Anastasia Lin, một nữ diễn viên người Canada gốc Hoa, từng là Hoa hậu Thế giới Canada năm 2015. Cô hiện là đại sứ của Viện Macdonald-Laurier về chính sách Trung Quốc và là một thành viên cấp cao của Trung tâm Raoul Wallenberg về Quyền con người. Dưới đây là bài viết của cô trên tờ Wall Street Journal, kể về quá trình thức tỉnh của một người từng thù hận – sang thành người bảo vệ lẽ phải cho Pháp Luân Công.

Hoa hậu Anastasia Lin nói về Pháp Luân Công
Anastasia Lin nói về nhân quyền tại Hội nghị Nhân quyền và Dân chủ tổ chức ở Geneva. (Ảnh qua GenevaSummit.org)

Lớn lên tại Trung Quốc, tôi từng được người ta dạy rằng Pháp Luân Công là một ‘tà giáo’. Nhưng giờ tôi hiểu ra, đó là điều dối trá.

Tôi từng là một Đoàn viên phụ trách trong Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc khi còn học ở trường cấp 2. Tôi được giao nhiệm vụ tổ chức trình chiếu cho cả lớp xem và thảo luận về các bộ phim đả kích những kẻ thù của Đảng. Một trong những mục tiêu bị phỉ báng là Pháp Luân Công, thứ bị những bộ phim tuyên truyền kia mô tả là “tà giáo.” Nhưng khi lên 14 tuổi, một năm sau khi di cư đến Canada cùng mẹ mình, tôi nhận được một tờ rơi do một học viên viết. Những thông tin không kiểm duyệt đó đã mở mắt cho tôi.

Pháp Luân Công được giới thiệu lần đầu ra công chúng năm 1992, nhưng lại có nguồn gốc sâu xa từ những triết lý truyền thống về tu luyện tinh thần của Trung Quốc cổ đại. Cuộc Đại Cách mạng Văn hóa đã cố gắng quét sạch những đức tin truyền thống của Trung Hoa và thành công tạo ra một khoảng trống tinh thần – và cả một cơn khát cần được lấp đầy.

Tới những năm 1990, hàng trăm trường phái khí công đã xuất hiện. Khí công về cơ bản giống như yoga phiên bản Trung Quốc, bạn luyện hít thở, thực hiện các động tác và thiền định. Để tránh bị Đảng dán nhãn “mê tín dị đoan”, các lớp dạy khí công thường rất ít đề cập đến khía cạnh tinh thần, mà chỉ nhấn mạnh vào các lợi ích sức khỏe của việc luyện công.

Nhưng Pháp Luân Công – với năm bài công pháp chậm rãi kết hợp thiền định – lại kiên trì với những yếu tố tinh thần. Những nguyên tắc của Pháp Luân Công xoay quay Chân – Thiện – Nhẫn, lần lượt là những giá trị cốt lõi của Đạo gia, Phật gia và Nho gia ở Trung Quốc. Sau hàng thập kỷ bị nhồi nhét chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa vật chất, rất nhiều người Trung Quốc đã chú ý tới môn khí công này, và chính phủ ban đầu còn ủng hộ những lợi ích sức khỏe mà pháp môn mang lại. Tới đầu năm 1999, chính quyền Bắc Kinh ước tính có 70 triệu người đang theo tập Pháp Luân Công.

Nhưng rồi kiềm tỏa xuất hiện. Chính quyền, vốn đã quen coi các đoàn hội độc lập là nguy cơ tiềm ẩn, đã nỗ lực trong mấy năm trời để áp chế các lớp dạy khí công. Chỉ có các học viên Pháp Luân Công là dám đứng lên công khai có ý kiến. Ngày 25/4/1999, gần 10.000 học viên đã tập trung ở đầu não của chính quyền ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh và tạo nên cuộc thỉnh nguyện ôn hòa lớn nhất kể từ cuộc biểu tình tại Thiên An Môn 10 năm trước đó.

Ngày 20/7/1999, chính quyền chính thức dán nhãn Pháp Luân Công là “tà giáo” và bắt đầu một chiến dịch bức hại vẫn còn tiếp diễn cho tới tận hôm nay. Truyền thông chính thống đã phỉ báng Pháp Luân Công và vu vạ các học viên thành những kẻ phi nhân tính mà toàn xã hội phải tẩy chay. Những cán bộ lớp như tôi phải đi truyền bá lại sự căm thù đấy cho các học sinh khác. Hàng trăm ngàn học viên bị bỏ tù, bị tra tấn, bị “chuyển hóa”, mà mục đích chính là ép họ phải từ bỏ đức tin. Hàng ngàn người đã không thể sống sót nổi qua kiếp nạn này.

>> TT Trump gặp gỡ người tập Pháp Luân Công và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo

Bất chấp sự tàn bạo vô hạn độ, những chiến thuật bức hại tín ngưỡng ấy không phải lúc nào cũng thành công. Khi chuẩn bị vào vai một học viên Pháp Luân Công trong bộ phim “Lưỡi dao rỉ máu” (Bleeding Edge) năm 2016, tôi đã nói chuyện với những người sống sót chạy được sang trời Tây. Hai người trong số họ, chị em Jing Cai và Jing Tian, nói với tôi rằng họ đã bị đẩy vào trong một trại lao cải (cải tạo lao động), tại đó họ bị tra tấn bằng dùi cui sốc điện và đóng que tre vào móng tay, cảnh sát còn bức thực họ trước mặt nhau khi họ tiến hành tuyệt thực. Tới lúc sắp chết họ mới được thả ra khỏi tù. Cuối cùng họ phải trốn khỏi Trung Quốc, sau đó được các học viên hải ngoại cứu giúp rồi thành công xin tị nạn tại Canada.

Nhà báo Ian Johnson của tờ Wall Street Journal cũng đã viết một bài báo vào tháng 4/2000, một năm sau sự kiện Trung Nam Hải, nói rằng “đức tin vào Pháp Luân Công, rất có thể, là thách thức dai dẳng nhất cho chính quyền trong vòng 50 năm cai trị của chế độ cộng sản.” Thách thức đó vẫn còn tiếp diễn cho tới hôm nay, ngay cả khi cuộc bức hại đã được nâng cấp thành giết người hàng loạt.

Tòa án độc lập về Trung Quốc diễn ra tại nước Anh tháng trước đã tuyên bố: “Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô đáng kể và các học viên Pháp Luân Công là một – và rất có thể là nguồn cấp nội tạng chính.” Ước tính có từ 60.000 đến 90.000 ca ghép tạng được thực hiện hàng năm ở Trung Quốc – tại một xã hội không có truyền thống tự nguyện ghép tạng và cũng không có hệ thống hiến tạng cho tới tận năm 2013.

Từ khi được khai sáng sự thật năm 14 tuổi, tôi đã kinh hãi nhận ra rằng toàn bộ những gì mình tin tưởng chỉ là một trò dối trá. Tôi tức giận vì bị lừa đồng lõa vào việc phát tán sự thù hận và ma quỷ hóa những người vô tội. Nhưng tôi cũng cảm thấy được tự do, vậy nên tôi bắt đầu đọc các cuốn sách của Pháp Luân Công. Lúc đầu là vì tò mò. Nhưng rồi những nguyên lý cổ xưa đã giúp tôi kiểm soát cảm xúc của mình. Tôi trở nên đồng cảm hơn và từ tốn hơn khi phán xét ai đó. Tôi dần hiểu được cách làm sao để bình tĩnh mà không kích động, lắng nghe trái tim, và tìm thấy dũng cảm để đối mặt với thế giới.

anastasia-lin-no-makeupCô Anastasia Lin trong đời thường (ảnh: FB Anastasia Lin)

>> Vụ thi thể trong bê tông: Nghi can tập phương thức lạ, khác Pháp Luân Công

Tôi cũng phải đối mặt với định kiến và kỳ thị từ những người Hoa – cũng bị lừa như tôi trước kia, và từ những người phương Tây – những người đáng ra nên phải biết sự thật. Gán ghép một nhóm người nào đó thành “tà giáo” – là một chiêu tuyên truyền hiệu quả, ngay cả ở thế giới tự do.

Tôi đã tẩy tịnh bản thân khỏi những gì mà chế độ đã dạy và học được cách khâm phục sự tự chủ và dũng cảm của các học viên Pháp Luân Công. Họ đã chọn nhân tính và lương tri chứ không phải là vô thần và tôn sùng tiền bạc, ngay cả khi phải đánh đổi công việc, danh dự, hay trước sự tàn khốc của tra tấn và cái chết. Sau 20 năm, họ đã chứng thực được rằng: Tà nhất định không thể thắng Chính.

Theo Anastasia Lin/WSJ
Hạ Chi biên dịch (Trithucvn.net)