của họ. Tôi nguyện cầu cho họ.”
“Tôi kiến nghị và yêu cầu các đại diện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấm dứt cuộc bức hại này và cho phép người dân được tự do sống với tín ngưỡng của mình.
“Tôi tin rằng những lời này, dù chỉ từ một đất nước Slovakia nhỏ bé, một ngày nào đó sẽ trở thành sự thật.”
Đạo diễn kiêm diễn viên điện ảnh Juraj Nvota cho biết:
“Tôi tin tưởng và hiểu rõ rằng đức tin, hy vọng và tình yêu là không thể vùi dập. Lãnh đạo Trung Quốc có thể nhớ lại xem Kreont, Herodes, Macbeth, Hitler và Stalin đã kết thúc như thế nào.
“Giờ đã là thế kỷ 21. Một điều gì đó kinh hoàng đang diễn ra trong khi chúng ta, phần còn lại của thế giới, lại im lặng. Nhưng tôi tin rằng tình yêu và đức tin rồi sẽ thắng thế trong giai đoạn này của lịch sử loài người.”
Về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng, ông Juraj Nvota nói:
“…Nạn buôn bán nội tạng đang phát triển mạnh ở Trung Quốc là một thực tế đáng sợ. Người dân từ khắp nơi trên thế giới đến đó để mua lấy sức khỏe, nhưng đổi lấy điều đó là việc sát hại hay cái chết của một học viên Pháp Luân Công. Đây là một thực trạng không thể dung hòa.”
“Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy chấm dứt những bước đi đẫm máu của họ.”
“Tôi tin rằng các học viên Pháp Luân Công sẽ tìm được cách phá vỡ những trái tim bọc thép của chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc.”
Bà Eva Gray, bác sỹ kiêm giáo sư đại học, kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nhanh chóng hành động. Bà nói:
“Khi tôi lần đầu nhìn thấy các cuộc triển lãm cơ thể người bằng nhựa hóa không có da và nhận thấy có nhiều cuộc triển lãm như thế; những người này lại không có dấu hiệu bị bệnh hoặc bị thương tổn, tôi đã cảm thấy rất tệ.”
“Rồi khi tôi đọc các báo cáo chỉ ra những nghi vấn hết sức nghiêm trọng trong việc cấy ghép nội tạng không tự nguyện được thực hiện trên các tù nhân chính trị ở Trung Quốc, tôi liền xâu chuỗi hai điều này lại với nhau và nhận ra rằng rất có thể những cơ thể người không có bộ da này thực ra là phần còn lại của việc cấy ghép nội tạng phi pháp mà bộ máy lớn ở Trung Quốc, do chính phủ hỗ trợ, đã khởi xướng.”
“Đối với tôi, bất kỳ sự ngược đãi nào đối với con người đều không thể chấp nhận được, và thật không công bằng và không thể chấp nhận khi bức hại người dân vì quan điểm chính trị, tín ngưỡng hay sắc tộc của họ. Do vậy, tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc hãy chấm dứt việc bức hại người dân vì đức tin của họ. Tôi kêu gọi chấm dứt mọi hành vi bạo lực đối với các tù nhân chính trị và các tù nhân khác, và tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề này.”
“Đồng thời, tôi kêu gọi tất cả những người có thiện chí không thờ ơ với những người ở một nơi khác trên thế giới đang bị bức hại chỉ vì họ muốn thực hành đức tin của mình, hoặc muốn bày tỏ ý kiến của mình, hoặc vì họ từ một nhóm sắc tộc khác. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ không thờ ơ với những điều này.”
“Những người trong Thế chiến II ở Châu Âu chắc chắn đã từng điều tra những nghi ngờ bạo lực trong các trại tập trung trước đó. Người ta cho rằng những nghi ngờ này là không có cơ sở và do đó cuộc điều tra đã không được tiến hành đúng lúc. Chúng ta không nên cho phép những điều tương tự xảy ra, chúng ta phải đứng về phía những người bị bức hại, và chúng ta phải luôn đứng về phía công lý và tự do.”
Ông Vladimir Krcmery là một bác sỹ người Slovakia, nhà khoa học, chuyên gia về y học nhiệt đới, đồng thời là nhà sáng lập các cơ sở y tế và xã hội và các phái đoàn công tác nhân đạo nước ngoài ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Ông cũng là hiệu trưởng của trường đại học tư thục về Y tế và Công tác Xã hội ở St. Elizabeth thuộc Bratislava. Sau khi biết đến nạn thu hoạch nội tạng sống ở Trung Quốc, Tiến sỹ Krcmery tuyên bố:
“Nếu cộng dồn những ngược đãi đối với cha tôi, anh rể tôi và đặc biệt là chú tôi, gia đình chúng tôi đã sống tổng cộng 21 năm bên nhau trong ngục tối của cộng sản.”
“Tất cả những người Slovakia đã sống sót sau các cuộc thẩm vấn về an ninh quốc gia hoặc sau bất kỳ sự áp bức nào từ cộng sản, dù là về phương diện chính trị hay tín ngưỡng, đương nhiên sẽ hình thành một sự đồng cảm và ủng hộ [với những người bị bức hại khác] bởi vì họ đã trải qua điều đó.”
“Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là khuyến khích thế hệ trẻ, những sinh viên đại học chưa từng trải qua điều đó, nhận ra rằng việc đấu tranh cho quyền con người không hề dễ dàng. Nên xem đó là một món quà, mà nhiều người chúng ta phải trải qua khổ đau để có được. Tôi không muốn dùng từ ‘chiến đấu’ vì tôi thích tinh thần [bất bạo động] của Pháp Luân Công, và theo cách nhẫn chịu này, họ cố gắng thay đổi tâm hồn của những kẻ áp bức, cải biến những kẻ áp bức bằng cách phi bao lực.”
Theo Minh Huệ Net