Hôn nhân là điều cần thiết để duy trì xã hội nhân loại, cũng là lời hứa đối với trời đất, cha mẹ, vợ hoặc chồng của mình. Tập tục và lễ nghi trong hôn lễ phương đông và phương tây đều là thể hiện ý nghĩa này. Trong quá trình hôn nhân, đòi hỏi nam nữ phải chung thủy, bất kể là bần cùng, ốm đau, bệnh tật, hoạn nạn, sống chết cũng không được ruồng bỏ hay phản bội, đều phải hết lòng tuân thủ thệ ước, tương kính lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau, gắn bó trọn đời, thực hiện lời thệ ước của chính mình. Hôn nhân là chuyện cả đời, bởi vì con người tin tưởng rằng ruồng bỏ và phản bội chính là sẽ gặp phải báo ứng.

Nhung-hinh-anh-tinh-yeu-buon-cho-nguoi

Người vợ Tào Khang không thể bỏ

Đại văn hào Tô Đông Pha thời Tống từng nói rằng “Cư phú quý giả bất dịch Tào Khang”, nghĩa là “Dù cho phú quý cũng không được ruồng bỏ Tào Khang”. Tào Khang trong câu nói này, chính là chỉ người vợ.

“Người vợ Tào Khang” sỡ dĩ được dùng làm cách xưng hô khác của người vợ, là bắt nguồn từ “Hậu Hán thư”: “Thần nghe nói, người bạn nghèo hèn không nên quên, người vợ Tào Khang không thể bỏ”. Đây chính là câu nói trích dẫn trong câu chuyện Quang Vũ đế thời Đông hán và đại thần của ông Tống Hoằng.

Tống Hoằng, tự Trọng Tử, vị quan nổi tiếng vào những năm đầu của triều đại Đông Hán, ông không chỉ được người đời ca tụng là bậc thanh liêm, đức độ, mà những việc ông làm trong việc xử lý mối quan hệ vợ chồng, cũng được người đời sau ca tụng.

Sau khi Quang Vũ Đế lên ngôi, Tống Hoằng được bái làm Thái Trung Đại phu, về sau lại làm đến chức Tư Mã. Ông là vị quan thanh liêm, dám đưa ra những lời khuyên thẳng thắn, rất được Quang Vũ Đế trọng dụng, sau được phong là Tuyên Bình hầu.

Một năm nọ, chồng của công chúa Hồ Dương, chị của Quang Vũ Đế mất. Quang Vũ Đế muốn thăm dò ý kiến của chị gái mình, thế là liền đem quần thần trong triều ra bàn luận. Công chúa nói: “Tống Hoằng tướng mạo trang nghiêm, phẩm đức và tài trí đều xuất chúng, đại thần trong triều quả thật không ai sánh bằng”. Điều này thật là đúng với tâm ý của Quang Vũ Đế.

Sau đó, Quang Vũ Đế liền triệu kiến Tống Hoằng, rồi bảo công chúa Hồ Dương ngồi phía sau tấm bình phong. Quang Vũ đế nói với Tống Hoằng: “Tục ngữ có nói, con người ta khi đã tôn quý liền đổi bạn bè, giàu có rồi thì sẽ đổi vợ, đây là chuyện thường tình của nhân gian, phải vậy không ?”. Tống Hoằng nói: “Thần cũng có nghe nói rằng, người bạn nghèo hèn không nên quên, người vợ Tào khang không thể bỏ”. Ý là nói: Những người bạn mà ta đã kết giao lúc còn hoạn nạn khó khăn không thể quên, người vợ cùng chung hoạn nạn với mình thì không thể ruồng bỏ. Thế là, Quang Vũ Đế đành phải thôi.

Tào Khang (bã cám) là thức ăn thô mà người nghèo khổ thường dùng để lót dạ, vậy nên “người vợ Tào Khang” được mọi người dùng để ví von người vợ cùng chung hoạn nạn lúc nghèo hèn, lại còn được gọi là Tào Khang, vợ Tào Khang.

Yến Anh giàu sang không đổi vợ

Yến Anh, còn gọi là Yến Tử, là nhà tư tưởng, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Xuân Thu. Vào thời Tề Cảnh Công nắm quyền, Yến Tử rất được Cảnh Công xem trọng.

Một ngày nọ, Tề Cảnh Công đến nhà Yến Tử làm khách, đang uống đến lúc hăng say, Cảnh Công trông thấy vợ của Yến Tử, bèn hỏi Yến Tử rằng: “Người vừa rồi là vợ của khanh chăng?”

Yến Tử đáp: “Vâng”

Cảnh Công cười nói: “Than ôi, sao lại già cả xấu xí thế này! Quả nhân có đứa con gái, trẻ trung xinh đẹp, chi bằng gả nó cho khanh vậy”

Yến Tử nghe xong, cung kính đứng dậy, rời khỏi bàn tiệc, thi lễ với Cảnh Công rồi nói: “Muôn tâu hoàng thượng, vợ thần bây giờ tuy đã già cả xấu xí, nhưng hạ thần đã chung sống với nàng rất lâu, tất nhiên lúc nàng còn là người thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp,thần cũng đã từng chứng kiến. Hơn nữa làm vợ người ta, vốn là đem cả tuổi thanh xuân gửi gắm cả đời cho đến lúc già, dung mạo xinh đẹp đã gửi gắm cho đến lúc già. Vợ thần khi còn trẻ trung xinh đẹp, đã đem cả đời mình phó thác cho thần, thần cũng đã chấp nhận, đã cùng thần chung sống nhiều năm như vậy, hoàng thượng bây giờ tuy ban đặc ân, nhưng Yến Anh nào có thể phản bội phó thác của nàng lúc còn trẻ đã trao cho thần ?”

Thế là, Yến Tử bái lạy tạ ơn, khéo léo từ chối Cảnh Công, Cảnh Công thấy Yến Tử coi trọng đạo nghĩa vợ chồng như vậy, liền không đề cập đến chuyện này nữa.

Lại có một lần, Điền Vô Phương khuyên Yến Tử từ bỏ người vợ già của mình đi, Yến Tử nói:“Yến Anh nghe nói, ruồng bỏ vợ già gọi là loạn, cưới nạp thiếp trẻ gọi là dâm; thấy sắc quên nghĩa, phú quý liền làm trái luân thường gọi là nghịch đạo. Yến Anh sao có thể có hành vi dâm loạn, bất chấp luân lý, làm trái với đạo cổ nhân như vậy được?”

Sử Đường lăng nhục vợ gặp ác báo

Văn hóa truyền thống có nói: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân”. Cổ nhân nhìn nhận rằng: ruồng vợ bỏ vợ tất sẽ gặp phải báo ứng.

“Cảm ứng phiên đồ thuyết” có chép rằng, Sử Đường, con người này, khi còn nghèo hèn thấp kém, đã lấy vợ, đợi đến sau khi thi đỗ công danh, cảm thấy bản thân chưa cưới được thiên kim tiểu thư nhà giàu có làm vợ, rất lấy làm tiếc nuối; liền dần dần xa lánh vợ, cũng không còn chung phòng với vợ nữa.

Người vợ uất ức thành bệnh, nằm liệt giường suốt mấy năm. Trước lúc chết, vợ y ở vách nhà kế bên hét to lên rằng: “Bây giờ thiếp sắp chết rồi, lẽ nào chàng vẫn nhẫn tâm không chịu đến thăm thiếp một lần hay sao?”. Sử Đường vẫn làm như không nghe thấy gì.

Sau khi vợ mất, Sử Đường lại nghe theo lời tà, lấy bùn đất bôi lên mặt vợ, dùng gông xiềng trói chặt thi hài vợ.

Buổi tối hôm đó, Sử Đường nằm mộng thấy người cha đã mất, đến trước mặt nói với y rằng:“Người phụ nữ đó đã không thể thác sinh làm người, lúc sống thì bị chà đạp hành hạ, khi chết lại bị lời nguyền (ám chỉ Sử Đường dùng tà thuật nguyền rủa chế phục vợ mình). Nhưng ngươi cũng vì những việc đã làm với người phụ nữ này, tuổi thọ, phúc lộc đều đã tiêu tan hết rồi!”

Một năm sau, Sử Đường quả nhiên mất mạng.

Bùi Chương và vợ khác nhau một trời một vực

Theo ghi chép trong “Khoa danh khuyến giới luật”, Bùi Chương là người Hà Đông, cha ông là chủ soái ở Kinh Châu. Có một vị tăng nhân tên Đàm Chiếu, đoán rằng danh vọng địa vị của Bùi Chương sẽ vượt xa cả người cha của mình.

Bùi Chương lúc còn trẻ, đã lấy một người phụ nữ họ Lý làm vợ, về sau nhậm chức ở Thái Nguyên, bỏ lại người vợ chính thất ở Lạc Trung, bản thân đi tìm niềm vui mới. Vợ ông, Lý Thị tự cảm thấy mệnh bạc, mặc áo vải thô, ăn chay trường, mỗi ngày tụng Kinh niệm Phật không ngừng nghỉ.

Qua mười năm sau, Bùi Chương lại gặp lại vị tăng nhân Đàm Chiếu, Đàm Chiếu kinh ngạc thốt lên: “Tôi vào mười năm trước, từng tiên đoán rằng lang quân sẽ phú quý tột cùng, hôm này đã tiêu sạch toàn bộ rồi, duyên cớ vì sao?”. Bùi Chương không thể giấu giếm, ông thú nhận là mình có ngoại tình ở Thái Nguyên, ngoài ra không làm chuyện gì khác trái với lương tâm. Đàm Chiếu nói: “Linh hồn của phu nhân, đã thăng lên trời rồi. Còn cậu, không lâu e rằng sẽ có đại nạn!”.

Thời gian ngắn sau đó, Bùi Chương đã gặp phải tai họa chết người như lời tiên đoán của nhà sư Đàm Chiếu. Trong khi đang tắm, một người hầu cận đã ám sát ông bằng cách mổ bụng. Tất cả bộ phận trong người của ông văng ra ngoài trước khi ông chết.

Giúp người ta viết thư bỏ vợ, bị tước bỏ công danh

Trong “Bắc Đông viên bút lục sơ biên” được viết bởi Lương Cung Thần vào triều đại nhà Thanh có ghi chép: ở vùng Ninh Ba triều đại nhà Thanh có một chàng thư sinh họ Cát, khi còn đi học, mỗi lần đến trường tư thục đi ngang qua một ngôi miếu bên đường, đều chắp tay hành lễ một cái rồi mới đi. Vị Thần trong miếu liền báo mộng cho ông Từ là người trông miếu, nói rằng: “Cát trạng nguyên mỗi lần đi ngang qua đây đều chắp tay hành lễ với ta, tiểu Thần như ta đây thật không chịu nổi, đành phải vội vàng đứng dậy né tránh, thật sự là không chịu nổi sự dày vò này. Ông nhất định cần phải một bức tường che ở trước cửa cho ta”. Chính ngay lúc ông Từ đang chuẩn bị đi ra khỏi làng dự tính việc xây dựng, lại mơ thấy vị Thần trong miếu nói: “Không cần nữa rồi, Cát thư sinh giúp người ta viết thư thôi vợ, thiên thượng đã tước bỏ công danh khoa cử của y rồi”.

Thì ra trong làng có người muốn từ bỏ vợ, liền bỏ ra một lượng bạc nhờ Cát thư sinh giúp ông ta viết thư thôi vợ. Cát thư sinh nghĩ thầm trong lòng: “Nếu ta không viết, thì ông ta cũng sẽ tìm người khác viết, cũng không cứu nổi vợ của ông ta thôi, trái lại còn làm tổn hại tình cảm giữa ta và ông ấy, kết hạ oán hận. Chi bằng hãy thuận nước đẩy thuyền mà gửi tặng chút nhân tình, kiếm một lượng bạc vậy”. Cát thư sinh liền hồ đồ viết ra. Đến khi nghe thấy ông Từ nói như vậy, mới lưng đẫm mồ hôi, hối hận đã muộn. Cát thư sinh liền tìm đến người muốn thôi vợ kia, ra sức khuyên giải để cứu vãn hôn nhân của vợ chồng họ. Về sau Cát thư sinh thi đậu cử nhân, nhưng không đậu được tiến sĩ, con đường công danh làm đến giám ty là cùng.

Tình cảm xung động nhất thời vốn không thay thế được lý trí và luân lý, phiền não của việc phá hoại hôn nhân mang đến cho người ta chưa chắc là ít phiền não hơn so với việc duy trì mối quan hệ hôn nhân. Hơn nữa con người ta trong sự vô tri mà bị sóng cuốn theo dòng, muốn sao làm vậy, lại không biết rằng như vậy sẽ tước giảm ân đức, mang đến báo ứng cho bản thân mình vậy.

Nguồn: Lặng nhìn cuộc sống